Thực hư về một loại thuốc trừ sâu được chế từ thảo dược

Thứ Ba, 27/01/2015, 09:00
Bằng những nguyên liệu gần gũi nhất với nhà nông như hạt cau, bồ kết, gừng, tỏi, một người nông dân ở Khoái Châu (Hưng Yên) đã nghiên cứu và điều chế ra một loại thuốc trừ sâu đặc biệt. Chính ông cũng dùng loại thuốc này cho vườn rau nhà mình suốt 8 năm qua và thi thoảng lại đem ra... uống. Với tác dụng diệt sạch sâu bệnh, ít tốn kém, không giảm năng suất lúa, loại thuốc sâu này đã được nhiều chuyên gia đánh giá cao...

Từ những bài thuốc cổ

Đó là ông Lê Văn Đáo (sinh năm 1957, trú thôn Hương Quất, xã Thành Công, Khoái Châu, Hưng Yên), người đã gắn bó với ruộng nương gần như suốt cả cuộc đời. Cho đến khi bài thuốc trừ sâu đặc biệt của ông được lan truyền đi nhiều nơi, bà con xóm làng lẫn những vị khách phương xa đều đến để uống với ông chén rượu và đôi khi chỉ đến để khen ông một câu "bác Đáo giỏi quá".

Nói về việc "sáng tạo" ra loại thuốc sâu này, ông Đáo chỉ cười rồi bê cái bình thuốc ở góc nhà, bên trong có nhiều loại quả có thể nhìn thấy rõ, một số thì được nghiền nát. Khi vừa mở nắp bình, một mùi hương nồng nặc như mùi rượu thuốc ngâm lâu ngày bốc ra, nước thì đặc quánh, sờ thử thì thấy hơi dính. Ông Đáo cho biết: "Loại thuốc này độc với mọi người, chỉ cần uống vào thì một lúc sau sẽ cứng họng rồi mất giọng ngay. Nhưng mà tôi uống vào thì lại không sao cả vì người tôi nhiều độc rồi...". Tưởng rằng đó chỉ là một cách nói nửa đùa nửa thật của ông ấy, vậy mà trước sự chứng kiến của nhiều người, ông đáo đưa cốc thuốc sâu của mình lên và uống cạn.

Ông kể, nhiều cán bộ từ thôn xã cho đến tỉnh khi nghe tin, cũng đến hỏi han, lấy mẫu đi phân tích. Một số doanh nghiệp cũng tìm đến bàn chuyện hợp tác sản xuất loại thuốc trừ sâu mang tên ông nhưng ông chưa đồng ý. Có một chủ doanh nghiệp khi đến đặt vấn đề cũng xin được nếm thử... thuốc sâu, ông Đáo cho anh này thử một chút đầu lưỡi. Ngay sau khi nếm, anh này kêu khó chịu, choáng váng, phải ăn kẹo và uống ngay một lon nước ngọt mới đỡ. Kể đến đó, ông cười khà khà: "8 năm nay tôi đều dùng loại thuốc này để phun cho ruộng lúa của vợ chồng tôi và các con. Hôm nay phun, ngày mai sâu bệnh đã hết rồi".

Ông Lê Văn Đáo.

Khi nói về khởi nguồn của ý tưởng sáng chế này, ông Đáo cho biết, mọi chuyện như một cơ duyên của cuộc đời. Vào cuối năm 1979, khi ông tham gia trận chiến bảo vệ vùng biên Lạng Sơn, trong một lần lẩn tránh hoả lực của đối phương, đơn vị ông sơ tán vào khu vực của đồng bào Nùng. Lúc này bà con đã đi di tản hết nhưng khi vào một nhà dân, ông Đáo phát hiện ra hai vợ chồng già đang mệt lả vì đói... Ông vội chạy về đơn vị xin được vài kilôgam gạo với một chút mắm tôm mang đến cho họ. Vợ chồng ông già Nùng tặng ông Đáo một ống đồng, bên trong có cuốn sách và cho biết đây là những bài thuốc của đồng bào nơi đây, trong đó ghi nhiều cách chữa bệnh cho người và vật nuôi. Cụ già nắm tay ông Đáo bảo rằng "dựa vào đó mà cứu người". Thấy hay, ông Đáo giữ quyển sách lại bên mình.

