Quảng Nam:

Tết này "Làng ma ám" không còn sợ ma

Thứ Bảy, 14/02/2015, 10:00
Khi nắng mai len mình qua đám rừng Tà Vạt, mang hơi ấm mùa xuân lan tỏa khắp núi đồi Đông Giang; xa xa phía triền dốc, cánh đàn ông gọi nhau địu gùi lên rẫy; đám đàn bà hí húi thổi cơm lam; trên bãi bồi Sông Kôn lũ trẻ con cười nắc nẻ nhóm than hồng, mùi cá niêng nướng thơm lựng quyện xa trong gió… đó là lúc dân bản Bút Tưa đang rộn ràng đón Tết…

Đã tròn một năm sau ngày bỏ làng ra đi vì sợ…"ma ám", nay cuộc sống của 17 hộ dân với gần 100 nhân khẩu của Bút Tưa đã nhiều đổi mới. Tết này, 10 nóc nhà mái ngói đã dựng xong, rượu thịt đầy bồ và quan trọng nhất là "làng không còn sợ ma"...  

Tết năm ấy con ma rừng "quấy nhiễu"

Ngoài trời mưa xuân vừa tạnh hạt, bên bếp than hồng nhấp ly rượu Tà Vạt, nhâm nhi thịt trâu rừng gác bếp, A Lăng Điêu Trưởng thôn Bút Tưa khề khà kể chuyện Tết xưa: "Chớp mắt đã qua 360 ngày rồi đấy cán bộ à, còn nhớ Tết năm Ngọ vừa rồi, đúng ngày mùng 4 tết âm lịch 2014, từ sau cái chết của anh A Lăng Nghĩa (SN 1980). Bấy giờ, dân Bút Tưa sợ lắm, nỗi sợ con ma rừng ám làng len khắp mọi ngóc ngách của thôn, cảnh thằng A Lăng Nghĩa, đang thanh niên trai tráng, vừa mới cưới vợ, sinh con thì tự nhiên phát bệnh điên. Hằng ngày thay vì ngủ ở trên giường, nó lại đu mình lên sà nhà mà ngủ. Cách đấy mấy tháng vì Nghĩa tự nhiên vác dao đuổi, chém cả mẹ ruột và cứ rình nấp trong bụi hễ ai đi ngang qua là dọa nạt, đuổi đánh gây thương tích nên buộc người nhà phải đóng cũi nhốt Nghĩa vào trong. Con A Lăng Bí đã nhiều lần đưa chồng xuống bệnh viện tỉnh để điều trị mà không bớt bệnh. Hôm ngày Tết cổ truyền, vì thương chồng nên Bí đưa Nghĩa về nhà để cùng ăn tết với gia đình. Nào đâu...".

Tiếp lời Trưởng thôn Bút Tưa, già làng A Lăng Đan (73 tuổi) giọng trầm lại: ''Nhiều năm qua con ma rừng nó về bắt đàn ông, trai tráng trong làng. Đã có đến bốn đàn ông trai tráng của thôn gồm hai anh em ruột A Lăng Tưa và em A Lăng Nhứt; A Lăng Tròn  và cuối cùng là A Lăng Nghĩa đều bị ma hại. Dân thôn sợ lắm, dân phải trốn con ma rừng kẻo lại có thêm người chết nữa...".

Xuân đã về trên từng nét ngây thơ của trẻ em thôn Bút Tưa.

5 năm trước khi dự án thủy điện Sông Kôn triển khai, hàng chục nóc nhà dân đã được di dời lên tái định cư tại khu đồi đất cao nằm ngay sát bên cạnh con đường bê tông liên xã. Toàn bộ số tiền đền bù giải tỏa nhận được từ Ban dự án cũng đều được sử dụng xây nhà ngói, lợp tôn, hoặc dựng nhà Gươl (nhà sàn truyền thống được dựng từ gỗ, tre rừng của đồng bào Cơ Tu - PV) để ổn định cuộc sống. Nhưng không lâu sau, những nóc nhà tái định cư trên khu gò đất này bỗng nhiên xảy ra nhiều chuyện lạ kỳ. Ban đêm đàn chó nhà cứ tru vọng vào rừng thảm thiết. Hai anh em nhà A Lăng Tưa, và A Lăng Nhứt đang đàn ông rất khỏe mạnh, là lao động chính làm rẫy cho cả gia đình, lại có vợ con đề huề, tự dưng hết anh trai rồi đến em trai đều tìm đến cái chết bằng treo cổ tự vẫn. Còn đàn ông trong thôn, từ hồi xảy ra cái chết của anh em nhà Tưa và Nhứt cũng tỏ ra chán nản, uống rượu mà không chịu lên rẫy, làm lúa.

