Sinh vật kỳ lạ: Ăn đá, thải cát

Thứ Bảy, 27/07/2019, 16:30
Các nhà khoa học vừa phát hiện một loài sinh vật vô cùng kỳ lạ, nhìn như những con giun nhưng lại ẩn thân, đục lỗ trên những tảng đá vôi, rồi bài tiết ra các mảnh vụn dưới dạng cát.


Sinh vật kỳ lạ mới được phát hiện này có tên khoa học là Lithoredo abatanica, thuộc loài động vật thân mềm hai mảnh như sò, trai và được biết đến như một loài giun thuyền (shipworm). Thực ra, người ta đã trông thấy loài sinh vật này tại một con sông ở Philippines vào năm 2006, nhưng gần đây mới được quan sát và nghiên cứu kỹ hơn.

Phần lớn các loài giun thuyền có màu trắng đục, thân hình nhỏ, dài từ 2-5cm, cá biệt có loài dài đến 60cm, đường kính thân lên đến 1cm, thường sống trong một lớp vỏ cứng, xù xì, chúng hay bám vào các vách đá, các đê chắn sóng hoặc các vỏ tàu thuyền thành những mảng dày đặc.

Từ thời xa xưa, khả năng đục gỗ của loài giun thuyền này đã khiến chúng trở thành tai họa đối với người đi biển, khi làm hỏng mọi thứ từ thân tàu đến các cầu cảng. Đó là lý do nhiều tàu bè trở về sau khi đánh bắt thường phải cạo sạch giun thuyền bám vào vỏ tàu để tránh hư hại. Tuy nhiên, phần lớn thời gian cơ thể của chúng sẽ nằm trong bùn ngập mặn, nơi vi khuẩn trong mang của nó chuyển đổi hydro sunfua thành chất dinh dưỡng phù hợp.

Thế nhưng, khác với người anh em chuyên gặm gỗ, phá tàu thuyền của mình, loài giun thuyền mới vừa phát hiện có sức tàn phá khủng khiếp hơn khi nó có thể gặm cả những tảng đá vôi to cứng, rồi bài tiết ra các mảnh vụn dưới dạng cát… 

Minh chứng cho điều này là “trong hệ tiêu hóa của chúng có một loại vật chất cấu tạo giống như các lớp đá nơi chúng sinh sống”, các nhà khoa học cho biết sau khi phân tích giải phẫu một số con giun thuyền. 

Và công cụ đục đá của chúng là hàng chục chiếc răng nhỏ. Cơ thể dài của chúng không thể nằm gọn trong cái vỏ nhỏ bé mà thay vào đó đã phát triển thành công cụ để đục đá vôi.

Theo các nhà khoa học, sở dĩ loài giun này ăn được đá là nhờ một loại vi khuẩn cộng sinh sống trong mang và 2 chiếc vòi không có lớp bảo vệ. Vi khuẩn này tiết ra một loại enzym làm mềm đá và giúp các vòi dễ dàng xuyên thủng.

Đến nay các nhà khoa học vẫn chưa biết được lý do loài giun thuyền mới này ăn đá để làm gì. Có ý kiến cho rằng loài giun thuyền này chủ động ăn đá vào cơ thể và lợi dụng sự chuyển động của các hạt đá trong dạ dày để "nghiền" nhỏ thức ăn, giúp thuận tiện hơn cho những giai đoạn tiêu hóa kế tiếp, vì chúng không có ruột già, đồng thời chiều dài đường ruột cũng vô cùng hạn chế. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng có thể cơ thể chúng thiếu một số chất nào đó có trong thành phần của những loại đá này.

Mặc kệ chúng ăn đá để làm gì, nhưng khả năng này của loài Lithoredo abatanica có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sông ngòi và các hoạt động nông nghiệp của con người, vì một khi chúng ăn những tảng đá trên sông và thải ra cát sẽ làm đáy sông thêm nhiều cát có thể làm thay đổi dòng chảy của con sông, làm thay đổi hệ sinh thái môi trường sông, gây ra các hiện tượng sạt lở hoặc bồi lấp không mong muốn.

Tuy vậy, khả năng đục đá này cũng là cách phong hóa cảnh quan, tạo ra nơi trú ẩn cho các sinh vật khác như cua, ốc hay rắn…

Hiện các nhà nghiên cứu đang lên kế hoạch phân tích sâu hơn về bộ gen của loài này, nhằm giải quyết bí ẩn về khả năng đục đá của chúng và tại sao chúng lại tiến hóa theo cách này.

Bảo Uyên
.
.
.