Sự thật về người đàn bà 'thức trắng' 29 năm

Thứ Ba, 28/07/2015, 08:00

Sau trường hợp ông Thái Ngọc (71 tuổi, ở xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) hơn 40 năm không ngủ, thì hiện tại tỉnh Quảng Nam lại xôn xao về việc một phụ nữ 29 năm "thức trắng". Không ít kẻ mê tín dị đoan đã đồn thổi: "Đó là những ma sống, kết bạn với cõi âm hằng đêm…

Những người này ngoài khả năng không ngủ, còn có khả năng "cho số đề", hoặc có thể chữa bách bệnh"… Người hiểu biết thì cho rằng, việc xuất hiện nhiều trường hợp người "không ngủ" cùng trên một địa bàn là điều rất kỳ lạ. Riêng các nhà chuyên môn về y khoa đã nhanh chóng vào cuộc và làm rõ nguyên nhân "mất ngủ" hàng chục năm của những con người đặc biệt này.

Chuyện của người đàn bà "thức đêm" 

Việc bà Đinh Thị Anh (52 tuổi) đã "thức trắng" gần 29 năm thì gia đình, người thân và hàng xóm láng giềng ở xã Đại Hiệp (huyện Đại Lộc, Quảng Nam)  đã tỏ tường từ lâu. Nhưng không hiểu sao, mấy ngày gần đây, chuyện bà Anh không ngủ bỗng nhiên trở thành đề tài bàn tán rất hót tại phố huyện này. Hằng ngày, có không ít người hiếu kỳ kéo đến nhà bà Anh để mục sở thị người đàn bà "kỳ lạ" và bàn tán xôn xao. Những kẻ ác miệng còn "phán", bà Anh là người cõi âm nên không ngủ. Chồng bà vì sợ "sống với ma" nên mới bỏ xứ đi biệt tích từ đó đến nay cũng ngót nghét hai chục năm có lẻ rồi…

Chiều xế bóng về xã Đại Hiệp, trải qua chặng đường dài, quanh co, cũng phải đến hơn 7h tối chúng tôi mới tìm được căn nhà cấp 4 của mẹ con bà Anh nằm ẩn sâu trong rừng keo vi vút gió. Nhưng đến nơi thì bà Anh lại vắng nhà, chỉ có cụ Phan Thị L. (mẹ bà Anh) lụi cụi một mình ngồi ngay bậu cửa ngóng ra con đường đất sỏi. Theo lời cụ L. thì năm nay cụ đã 87 tuổi.

Bà Đinh Thị Anh- người 29 năm không ngủ.

Nhưng xem ra cụ L. vẫn còn rất minh mẫn, rành rọt nhớ được hết từng chi tiết chuyện "không ngủ" của con gái mình. "Mô phải mới đây, từ sinh đứa con đầu tới chừ con Anh nó đã không ngủ. Tui già, ít ngủ đã đành, thương con Anh mới tuổi 50 đã mắc bệnh chi lạ. Đứa cháu ngoại đã đi làm xa, chừ cảnh nhà chỉ có mẹ già, đàn bà không chồng sống dựa vô nhau qua ngày đoạn tháng" - cụ L.chia sẻ. Ngồi đợi, nghe cụ L. ể chuyện đời được một lát, thì nhân vật chính lóc cóc đạp xe về đến đằng ngõ.

Ấn tượng ban đầu đập vào mắt tôi là cái dáng gầy guộc, xiêu vẹo khắc khổ của bà Anh. Đã vậy, đôi mắt thâm quần, trũng sâu và giọng nói đã nhỏ, khó nghe còn chốc chốc lấy tiếng thở dài thay thế. "Mấy cô chú nhà báo gặp tui hỏi chuyện không ngủ hả? Đêm ni thức với tui là biết liền. Tui không ngủ mấy chục năm ni rồi, mọi người trong làng ai cũng biết chuyện hết. Mấy hôm ni có nhiều người tới nhà, chờ tui thức để coi đó"...

