Sự thật về người đàn bà 7 năm ăn hoa vạn thọ thay cơm

Thứ Tư, 22/01/2014, 09:00

Ấp Chánh (xã Tân Lập Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) đang xôn xao về một số bài báo viết về trường hợp bà Hồ Thị Liên (53 tuổi) 7 năm ăn hoa vạn thọ thay cơm. Chúng tôi đã bị hụt hẫng khi tìm về ấp Chánh. Hụt hẫng bởi sự im lặng lạnh nhạt, bởi những cái nhìn thờ ơ, cau có. Hụt hẫng bởi thông tin rõ ràng, hấp dẫn được phơi trên mặt báo mười mươi như thế lại hoàn toàn sai sự thật.

"Quýt làm cam chịu"

Lần theo nội dung một số bài báo viết về người đàn bà ăn hoa vạn thọ thay cơm suốt 7 năm trời ở Long An, chúng tôi hào hứng vượt gần 100 cây số đi tìm "dị nhân" đặc biệt này. Quần cả buổi sáng xung quanh diện tích nhỏ bé của một cái ấp, hỏi về bà Liên ăn hoa vạn thọ thì chỉ nhận được những cái lắc đầu thờ ơ.

Nghe  kể chi tiết về bà Liên: "Nhà cô Liên chỉ có một mẹ một con thôi. Ngày xưa làm nghề buôn ve chai sau chuyển qua vé số. Nghèo túng khó khăn lắm. Cách đây ba năm, nhà nước đã xây nhà tình thương cho mẹ con cô ấy và thoát nghèo rồi. Giờ chỉ còn "danh hiệu" cận nghèo thôi". Vậy giấc mơ mà bà Liên kể cho báo chí viết rằng bà gặp người ăn xin cầm bông vạn thọ trên tay rồi từ đó, bà bỗng chán cơm, ngao ngán dầu mỡ mắm muối, bà thèm ăn bông vạn thọ luôn? Ông Trắng - người trong ấp Chánh suy luận: "Cô Liên yếu đuối, bệnh tật suốt nên người nhiều lúc không được bình thường đâu".

Và chính cái sự chẳng bình thường ấy của bà Liên mà câu chuyện ăn bông vạn thọ trở thành đề tài hót của cánh nhà báo chuyên săn chuyện lạ. Từ ngày bà Liên được đăng báo, có nhiều người ở tận đâu tìm đến xem bà Liên là một hiện tượng lạ.

Sự thật không đẹp như hoa

Bà Liên sống bao đời ở cái ấp này, bà làm gì, sống như thế nào thì hàng xóm láng giềng đều tường tận. Để xác nhận và chứng minh thông tin vừa nói, ông Trưởng ấp giới thiệu chúng tôi đến gặp bà Nguyễn Thương (tên thường gọi Tư Thương) nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Lập Hạ. Bà Tư Thương khi còn đương nhiệm là người thường xuyên quan tâm, sâu sát dân tình, đặc biệt những chị em phụ nữ gặp hoàn cảnh khó khăn, sống cảnh mẹ góa con côi như bà Liên.

Bà Tư Thương (trái) và bà Hai hàng xóm

Khi về hưu, nhà bà Thương lại ở gần kề bà Liên, nên chuyện cuộc sống, công việc, tính cách, hoàn cảnh hàng xóm bà Tư Thương nắm trong lòng bàn tay. "Không phải sự thật đâu, ai lại ăn bông vạn thọ trừ cơm đến 7 năm cơ chứ. Từ khi có mấy bài báo đưa lên, Chi bộ ấp đã họp lại với nhau phải yêu cầu đính chính ngay chứ sao lại thông tin không đúng như vậy. Chúng tôi cũng nhắc nhở bà Liên chuyện tung tin cho cánh báo chí. Người ở xa không rõ chứ dân tình sống với nhau cả đời người sao lại không biết ai như thế nào".

Xâu chuỗi sự việc, chúng tôi mạo muội phân tích vấn đề: Ăn bông vạn thọ chỉ là một sở thích chứ không thể dùng thay cơm để duy trì sự sống trong nhiều năm trời như người ta nói. Bông vạn thọ thuộc dòng hoa đắt đỏ, đắt hơn nhiều các loại rau thông thường ở vùng quê như rau muống, rau cải, rau lang… Ở vào hoàn cảnh của bà Liên sẽ không có tiền để mua bông vạn thọ ăn thường xuyên như thế. Huống hồ ăn thay cơm thì đó lại là một khối lượng rau rất lớn mới đắp đầy cái bao tử.

Theo chân bà Tư Thương qua nhà bà Liên, mọi hoài nghi của chúng tôi phần nào được giải đáp. Căn nhà tình thương kiểu ống cửa đóng then cài, không gian vắng tanh, lạnh ngắt. Xung quanh những vạt đất trống trắng cát, không một loại cây rau nào được trồng. Bông vạn thọ lại càng không. Từ nhiều năm nay, nó là như thế. Cuộc sống của mẹ con bà Liên bám víu vào những đồng tiền bán vé số. Bà Tư Thương khẳng định thêm: "Liên nó ốm như cây củi khô, người lúc nào cũng héo rũ. Nó thường ăn mì tôm, bánh mì hay rau cháo gì đó và ít ăn cơm. Nhưng tuyệt đối không có chuyện ăn bông vạn thọ trừ cơm. Bà con lối xóm ở đây đều biết, không thể phủ nhận sự thật được".

"Bà con ấp Chánh không muốn nhắc đến bà Liên ăn bông vạn thọ nữa, cứ là bà Liên bán vé số, buôn ve chai, sống cuộc đời hồn hậu chất phác, đói khổ mà nhiều người thương. Bản thân bà Liên là một người tốt. Hãy giải oan cho lời đồn thổi phi nghĩa về bà Liên giúp bà con chúng tôi với kẻo ít bữa nữa có đoàn nhà khoa học nghiên cứu con người nào kéo về đây, dân chúng tôi lại một phen hổ thẹn". Ông Trắng nói với phía sau xe chúng tôi

Ngọc Thiện
.
.
.