Ông lão đi rừng chặt gỗ bằng... đôi mắt mù

Thứ Ba, 19/11/2013, 15:00

Bị mù khi mới lên ba tuổi, tưởng rằng ông sẽ chịu khuất phục số phận, sống cam chịu cuộc đời của một người tàn tật, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có người giúp đỡ, ông đã tự rèn luyện và làm mọi việc trong gia đình bằng đôi mắt mù. Và điều khiến người dân xứ Mường ngạc nhiên, thán phục nhất là việc ông có thể tự lên rừng chặt gỗ, đốn củi và làm những điều mà người bình thường nhiều khi cũng không làm được. Ông là Bùi Văn Ngởi, xóm Khuyển, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình.

Mắt mù nhưng mọi giác quan đều nhanh nhạy

Để tìm vào nhà người được coi là "kỳ nhân có con mắt thứ ba" của người Mường, chúng tôi phải vượt một chặng đường dài gần 100 cây số, với đủ kiểu thời tiết của vùng rừng núi Hòa Bình khắc nghiệt, lúc nắng, lúc lạnh, lúc mưa, lúc sương giăng mù mịt. Con đường vào nhà ông Ngởi trơn trượt, lầy lội sau một trận mưa rừng xối xả. Đi từ đầu xóm hỏi thăm đã thấy người dân nơi đây hồ hởi kể về những "thành tích" của ông Ngởi. Ai cũng phải gật đầu tấm tắc khen: "Ông ấy mù nhưng giỏi lắm. Đi đường làng hay đường ruộng, đường rừng cứ phăm phăm, chả bao giờ giẫm phải ổ gà, ổ chó hay vấp ngã. Cô chú cứ vào bảo ông ấy lên rừng chặt vầu cho mà xem. Chuẩn lắm, khúc nào khúc ấy đều tăm tắp". Rất may trên đường vào nhà ông, chúng tôi gặp được ông Bùi Văn Quểnh, Trưởng ban công tác mặt trận xóm Khuyển và được ông đưa vào tận nơi.

Khi chúng tôi đến nơi, ông Ngởi đang lúi húi nhóm lửa đun nước ngay trong ngôi nhà sàn, nơi ăn ở sinh hoạt chính của đại gia đình ông. Nhìn thấy ông quẹt lửa, châm bếp rồi bê nồi nước to đặt lên bếp nhanh thoăn thoắt, chúng tôi không khỏi thán phục. Nghe tiếng xe máy rồi tiếng bước chân của ông Quểnh lên nhà sàn, ông đã quay ra hỏi: "Chú Quểnh đấy à?" làm chúng tôi cứ mắt tròn mắt dẹt. Ông Quểnh cười khà khà: "Cả cái xóm này, ai đến chơi là ông í biết ngay, dù không cần lên tiếng. Bởi nghe tiếng xe máy rồi tiếng bước đi là ông ấy đã nhận ra rồi".

Ông Ngởi sinh năm 1954. Lúc lên ba tuổi, ông bị đau mắt hột, vì gia đình không có tiền chạy chữa, một thời gian sau đôi mắt ông mờ dần rồi mù hẳn. Ba tuổi, ông Ngởi còn quá nhỏ để cảm nhận được hết cái thiệt thòi, khó khăn của việc thiếu đôi mắt sáng. Nhưng càng lớn lên, ông càng xót xa cho thân phận mù lòa bởi gia đình ông đông anh em, hoàn cảnh khó khăn, lại không có ai giúp đỡ, nên ông phải tự học cách thích nghi với cuộc sống. Lúc đầu, ông làm việc gì cũng phải có bố mẹ theo bên để hướng dẫn, chỉ bảo. Nhưng ông trời quả thật rất công bằng khi ban cho ông đôi tai thính, nhạy và khả năng cảm nhận, hình dung sự vật tinh tường.

Sau một thời gian dài được bố mẹ hướng dẫn, từ năm 15 tuổi ông đã tự làm mọi việc mà không cần ai giúp đỡ. Từ những việc nhỏ như cơm nước, nấu cám lợn, cho gà ăn… đến những việc lớn như lên rừng đốn củi, làm rẫy, không việc nào là ông không làm thành thạo. Điện đóm trong nhà cũng một tay ông mắc rất cẩn thận và khoa học. Ông bảo: "Từ những lần bố mẹ dẫn đi đường làng, ngõ xóm, tôi cứ hình dung ngôi nhà mình làm trung tâm rồi tính bước chân ra đến nhà hàng xóm, hay ngã ba, sông suối. Đi riết, làm riết rồi thành quen thôi".