Tiếp sau tiếng thở dài, bà Anh lại kể: "Tui là con út trong gia đình có 7 anh chị em. Từ nhỏ đến khi lớn lên mọi sinh hoạt, tâm lý vẫn bình thường. Tất cả anh chị em trong nhà, chẳng có ai bị chứng bệnh lạ như tui hết. Năm 23 tuổi lấy chồng, rồi sinh đứa con đầu lòng. Nhưng trời không thương, con mới được vài tháng tuổi là cháu mất.

Đau lòng, nhớ con như cắt da xẻ thịt, nên ròng rã nhiều đêm tôi thức trắng để khóc. Rồi bắt đầu ít ngủ lại, hầu như ngày chỉ ngủ được 2 tiếng đồng hồ. Sau đó một năm, tôi mang thai đứa con gái thứ hai. Lần này tôi chăm con kỹ lắm, hầu như đêm nào cũng thức đến sáng dỗ con quấy khóc. Ban đầu là vậy, nhưng không hiểu sao cũng từ đó, kể cả ban đêm hay ban ngày, tôi không thể ngủ nữa. Tính từ thời gian sinh đứa con đầu đến nay, tôi đã gần 29 năm không ngủ rồi.

"Khi được hỏi thời gian không ngủ được thì bà làm gì? Bà Anh chỉ cái tivi cũ ngay góc nhà mà bảo: "Hai mấy năm đêm nào tôi cũng lấy tivi làm bầu bạn. Xem hết chương trình này đến chương trình khác, khi nào hết rồi thì tôi cũng vào nằm nhưng đôi mắt cứ mở mà không tài nào ngủ. Thôi thì đành dậy cuốc đất, làm việc nhà để mong trời mau sáng mà gặp mọi người trò chuyện cho khuây khỏa".

Căn nhà cấp bốn xiêu vẹo của mẹ con người đàn bà không ngủ.

Trời đã dần về khuya, giống cảnh tượng của cụ L. lúc chiều, bà Anh lặng lẽ ngồi dựa chiếc ghế cũ. Đôi mắt lõm sâu, lặng nhìn về khoảng không, tối đen như mực ngoài hiên nhà. Tiếng bà đều đều, nhỏ giọng trong đêm vắng: "Cũng vì tôi mất ngủ mà chồng tôi đi xứ, bỏ vợ con đi biệt tích. Nghe đâu giờ ổng đã lấy vợ sinh con ở trong miền Nam rồi. Hồi nớ, nhiều đêm nằm bên cạnh chồng, cố nhắm đôi mắt nhưng vẫn không thể chìm vào giấc ngủ dù chỉ vài phút. Chờ chồng ngon giấc, tôi lại dậy đi lại loanh quanh trong nhà. Nhưng một lần, hai lần, một tuần, một tháng và cả năm, đêm nào cũng thức đến sáng. Vậy nên, từ lo lắng cho vợ, chạy đôn chạy đáo vay mượn tiền dẫn vợ xuống bệnh viện huyện để khám, ông đâm cáu gắt, vợ chồng nhiều trận lục đục. Đang lúc túng thiếu trăm bề, bệnh không thể chữa, ổng đột ngột bỏ vào Nam không lời từ biệt".

Thiếu vắng trụ cột gia đình, một mình bà Anh vất vả nuôi con dại, cuộc sống nghèo khó, chật vật, từ đó về sau chuyện ra phố huyện khám bệnh trở thành một việc quá khó khăn với bà Anh. Nếu trước khi lấy chồng bà Anh nặng khoảng 50kg, thì giờ chỉ còn hơn 40kg, người gầy guộc, xanh xao, già nua hơn tuổi thật của mình.

Có thể chữa được bệnh "không ngủ"

Để xác minh sự thật về chuyện 29 năm không ngủ của bà Anh, chúng tôi đã tìm gặp ông Phạm Minh Sơn - Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Phú Quý. Ông Sơn xác nhận: "Bà Đinh Thị Anh không biết do tâm lý hay mắc bệnh gì nhưng đã mấy chục năm qua không ngủ. Cả thôn này ai cũng biết đến trường hợp của bà". Bản thân bà Anh cũng trút lòng: "Nhà nghèo quá, ngoài cái tivi cũ, cái bàn gỗ mòn và mấy cái ghế nhựa gãy chân thì căn nhà xiêu vẹo chẳng còn vật gì đáng giá cả. Đến cái ăn còn bữa đói, bữa no thì cho dù tui biết bệnh, mong chỉ được một đêm ngon giấc như người bình thường, nhưng lấy tiền mô mà ra huyện, lên tỉnh tìm bác sĩ khám và điều trị bây giờ…".

