Thế giới mê mẩn tóc phụ nữ Ấn Độ vì vẫn còn…"trinh"

Thứ Ba, 08/11/2016, 10:37
Số phụ nữ cạo đầu tại các đền nhiều đến nỗi hàng trăm nhà máy xử lý tóc đã mọc lên trên khắp Chennai. Một trong số đó là Shanmuga. Tại đây, hàng chục công nhân làm những công đoạn từ gỡ rối, phân loại, lọc chấy, gội sạch, sấy khô và nhuộm tóc.


Mỗi tháng, họ xử lý khoảng 1.000 kg tóc. Tùy loại và chất lượng, nó sẽ được bán với giá 500 - 900 USD một kg. Doanh thu hằng năm của họ gần 3 triệu USD. Mái tóc của phụ nữ Ấn Độ được đánh giá cao vì hầu hết đều là tóc “còn trinh”, chưa bao giờ nhuộm, sấy khô hay cắt...

"Tóc của người Ấn Độ phần nào giống chất tóc của người châu Âu. Nó không cứng như người Trung Quốc. Vì thế, khi chúng tôi chuẩn bị phần tóc nối, sản phẩm cuối cùng gần như khớp với tóc của người châu Âu", Murali Krisna – giám đốc điều hành tại Shanmuga cho biết.

Một phụ nữ Ấn Độ đang bị cạo trọc.

Tại một ngôi đền khác ở Chennai, hàng chục phụ nữ đang chờ đến lượt cạo tóc - việc làm thể hiện sự trung thành với thần linh, và cũng là bước đầu tiên trong hành trình tạo ra tóc nối cho cả thế giới. Mỗi năm, đền Sri Bhavani Amman thu được hơn 3 tấn tóc từ những người hành hương. Lượng tóc này có thời từng bị đốt đi.

Nhưng ngày nay, chúng được dùng cho mục đích thực tế hơn nhiều - bán cho các nhà máy xử lý để xuất khẩu đi khắp thế giới. Và nhu cầu nối tóc của mọi người ngày nay đã khiến ngành công nghiệp này bùng nổ.

Tóc nối có thể làm từ sợi nhân tạo, nhưng rất nhiều cửa hàng sử dụng tóc thật, do chúng đẹp hơn và có thể chịu nhiệt. Ngành xuất khẩu tóc toàn cầu do Trung Quốc và Nga thống trị, nhưng tóc của người Ấn Độ nổi tiếng vì chất lượng.

Mỗi năm, nước này xuất khẩu tóc trị giá 300 triệu USD. Việc bán tóc giúp đền Sri Bhavani Amman thu về 150.000 USD mỗi năm.

Các đền thờ lớn còn thu được nhiều nữa, có thể lên đến hàng triệu USD. Người cho tóc không được nhận tiền, mà được đồ ăn và sự ban phước.

"Chúng tôi không thể cứ để tóc ở đó được, mà cũng chẳng thể vứt ra bãi rác", Anjan Lokamitra - người quản lý đền này cho biết. Họ cất số tóc đó đi, và đến cuối năm, chúng sẽ được phân loại và bán đấu giá.

"Các công ty đến từ khắp nơi, trả giá mua chúng. Số tiền này sẽ được dùng để chi cho các mục đích chung của đền. Chúng tôi đã lên kế hoạch cho 2 năm tới rồi", Lokamitra nói.

Các nước khác nhau thích những kiểu tóc khác nhau, Jyothi Krsna - Giám đốc quản lý chất lượng của Shanmuga cho biết.

"Ở Pháp, mọi người thích tóc thẳng, và chủ yếu thích nối tóc. Còn các nước như Nam Phi hay châu Mỹ lại thích tóc xoăn. Mỹ thì thích tất cả", bà cho biết.

Shanmuga xuất khẩu một phần ba số tóc sang châu Á, một phần năm sang Mỹ. Tuy nhiên, thị trường lớn nhất của họ là châu Âu, thông qua hãng bán lẻ Hair Luxury (Pháp). "Thị trường lớn nhất tại châu Âu là Italiay.

Giờ chúng tôi đang cố gắng mở rộng ra Na Uy, Thụy Điển. Vì các thị trường này rất thích tóc vàng", Remi Chinta – giám đốc điều hành của Hair Luxury cho biết.

Hair Luxury có thể bán tóc với giá hơn 2.000 USD một kg. Khách hàng của họ là thợ làm tóc, như Ebtissen Tekouri chẳng hạn. Cứ 3-4 tháng cô lại mua tóc một lần, với giá 360 USD cho khoảng 150gr.

"Tôi thích dùng số tóc này, vì độ dài và chất lượng. Bạn sẽ chẳng còn nhớ đây là tóc người khác khi nối lên đầu mình nữa đâu", Tekouri cho biết.

Trẻ em cũng được mẹ mang theo để cạo đầu.

Một ngôi đền khác ở Ấn Độ kiếm được 22 triệu bảng Anh (hơn 600 tỷ đồng) một năm nhờ việc bán tóc phụ nữ. Quá trình bắt đầu tại ngôi đền Yadagirigutta ở miền Nam Ấn Độ, nơi phụ nữ nghèo xếp hàng dài để được cạo đầu.

Trả lời phỏng vấn tờ Daily Mail, Lavanya Kakala, 28 tuổi, nói rằng cô đem tặng mái tóc của mình cho Thần Vishnu.

Cô gái chia sẻ: "Tôi làm điều này vì muốn nói lời cảm ơn với Thần của tôi. Tôi không quan tâm điều gì sẽ xảy ra với mái tóc của tôi sau này. Nếu những người phụ nữ với mái tóc xấu muốn sử dụng tóc cũ của tôi để xinh đẹp hơn, cũng không sao cả. Việc này còn tốt hơn là vứt tóc đi”. Cạo đầu là một hành động diễn ra trong quá trình hành hương của phụ nữ Ấn Độ.

Khoảng 50.000 người xếp hàng tại các đền chùa lớn để tham gia nghi lễ này. Những hình ảnh đáng kinh ngạc đăng tải trên tờ Daily Mail, cho thấy sự thật đáng lo ngại đằng sau ngành công nghiệp nối tóc.

Trường Vân (Tổng hợp)
.
.
.