Hằng ngày, ông Ngởi vẫn cơm nước, việc nhà cho cả gia đình.

Cách đây mấy chục năm, khi khu vực xung quanh xóm Khuyển rừng vẫn còn bạt ngàn, ngày nào người dân trong xóm cũng thấy ông Ngởi vác dao đi bộ hơn hai cây số vào rừng đốn củi đem về làm nhà, nhóm bếp, hay đem ra chợ bán lấy tiền để cải thiện đời sống gia đình. Khi gặp được cây gỗ cần dùng, ông chỉ việc dang tay ra ôm lấy cây để áng chừng xem cây đó có thể làm cột nhà không. Thậm chí, ông còn trèo cả lên cây để "đo độ dài" của cây gỗ, nếu ưng ý thì mới chặt hạ rồi nhờ người khiêng về. Mấy chục năm đi rừng chặt gỗ, chẳng bao giờ ông bị cây đổ vào người hay dao chặt vào tay bao giờ. Thậm chí ông còn tự điều chỉnh hướng cây đổ theo ý của mình.

Lúc đầu hàng xóm thấy thế làm lạ lắm, họ còn thách đố, đòi bịt mắt ông, nhưng khi thấy ông phăm phăm vào rừng chặt gỗ rất "ngọt", họ không khỏi ngạc nhiên, thán phục. Căn nhà sàn ông đang ở do chính bàn tay ông thiết kế và chặt gỗ, được sự giúp đỡ của anh em, hàng xóm dựng nên. Hiện nay, con cháu ông đều đã ở riêng nhưng ông vẫn gắn bó với ngôi nhà sàn đã sờn cũ này, bởi đây là vừa là kỉ niệm về những ngày tháng vất vả lên rừng kiếm gỗ dựng nhà, vừa là nét đẹp văn hóa của dân tộc Mường mà ông muốn giữ lại cho con cháu mai sau. 

Chục năm trở lại đây, do tuổi cao, sức yếu, con cháu không cho đi rừng nữa thì ông Ngởi lại chuyển sang chặt vầu, chặt nứa đem về phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Nhìn khu hàng rào làm bằng vầu đều chằn chặn, từ khoảng cách đến độ dài các đoạn cọc là đủ thấy ông Ngởi chặt tài đến mức nào.

Tuy mù mắt, nhưng ông Ngởi lại là trụ cột trong gia đình. Lúc các con còn nhỏ, công việc đồng áng, cày bừa đều do một tay ông đảm nhiệm, từ cuốc ruộng, phát nương đến chăn nuôi gà lợn trong nhà, chăm năm đứa con khôn lớn. Người sáng mắt cuốc ruộng chưa chắc đã thẳng hàng, nhưng ông Ngởi "mù" lại có thể cuốc đều tăm tắp. Đến lúc các con lớn thì ông lại trở thành "anh nuôi" trong nhà khi ngày ngày cơm nước, trông cháu cho các con đi làm. Vợ ông kém ông hai tuổi, nhưng bà hay ốm yếu, lại không nhanh nhẹn, nên mọi việc trong nhà đều đến tay ông. Bằng ấy năm cơm nước cho cả nhà, nhưng chưa bao giờ con cháu phải kêu ca phàn nàn về những bữa cơm khê, sống hay không ngon của ông.

Những khả năng đặc biệt

Nhiều người xóm Khuyển đến giờ vẫn thi thoảng nhắc lại câu chuyện ông Ngởi "mù" nghe thấy tiếng rắn cách gần chục mét. Một đêm mưa, ông Ngởi nằm nghe đài mãi không ngủ được. Tự nhiên có tiếng sột soạt ngoài vườn, ông Ngởi mới đi ra thì cảm thấy đôi rắn hổ mang đang trườn lại phía mình. Ông vội hô hoán hàng xóm sang giúp. Lúc ấy hàng xóm mới tá hỏa khi biết ông nghe thấy tiếng rắn hổ mang, còn ông thì hoảng hốt tưởng mọi người bị rắn cắn. Chiều nào cho gà ăn, người ta cũng thấy ông lẩm bẩm miệng đếm gà, tay ném thóc. Hôm nào không nghe đủ tiếng bước chân gà về là ông lại giục con cháu đi tìm gà cho ông ngay. Chỉ cần nghe tiếng chân đi là ông đã biết được đó là loài vật nào.