Bác sĩ Lê Đình Đảm: Đã có nhiều trường hợp mất ngủ kéo dài hàng chục năm đến bệnh viện khám và được theo dõi, điều trị khỏi.

Trao đổi với PV Chuyên đề CSTC về trường hợp "không ngủ" của bà Đinh Thị Anh, bác sĩ Lê Đình Đảm, chuyên khoa Đông y - Vật lý trị liệu, Bệnh viện Gia Đình Đà Nẵng đã lý giải nguyên nhân: Bà Anh không phải là ngoại lệ, bệnh mất ngủ có thể xảy ra đối với bất kỳ ai. Tại Đà Nẵng, Quảng Nam cũng có nhiều trường hợp "không ngủ" tìm đến điều trị.

Nguyên nhân chính là do căng thẳng quá mức, gọi là stress do suy nghĩ hay làm việc quá nhiều. Do bệnh lý đa khoa (dị ứng, viêm khớp, bệnh tim, cao huyết áp, hen phế quản…), hoặc do bệnh lý tâm thần (trầm cảm, hưng cảm, rối loạn lo âu lan toả, rối loạn stress sau chấn thương, nghiện rượu, tâm thần phân liệt, bệnh sa sút tâm thần)…

Nếu chỉ là mất ngủ thoáng qua (diễn ra dưới 1 tuần) sẽ gây trạng thái buồn ngủ, hoạt động kém linh hoạt. Nếu mất ngủ mãn tính (kéo dài trên 1 tháng, 1 năm hay nhiều năm) sẽ gây trầm cảm, giảm sức đề kháng, sức khỏe suy giảm, đồng thời kéo theo rất nhiều bệnh khác như béo phì, giảm trí nhớ, rối loạn tâm lý, bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường… Nghiêm trọng hơn, các nghiên cứu mới nhất còn cho thấy việc thiếu ngủ, mất ngủ có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và cả tính mạng.

Những người bệnh này hoàn toàn không liên can gì đến yếu tố tâm linh, ma nhập như người dân thiếu hiểu biết đồn đoán. Cũng không phải là một loại bệnh lây truyền. Nhưng những người mất ngủ thường gây cảm giác khó chịu, kỳ lạ cho người xung quanh, khi họ vì phải kiếm việc "giết thời gian" chờ trời sáng. Hiện đã có nhiều trường hợp mất ngủ kéo dài hàng chục năm đến bệnh viện khám và được theo dõi, điều trị khỏi.

Trong đó có thể kể đến một bệnh nhân mất ngủ hơn 17 năm tên là Trần Thị K. (trú phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) nhiều đêm thức trắng, ngủ được nhiều nhất mỗi ngày khoảng 1 đến 2 giờ. Bệnh nhân K. trước đó đã điều trị nhiều nơi và có dùng thuốc ngủ nhưng cũng không có hiệu quả.

Hiện nay, điều trị những trường hợp mất ngủ lâu như vậy bằng phương pháp châm cứu và vật lý trị liệu đem lại hiệu quả nhất. Có thể khẳng định, hai phương pháp trên giúp bệnh nhân cải thiện được giấc ngủ của mình trở lại. Như trường hợp bà K. thường xuyên đến châm cứu và dùng điện từ trường xuyên sọ với cường độ 12mT, đã ngủ trở lại được đến 7 giờ mỗi ngày, đêm…

Đây là tin đáng mừng cho những bệnh nhân không ngủ nhiều năm. Tuy nhiên, với người đàn bà 29 năm không ngủ Đinh Thị Anh thì gia cảnh quá khó khăn, eo hẹp của bà là một trở ngại rất lớn. Để giúp người phụ nữ này có tiền điều trị, có giấc ngủ sau nhiều năm thức trắng còn cần lắm những tấm lòng hảo tâm của cộng đồng.

Hoài Thu
.
.
.