“Săn” hàng giả để đòi bồi thường

Thứ Sáu, 20/01/2017, 07:10
Ở Trung Quốc có nghề “thợ săn hàng giả” chuyên nghiệp, là những người chuyên lùng sục các loại hàng giả hoặc hàng dưới chuẩn ở các tiệm, rồi nhờ các luật bảo vệ người tiêu dùng, họ nhận hàng chục ngàn đôla tiền bồi thường từ các công ty sản xuất hoặc bán những sản phẩm này.


Các luật trên là một phần nỗ lực “nhổ cỏ” quần áo “nhái”, đồ dùng điện tử, thức ăn và đồ nội thất giả… tràn ngập các cửa hàng và khiến người tiêu dùng và các công ty bị thất vọng. Theo  báo New York Times, Trung Quốc đã có những động thái bảo vệ các thương hiệu và ý tưởng, nhưng vẫn chật vật về cách chống hàng giả. Chính phủ các nước, công ty nước ngoài và chính người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng kén chọn đã phàn nàn nạn hàng giả gây tổn thất cho các thương hiệu tên tuổi và người tiêu dùng.

Thương mại điện tử ở Trung Quốc là một “bãi săn” mới cho các “thợ săn hàng giả” như Yu Fengsheng, người nói: “Mục đích chính khi kiện họ là bắt họ phải tự chỉnh sửa”. Yu chuyên săn các “con buôn” bán hàng giả ở các chợ trên mạng của Alibaba, công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc. Yu trở thành “thợ săn hàng giả thương mại điện tử” sau khi mua phải “hàng đểu” do một tư thương tiếp thị trên diễn đàn Tmall của Alibaba là “thực phẩm chức năng”.

Vào dịp Ngày độc thân 11-11-2016, tổng doanh thu hàng bán qua mạng đạt 180 tỉ Nhân dân tệ (NDT), trong đó Alibaba đạt 122 tỉ tệ. “Thợ săn” Wang Hai đã chi 1triệu NDT (145.000 USD) để mua một số lượng lớn rượu Bái Tửu giả bán trên mạng để đòi số tiền bồi thường 10 triệu NDT.

Thợ săn hàng giả Ji xem xét một kiểu quần áo nghi hàng giả.

“Thợ săn hàng giả” còn được gọi là “Chiến sĩ bảo vệ người tiêu dùng”, và được các công ty nước ngoài “kết”. Scott Palmer, một luật sư về quyền sở hữu trí tuệ của Công ty luật Sheppard, Mullin, Richter & Hampton chuyên đại diện các công ty Mỹ ở Trung Quốc, nói: “Nhiều khách hàng của tôi hoan nghênh các chiến sĩ này, vì họ cung cấp được thông tin có ích cho công việc của chúng tôi”.

Tuy nhiên,  nghề “thợ săn hàng giả” đang bị đe dọa, vì một vài quan chức chính quyền nói người hành nghề này lợi dụng luật vốn khuyến khích người tiêu dùng tố cáo hàng giả, và ngày càng tốn kém. Một số nhóm doanh nghiệp nước ngoài cũng phàn nàn. James Zimmerman, Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ ở Trung Quốc, nói: “Các thợ săn hàng giả thường hưởng lợi từ những phàn nàn nhắm vào những sai sót mẫu mã nhỏ của một sản phẩm, thay vì phàn nàn về chất lượng thật hoặc về các vấn đề an toàn”.

Trung tuần tháng 11-2016, Chính phủ Trung Quốc công bố dự thảo sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,  nêu: “Việc bồi thường bằng tiền vì mua hàng giả nên không áp dụng với bất kỳ người nào hoặc tổ chức  lùng tìm chúng vì mục đích thương mại, tư lợi”. Dự thảo này đang được xem xét chính thức, nếu được thông qua, những “thợ săn” sẽ không thể  “hành nghề” nữa. Vấn đề là “khó phân biệt chuyện mua hàng để sử dụng cá nhân hay tư lợi”, theo luật sư Qiu Hengyu của Công ty luật Yingke Law ở Quảng Châu. Ông nói khó xác minh được động cơ mua hàng của người tiêu dùng, và nói rắng nên xem tiền bồi thường từ mua hàng giả là tiền bồi thường chứ không phải tư lợi.

“Thợ săn” Wang nói: “Các đại biểu Quốc hội không nghĩ thợ săn hàng giả là người tiêu dùng thật sự, và họ nghĩ chỉ có chính quyền mới có quyền xử phạt. Tuy nhiên, chính phủ thiếu nhân lực truy lùng hàng giả”. 