Đến năm 1983, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, ông lại tiếp tục cùng vợ con gắn bó với ruộng nương để nuôi sống gia đình. Quyển sách cổ được tặng trước đó cũng đã mủn hết, chỉ còn 4 trang là đọc được. Vì thế chỉ còn một số bài thuốc được ghi lại, thường được ông Đáo sử dụng để chữa bệnh cho người thân và bà con xóm làng.

Rồi chuyện chế thuốc trừ sâu đến rất tình cờ, năm 2006, khi ông Đáo đang cất các loại thảo dược để nghiên cứu chữa bệnh vào trong hai hòm thóc của nhà kho cho khỏi ẩm, vài ngày sau mở ra thì hòm thóc có thảo dược không còn mọt, còn thùng kia thì mọt, bướm bâu đầy. Như phát hiện ra điều gì đó, ông Đáo cười lên sung sướng khiến người nhà tưởng đầu óc ông có vấn đề. Thì ra mọi việc bắt nguồn từ một thời gian trước, khi ra đồng thấy bà con phun thuốc sâu rất tốn kém, trong đầu ông cũng nghĩ đến việc làm sao để chế được loại thuốc hiệu quả cao mà giá thành rẻ, cho đến khi thấy sự việc xảy ra khi cất thảo dược. Ông Đáo cho biết: "Lúc ấy tôi nghĩ, nếu thuốc chữa bệnh được cho con người, hẳn sẽ trị được cho cây. Hơn nữa, để được một vụ lúa tốt, người dân phải dùng cả chục loại thuốc hóa học như thuốc rầy, tăng trưởng, kích thích, đục thân lá, đạo ôn, khô vằn... nhưng chưa chắc đã hiệu quả. Vì thế tôi nghĩ cần chế ra một loại thuốc chống được nhiều loại bệnh mà giá thành rẻ".

Bình thuốc trừ sâu tự chế đang được ngâm.

Từ thời điểm đó, ông bắt đầu thử nghiệm, điều chế thuốc trừ sâu bằng thảo dược và áp dụng đều đặn cho hai vụ lúa. Vụ chiêm năm 2006, ông phun loại thuốc mới tự chế trên ruộng nhà, pha thêm chút dầu luyn để xua loài gặm nhấm. Ngay ngày hôm đó, lúa nhà ông bị teo lại như lá hành, bà con thấy vậy thì kháo nhau rằng, ông Đáo phun thuốc tự chế làm chết lúa. Thấy tình hình không khả quan, gia đình ông trách móc rằng vụ này không có gạo ăn. Chỉ riêng ông Đáo vẫn bình thản như không có gì xảy ra, ông không tin thuốc của mình làm chết lúa. Quả nhiên, 5 thửa ruộng của ông sau đó lại mơn mởn và trong năm đó, cả làng phải đánh thuốc trị rầy nâu, trừ ruộng của ông Đáo không mắc bệnh.

Còn nhiều công trình nghiên cứu

Như không cần giấu giếm công thức của mình, người nông dân 58 tuổi này cho biết, thuốc sâu tự chế của mình được ngâm bằng cồn 90 độ với các loại quả như hạt cau già, bồ kết khô, giềng già, gừng ta, tỏi tía, quả mã tiền... để trong vòng nửa năm. Mỗi vụ lúa, ông lại ngâm một bình. Số tiền mua thảo dược để ngâm chỉ tốn khoảng 100 ngàn, đủ phun cho vài mẫu ruộng, vườn rau. Đôi khi có khách, ông Đáo lại đem thuốc trừ sâu của mình ra để... uống cho khách xem. Theo ông Đáo, loại thuốc tự chế có ưu điểm là diệt và phòng ngừa được nhiều loại sâu bọ như khô vằn, rầy nâu, đạo ôn... rất hiệu quả. Một ngày sau phun thì các loại sâu ăn lúa sẽ say thuốc và chết. Thuốc không gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước, giá thành rẻ, an toàn hơn thuốc trừ sâu thường.

