Thực hư về "thần dược" chữa bách bệnh

Thứ Ba, 01/07/2014, 14:00

Thời gian gần đây, dư luận lan truyền, rỉ tai nhau về những bài thuốc có công dụng chữa các căn bệnh cực kỳ hiệu nghiệm được bày bán ở khắp các chợ vùng cao tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn. Những bài thuốc này được người dân gọi chung với cái tên "thần dược". Thực hư và nguồn gốc của những "thần dược" này thì chỉ người trong cuộc mới rõ. Tuy nhiên, không ít người đã tá hỏa, mất tiền oan khi mua về sử dụng. Không những thế, đằng sau còn nhiều câu chuyện đau buồn, đáng tiếc xảy ra đối với một số phận người săn tìm cây dược liệu trên núi để mưu sinh.

Tràn lan "thần dược" khắp chợ vùng biên

Tại các buổi chợ phiên hay những chợ buôn bán lớn ở Lạng Sơn như Kỳ Lừa, Đông Kinh, Chiêng Vuông… và cả ở trên vỉa hè ở thành phố Cao Bằng từ nhiều năm nay đã xuất hiện các gian hàng bán thuốc thảo dược không rõ tên gọi, dược tính, nguồn gốc... Những thảo dược này được người dân đồn rằng có thể chữa bách bệnh như chữa ung thư, chống đau lưng, bổ máu, gan… thậm chí có cả "thần dược phòng the" dành cho nam và nữ.

Đa số các loại thuốc thảo dược đều tự pha chế, ngâm tẩm, phân loại… để chữa bệnh và bồi bổ, tuy nhiên lại không thông qua hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ, các cấp chuyên về ngành Y tế. Điều đáng lo ngại, hiện nay, nhiều cây dược liệu quý ở các địa phương đang bị khai thác ồ ạt, bất hợp pháp, bày bán khắp nơi nhưng không bị xử lý. Do vậy, vấn nạn lạm dụng các loại thảo dược để bồi bổ, chữa trị bệnh một cách cẩu thả, thiếu khoa học diễn ra rất phổ biến.

Chưa biết thực hư những thảo dược có thể trị được bách bệnh, tuy nhiên giá liên tục tăng lên từ 200 nghìn đồng đến 600 nghìn đồng/kilôgam ở ngoài chợ, tùy từng loại thuốc mà bán với giá khác nhau. Người dân lấy thân cây, cành, lá và rễ thái nhỏ rồi cho vào bình để ngâm rượu hoặc đựng trong túi nilon đem bán cho các tư thương thu mua.

Các loại quả, nấm, rễ cây, thảo mộc không rõ dược tính, công dụng được bày bán tràn lan tại chợ Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn.

Theo cụ Phùng Văn Khang (77 tuổi), ở xóm Bản Kính, huyện Quảng Uyên (Cao Bằng), là một lang y nổi tiếng với các bài thuốc đông y, được kết nạp vào Hội Đông y Việt Nam năm 1994, cho biết: "Ở các vùng đồng bào dân tộc ít người có nhiều bài thuốc dân gian, đông y bí truyền chữa bệnh rất hiệu quả. Thế nhưng, hiện nay các loại thảo dược được bày bán tràn lan ở các khu chợ, ven đường đều là do người dân nghe theo tin đồn rồi đem bán nhằm kiếm lợi nhuận, chứ ít người biết về công dụng thực sự của từng loại cây thuốc và sử dụng liều lượng đúng cách. Hơn nữa, việc dùng thuốc đông y, loại cây cỏ nào là phụ thuộc vào từng loại bệnh, cơ địa, thể trạng của từng người, không thể sử dụng lung tung được, vì vậy không hề có loại "thần dược" nào chữa được bách bệnh như tin đồn cả. Nếu không dùng đúng cách, sử dụng bừa bãi, các loại thảo dược có thể mang hiểm họa khôn lường, nhẹ thì phản tác dụng, ảnh hưởng đến sức khỏe, nặng có thể dẫn đến tử vong".

