Thổ Nhĩ Kỳ: Những cô dâu tuổi 13

Thứ Năm, 01/05/2014, 08:00

Ở Thổ Nhĩ Kỳ, ngày càng xuất hiện nhiều cô dâu mới 12, 13 tuổi vì lý do tôn giáo. Cuộc sống của những cô gái này dường như đều rơi vào bi kịch vì bị bạo hành và những ám ảnh khi lấy chồng quá sớm.

Những cuộc hôn nhân mang màu sắc tôn giáo

"Tôi 13 tuổi", Nezihe nói. "Anh ấy đã theo tôi trên đường từ nhà đến trường và ngược lại. Một ngày, anh kéo tôi vào xe và đưa tôi đi. Sau này tôi mới biết, anh ta đã thực hiện một thỏa thuận "đen tối" với gia đình tôi. Đó là cuộc hôn nhân tôn giáo (imam nikah) và điều tiếp theo thì tôi biết, tôi sẽ đến sống với anh ta".

Nezihe hiện sống tại Mus - một tỉnh phía đông Thổ Nhĩ Kỳ. "Người đàn ông bắt cóc tôi, đe dọa gia đình tôi, đe dọa sẽ giết cha tôi, trừ khi tôi đồng ý kết hôn", Nezihe nhớ lại. "Anh ấy có thể làm những điều tệ hại và cha tôi nói rằng, hãy đồng ý kết hôn vì gia đình. Đáng lẽ ra, bố mẹ tôi không nên đồng ý vì tôi chỉ là một đứa trẻ".

Câu chuyện bi thảm của Nezihe chỉ là một trong số hàng ngàn câu chuyện về hôn nhân tôn giáo đang diễn ra hàng ngày ở Thổ Nhĩ Kỳ. "Tôi trở về nhà thì bắt gặp người đàn ông đã kết hôn với em gái đưa nó về nhà và nói rằng, em gái tôi không phải là một trinh nữ. Ông đã rất tức giận trong khi cha tôi thì vô cùng lo lắng vì sợ tổn hại đến danh dự gia đình. Ông ta muốn kết hôn với em gái út của tôi. Tôi đã nói rằng, tôi sẽ kết hôn với anh ta. Em gái tôi chỉ là một đứa trẻ, 11 tuổi còn tôi 14", một cô gái trẻ kể lại.

Saadet, sống trong thị trấn nhỏ ở Van - một tỉnh miền đông Thổ Nhĩ Kỳ là một nạn nhân khác. Cô đã buộc trở thành vợ của một người đàn ông khi 13 tuổi. Cô nói rằng, cô sẽ sống trong thù hận suốt phần đời còn lại của mình. 19 năm đã trôi qua, cơn thịnh nộ và tuyệt vọng từ những gì mà cô phải chịu đựng hiện rõ trên khuôn mặt và ánh mắt của Saadet.

Bi kịch cuộc sống ám ảnh phần đời còn lại

Những trẻ em đang vui chơi ở Istanbul.

Cả hai Nezihe, 29 tuổi và Saadet, 32 tuổi đều không sống với "chồng" nhưng cũng không ly dị. Hôn nhân ép buộc xảy ra thông qua áp lực, đe dọa, thủ đoạn và gian trá. Nezihe vẫn còn nhớ như in cảm giác lần đầu tiên đến nhà "chồng", khi đó, "chồng" cô và người vợ cả đã có một đứa con, "đứa con gái của họ gần như cùng tuổi với tôi. Tôi cảm thấy ghen tị và tủi thân vô cùng", Nezihe nói. Buổi lễ tôn giáo diễn ra không lâu sau đó. Các lãnh đạo Hồi giáo điều hành buổi lễ không hề hỏi tuổi của Nezihe hay bất kỳ tài liệu có tính pháp lý nào.

"Tôi đã bị bạo lực ngay khi đến. Người đàn ông, gia đình, tất cả mọi người đều quát mắng tôi vì bất kỳ lý do gì. Tôi bị đánh đập thường xuyên". Nezihe cho biết, con gái cô cũng bị ám ảnh vì những trận đòn, "con bé chạy trốn vào tủ quần áo mỗi khi cha nó bắt đầu hét lên và tấn công tôi".

Kết hôn sớm có nghĩa là sẽ sinh con sớm. Việc sinh nở của những phụ nữ mà cơ thể chưa phát triển hoặc tâm lý chưa sẵn sàng làm mẹ có thể ảnh hưởng xấu về thể xác cũng như tinh thần. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, phụ nữ có thai trước 19 tuổi có khả năng bị sảy thai cao gấp 4 lần. Do là cuộc hôn nhân không hợp pháp nên không có quy định nào về việc ly hôn trong trường hợp này. "Tôi rất muốn ly hôn nhưng tôi không thể vì vấn đề liên quan đến quyền nuôi con", Saadet, một bà mẹ 4 con nói.

Thiếu sự hiểu biết về pháp luật

Theo luật Thổ Nhĩ Kỳ, tảo hôn là một tội phạm bị trừng phạt. Trên thực tế, các công tố viên đã tiến hành điều tra các gia đình có trẻ vị thành niên bị buộc kết hôn sớm như gia đình Nezihe và Saadet nhưng nhiều vụ việc vẫn tiếp tục diễn ra. Pháp luật Thổ Nhĩ Kỳ cũng quy định rõ ràng rằng, ngay cả vì lý do tôn giáo mà kết hôn nhưng không có giấy chứng nhận hôn nhân hợp pháp vẫn sẽ bị phạt tù từ 2-6 tháng. Những quy định của pháp luật có lẽ không quan trọng bằng việc các nạn nhân hiểu biết về quyền lợi của mình.

"Có cái gọi là quyền trẻ em nhưng vào thời điểm kết hôn, tôi không hay biết điều đó", Saadet nói. Saadet chưa bao giờ được học tập một cách chính thống. Sự hiểu biết của cô là do tích lũy qua những nỗ lực và khổ đau. Bây giờ thì những phụ nữ như Saadet biết rằng, điều quan trọng nhất với con cái là cho chúng đến trường.

Giáo dục là điều rất quan trọng để ngăn chặn những cuộc tảo hôn ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay. Một hệ thống giáo dục bắt buộc và không bị gián đoạn với trẻ em cho đến khi 18 tuổi và cấm hôn nhân bắt buộc với những cô gái đang cắp sách đến trường. Một cô gái đang học trung tại làng Karakopru nói với sự khôn ngoan "đáng ngạc nhiên": "Nếu chúng ta không đến trường, họ có thể làm những gì họ muốn với chúng ta. Chúng ta có thể nói "không" nếu được giáo dục"

Tường Phạm
.
.
.