Phát hiện hành tinh có hơi nước trong bầu khí quyển

Thứ Năm, 03/10/2019, 09:28
Phát hiện nước lỏng trên các ngoại hành tinh là một vấn đề lớn, vì nó cho thấy rằng chúng có thể chứa sự sống. Càng phát hiện ra nhiều thế giới nước, chúng ta càng tiến gần hơn đến việc xác nhận rằng chúng ta không đơn độc trong vũ trụ.


Mới đây nhóm các nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu về ngoại hành tinh tại Đại học Montréal đã phát hiện ra hơi nước trong bầu khí quyển của một ngoại hành tinh cách xa chúng ta 111 năm ánh sáng. Hành tinh có tên K2-18b và được phát hiện bởi kính viễn vọng không gian NASA Kepler của NASA vào năm 2015. 

Hành tinh này quay quanh một ngôi sao lùn đỏ đủ gần để nhận được lượng phóng xạ tương đương từ ngôi sao của nó giống như Trái Đất từ Mặt Trời của chúng ta.

Trước đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra những hành tinh khổng lồ có hơi nước trong khí quyển, nhưng đây là hành tinh nhỏ nhất từng có hơi nước được phát hiện trong bầu khí quyển của nó. 

Tuy nhiên bầu khí quyển rộng lớn của K2-18 b cực kỳ dày đặc và tạo ra các điều kiện áp suất cao. Và do không có bề mặt, mưa sẽ không chảy trên hành tinh. Khi mưa di chuyển qua lớp khí dày bao quanh lõi hành tinh, nó sẽ trở nên ấm đến mức nước sẽ bốc hơi ngược lên những đám mây nơi nó ngưng tụ và lại rơi xuống.

Nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng cho nước lỏng và hydro trong bầu khí quyển của ngoại hành tinh này và nó được cho nằm trong vùng có thể ở được. Mặc dù vậy, nếu là hành tinh không có bề mặt và được hình thành bằng cách tích tụ lượng khí khổng lồ, thì chúng ta cũng chẳng thể đáp lên đó được. Thứ nhất vì lớp khí quá dày, thứ hai vì  có áp suất cực cao đến nỗi bất kỳ tàu vũ trụ nào do Trái Đất tạo ra sẽ bị phá hủy.

Do đó các nhà khoa học không cho biết cuộc sống có thể tồn tại trên K2-18b hay không, nhưng họ cho rằng phát hiện này là một bước đột phá, là một bước tiến lớn nhất đối với mục tiêu tìm kiếm sự sống trên các hành tinh khác, để chứng minh rằng chúng ta không đơn độc.

Linh Trúc
.
.
.