Số phận đớn đau của "Robinson" trên cù lao Long Phước

Thứ Tư, 26/06/2013, 15:48

Tôi không dám nhận mình nhiều chữ nghĩa văn chương để tạc nên một thiên tiểu thuyết kinh điển về Robinson ở Việt Nam. Nhưng tôi vẫn muốn viết, dù thế nào đi nữa đây là một câu chuyện có thật về người đàn ông gần 40 năm sống một mình trên một hòn đảo thuộc địa phận TP HCM.

Ngần ấy năm, chưa một ngày ông bước ra đời sống phồn hoa đô thị, cũng ngần ấy năm, ông không biết tiêu tiền là gì. Cuộc sống của ông thênh thang trên một ốc đảo chỉ có chim muông, cây cỏ, một đàn bò và vài con chó.

36 năm trốn mình trên ốc đảo

Đây là lần thứ hai tôi có dịp quay trở lại hòn đảo nhỏ của ông Hồng Ký tại cù lao Long Phước (quận 9, TP. HCM). Tôi trở lại để giữ lời hứa với người đàn ông gần 40 năm sống tách biệt trên đảo. Tôi hứa là sẽ tìm ông để kể cho ông nghe về cuộc sống xô bồ nơi phố thị, kể cho ông nghe về những con đường mới được đặt tên, về những trung tâm mới được xây dựng… mà suốt nửa cuộc đời là người thành phố, ông chưa từng biết đến.

Sinh thời, ông từng có một gia đình êm ấm tại huyện Cần Giờ, Tp HCM. 8 đứa con với 4 người đàn bà là kết quả tình yêu thời trai trẻ của ông. Thời trẻ, ông cũng tung hoành ngang dọc lắm, cũng trải đời dữ dằn lắm nên giờ có vẻ như ông đang ôm mối hận cay đắng bởi đã lãng phí cuộc đời, đánh mất tất cả để chạy theo những cuộc ái tình vụng dại. Để rồi, khi ông ốm đau cô quạnh, mất sức làm việc, họ sẵn sàng "sút" ông ra ngoài không thương tiếc.

Ngoài 30 tuổi, ông trở thành thằng đàn ông trắng tay, có nhà không dám về, có con không dám gọi. Ông lang thang đó đây, làm bất cứ công việc gì miễn sao no cái bụng. Rồi ông trôi dạt vào vườn cò nhà ông Hai Ký. Ông Ký lúc này cũng đang cần người chăn bò và trông nom vườn trái cây ở phía cù lao cách đất liền một con sông.

Hằng ngày, ông lùa đàn bò mấy chục con đi chăn, tối đến lại lùa về. Bò ở đây không phải canh chừng gì hết, cứ lùa chúng ra ngoài, chúng đi đâu thì đi cũng chỉ quanh quẩn ở hòn đảo này. Một mình một đàn bò, một căn nhà lá ẩm thấp, tối tăm giữa bạt ngàn cỏ dại, cây xanh nhưng ông Bảy Lẫm lại sống thật bình yên, thanh thản và no đủ. Mỗi tuần hai lần người bên đất liền đưa đồ dùng sinh hoạt cho ông không thiếu thứ gì. Nhiều lần, ông Hai Ký muốn đưa ông sang bên này cho ông đi chơi đó đây để biết thành phố nó như thế nào nhưng ông nhất quyết không đi.

Cuộc đời Bảy Lẫm đắng cay ở hai ngón tay cụt.

Bảy Lẫm sống ở đó ngày qua ngày, không cần tiền, không cần quần áo đẹp, điện thoại liên lạc, ông chỉ cần cuộc sống không bị ai làm phiền. Những hôm trời mưa to gió lớn, căn nhà lá dột tứ phía, ông vẫn hài lòng với kiểu ngủ ngồi trùm áo mưa. Ông Ký thấy thế đã xây cất căn nhà lên và từ đó, cuộc đời ông lão chăn bò càng sung sướng hơn.