Đây được cho là những "thần dược" chữa nhiều bệnh, được người dân bày bán tại ven đường, vỉa hè tỉnh Lạng Sơn.

Mặc dù giá ở các khu chợ ở thành phố rất cao nhưng điều trái ngược là giá thu mua của các tư thương ở tận nơi người dân lên núi tìm hái về lại rất rẻ mạt. Lợi dụng người dân ở vùng núi có cuộc sống còn khó khăn, một số tư thương tìm thu mua các cây dược liệu quý với giá rất thấp. Khi bán ra các chợ lớn hoặc đem bán sang Trung Quốc với giá cao gấp nhiều lần giá thu mua. Bởi vì lợi nhuận cao như vậy, ngày càng có nhiều tiểu thương tìm thu mua theo từng thời điểm, mùa cây thuốc mọc…

Tận diệt nguyên liệu thảo dược

Chính vì vậy, người dân các huyện miền núi tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn đổ xô nhau lên rừng, núi săn tìm các cây thảo dược, thú vật quý hiếm để đem bán ở các buổi chợ phiên nhằm kiếm kế mưu sinh. Những chiếc xe tải thỉnh thoảng lại thay nhau chở những dược liệu đi ra vùng biên giới sau khi thu gom và chất đầy thùng.

Ông Nông Văn Cầm (65 tuổi), dân tộc Tày, ở xóm Bản Khuông, xã Thông Huề, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng), là một trong những người săn tìm cây dược liệu quý nhiều năm cho biết: "Giờ kiếm được các cây như xiên rim, vằng lèn, mác pin, boóc lương bán cũng được chút ít tiền trang trải cuộc sống. Các buổi chợ đều có người thu mua ở dọc đường, tranh nhau mua với giá ngày càng nâng lên cao. Tùy theo mỗi loại cây sẽ có giá khác nhau, thông thường cây nào càng khó tìm thì giá càng cao. Ví dụ như cây boóc lương sẽ bán được trên 200 nghìn/0,1kg, còn cây vằng lèn thì rẻ hơn gấp 10 lần nhưng dễ kiếm và có thân cây to hơn nhiều lần. Ban đầu lên núi cũng sợ lắm, nhìn xuống dưới lập tức chóng mặt nhưng đi vài lần khác quen, giờ không còn cảm giác sợ hãi nữa, chỉ là tuổi cao rồi nên chóng mệt, vất vả".

Những cây dược liệu quý được những người dân tộc thiểu số đem ra gần cầu Bằng Giang, thành phố Cao Bằng bày bán.

Cũng theo ông Cầm, phần nhiều những cây thuốc mà tư thương thu mua là những cây thảo dược quý hiếm, có công dụng tẩm bổ, điều trị các bệnh đau xương khớp, nội tạng. Hiện giờ việc săn tìm thảo dược khó khăn hơn cách đây vài năm trước đây gấp nhiều lần. Có những ngày ông tìm kiếm cả mấy ngọn núi mà không thấy bóng dáng cây thuốc nào. Ông cũng thấy điều lạ lùng là mỗi năm những người thu mua cây thuốc lại có nhu cầu tìm các loại thảo dược khác nhau. Năm lại thu mua vỏ cây thanh thừng, mác kham, thau lượt, năm sau lại tìm các cây thuốc bổ mọc ký sinh như mác pin, vằng lèn, boóc lương…

Những người săn tìm "lộc trời" càng thêm hăng hái sau mỗi chuyến đi "trúng mánh", mang lại cho họ khoản tiền kha khá. Vì vậy, việc săn tìm "lộc trời" cũng thu hút các đối tượng, bao gồm cả phụ nữ và những đứa trẻ nhỏ. Tuy nhiên, cứ không ít lâu một trong số họ lại có người bị thương hoặc mất mạng trong khi đang tìm "lộc trời" trên núi.

