Pha chế thành công nước hoa của Nữ hoàng Cleopatra

Thứ Tư, 04/09/2019, 07:36
Từ một chút nước hoa còn sót lại trong một chiếc bình gốm, các nhà khoa học đến từ Đại học Hawai’i at Mānoa đã pha chế lại thành công loại nước hoa cổ xưa có từ thời đại của Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra.


Cleopatra, Nữ hoàng nổi tiếng nhất Ai Cập cổ đại và là Pharaoh cuối cùng của vương triều Ai Cập đến tận bây giờ vẫn được nhắc nhớ không chỉ bởi dung mạo tuyệt sắc, vóc dáng tuyệt mỹ mà còn bởi sự thông minh sắc sảo và mùi hương đặc biệt làm người ta say đắm. 

Cleopatra dùng hương thơm đặc biệt gì để át đi mùi sữa lừa lúc tắm và để cơ thể tỏa ra mùi đặc biệt, quyến rũ người khác phái khiến đối phương mất cả kiểm soát?

Cuộc khảo cổ kéo dài gần một thập kỷ ở Cairo đã giúp tìm ra công thức nước hoa thời xa xưa. Từ một chút nước hoa còn sót lại trong một chiếc bình gốm, các nhà khoa học đến từ Đại học Hawai’i at Mānoa đã pha chế lại thành công loại nước hoa cổ xưa có từ thời đại của Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra. Đây là loại nước hoa có dạng sánh như dầu ô-liu với mùi hương mộc dược.

Các nhà khoa học đã cho thêm bạch đậu khấu và quế vào hỗn hợp này để gia tăng mùi hương. Kết quả là mùi hương được tạo ra mạnh hơn nhiều so với những dòng nước hoa hiện đại và lưu lại lâu hơn hẳn. 

Giáo sư Robert Littman, một trong những nhà nghiên cứu tham gia dự án khảo cổ này, đã chia sẻ về phát hiện thú vị như sau: “Tôi rất phấn khích khi được ngửi mùi nước hoa mà rất hiếm người từng được biết đến trong suốt hơn 2.000 năm qua, tôi nghĩ rằng có thể chính Nữ hoàng Cleopatra cũng đã từng dùng loại nước hoa này”. 

Ông nhận xét: “Tôi thấy mùi hương rất dễ chịu và còn bền mùi hơn những loại nước hoa hiện đại. Nước hoa của người Ai Cập cổ mùi mạnh hơn, đó là một thứ hợp chất sánh như dầu ô-liu”.

Loại nước hoa mới được các nhà nghiên cứu pha chế lại này sẽ được trưng bày tại Bảo tàng National Geographic Museum nằm ở thủ đô Washington, Mỹ. Nơi đây đang có khu trưng bày triển lãm tổng hợp lại những phát hiện khảo cổ ở thành phố Thmuis (Ai Cập).

Chính Giáo sư Robert Littman và giáo sư phụ tá Jay Silverstein của Đại học Hawai’i at Mānoa là những người điều hành Dự án Tell Timai khai quật thành phố Ai Cập cổ đại Thmuis (Tell Timai) ở đồng bằng sông Nile. 

Giai đoạn đầu tiên của Dự án Tell Timai đã tiết lộ bằng chứng khảo cổ cho thấy Thmuis có lịch sử hình thành từ khoảng 6.500 năm trước, là một trung tâm sản xuất nước hoa, tinh dầu cổ đại rộng lớn. 

Nhiều bình vò đã được tìm thấy tại các địa điểm khảo cổ ở Ai Cập và những gì còn sót lại khi được đem ra phân tích cho thấy rằng đó là một thứ nước hoa mà người xưa từng sử dụng. 

Thời ấy, các thứ nước thơm, tinh dầu, nước hoa này được đựng trong các lọ gốm, được xem là lễ vật quý trong đời sống người Ai Cập cổ đại.

Thực ra bằng chứng về sản xuất nước hoa đã được tìm thấy ở Syria có niên đại 7.000 năm, và chữ tượng hình cho chúng ta biết rằng người Ai Cập cổ đại bắt đầu sản xuất nước hoa vào khoảng 3.000 năm trước Công nguyên như một nghi lễ và để áp dụng trong các thủ tục tẩm liệm, ướp xác.

Văn Ưng
.
.
.