Từ thành phố, nếu ai đó một lần được qua "vương quốc" của Bảy Lẫm hẳn sẽ thay đổi suy nghĩ nhiều lắm. Muốn qua ốc đảo phải đi bằng xuồng máy, qua một nhánh của sông Đồng Nai và Sài Gòn hợp lại. Những dải lục bình lững lờ trôi, những rặng dừa ngả nghiêng đón cánh cò. Chỉ khi nào không gian im bặt bị xé toác bởi tiếng chó sủa tức thì nhìn thấy người đàn ông dong dỏng, xương xương từ trong nhà hoặc trong lùm cây bước ra.

Sống ở cù lao không một bóng người ngần ấy thời gian đã làm ông co rụt lại với người xa lạ. Ông ngồi thu mình, lấm lét nhìn tôi bằng ánh mắt thẫn thờ, nghi hoặc. Hỏi gì ông trả lời đó, có những câu không trả lời được thì ông cúi mặt xuống, vân vê chiếc gậy gỗ. Giọng kể của ông lão 72 tuổi khiến tôi lấy hết tập trung mới nghe được, ông nói móm mém bằng lưỡi vì cả hai hàm răng đã rụng hết.

Định mệnh đưa đẩy ông trôi dạt đến cù lao này từ một đêm mưa gió bão bùng của năm 1977. Đêm đó, sau khi đã có ma men đưa đường dẫn lối về tới nhà, ông quậy một trận tơi tả với vợ con. Rồi ông chặt đứt phăng ngón tay trỏ để thề thốt gì đó mà giờ ông cũng chả nhớ gì nữa. Ông đội mưa ra đi, đi bạt mạng về phía sông Sài Gòn.

Vài năm sau đó, ông "góp gạo thổi cơm chung" với người phụ nữ góa bụa sống một mình ở quận 9 bây giờ. Hằng ngày, ông đào ao đắp đất ngay chính khu vườn của người vợ mới. Lao động quá sức đã lấy đi của ông sức khỏe, tuổi trẻ. Phong độ của ông xuống cấp trầm trọng, ông ngã bệnh triền miên. Vợ "hờ" thấy thế đuổi thẳng ông ra khỏi nhà. Căm phẫn với tình đời trớ trêu, bạc bẽo, uất hận vì một người đàn bà bạc nhược, sống vô tình vô nghĩa, ông chặt đứt ngón tay đeo nhẫn để dứt áo ra đi.

Cuộc sống hằng ngày của "Robinson".

Quá khứ của Nguyễn Hoàng Lẫm khép lại bằng một bản thành tích đầy tủi hận và nước mắt. Thế nên, hơn 30 năm trốn mình nơi đảo nhỏ không một bóng người, tách biệt hoàn toàn với cuộc sống bên ngoài, ông thấy cuộc đời mình sáng sủa hơn, đẹp đẽ hơn bao nhiêu.

Đó là lý do ông chưa một ngày nào muốn rời khỏi cù lao này. Ông nguyện sẽ sống hết những ngày còn lại và sẽ chết ngay tại đây. Xưa kia anh chàng thủy thủ Robinson ở phía bên kia bán cầu lưu lạc trên đảo hoang 28 năm và luôn hy vọng một ngày nào đó sẽ tìm về đất liền thì nay, thời gian ông Bảy Lẫm sống trên cù lao còn hơn thế nhưng ông lại không mong muốn về đất liền.

Đoạn cuối đời tủi nhục của "Robinson"

Không họ hàng thân thích, không máu mủ ruột rà, từ khi ông Bảy Lẫm gia nhập vào đại gia đình của mình, chưa bao giờ ông Hai Ký (tên thật Nguyễn Văn Ký) thôi trăn trở với người bạn cùng tuổi này. Những năm ông Lẫm còn khỏe mạnh sống một mình ở cù lao, ông Hai ký vẫn đều đặn bơi xuồng qua thăm hỏi, hứng chí lên, họ cũng chén tạc chén thù với nhau.

Ông Hai Ký tâm sự: "Tôi với ông ấy cùng tuổi nhau nhưng sao số phận lại khác nhau thế. Tôi những 11 đứa con chứ ít gì, ông ấy cũng 8. Con tôi đứa nào cũng học hành đàng hoàng, thương cha thương mẹ còn con ông ấy, cho dù trước kia ông ấy có lỗi lầm gì đi nữa thì con cái cũng phải hỏi thăm lấy một câu chứ, đằng này… chưa bao giờ cả".