Hệ lụy từ việc săn "thần dược"

Theo chân đám trẻ nhỏ ở làng Bản Khuông lên núi tìm cây xiên rim thường mọc ngang giữa các vách núi, chúng tôi không khỏi rùng mình, thót tim khi quan sát những đứa trẻ này trèo qua các khe núi đá lởm chởm. Dẫn đầu là em Nông Văn Hải, học sinh lớp 6, nhà ở Bản Khuông, xã Thông Huề. "Cứ mỗi bận rảnh rang là em lại cùng những đứa bạn trong làng lập nhóm đi tìm xiên rim, lá trầm, vằng lèn... Chỗ nào lấy được thì bọn em khác lấy, nếu ở cao thì lấy cây tre về khều nó xuống dưới là được. Nếu chăm chỉ, mỗi phiên chợ em kiếm được 100 đến 200 nghìn là chuyện bình thường" - Một cậu bé thành thực.

Tuy nhiên, những người đi săn "lộc trời" trên núi luôn đối mặt với hiểm nguy như rắn độc cắn, ngã lăn xuống núi. Thực tế đã có không ít trường hợp bị thương nặng và mất mạng trong khi đi săn tìm các cây dược liệu. Người dân xã Đoài Côn đến giờ vẫn chưa hết kinh hoàng về cái chết của em Mân, học sinh cấp 2, ở xóm Nà Quang cách đây ít năm khi cùng bạn học tên Long ở Sộc Riêng lên núi săn tìm cây nồm pin, vằng lèn.

Trước đó, hai em Mân, Long đã kiếm được hơn một triệu đồng chỉ trong một ngày lên núi, vào rừng. Tuy nhiên, đến ngày hôm sau, chỉ vì một chút liều lĩnh để lấy được cây dược liệu mà Mân đã ngã rơi xuống vách núi, chết ngay tại chỗ và thân xác không còn nguyên vẹn. Riêng Long lại may mắn không việc gì, nhưng vì chứng kiến cái chết và vũng máu cùng bộ óc của bạn bị tràn ra ngoài mà tinh thần em bị hoảng loạn, ám ảnh cả tháng trời.

Các tư thương thu gom thân, rễ cây thuốc quý rồi dùng ôtô vận chuyển bán qua biên giới.

Tình trạng thu mua cây thuốc quý của các tư thương để đem bán sang biên giới Trung Quốc đã diễn ra trên địa phương các huyện của tỉnh Cao Bằng đã diễn ra nhiều năm nay. Điều đáng lo ngại nhất đó là người dân không hề biết giá trị của các cây thuốc quý nên khi các tư thương có nhu cầu mua thì người dân lại theo phong trào đám đông đổ xô vào rừng khai thác và bán sang biên giới với giá rất rẻ. Tại các xã Thông Huề, Đàm Thủy, Ngọc khê, Trung Phúc… của huyện Trùng Khánh hay các huyện Thạch An, Hòa An, Hà Quảng, Hạ Lang, Trà Lĩnh có khá nhiều người dân đi khai thác cây dược liệu để bán, thông thường các địa điểm thu mua đều tập trung tại các buổi chợ phiên ở xã, thị trấn.

Theo chị Thủy, ở xã Thông Huề, một thợ buôn bán các hàng nông sản, cây dược liệu sang Trung Quốc nhiều năm nay cho biết: "Thấy các lái buôn bên Trung Quốc họ cần mua mấy loại cây này nên chúng tôi cứ thu mua tất cả các loại cây mà họ cần, giá bán cũng tùy vào từng loại cây và thời điểm. Ở đây nhiều cây rừng đa dạng nên nhiều người đi vào đó tìm và mang về bán vào các buổi chợ phiên. Có đợt cao điểm, mỗi tháng tôi lại thu đươc hai xe hàng và bán cho các lái buôn Trung Quốc. Chúng tôi cũng chẳng biết họ mang về làm như thế nào, lãi bao nhiêu, chỉ biết đó là cây thuốc họ lấy về chế biến thành thuốc chữa bệnh thôi"

Nông Lưu Vĩnh
.
.
.