Căn nhà sàn do ông Ngởi lên rừng chặt gỗ và thiết kế.

Khi chúng tôi dò hỏi vì sao ông có thể làm những điều kì diệu như thế, ông chỉ cười hiền lành và bảo: "Do nghe nhiều, làm nhiều thôi chứ có gì đâu. Ví dụ như tiếng gà to thì tiếng chân đi nặng, gà nhỏ tiếng chân rất nhẹ. Nếu là rắn to, hoặc trăn thì tiếng bò rõ hơn và có thể có tiếng gãy lách tách của cành cây khô, nếu là rắn nhỏ thì chỉ nghe tiếng trườn dài".

Ông Bùi Cao Khải, Bí thư Đảng ủy xã Bảo Hiệu không giấu nổi sự kinh ngạc khi nói về "kì nhân xứ Mường" này: "Nhà tôi cách nhà ông Ngởi một cánh đồng, đồng thời cũng là trung tâm văn hóa làng, mỗi khi có họp hành, cả làng đều tập trung đến đây. Trong khi mọi người đều đi theo đường chính, vòng qua cánh đồng mới đến nơi thì ông Ngởi lại tự xắn quần đi tắt qua cánh đồng cho nhanh. Vậy mà không bao giờ ông bị ngã hay bị nhầm đường đi. Đi đường nào, ngã rẽ nào ông đi rất chuẩn, không cần phải có người chỉ dẫn". Những lần đi rừng hái được nấm về, chỉ cần lấy tay xé ra là ông có thể biết được nấm nào ăn được, nấm nào có độc. Thậm chí, đi cuốc ruộng ông bắt được cả rùa và ếch, đi phát nương ông tìm được trứng gà rừng.

Trước đây, khi xóm chưa có nước giếng, người dân vẫn phải ra ao gánh nước, ông Ngởi vẫn phăm phăm đi gánh nước về cho cả nhà dùng. Ông Quểnh cười sảng khoái: "Có lần chúng tôi trêu ông, đứng trước mặt ông mà không lên tiếng, nhưng ông vẫn vòng qua chứ không đâm thẳng vào người bao giờ. Riêng chuyện tiền nong đối với ông thì không ai bắt nạt được ông dù chỉ một đồng. Hằng tháng ông được lĩnh tiền trợ cấp dành cho người tàn tật, tự tay ông cất vào tủ. Vợ con ông có xin tiền thì ông tự đưa ra, không cho thừa, cũng không cho thiếu bao giờ". Tò mò, chúng tôi có biếu ông ít tiền với nhiều mệnh giá khác nhau, ông Ngởi chỉ vân vê vài giây là có thể nói chính xác mệnh giá từng đồng một.

Ai cũng ngạc nhiên nghĩ ông Ngởi là một "dị nhân" có con mắt thứ ba bởi những việc ông làm quá thuần thục, ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Nhưng ông Ngởi không bao giờ nhận đó là do khả năng đặc biệt của mình. Với ông, đó chỉ là do thói quen, do sự rèn luyện mà thành. Mặc dù thuộc hộ nghèo, nhưng ông Ngởi luôn có ý chí phấn đấu vươn lên bằng chính bàn tay khối óc của mình chứ không bao giờ dựa dẫm vào người khác. Có lẽ đó mới là điều khiến người dân xóm Khuyển cảm phục ông nhiều nhất.

Ông Bùi Văn Quểnh, cán bộ mặt trận xóm cho biết: "Đúng là ông Ngởi làm được những việc mà nhiều người không ngờ được. Không biết có phải do cảm nhận của ông hay là do ông được ưu tiên ưu đãi nhưng mọi thứ đều nằm trong tầm kiểm soát của ông. Một mình ông làm việc và chăm sóc, nuôi nấng 5 đứa con, trong khi vợ ông thì chậm chạp, ốm yếu, không làm được nhiều. Cả xóm này ai cũng phục ý chí và nghị lực của ông".

Ngọc Trâm
.
.
.