Thế nhưng, thuốc trừ sâu chỉ là một phần nhỏ trong những "dự án" của ông Đáo. Từ cuốn sách cổ năm xưa, ông Đáo trăn trở mày mò mặc cho gia đình chê mình gàn dở. Trong quá trình mày mò, ông Đáo đem hết trâu bò, lợn, gà, kể cả chính bản thân ra thử thuốc. "Đợt thử loại thuốc triệt đường sinh đẻ, nhà có 5 con gà mái, tôi đem thử 2 con thì cả hai con đó không đẻ nữa. Hai chục năm trước, nhà nào có được ổ lợn nái thì oai lắm. Con lợn nhà tôi đẻ được 12 con, đem thuốc cho thử thì từ đó nó không đẻ nữa. Biết chuyện, bà vợ la tôi ghê lắm", ông nhớ lại.

Ngôi nhà nhỏ của "nhà phát minh".

Năm 2006, ông Đáo tham gia một cuộc thi về môi trường trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Với ý tưởng chống hạn cho cây hồ tiêu, cà phê hết sức thuyết phục, ông Đáo nhận được giải ba. Và mới đây nhất, ông cùng với ông Trần Xuân Tư - Chủ tịch Hiệp hội Những người lao động sáng tạo Việt Nam và một số nhà khoa học khác đã cho phun thử thuốc trừ sâu vào diện tích lúa và cây trồng của một số huyện thuộc các tỉnh, thành như: Nam Định, Hà Nam, Hòa Bình, Hưng Yên và mang thuốc sâu thảo dược lên Điện Biên Phủ cho những nhà khoa học cũng thuộc Hiệp hội để phun trực tiếp vào vườn ươm cây lâm nghiệp trên cánh đồng Mường Thanh. Sau một thời gian theo dõi, các khu vực được phun thử nghiệm cho kết quả rất tốt, chứng minh được sự kì diệu từ loại thuốc sâu của ông.

Trong tháng 9-2014, ông Đáo đã hoàn thiện lại hồ sơ và lấy một số mẫu thử khảo nghiệm trên các giống lúa gửi lên Bộ Khoa học và Công nghệ để tham gia cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo". Ông cho biết, cuối tháng 10-2014, ông được mời lên văn phòng Chứng nhận hoạt động công nghệ cao và doanh nghiệp khoa học công nghệ (HASTEC) của Bộ Khoa học và Công nghệ sau khi kết quả phản hồi của các nhà khoa học về công trình nghiên cứu của ông là rất tốt. Cho tới nay, đã có nhiều công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước ngỏ lời muốn mua lại phát minh này của ông Đáo. Nhưng với suy nghĩ muốn làm một điều gì đó tốt đẹp cho bà con nông dân nên ông Đáo vẫn chưa đồng ý hợp tác với một ai ngoài các Viện nghiên cứu của Nhà nước.

Sắp tới ông Đáo còn ấp ủ ý tưởng thực hiện những công trình nghiên cứu khác. Theo đó, sau khi kết thúc đề tài nghiên cứu về thuốc sâu tự chế, ông sẽ bắt tay vào hai dự án nữa là "Đề tài lọc nước biển thành nước ngọt" và "Chế tạo ra cột thu lôi chống sét cho các trạm viễn thông". Ông Đáo cười nói: "Tôi cũng ấp ủ lâu rồi nhưng giờ mới có cơ hội thực hiện, nghiên cứu. Hy vọng mọi thứ sẽ thành công". Còn đối với loại thuốc trừ sâu tự chế, điều ông Đáo mong muốn nhất đó là nó sẽ được kiểm nghiệm và đưa vào thực tế một cách nhanh chóng, giúp người nông dân tiết kiệm chi phí, có một mùa màng bội thu.

Hiện nay, 3 con lớn của ông đã lập gia đình, con gái út đang đi học. Vợ ông theo những người dân trong làng lên Hà Nội buôn bán, thỉnh thoảng mới về thăm chồng. Trong căn nhà cấp bốn tuềnh toàng, bao nhiêu năm nay chỉ có ông Đáo bầu bạn với cái đài cát-sét, bình thuốc tự ngâm và những ý tưởng táo bạo mà không ai nghĩ đó là của những người nông dân. Có lẽ, chỉ không lâu nữa, người dân nơi đây sẽ tiếp tục bất ngờ vì sự sáng tạo của ông, không chỉ từ việc chứng kiến người nông dân này thi thoảng lại uống một cốc thuốc sâu tự chế hay đi phun thuốc trừ sâu mà không cần đồ bảo hộ nữa...

Lê Phong - Ngọc Trâm
.
.
.