Phong tục huyền bí của dân tộc Vân Kiều

Thứ Năm, 27/03/2014, 09:30

"Miền gió hú" là biệt từ người ta dành riêng cho dãy núi cao miền Trường Sơn thuộc tỉnh Quảng Trị. Nơi đây có đồng bào Vân Kiều, Pakô, Cơ Tu sinh sống với muôn vàn bí ẩn đang được cất giấu trong rừng thiêng...

Nền văn minh tiến sát rừng sâu đã làm cho nền văn hóa của đồng bào miền sơn cước có sự thay đổi nhiều về hình thức lẫn chiều sâu ý nghĩa, thậm chí có một số phong tục đang bị biến tướng… và tục đi sim là một điển hình.

Kỳ bí bài thuốc tránh thai

Nếu như người Thái có tục ngủ thăm, người Dao có tục ngủ thử, người Cơ Tu có tục ngủ duông… thì người Vân Kiều có tục đi sim. Tuyến đường ngoằn ngoèo mang tên Đông Hà - Lao Bảo đã đưa chúng tôi về miền đất xã Mò Ó, huyện Đakrông thuộc miền Tây tỉnh Quảng Trị.

Đứng trên đỉnh con dốc cao nhìn xuống, Mò Ó ẩn hiện trong rừng như một thế giới huyền thoại với những bí ẩn ngàn năm. Nơi đó có con sông Đakrông khoác trên mình màu ngọc bích cùng những lớp vẩy long lanh ánh bạc theo làn gió. Con sông như phần giữa của một dải lụa trắng mà ai đó cố tình để trễ xuống ngang lưng, đoạn đầu đang được cất giấu sau dãy Trường Sơn, còn đoạn sau đang được đồi núi che khuất…

Và hạ nguồn của con sông này chính là dòng Thạch Hãn, nơi Thành cổ Quảng Trị. Bất chợt, trong tôi thoáng hiện câu thơ: "Đò lên Thạnh Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sông nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm…" - thơ Lê Bá Dương.

"Chúng ta đi thôi nào! Anh bị mê hoặc bởi miền đất nắng gió này rồi à!". Tiếng người làm tôi bừng tỉnh. Đó là giọng nói của Hồ Văn Thanh, cán bộ chính sách xã Mò Ó. Anh được lãnh đạo xã giao nhiệm vụ đưa chúng tôi đi các thôn để tìm hiểu đời sống văn hóa của bà con kẻo "không có cán bộ đi cùng bà con không tiếp".

Hỏi về tục đi sim của đồng bào mình, Thanh cười vẻ thẹn thùng: "Anh có biết vì sao họ đi sim mà không dính bầu không? Tôi đưa anh đi gặp một số "thần y" của bản, rồi họ sẽ cho anh câu trả lời...".

Một góc xã Mò Ó.

Đi sim là một phong tục đẹp. Nam - nữ đến tuổi cập kê là được phép hẹn hò mỗi khi mùa trăng đến. Màn đêm buông xuống, người con trai đến nhà Xu tìm bạn tình, sau đó họ đưa nhau đến những ngôi nhà riêng hoặc nhà chòi ven rừng, lều canh ven rẫy… Suốt đêm, họ hát cho nhau nghe những bài hát thắm đượm tình nông. Đến khi tình cảm như đã gắn bó, họ trao cho nhau đính vật cầu hôn là những đồng bạc trắng kèm theo lời hẹn ước, định ngày cưới hỏi.

Việc đi quá giới hạn là điều cấm kỵ. Nhưng, dường như càng ngày càng ít người tuân thủ quy định. Từ xưa, họ đã "vượt rào ăn trái cấm". Bởi thế, tránh dính bầu là cách tốt nhất che giấu hành vi “vụng trộm”. Còn việc đi sim diễn ra hằng tháng, hằng năm mà người ta vẫn không bị phát giác mới là điều khó hiểu.

Chẳng cần khách phương xa thắc mắc lâu, lão "thần y" xứ Đakrông Hồ Văn Lai, thôn Phú Thiền, xã Mò Ó bật mí: "Đó là là nhờ cây A Năng".

Có một số thông tin nói rằng, người ta dùng lá A Năng đeo bên hông là có thể quan hệ thoải mái mà không dính bầu. Lão Lai phản ứng: "Làm gì có chuyện đó, nói như vậy là sai. Công hiệu của cây này đúng là tránh thai thật nhưng chả ai đem nó đeo bên người cả".

Lão Lai giải thích: "Sau khi quan hệ nam nữ xong, người phụ nữ sẽ ăn một miếng (1 lát thái mỏng) củ A Năng. Ngoài công dụng ngừa mang thai, cây A Năng còn chữa nhiều bệnh phụ khoa khác, đặc biệt nếu ăn liên tục trong vòng 1 tháng thì người đàn bà đó mãi mãi không thể sinh con, theo như người ta thường gọi là: Triệt sản - ông Lai cho biết, đồng thời dẫn mọi người theo ra vườn cây thuốc".

Theo lão Lai: "Cây thuộc loại rất khó trồng, ưa sạch sẽ, quang, thoáng. Khi chưa có biện pháp tránh thai khác, đồng bào chúng tôi toàn trồng cây này để phòng thân khi đi sim. Nhưng giờ có thuốc tránh thai rồi, người ta ít trông chờ vào cây này".

