Sự thật về cậu bé "người rừng" tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế:

Sống giữa đồng bằng mà vẫn "5 không"?!

Thứ Ba, 26/08/2014, 11:30

Muốn tìm mẹ con cậu bé “người rừng” ở thôn Sư Lỗ, xã Lộc Điền (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) không hề khó như chúng tôi hình dung ban đầu. Đến đầu thôn Sư Lỗ, gặp bất cứ người dân nào, họ cũng rành rọt: "Mấy cô chú cứ ra hồ Truồi, hoặc ngay chân đèo Phước Tượng là gặp thằng bé “người rừng” ngay thôi mà...

Không tên, không giấy khai sinh, không hộ khẩu, không được đi học, và không quần áo suốt hơn 10 năm qua. Cứ hễ nhác thấy người lạ là nhảy cóc bỏ chạy trong bộ dạng rách rưới, loang lổ và không hề biết mặc quần. Điều kỳ lạ hơn, sống ngay giữa đồng bằng tại thôn Sư Lỗ, xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế nhưng cậu lại có sở thích trèo cây, hái lượm và chỉ ăn cá sống cùng lá cây. Thi thoảng, người ta còn nghe cậu ta cất tiếng hú ghê rợn nên cậu bị dư luận hoang mang, đồn thổi biệt danh là "người rừng". Tuy nhiên, sự thật về cậu bé này đã được làm rõ, và hiện các ngành chức năng đã vào cuộc "giải cứu" tình trạng “nhiều không” cho cậu bé này.

Thảm cảnh mẹ con "người rừng"

Muốn tìm mẹ con cậu bé “người rừng” ở thôn Sư Lỗ, xã Lộc Điền (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) không hề khó như chúng tôi hình dung ban đầu. Đến đầu thôn Sư Lỗ, gặp bất cứ người dân nào, họ cũng rành rọt: "Mấy cô chú cứ ra hồ Truồi, hoặc ngay chân đèo Phước Tượng là gặp thằng bé “người rừng” ngay thôi mà.

Gọi thằng bé nớ là “người rừng” chứ thực ra nó có nơi an cư hẳn hoi, hiện tại đang sống với mẹ và em trai...". Chạy xe đến gần cuối con đường bê tông liên thôn, rồi phải rẽ sang một đoạn đường đất gồ ghề, cỏ dại đua chen với những bụi tre rậm rạp đầy gai gốc ở thôn Sư Lỗ, chúng tôi mới tìm được nhà của mẹ con “người rừng”. Tôi cũng không biết gọi đó là căn nhà hay có thể ví là cái gì được vì nó chỉ là mấy đoạn gỗ mục xập xệ dựng chống đỡ đám mái ngói thủng lỗ chỗ, không đèn điện, chỉ nhờ những lỗ thủng để lấy ánh sáng trời. Bên trong lại càng tệ hơn, quá bề bộn, đồ đạc là một mớ hỗn độn nồng mùi ẩm mốc... Nhưng những điều đó vẫn không thể ấn tượng bằng khi tôi gặp được ba mẹ con "người rừng". Bà mẹ tên  Nguyễn Thị Thanh Minh sống cùng hai cậu con trai, nhưng chỉ có thằng em chừng 8 - 9 tuổi ngồi bó gối trong một xó nhà hóng chuyện của người lớn. Riêng thằng anh, chỉ còn kịp nhìn theo bộ dạng trống không, loang lổ khi nó phóng mình mất dạng vì nhác thấy người lạ đến nhà...

3 mẹ con cậu bé " người rừng" sống trong căn nhà rách nát, tồi tàn.