“Thợ săn” Ji Wanchang cùng vô số đồng nghiệp đã dựa vào các luật bảo vệ người tiêu dùng để kiếm sống: họ tích cực lùng sục hàng giả để đòi tiền bồi thường. Nhóm “thợ săn” của Ji có khoảng 20 “chỉ điểm” chuyên báo cáo những sản phẩm bị nghi là hàng giả. Ji nói, “chiến quả” lớn nhất của ông cho đến nay là kiếm được 180.000 USD, khoản tiền bồi thường của một công ty toan lừa người tiêu dùng rằng loại khăn choàng của họ là “lụa nguyên chất”.

“Thợ săn hàng giả” Ji Wanchang.

Ji biện họ cho “nghề” của ông rằng ông còn phải đóng tiền án phí mỗi khi các công ty bị ông cáo buộc bán hàng giả kiện ngược. Ông kiếm được khoảng 148.000 USD/năm nhưng sau khi trừ các chi phí chỉ có thể đem về nhà khoảng từ 30.000 - 44.000USD. Ji nói: “Khi phát hiện hàng giả, hơn 80% người Trung Quốc sẽ đành chấp nhận khi mạng sống của họ chưa bị nguy hiểm. Nếu có thêm các chiến sĩ chống hàng giả chuyên nghiệp, chất lượng hàng hóa sẽ được cải thiện ngay”. 

“Thợ săn” Ji chào đời ở khu Nội Mông (Bắc Trung Quốc), từng rất nghèo nên không thể học đại học. Ông từng làm thợ rửa xe, bán quần áo ngoài đường và mở một quán ăn khuya. Năm 2000, một người bạn của ông đã mua một dĩa CD để dạy con học, nhưng hóa ra lại là đĩa phim sex. Ji cùng bạn phẫn nộ, “bao vây” tiệm bán để đòi bòi thường. Sau này, ông mua sách luật bảo vệ người tiêu dùng, và một cẩm nang hướng dẫn phân biệt hàng giả - hàng thật. Từ đó, ông thành “thợ săn hàng giả”. 

Hồi tháng 10-2016, Ji đến 4 cấp tòa trên toàn Trung Quốc trong vòng 5 ngày, nộp đơn kiện các trung tâm mua sắm, tố cáo họ bán hàng giả, hàng dưới chuẩn. Ông kể mỗi năm ông đến tòa án khoảng 100 lần, và việc ông làm khiến ông trở thành kẻ thù của bọn làm hàng giả và bọn côn đồ đã từng đánh đập, trói tay chân ông và gọi điện thoại dọa giết ông. Vài tên “xã hội đen” ở Đài Loan cũng dọa “bẻ gãy tay chân trước khi giết chết tôi”. Năm 2007, Công an tỉnh Phúc Kiến bắt giam ông 37 ngày, buộc tội ông tống tiền nhưng sau đó thả ông vì không đủ chứng cứ.

Ji vẫn nghĩ “nghề thợ săn” là cần thiết. Mỗi tháng, ông nhận hàng trăm cuộc điện thoại của những người hiếu kỳ muốn biết ông đòi được bao nhiêu tiền bồi thường từ một món hàng giả. Cũng có người muốn thành “thợ săn” như ông, nhưng ông khuyên: “Không phải là cứ việc bước vào một tiệm mua vài món đồ rồi đòi bồi thường đâu. Không phải ai cũng có thể trở thành người săn hàng giả”. 

+Lãnh đạo Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực kéo giảm, phần nào nhằm bảo vệ các công ty trong nước vốn đang bắt đầu sản xuất các mặt hàng từ chính ý tưởng của họ. Một nỗ lực chống hàng giả là trao quyền cho người tiêu dùng.

+ Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đầu tiên của Trung Quốc từng đi vào cuộc sống hồi năm 1994, nêu bọn “con buôn gian lận” phải bồi thường gấp đôi giá trị món hàng giả.

+Năm 2009, Chính phủ Trung Quốc ban hành Luật An toàn thực phẩm, nêu khi hàng hóa không đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, người tiêu dùng có thể đòi số tiền bồi thường gấp 10 lần giá trị của sản phẩm đó.

+Năm 2014, Trung Quốc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nâng mức bồi thường cho thực phẩm không ăn được lên gấp 3 lần so với giá bán.

+Năm 2015, các cấp tòa đã xử khoảng 120.000 vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, tăng 9% so với năm 2014, theo giới truyền thông nhà nước.

“Thợ săn hàng giả” Ji Wanchang

Thợ săn hàng giả Ji xem xét một kiểu quần áo nghi hàng giả

Thảo Hương (theo New York Times)
.
.
.