Đi sim kiểu mới

Ở một số địa phương khác, tục đi sim đã bị lợi dụng, biến tướng, biến chất. Điển hình với nhiều trường hợp nam thanh niên miền xuôi lên làm công trình phúc lợi hay làm ngắn hạn ở địa phương rồi có dở trò tán tỉnh, giả vờ yêu đương, trao quà, hẹn ước. Được các cô gái nhẹ dạ tin tưởng, trao tình yêu, rồi trao thân. Cho đến ngày nọ, nàng vò võ ôm bụng đứng trông mà chẳng thấy người thề hẹn đâu.

"Cũng bởi tục đi sim bị biến tướng, mới có hệ lụy xấu là nam nữ không biết cách tránh thai. Hằng năm Mò Ó vẫn có nhiều trường hợp tảo hôn cũng bởi đó mà ra", Phạm Thế Trọng Hiếu - cán bộ văn phòng xã Mò Ó cho biết. 

Ngày nay, A Năng thuộc loại cây hiếm. Cả làng, cả xã, thậm chí cả vùng duy chỉ mình lão “thần y” Hồ Văn Lai trồng được. Thế nên, việc tìm liệu pháp tránh thai bằng cách truyền thống ít được áp dụng, thay vào đó, các nam thanh nữ tú tìm đến Trạm y tế xã.

Bà Lê Thị Kim Liên, Trạm trưởng Trạm y tế xã Mò Ó cười: "Gì chứ đi sim thì ở đây còn nhiều lắm! Đi sim vô tội vạ, chẳng có một lề lối nào cả. Anh cứ ở đây, độ khoảng 5 - 6h chiều kiểu gì cũng được chứng kiến cảnh lũ trẻ đến đây xin… bao cao su".

Chị Hồ Thị Thủy đang đứng bên cây A Năng - cây dùng để tránh thai theo cách truyền thống của người Vân Kiều.

Nhiều hôm thấy mấy đứa trẻ độ 14 - 15 tuổi, thậm chí có đứa cõng em trên lưng, đầu xù tóc rối, ăn mặc lếch thếch, nói tiếng Kinh chưa sành sỏi đã lấp ló ngoài cổng trạm. Y tá hỏi: “Các em đến để làm gì?”. Bằng cái lớ ngớ, bập bẹ tiếng Kinh lũ trẻ trả lời: "Xin bao cao su".

Trên miền gió hú, công tác kế hoạch hóa gia đình cũng như phòng ngừa tránh thai còn nhiều bất cập. Hơn nữa, biến tướng của tục đi sim đã cổ súy cho tinh thần ưa khám phá người khác giới từ khi chúng mới bước vào tuổi dậy thì.

Ở xã này có nhiều điểm để các em ấy tụ tập chơi bời vào buổi tối. Ví dụ như nhà văn hóa, bãi cỏ, bãi bồi ven sông hay lán canh rẫy nơi bìa rừng… hầu hết các em nam đều mang bao cao su bên mình mỗi khi đi chơi vào buổi tối.

Theo như lời giới thiệu của bà Liên, chúng tôi đã đến một số địa điểm trong xã để có thể chứng kiến các cô cậu thanh niên ăn chơi như thế nào. Quả không sai, có không ít cậu bé mới 14 - 15 tuổi lân la tụ tập ăn nhậu chơi bời sau một vài ngày đi làm. Theo nhận định của một y tá, kiểu gì đám thanh niên choai này chả đến xin bao cao su.

"Ngẫm thấy chua xót nhưng cũng có điều đáng mừng. Xót ở đây là chúng còn quá nhỏ đã học đòi làm chuyện người lớn. Mừng ở chỗ chúng biết cách dùng bao cao su để bảo vệ bản thân mình, tránh mang bầu chứ không như một số xã miền núi khác", bà Liên phân trần.

Quả thật, dù xét trên phương diện nào thì đây cũng là một điều đáng báo động. Về văn hóa thì cần phải bảo tồn nét đẹp trong tục đi sim, còn về yếu tố quan hệ trước hôn nhân thì đúng là điều đáng suy ngẫm bởi sẽ khó tránh khỏi tình trạng cậy nhờ vào bao cao su - biện pháp tránh thai để quan hệ tình dục một cách vô tội vạ.

Ngoài Mò Ó, các địa phương khác có tốt hơn trong công tác phòng tránh thai? Theo nhận định, một số bản vùng cao đã "tiếp nhận" biến tướng của tục đi sim nhưng họ còn chưa kịp đón nhận khái niệm tránh thai bằng bao cao su nghĩa là gì!

Anh Phạm Thế Trọng Hiếu, cán bộ văn hóa xã Mò Ó cho biết: "Đi sim là một phong tục có từ hàng ngàn đời của người Vân Kiều. Ngày nay, phong tục ấy đang bị phai nhạt dần bởi đã có nhiều yếu tố từ bên ngoài thâm nhập vào. Nếu không bảo tồn, sẽ có một ngày chúng ta không còn thấy ai ca hát trao duyên sau mỗi buổi tối, mỗi khi trăng về nữa. Bởi vì giới trẻ đang dần lãng quên cái tục truyền đời của tộc mình, mà thay vào đó chúng bị ảnh hưởng quá nhiều từ trò biến tướng của tục đi sim cùng những trò hẹn hò, tán tỉnh rồi quan hệ tình dục một cách rất bừa bãi...".

Ngọc Linh - Nguyễn Nga
.
.
.