Lý giải cho sự kỳ lạ này, ông Nguyễn Đoàn, 52 tuổi, hàng xóm, cũng là người dẫn đường cho chúng tôi đã cho biết: Cuộc sống ba mẹ con ở nhà này rất hoang dã. Hơn 10 năm qua, họ sống trong căn nhà đổ nát ẩn sâu trong cây cối bụi rậm và gần như tách biệt với phố xá bên ngoài. Còn hằng ngày cứ cầu bơ cầu bất, loanh quanh khu vực Truồi với bộ dạng khác thường. Riêng thằng bé kỳ lạ ban nãy chỉ độc có mỗi cái áo màu đà đã rách nát và không mặc quần. Điểm ưa thích của nó là trèo lên đèo Phước Tượng, loanh quanh ở đó một cách khó hiểu. Thi thoảng nó còn nhảy lóc cóc trong mỗi bước chân và hú lên những tiếng rất kỳ lạ... Hiện, cả ba mẹ con bà Minh ni cũng không có hộ khẩu; 2 thằng con lại không có tên, không có giấy khai sinh, không biết chữ và không được học hành... Đáng lo hơn, thời tiết thuận lợi vào thời điểm bây chừ, chứ mùa mưa lanh xứ Huế ni mà đến là mẹ con bà Minh khốn khổ lắm. Thương tình, bà con xóm làng người góp tấm bạt, người dựng cho mấy cột tre già để mẹ con bà Minh có chỗ trú mưa. Nhưng lạ là mỗi khi bão về, chính quyền, xã thôn có đến tận nơi vận động ba mẹ con di tản nhưng họ lại dứt khoát ôm nhau bám nhà. Mà có cưỡng chế họ đến nhà an toàn chăng nữa, thì rồi 3 mẹ con ni cũng nách nhau trốn về... 

Cuộc sống thường nhật của cả ba mẹ con bà Minh cũng hoang dã đến mức kỳ lạ. Nhà không có điện, không nước.... họ lấy từng bịch nước giếng đựng sẵn đã ố màu làm nước sinh hoạt hằng ngày, cùng những xoong nồi để nấu ăn đã hoen ố, mốc rỉ... nguy cơ bệnh tật đến với họ là rất lớn. Phần thằng bé lớn con bà Minh thì bị người làng gọi là “người rừng” cũng do bởi cứ thấy người lạ là nó bỏ chạy. Người dân còn thường chứng kiến cháu xuống sông bắt cá sống, cầm lên cười ngây ngây, dại dại rồi bỏ vào miệng nuốt gọn con cá vào bụng. Nửa đêm khuya, hay nhiều buổi trưa, thằng bé tự dưng trèo lên ngọn cây dừa, đu mình lơ lửng, rồi hái hoặc lượm dừa để mang về nhà ăn... Cũng vì vậy nên khi thấy cuộc sống, sinh hoạt của mẹ con mà Minh giống như thú hoang, biệt lập, kỳ lạ, nên tuy bà con xóm làng dù  rất thương cảm, nhưng dần dần họ ngại tiếp xúc và xa lánh dần...

Các ngành chức năng vào cuộc giải cứu "nhiều không" cho mẹ con "người rừng"

Khi được hỏi về ba mẹ con cậu bé "người rừng", trưởng thôn Sư Lỗ, ông Nguyễn Ngọc Thành đã thừa nhận: "Đúng là ở thôn chúng tôi có cậu bé rất kỳ dị, chỉ ăn cá sống, sống cuộc sống vô thức, ăn lông ở lỗ như người hoang dã. Người dân trong thôn thấy thế cho áo quần thì cậu bé không mặc, chỉ duy nhất cái áo rách nát đã mặc hơn 5 năm qua. Bà Nguyễn Thị Thanh Minh nhiều năm nay mắc bệnh tâm thần. Bà ta sinh hạ được 2 con trai, nhưng không chồng, cũng không biết cha của hai đứa trẻ này là ai. Thằng con trai đầu của bà Minh chừng 15 tuổi, có khả năng cũng mắc bệnh thần kinh như mẹ. Chỉ có mỗi thằng bé sau là tỉnh táo, nhưng sống trong môi trường cả mẹ và anh đều không được bình thường nên cháu cũng không được chăm sóc, quan tâm.

Theo xác minh của Công an địa phương, 3 mẹ con bà Minh sống ở đây đã hơn 10 năm, căn nhà bà sống là của bố mẹ đẻ để lại. Đặc biệt, mẹ con bà Minh không có đăng ký hộ khẩu, sinh con không có giấy khai sinh, hai con trai của bà Minh cũng không có tên và không được đến trường. Một cán bộ Công an xã Lộc Điền còn cho biết: "Mùa bão năm trước, cậu bé còn đào hầm nấp bão trong nhà. Lãnh đạo xã, huyện về vận động đi tránh bão, cả gia đình không chịu đi, cứ ở ẩn trong nhà vậy". Khi gặp chúng tôi, cậu bé 15 tuổi vẫn tỏ vẻ sợ sệt, chỉ đứng yên một chỗ, rồi bỏ chạy.  Tất cả đối với cậu đều lạ lẫm. Phải hết sức thuyết phục, cháu bé mới quay trở lại ngôi nhà rách nát của mình.

