Trung Quốc: Hủ tục kết duyên với người âm trỗi dậy

Thứ Ba, 16/06/2015, 11:00
Một cô gái dù đang bị ốm nặng, nhưng người thân vẫn nhất quyết không đưa cô đi chữa bệnh. Thay vào đó, họ bán cô cho một gia đình khác, vì những người này muốn kiếm vợ cho người con trai đã chết của họ. Đây chỉ là một trong những biến tướng của hủ tục "âm hôn" vốn rất thịnh hành trong xã hội Trung Hoa xưa…
"Đám cưới ma"

Tại ngôi làng ở thị trấn Tengzhuang, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, nơi cô gái được cho là đang sống với người chú. Khi được hỏi, người chú này bác bỏ tin đồn và nói rằng, cô gái đang được điều trị trong một bệnh viện lớn của huyện, nhưng một nhân viên ở đó cho hay, cô gái đã chết. Nhân viên y tế này còn cho biết thêm rằng, cô gái đã được "đặt chỗ" và một khi cô gái chết đi, gia đình của "người chồng" sẽ đòi lại thi thể của cô để tổ chức hôn lễ với người chết.

Theo lời dân làng, những "đám cưới ma" (hay đám cưới linh hồn, âm hôn) rất phổ biến ở Tengzhuang, vì một người đàn ông đã chết không được chôn cất ở mồ mả của tổ tiên nếu anh ta chưa kết hôn. Do đó, linh hồn của anh ta sẽ lang thang và quấy nhiễu gia đình. Vì vậy, gia đình người chết phải tìm cho anh ta một "cô vợ" và chôn họ cùng nhau. Theo thông tin của những nhà sử học, "đám cưới ma" có thể bắt nguồn từ thời nhà Chu (1.046 TCN - 256 TCN).

Theo tục lệ của người Trung Hoa cổ xưa, những thanh niên trẻ sau khi đã đính hôn và chờ đợi đến ngày cưới nhưng không may đột ngột qua đời thì phải giúp họ "hoàn thành" hôn lễ, nếu không hồn ma của họ sẽ làm loạn, khiến cho gia đình bất an. Bởi vậy, nhất định phải cử hành âm hôn cho họ, sau đó mới tiến hành mai táng.

Việc tổ chức một đám cưới với người âm cũng phải tiến hành như với người đang sống, không được phép bỏ qua bất kỳ một tiểu tiết nào. Bởi nhiều người quan niệm rằng, những hồn ma chưa được tổ chức hôn lễ sẽ rất "khó tính", nếu không "khéo chiều" thì người nhà sẽ bị họ "hành" đến hết đời.

Thủ tục "âm hồn" cũng cầu kỳ, phức tạp.

Hủ tục từ thời xa xưa

Ngoài ra, người xưa thường tin vào phong thủy mồ mả, họ cho rằng những ngôi mộ cô độc sẽ ảnh hưởng tới sự hưng thịnh của hậu duệ sau này. Thời đó, cũng có những nhà phong thủy vì muốn kiếm tiền bất chính nên xúi giục nhiều gia đình cử hành âm hôn. Bởi vậy, âm hôn thường diễn ra trong những gia đình giàu có thời xưa. Âm hôn xuất hiện khá nhiều từ những năm trước triều Hán.

Do âm hôn hao tốn tiền của, sức người trong xã hội và vô nghĩa nên đã từng bị nghiêm cấm, nhưng không vì thế mà phong tục này bị triệt tiêu. Tiêu biểu là điển cố về Tào Tháo. Con trai Tào Xung mà Tào Tháo vô cùng yêu thương chết năm mới 3 tuổi, ông ta đã ra lệnh tuyển chọn những tiểu thư đã chết trong thiên hạ để gả vợ cho Tào Xung và chôn họ cùng với nhau. Thậm chí Tào Tháo còn có ý định xây một hậu cung để chôn những tiểu thư cho con trai mình, tuy nhiên Tào Tháo đã chết trước khi kịp làm điều đó.

Âm hôn thực sự hưng thịnh trong thời nhà Tống. Theo ghi chép trong "Tạc mộng lục", phàm là những nam nữ thanh niên chưa kết hôn không may chết sớm thì cha mẹ bắt buộc phải nhờ "quỷ mai mối" đi dạm hỏi cưới xin, sau đó tiến hành xem quẻ. Nếu như xem quẻ đồng ý cho cưới thì hồn ma của đôi nam nữ sẽ được may áo cưới rồi cử hành hôn lễ và chôn cất hai người cùng một mộ. Vào thời nhà Thanh, những cô gái được chôn cùng người chết đều được coi là trọng trinh tiết và trở thành tấm gương cho thiên hạ, mãi tới cuối đời Thanh, hủ tục này mới dần biến mất.

Thời hậu Thanh, tại Bắc Kinh vẫn còn một hủ tục tàn dư, đó là nhiều gia đình còn tiến hành "hỷ sự" cho người chết bằng cách đặt hài cốt của đôi nam nữ cạnh nhau, đây được gọi là "cốt thi thân". Khác với những đám cưới thông thường khác, nghi thức âm hôn này được cử hành vào ban đêm. Mọi người đang say giấc nồng thì bỗng tỉnh giấc bởi tiếng cồng chiêng huyên náo, hóa ra là có nhà tiến hành "cốt thi thân".

Họ thường dùng kiệu để kiệu một bức ảnh phụ nữ, sau đó đánh trống, cồng chiêng huyên náo để thông báo rước dâu. Ba năm sau đến ngày bốc mộ, vẫn theo hình thức của "đám cưới văn minh", đội quân nhạc trống đi đầu, ảnh "cô dâu" được kiệu phía sau rồi sau đó tiến hành ghép mộ.

Trong một nỗ lực của chính phủ Trung Quốc khi muốn dẹp bỏ hủ tục âm hôn, vào đầu tháng 3/2013, 4 kẻ đào mộ đã bị tuyên phạt mức án hơn 2 năm tù vì tội đã đánh cắp hơn 10 xác chết từ các ngôi mộ ở tỉnh Thiểm Tây và bán xác người quá cố cho khách hàng có nhu cầu trên thị trường "chợ đen".

Nguyễn Lai - Linh (tổng hợp)
.
.
.