Năm 2012, ông Lẫm vì bệnh quá nên không còn khả năng lao động nhưng vẫn nhất quyết không chịu rời bỏ hòn đảo này. Vậy là, ông Ký đành chiều theo ý nguyện của ông Lẫm, tuần nào cũng mang đồ ăn thức uống qua cho người bạn già. Những đêm mưa gió giật đùng đùng, ở bên này, ông Ký thổn thức không sao ngủ được, nghĩ dại chẳng may ông Lẫm ở đó một mình gió máy thì ai biết được. Sáng hôm sau, ông cử người bơi thuyền qua bên đó thật sớm xem ông Lẫm thế nào.

Ông Hồng Ký và người bạn già Bảy Lẫm.

Mấy tháng nay, ông Lẫm bị tai biến liệt nửa người bên trái, nhưng phải ông Ký qua thuyết phục ông Lẫm mới chịu vào đất liền. "Có lẽ đời ông ấy thấy không còn gì phải luyến tiếc nữa rồi nên ông ấy không thiết bất cứ ưu đãi nào nữa. Kể cả những lúc ốm liệt giường tôi chưa bao giờ thấy ông ấy nhắc một tiếng vợ con", ông Ký kể lại.

Qua đất liền với tình trạng suy sụp nghiêm trọng, sau khi thuốc thang chạy chữa, ông Lẫm chỉ có thể chống gậy lết từng bước loạng choạng. Ông Ký đã đưa ông Lẫm về Cần Giờ để tìm gặp vợ con với mong muốn ngày cuối đời, các con của ông sẽ "trả nghĩa" với người cha cô đơn.

Nhưng chỉ ba hôm sau, ông Lẫm lại dò dẫm ôm bọc quần áo quay lại và chỉ với một câu duy nhất: "Tôi muốn ở đây". Ông Ký làm một cái chòi vây ráp bằng tôn xung quanh để ông Lẫm ở đó. Bây giờ thì kể cả ông Ký cũng không tài nào khuyên nổi ông Lẫm quay trở về nhà nữa. Ông Ký cho biết: "Vợ con ông ấy không nuôi thì tôi nuôi, không sao cả. Nhưng giờ trong người ông ấy không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào. Tôi phải ra phường trình báo trường hợp của ông Lẫm".

Ông Lẫm mập mạp hơn nhiều so với thời gian sống bên cù lao một năm về trước tôi gặp. Một mình ông ăn ở sinh hoạt trong gian phòng đương đối thông thoáng nhưng vô cùng dơ dáy. Vừa bước vào nhà, mùi khai đã xộc lên tận mũi. Cái tô cáu bẩn còn vương vãi vài hột cơm thừa cùng với mấy chai nước lọc méo mó vứt lăn lóc khắp nhà.

Ông Lẫm ngồi chai lỳ trên chiếc giường ngổn ngang quần áo cũ mốc, nhăn nhúm, hôi hám. Xung quanh đầy rẫy vỏ thuốc đã dùng hết, điều đó thấy rằng, sự sống của ông đang kéo dài bằng những liều thuốc tây rẻ tiền.

Ông Nguyễn Văn Ký:
                                         Lá không rụng về cội

"Sau khi ông Lẫm từ quê nhà quay lại, ông ấy bị tổn thương về sức khỏe và tinh thần nghiêm trọng.

Tôi đã viết một cái đơn xác nhận ông ấy từng có vợ con ở Cần Giờ để làm các thủ tục nhận nuôi nhưng khi mang xuống gặp vợ con ông ấy để xin một chữ ký, họ nhất định không chịu ký. Ở trên đời này sao lại có những con người sống ác với nhau như vậy, ngay cả ruột thịt của mình cũng ruồng rẫy.

Bây giờ ông ấy còn tự sinh hoạt được, cơm thì có người bưng bê tới tận nơi nhưng với sức khỏe mỏng manh như ngọn đèn trước gió thế kia, một ngày nào đó, ông ấy nằm liệt một chỗ thì kiếm đâu người chăm sóc".

Ngọc Thiện
.
.
.