Ông Huỳnh Bình, Chủ tịch UBND xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc trăn trở: "Mấy năm qua, chúng tôi cũng biết trường hợp này rất khó khăn, mà gia đình này cũng có gen di truyền về bệnh thần kinh. Năm ngoái, có kinh phí hơn 50 triệu đồng sửa chữa lại nhà mới cho bà, xã cũng đã mời người thân của bà Minh lên làm việc để hỗ trợ xây nhà mới cho 3 mẹ con ở, nhưng người thân của bà không lên nên đã hỗ trợ cho trường hợp khác. Chừ mình tới vận động họ, họ không chấp nhận biết làm răng được?".

Theo ông Bình, đây là vấn đề trăn trở của địa phương. Chúng tôi cũng mong các nhà hảo tâm tạo điều kiện cho 2 đứa nhỏ có cuộc sống tương lai về sau. Bởi các cháu không được học hành, lại mất hết khả năng hành vi của mình, sau này lớn lên sẽ là thảm họa cho xã hội.

Bà Võ Thị Kim Ánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo trợ xã hội & Bảo vệ chăm sóc trẻ em tỉnh Thừa Thiên - Huế khi trao đổi với PV Chuyên đề CSTC về trường hợp mẹ con cậu bé “người rừng” đã khẳng đinh: "Cục sẽ có trách nhiệm làm việc và yêu cầu Phòng lao động kiểm tra vụ việc này. Chúng tôi quá bất ngờ và cũng không nghĩ chính quyền địa phương để tồn tại trường hợp bà Minh và hai cháu bé phải sống trong khổ cực như thế, trong khi vẫn có người sống bên cạnh mà không hề để ý.

Ở một xã hội hiện đại hiện nay mà còn trường hợp này ngay giữa xã Lộc Điền thì thật đáng tiếc. Đến bây giờ mà họ vẫn chưa có hộ khẩu, không giấy khai sinh, các cháu không được học hành thì quá thiệt thòi và cũng phản ánh sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương phải báo cáo lên các cơ quan, ban, ngành để các cháu được hỗ trợ các chế độ chính sách theo Nghị Định 67/13.  Người thân của họ đã bỏ họ thì xã hội phải cưu mang, phải đưa họ đi điều trị phục hồi. Trong trường hợp này, người mẹ đã mất hết khả năng nuôi dưỡng, các cháu phải được đưa vào trung tâm nuôi dưỡng xã hội. Đó là chưa nói chuyện địa phương cấp xã phải đưa bà mẹ đi kiểm tra xem có bị tâm thần không, rồi chu cấp người tàn tật.

Cũng theo bà Ánh, sau khi nhận được thông tin, chúng tôi đã chỉ đạo ngay Phòng Lao động Thương binh xã hội huyện Phú Lộc tìm hiểu về hoàn cảnh cậu bé này, nghiên cứu để tìm hiểu các chế độ chính sách cho các cháu, hỗ trợ cho các cháu và làm giấy khai sinh cho các cháu. 

Ngày 20/8, PV Chuyên đề CSTC đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: "Trước hết, chúng tôi hết sức cảm ơn và tiếp thu việc báo chí đã phát hiện và phản ánh sự việc. Lãnh đạo Sở hiện đã chỉ đạo Chi cục Bảo trợ xã hội & Bảo vệ trẻ em kiểm tra ngay trường hợp 3 mẹ con ở thôn Sư Lỗ, xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc. Theo kế hoạch, sáng thứ 6 ngày 22/8, đoàn sẽ đi kiểm tra sự việc. Dù sao, việc phát hiện mới về 3 mẹ con không có hộ khẩu, không giấy khai sinh sống hơn 10 năm qua tại địa phương này cũng đã đánh thức các cơ quan pháp luật liên quan phải vào cuộc để trả lại quyền công dân cho gia đình cùng cực của họ. Chỉ đạo xã liên hệ các cơ quan chức năng liên quan để làm sổ hộ khẩu, giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, và các chế độ hỗ trợ khác cho họ có cuộc sống ổn định như bao người dân khác".

Hoài Thu - Thiên Phúc
.
.
.