Theo tập tục của đồng bào Cơ Tu, ở trong làng nếu có người chết không đúng với tự nhiên "sinh, bệnh, già, tử" thì họ sẽ hóa thành ma quay về bắt tiếp những người còn lại. Tuy nhiên, sau một thời gian dài không thấy thêm ai "bị ma bắt" nên sự việc cũng nguôi ngoai, trôi dần vào quên lãng. Cho đến cuối năm 2013, ở thôn Bút Tưa lại tiếp tục xảy ra vụ thanh niên A Lăng Tròn đang yên đang lành cũng tự tìm đến cái chết.

Thấy nhiều cái chết của đàn ông trong thôn trùng hợp lạ kỳ, một số người mê tín trong thôn vội đi xem thầy Giàng (thầy bói - PV). Bói ra ma, quét nhà ra rác, khi nghe thầy phán khu đất của người dân dựng nhà đó không sạch sẽ và đã bị nguyền rủa, ma ám, dân thôn Bút Tưa lại càng lo lắng, hoang mang hơn.

Chẳng là theo đồn đại của dân làng, trên khu đất tái định cư này thời còn Mỹ, ngụy đã có rất nhiều người của làng bị sát hại, nên những người bị chết oan, bị giết hại đã hóa ma rừng và thề nguyền sẽ "đoạt mạng" đàn ông của làng. Ban đầu chỉ là lời xì xào, lo lắng âm ỉ của một số gia đình trong thôn, cho đến đúng ngày mùng 4 Tết, khi đồng bào đang quây quần bên bếp lửa hồng trong nhà Gươl ở chính giữa làng, thì vợ của A Lăng Nghĩa (SN 1980) hớt hải chạy vào báo tin xấu. Việc Nghĩa chết như tiếp thêm mồi lửa cháy bùng sự hoang mang, nghi kị của người dân trong thôn từ bấy đến nay....

Làng ma ám bây giờ đã hết sợ ma.

Vậy là ngay trong ngày mùng 6, mùng 7 Tết âm lịch, bà con trong tổ 2 của thôn hoảng sợ đua nhau dỡ mái, đập nhà. Đàn bà, trẻ nít thì vơ vội những vật dụng sinh hoạt cần thiết dắt nhau "chạy ma", tá túc nhờ vào khắp các gia đình người thân khác. Một số gia đình còn nháo nhào dựng cả lều, lán, trại ở các điểm đất trống khu tổ 1 (thuộc thôn Bút Tưa), cách nơi sinh sống gần một km để trú ẩn và cất giữ đồ đạc khiến cuộc sống của cả làng như bị đảo lộn...

Ấm mùa xuân ở làng đã "hết sợ ma"

Sau một hồi kể chuyện Tết cũ ở làng, cả già làng Đan và Trưởng thôn Điêu lại nhấp ngụm Tà Vạt khề khà, giọng ấm lại: "Đó là chuyện Tết cũ, năm nay nhờ có Đảng, có chính quyền địa phương vận động, giúp đỡ dân làng đã được ở nhà mái ngói, ấm cái bụng, yên tâm với cuộc sống mới và đã hết sợ ma rồi". Để minh chứng cho lời già làng và trưởng thôn, trên rẫy cao những cuộn rơm mới vừa chất cao, cơn mưa rừng bất chợt vẫn không ngăn được không khí hăng say lao động của đám trai làng Bút Tưa.

Vừa vun gốc cho luống cải xanh đang trổ bông vàng rực, A Lăng Bí nhân vật chính được nhắc trong câu chuyện "làng sợ ma" đã nở nụ cười hiền sau nhiều ngày u uất: "Tôi rất vui khi thấy anh chị nhà báo quay lại. Sau khi bỏ làng ra đi vì sợ "ma ám", tôi cùng các con đã về nhà người thân ở và đến nay cuộc sống đã ổn định. Mặc dù trước đây chồng tôi chết không phải do ma rừng nhưng khi tôi nói mọi người không ai tin. Cũng vì ai cũng sợ, dân làng lũ lượt bỏ bản đi nên tôi cũng phải đi theo chứ tiếc cái nhà cũ lắm”…

Đồng cảnh ngộ, chị A Lăng Poói (37 tuổi) vợ của nạn nhân "bị ma bắt" A Lăng Tròn cũng chia sẻ: ''Lúc đó, tôi không hiểu vì sao chồng mình lại hành động như thế, giữa hai vợ chồng, con cái cũng không xảy ra mâu thuẫn gì cả. Một số người tới nhà nói bị "con ma" bắt đi, nhưng tôi không tin. Sau đó tôi và 5 con cũng phải bỏ nhà ra đi vì người dân xung quanh họ đi hết, biết sống với ai. Bây giờ xin được đất của họ hàng, làm được cái nhà mới khang trang, tôi làm rẫy và làm thuê cho người ta để có tiền nuôi 5 con nhỏ ăn học, không tin vào chuyện ma quỷ nữa".

