Trung Quốc:

Kinh hãi hủ tục nhà trai sàm sỡ cô dâu mới để đuổi ma tà

Thứ Ba, 17/12/2019, 13:20
Có không ít cô dâu đã không dám cưới hay bỏ chạy khỏi đám cưới vì sợ tục làm loạn phòng cưới này. Đúng ngày Quốc tế Lao động hồi năm ngoái, một cô dâu gây xôn xao vì quá hoảng sợ đã trốn đi khi còn chưa động phòng cùng chú rể.


Người báo cảnh sát, kẻ tự tử

LiveLeak từng khiến nhiều người sửng sốt khi đăng tải một đoạn video ghi lại cảnh phù dâu một đám cưới bị một nhóm nam giới khoảng chục người là những bạn bè thân thiết của chú rể sàm sỡ trắng trợn.

Nhóm khách nam nhà trai nhầm tưởng rằng phù dâu là vợ mới cưới của bạn mình nên muốn trêu đùa theo tục "náo động phòng" nhằm xua đuổi tà ma, yêu khí, để cô dâu mới sớm thích nghi, không ngại ngùng e thẹn trước bổn phận tương lai.

7 chàng trai sàm sỡ một phù dâu gây phẫn nộ.

Phù dâu trẻ đã khóc thét và nói rằng "tôi không phải cô dâu", "đây không phải là đám cưới của tôi", nhưng những quan khách nam vẫn tiếp tục cười khúc khích và trêu ghẹo cô gái. Sự việc xảy ra ngay trong phòng tân hôn của cô dâu, chú rể. Các đấng mày râu này hầu như đều là những người đàn ông chưa lập gia đình.

Họ có trách nhiệm thực hiện tục náo động phòng - làm xáo trộn phòng cưới trước khi tân lang, tân nương động phòng thực sự. Các hoạt động náo động phòng nhằm vào hai nhân vật chính của đám cưới là cô dâu, chú rể để khiến không khí trong phòng cưới trở nên ấm cúng, thoải mái, tràn đầy sinh khí hơn.

Nhưng cô phù dâu trẻ vô tình trở thành nạn nhân thay thế cho tân nương. Cô bị các khách nam vật ngã ra đất, bị sờ soạng, ôm ấp, thậm chí suýt bị lột bỏ hết đồ trên người.

Cô gái khóc lóc, kêu gào cho đến khi có vài bậc bô lão bước vào phòng tân hôn giúp giải cứu. Phù dâu này cảm thấy quá nhục nhã, xấu hổ và tức giận đã trình báo lên cảnh sát. Nhiều người dấy lên nghi vấn, những người bạn của chú rể là vô tình hay cố tình nhầm lẫn giữa cô dâu và phù dâu.

Vốn dĩ, nhiều đôi vợ chồng kết hôn là do sự an bài, mai mối của hai bên gia đình, hoặc chỉ vừa mới quen nhau chưa lâu đã làm đám cưới. Bạn bè hoàn toàn có thể không biết mặt cô dâu mới, nhưng trong trường hợp của phù dâu này, có vẻ các khách nam muốn chòng ghẹo cô thì đúng hơn.

Dư luận đặt ra thêm thắc mắc khác, nếu đây đúng là tân nương thật sự thì hành động của khách quý trên giống như đang tập thể cùng nhau thay chú rể động phòng hoa chúc.

Vốn bắt nguồn từ những ý nghĩa tốt đẹp, nhưng các trò nghịch trong đám cưới ngày nay ở Trung Quốc ngày càng trở nên quái dị, quái đản thậm chí là biến tướng đáng sợ. Cô dâu khổ vì các trò quậy, chú rể cũng khổ vì các trò trước đêm tân hôn, em gái của chú rể, bạn thân của tân nương làm phù dâu trong đám cưới cũng không kém tủi nhục.

Không phải ai cũng dũng cảm như cô gái trên để báo sự việc với cảnh sát. Hầu hết các phù dâu dù bị lạm dụng tình dục, cưỡng hiếp cũng không dám lên tiếng vì quá bẽ bàng, sợ mang tiếng, khó lấy được chồng…

Nhiều người khác vì tổn thương, ám ảnh tâm lý nặng nề thậm chí đã tìm đến cái chết. Từng gây rúng động dư luận nhất là vụ việc một thiếu nữ 16 tuổi, họ Triệu, là em gái của chú rể làm phù dâu trong lễ thành hôn của anh trai mình, đã tự sát sau đám cưới.

Theo điều tra, cô bé bị hơn 10 thanh niên đều là bạn của chú rể - tức là anh trai của cô gái đưa vào phòng hôn lễ sàm sỡ. Những thanh niên này đã cùng nhau lột sạch đồ và sờ soạng khắp người, quấy rối tình dục cô bé, khiến cô bị trầm cảm sau đám cưới. Cô gái 16 tuổi này đã tự kết liễu đời mình vì không thể chia sẻ với ai về chuyện này.

Hủ tục

Tờ Straits Times (của Singapore) bình luận rằng, Trung Quốc có nhiều tục lệ truyền thống trong đám cưới ngày càng biến tướng xấu xí đi. Làm phù dâu ở Trung Quốc là một văn hóa lâu đời.

Trong thời phong kiến, cô dâu được xem là nguồn sản sinh hậu duệ đáng giá, họ hay bị các bộ tộc đối thủ bắt cóc trong đám cưới. Vì vậy, trong mỗi đám cưới đều cần có phù dâu để gánh trách nhiệm bảo vệ người quan trọng nhất của hôn lễ. Phù dâu sẽ mặc trang phục giống như cô dâu để đánh lừa những kẻ tới cướp.

Ngày nay, phù dâu ở Trung Quốc không còn vai trò này nữa, vì hôn nhân được pháp luật bảo vệ, nhưng mỗi đám cưới vẫn cần đến phù dâu mang tính tượng trưng. Trong các đám cưới ngày nay, phù dâu không mặc đồ giống hệt tân nương nữa mà thường chỉ mặc đồ cùng tông màu với trang phục cô dâu.

Đôi khi phù dâu cũng mặc những bộ xiêm y diêm dúa nhiều màu sắc để trở nên nổi bật trong đám cưới. Tuy nhiên, váy của phù dâu hoàn toàn có sự khác biệt với váy cô dâu. Vậy nhưng, trong không ít đám cưới ở nước này, nhiều quan khách vẫn bị nhầm lẫn giữa phù dâu và tân nương.

Nguyễn Hưng
.
.
.