Tìm thấy hóa thạch nguyên vẹn của ngựa non

Thứ Tư, 19/09/2018, 15:55
Xác con ngựa non được khai quật từ lớp đất đóng băng vĩnh cửu ở miệng hố tử thần Batagaika ở Siberia, hay còn được mệnh danh là "Đường tới âm phủ".


Trải qua một thời gian dài tồn tại, đã có rất nhiều sinh vật từng sinh sống trên trái đất của chúng ta. Những sinh vật này sau khi chết, thì chỉ có xác hoặc những dấu vết của các hoạt động sống là những thứ còn được lưu giữ lại. 

Xác thì sau một thời gian sẽ bị thối rữa, phân hủy, chỉ những bộ phận cứng như xương hoặc cành cây... được bao bọc bởi các trầm tích trải qua quá trình hóa thạch để trở thành đá, nhưng vẫn giữ lại được những hình thái kết cấu đồng thời những dấu vết hoạt động của những sinh vật thời kỳ đó cũng được bảo lưu như vậy. 

Nhờ những hóa thạch này, qua nghiên cứu của các nhà khoa học, chúng ta mới hiểu thêm về những hoạt động sống trước đây.

Việc khám phá được hóa thạch động vật có tuổi thọ hàng chục nghìn năm không phải đơn giản. Thường thì các nhà khoa học chỉ tìm được bộ xương mà thôi. Nhưng mới đây, các nhà khảo cổ học Siberia đã phát hiện được xác của một con ngựa non khoảng 40.000 tuổi trong điều kiện hoàn hảo.

Xác con ngựa non nói trên được khai quật từ lớp đất đóng băng vĩnh cửu ở miệng hố tử thần Batagaika ở Siberia, hay còn được mệnh danh là "Đường tới âm phủ". 

Hóa thạch của chú ngựa non này cho thấy nó chỉ mới 2-3 tháng tuổi khi qua đời với chiều cao 98cm tính từ chân đến vai. Bờm, đuôi, móng guốc ngựa có màu nâu đậm và đều còn nguyên. 

Thậm chí, các cơ quan nội tạng của nó cũng được bảo quản dưới lớp đất đóng băng vĩnh cửu. Xác con ngựa non nguyên vẹn đến mức trông như đang ngủ say, nhưng thực chất nó đã chết từ 30.000 đến 40.000 năm trước.

Sau khi cư dân địa phương phát hiện được con ngựa, nhóm nghiên cứu đến từ Nhật và Nga đã đưa xác ngựa non tới Bảo tàng voi ma mút ở Đại học Liên bang Đông Bắc tại Yakutsk để nghiên cứu. 

Họ lấy mẫu lông, chất lỏng, dịch lỏng sinh học và mẫu đất nơi tìm thấy con ngựa để tiến hành kiểm tra toàn diện, bao gồm cả mổ khám nghiệm để xác định nguyên nhân dẫn đến cái chết của nó. 

Tuy nhiên, trên cơ thể nó không bất kỳ dấu hiệu nào của vết thương cả. Điều này chứng tỏ nó không bị tấn công, và rất có thể nó rơi xuống nước và chết đuối.

Nhà nghiên cứu Grigory Savvinov ở Đại học Liên bang Đông Bắc, đồng thời là Trưởng phòng thí nghiệm của bảo tàng, cho biết: "Đây là phát hiện đầu tiên trên thế giới về một con ngựa tiền sử nhỏ tuổi được bảo quản kỹ càng đến vậy. Con ngựa còn nguyên vẹn và không có bất kỳ vết thương nào, do đó các chuyên gia của đoàn thám hiểm kết luận con ngựa có thể đã chết đuối do rơi xuống bẫy tự nhiên”. 

Các nhà nghiên cứu cho biết họ đang lên kế hoạch phân tích thành phần trong dạ dày của nó để biết được nó đã tiêu hóa loại thực phẩm gì.

Kết quả khám nghiệm cũng sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về thói quen sinh hoạt của con ngựa. 

Theo các nhà nghiên cứu, loài ngựa này có các đặc tính sinh học rất khác so với những động vật định cư ở vùng Yakutia ngày nay. Nó thuộc giống ngựa Equus lenensis (còn được biết đến là loài ngựa Lena), từng sống rải rác quanh khu vực này vào cuối Kỷ Canh tân, giờ đã bị tuyệt chủng và chỉ tồn tại dưới dạng xác ướp được khám phá dưới lòng đất và lớp đất đóng băng vĩnh cửu luôn là nguồn thông tin phong phú về cuộc sống ở kỷ băng hà.

Ngọc Bảo
.
.
.