Cách đó không xa, nhà của ông A Lăng Thưa (SN 1969) cũng được xây dựng khang trang. Ông A Lăng Thưa cho biết ngôi nhà mới hoàn thành cách đây hơn 4 tháng với số tiền hơn 85 triệu đồng. "Từ khi theo người dân trong làng bỏ đi vì sợ "con ma", tôi về ở với vợ chồng đứa con trai ở tổ 1, cách làng cũ khoảng 2km. Được sự trợ giúp của nhà nước, nhà tôi vay ngân hàng 25 triệu đồng nữa làm được nhà chắc chắn để ở. Được các cán bộ xuống giải thích, bây giờ bà con không ai tin có "con ma" nào đó nữa đâu, yên tâm sinh sống, sản xuất rồi…", ông A Lăng Thưa vui vẻ nói.

Thiếu nữ Cơ Tu mừng tết mới.

Theo ông Bríu Sơn, Chủ tịch UBND xã Sông Kôn, huyện Đông Giang thì đến nay cơ bản cuộc sống của 17 hộ dân bỏ làng đi vì sợ "ma ám" đã ổn định. Sau khi sự việc xảy ra vào đầu năm 2014, các cấp chính quyền địa phương đã xuống tận thôn để đi từng nhà giải thích, vận động bà con không nên nghe theo lời đồn thổi vô căn cứ. Tuy nhiên, do người dân ở đây đa số là đồng bào Cơ Tu nên có phong tục là mỗi khi đã bỏ làng ra đi thì không bao giờ trở lại ngôi làng đó nữa.

"Đến thời điểm hiện tại, 17 hộ dân bỏ làng ra đi đã có nhà ở đàng hoàng. Những người nào chưa có tiền xây được nhà mới để ở thì họ ở cùng với người thân, họ hàng. Tình hình an ninh trật tự ở thôn đã ổn định, không còn cảnh nháo nhác, sợ hãi "con ma" như trước đây nữa.

Để trấn an và ổn định cuộc sống cho người dân, lãnh đạo xã đã phân công lực lượng chuyên môn theo dõi, kịp thời phát hiện những hành vi kích động, xúi giục sau khi di chuyển về nơi ở mới của người dân. Hạn chế đến mức thấp nhất thời gian tới với những tin đồn thất thiệt gây hoang mang trong dư luận. Động viên người dân ổn định sản xuất và các em nhỏ tới trường học; phát huy tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết tộc họ, gia đình trong việc xây dựng cuộc sống, phát triển sản xuất.

Tối nay, dân Bút Tưa tụ tập đông đủ bên căn nhà Gươl nghiêm trang trước bàn thờ tổ tiên. Ánh lửa cháy bập bùng, mùi cơm lam thơm lựng bên mâm rượu thịt vun đầy, những câu chuyện về ma Giàng, về Tết mới vẫn râm ran. Thời khắc giao thừa đã sắp điểm, mọi người trong làng ngồi lại bên nhau, người già, đám trẻ và cả phụ nữ đều cùng nâng ly rượu chúc phúc đầu năm. Chúc năm nay Bút Tưa thêm một mùa lúa mới đầy rường, Bút Tưa năm nay đã không còn sợ ma nữa rồi!…
Ông Bríu Sơn - Chủ tịch UBND xã Sông Kôn (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) cho biết: Sau khi sự việc người dân thôn Bút Tưa bỏ làng vì sợ ma xảy ra, các cấp chính quyền địa phương đã đến từng nhà giải thích, vận động bà con không nên nghe lời đồn thổi vô căn cứ.

Tuy nhiên, do người dân ở đây đa số là đồng bào Cơ Tu nên có phong tục là mỗi khi đã bỏ làng đi thì không bao giờ trở lại nữa. Nhưng đến thời điểm hiện tại, 17 hộ dân đã có nơi ở đàng hoàng. Đã có hơn 10 căn nhà mới được dựng lên. Tình hình an ninh trật tự đã ổn định, không còn sợ "con ma" như trước nữa. Xuân này đồng bào tổ 2 được đón Tết trong ngôi nhà mới ấm áp.

Tuy nhiên, để xóa bỏ hủ tục một cách triệt để, xã vẫn phân công lực lượng thường xuyên theo dõi, kịp thời phát hiện những hành vi kích động, xúi giục người dân sau khi di chuyển về nơi ở mới. Những đối tượng tung tin đồn thất thiệt sẽ xử lý theo pháp luật, ông nhấn mạnh.

H. Thu
.
.
.