Tang vật, không là, rồi lại... là tang vật

Thứ Ba, 01/11/2016, 18:16
Báo Cambodia Daily ngày 29-9 chạy dòng tít “Sử dụng bao cao su làm tang vật, cảnh sát xem thường luật pháp”.


Cách đây 3 năm, Campuchia có qui định cấm cảnh sát sử dụng bao cao su làm tang vật những vụ mua-bán dâm, v́ nó có thể khiến người ta tránh sử dụng để dễ phi tang, làm tăng mối nguy HIV - AIDS.

Nhưng nay, cảnh sát công khai thừa nhận vẫn tiếp tục sử dụng bao cao su làm tang vật. Tờ báo trên dẫn của ông Keo Thea, chỉ huy lực lượng Cảnh sát chống buôn lậu ở thủ đô Phnom Penh: các sĩ quan của ông vẫn dùng bao cao su để làm chứng cứ mua-bán dâm.

Bao cao su được bán công khai trên đường phố Phnom Penh tối 28-9.

Ông Keo Thea nói: “Đấy là chứng cứ. Chúng tôi cần suy nghĩ về việc bao cao su phục vụ cho việc gì. Ví dụ khu vực này đã bị điều tra kỹ, phát hiện nhiều điểm bán dâm, mát-xa trá hình… và nói về bao cao su chưa hoặc đã sử dụng, chúng tôi xác định ở khu vực này có trang bị bao cao su để quan hệ sex. Đấy là khi cảnh sát chúng tôi xem nó là chứng cứ”.

Bộ Nội vụ Campuchia đã cấm cảnh sát sử dụng bao cao su làm chứng cứ, với lý do phải ưu tiên bảo đảm quan hệ tình dục an toàn hơn cả việc điều tra, cho phép người bán dâm và khách mua dâm mang theo và sử dụng bao cao su mà không sợ bị bắt hoặc bị truy tố. 

Dù vậy, ông Thea vẫn nói bao cao su là tang vật chính khi chúng được dùng cho những hoạt động trái pháp luật: “Một con dao trong nhà chúng ta là phương tiện để thái rau, xẻ cá. Nhưng nếu ai đó cầm con dao đó để đâm người…thì nó trở thành một loại vũ khí. Nó trở thành tang vật xác nhận tội ác”.

Vấn đề bao cao su có là tang vật hay không đã được nêu ra tại một cuộc họp hôm 28-9, giữa Chính phủ Campuchia với đại diện các tổ chức phi chính phủ. Việc Cảnh sát Campuchia “lách” luật cấm là một trong những chướng ngại vật cản trở các nỗ lực phòng chống HIV/AID và khuyến khích sử dụng bao cao su.

Tiến sĩ Pea Phauly, một quan chức mảng y tế của Tổ chức Sức khỏe gia đình quốc tế 360, nói Cảnh sát  Campuchia thường xuyên sử dụng bao cao su làm tang vật, nhấn mạnh một vụ đã xảy ra ở Phnom Penh hồi đầu tháng 9 và một vụ khác ở tỉnh Pursat cách đây 2 tháng: “Cách làm này phổ biến ở thủ đô  Phnom Penh, Battambang, Siem Reap và  Banteay Meanchey. Có vài mức tác động tiêu cực, vì người dân sợ để bao cao su trong khách sạn hoặc quán karaoke”.

Ieng Mouly, lãnh đạo Ủy ban phòng chống AIDS (thuộc chính phủ) cho biết cơ quan ông thường xuyên nhận những lời phàn nàn về việc cảnh sát “lách” luật, nhưng các quan chức cảnh sát lại luôn phủ nhận: “Có một vấn đề đáng lo, là họ nói việc cảnh sát sử dụng bao cao su làm tang vật nhằm để buộc tội những người chủ, nhưng khi chúng tôi trao đổi với cảnh sát, họ giải thích rằng có thể phát hiện bao cao su nhưng họ không bao giờ sử dụng chúng làm tang vật”.

Theo báo Cambodia Daily, người bán dâm, nam giới đồng tính ái và người nghiện ma túy sử dụng kim tiêm là 3 nhóm người dễ bị “dính” HIV/AIDS nhất, theo xác định của chính phủ và các tổ chức y tế. Đây là 3 nhóm được quan tâm nhất trong nỗ lực phòng chống HIV. Cuộc chiến chống HIV của Campuchia từng được ca ngợi là một thành công tầm cỡ quốc tế, với tỷ lệ người bị lây nhiễm (trong độ tuổi 15-49) đã giảm đáng kể, từ 1, 7% hồi năm 1998 xuống chỉ còn 0,6% hồi năm ngoái, theo chính phủ nước này.

Tiếp cận và bảo vệ những nhóm dễ bị lây nhiễm nhất đã trở thành trọng tâm trong chiến lược mới nhất, chủ yếu do các tổ chức y tế phi chính phủ phát triển, và được Trung tâm Quốc gia phòng chống HIV/AIDS và  bệnh da liễu  tiến hành. 

Giám đốc trung tâm, ông Ly Penh Sun cho biết: các chiến thuật của cảnh sát không là mối quan ngại lớn nhất. Và ông phàn nàn việc không còn nguồn viện trợ nước ngoài cho cuộc phòng chống HIV/AIDS, nên trung tâm không có nguồn lực cần thiết để đạt chỉ tiêu kéo giảm số người mới bị lây nhiễm.

Kim Hương (theo Cambodia Daily)
.
.
.