Thoát án tử hình nhờ phát minh độc đáo

Thứ Ba, 27/06/2017, 10:13
Li, cựu tù nhân bị kết án tử hình, đã được phóng thích năm 2009. Người ta “sinh nghề tử nghiệp”, còn ông từ cõi chết trở về cũng nhờ vào cái nghề đã được học.


Hãy thử tưởng tượng một người đàn ông làm giả con dấu của cơ quan chức năng rồi ăn cắp phải ngồi tù, nhưng đã trốn thoát khỏi nhà tù đến 2 lần ở tuổi 20, sau đó bị bắt lại và bị kết án tử hình... Cuối cùng là tự cứu mình khỏi án tử hình. Bạn có tin được không? Ðây là câu chuyện hoàn toàn có thật của Li Hongtao, ở Trung Quốc.

Li Hongtao sinh năm 1966, tốt nghiệp Đại học Chiết Giang, một trong những trường đại học hàng đầu của Trung Quốc, chuyên ngành kỹ thuật điện tử. Ông đã vận dụng kiến thức có được để phạm tội và sau đó đã tự cứu mình.

Ảnh minh họa.

Ngày 18-4-1992, Li bị buộc tội gian lận sau khi giúp bạn bè làm giả con dấu, chiếm đoạt trên 80.000 Nhân dân tệ (khoảng 14.540 USD thời điểm đó) của một công ty, nhưng ông đã trốn thoát khỏi nhà giam ở Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam. 

Sau đó, Li lên tàu trốn đến tỉnh Quý Châu. Tại đây, ông đã lấy trộm một chiếc xe hơi bằng chìa khóa tự chế. Trong thời gian lẩn trốn, ông thậm chí đã lấy trộm cả ô tô của cảnh sát và sử dụng xe này để trở về Côn Minh thăm tình nhân vài lần.

Năm 1992, Li bị cảnh sát bắt giam và đã thú nhận tội lừa đảo, chạy trốn và ăn cắp xe ô tô.

Tháng 11-1992, Li cùng 2 tù nhân khác đào tường nhằm chạy trốn khỏi nhà tù. Tuy nhiên, 2 người kia đã bị bắt lại, còn Li trốn thoát. Ba tuần sau, cảnh sát đã tóm được ông ta tại Liễu Châu.

Ngày 1-11-1993, Li bị kết án tử hình với các tội danh: gian lận, trốn chạy và trộm cắp. Nhưng thời gian này ông phát hiện ra mình thực sự có hứng thú với kỹ thuật điện tử và quyết tâm phát minh ra động cơ kích thích không chổi than, một thiết bị sử dụng trong các cơ sở sản xuất điện.

Li đã tiến hành các thí nghiệm trong nhà tù với sự chấp thuận của cảnh sát. Họ thậm chí còn mời các chuyên gia đến giúp ông giải quyết một số vấn đề khó khăn.

Một ngày trước khi bị hành hình, các thí nghiệm của ông cho kết quả hoạt động tốt, điều này giúp ông được hoãn lệnh thi hành án tử hình thêm một năm. Năm 1995, phát minh của ông về động cơ kích thích không chổi than đã giành giải Nhất ở tỉnh Vân Nam và nhận được bằng sáng chế.

Trong thời gian ngồi tù, Li đã thực hiện nhiều phát minh khác và nhận được nhiều bằng sáng chế, trong đó có việc phát triển hệ thống giám sát và quản lý nhà tù trên máy tính dựa vào kinh nghiệm vượt ngục của bản thân.

Li, cựu tù nhân bị kết án tử hình, đã được phóng thích năm 2009. Người ta “sinh nghề tử nghiệp”, còn ông từ cõi chết trở về cũng nhờ vào cái nghề đã được học.

Thùy Dương
.
.
.