Trung Quốc:

Dịch vụ "tút nhan sắc" cho người quá cố bằng công nghệ in 3D

Thứ Năm, 07/04/2016, 16:37
Một công ty chuyên về tang lễ ở Trung Quốc mới giới thiệu dịch vụ sử dụng công nghệ in 3D để tái tạo những bộ phận cơ thể bị mất của người chết do tai nạn, hỏa hoạn...


Đồng thời, dịch vụ này cũng được cung cấp để giúp người quá cố có được "diện mạo" sáng sủa nhất. Nhiều người nhận định, dịch vụ "tút nhan sắc" cho người quá cố sẽ tạo ra "cuộc cách mạng tang lễ" ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

"Không phải là bản sao hoàn hảo nhưng là bản copy rất tốt"

"Nếu bạn đang lo lắng về diện mạo của mình ra sao sau khi nằm xuống thì chúng tôi sẽ mang đến cho bạn một giải pháp", một dòng quảng cáo được đăng tải trên trang web chính thức của công ty cung cấp dịch vụ tang lễ Long Hoa ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc đang gây sự chú ý của công chúng.

Theo đó, công ty này sẽ sử dụng công nghệ in 3D để giúp người chết có diện mạo hoàn hảo nhất, thậm chí "trông trẻ và đẹp hơn so với khi họ còn sống", hoặc khôi phục, tái tạo lại những bộ phận cơ thể đã bị phá hủy trong vụ tai nạn, thiên tai, hỏa hoạn. "Các bộ phận cơ thể ra đời từ công nghệ in 3D có độ chính xác lên đến 95%. Vì vậy, dù chúng không phải là bản sao hoàn hảo, nhưng là bản copy rất tốt", thông tin đăng tải trên CRIenglish.com, trang web tiếng Anh của Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc cho hay.

Một gian hàng trong triển lãm "Lễ tang châu Á" diễn ra ở Macau vào tháng 5/2014.

Liu Fengming, một lãnh đạo của Trung tâm Dịch vụ tang lễ Long Hoa cho biết, lý do mà công ty này quyết định tìm đến chuyên gia công nghệ nhờ cung cấp dịch vụ in 3D là muốn "giảm bớt đau thương cho người nhà". Shanghai Daily cho biết, công nghệ in 3D đã được sử dụng để tái tạo khuôn mặt của những nhân viên cứu hỏa thiệt mạng trong một vụ nổ lớn tại thành phố cảng phía Bắc Thiên Tân vào năm ngoái

Theo thông tin được đăng tải trên CRIenglish.com, công nghệ in 3D các bộ phận cơ thể cho người quá cố sẽ sử dụng "mực in" được chế tạo từ nhiều vật liệu khác nhau như kim loại, nhựa, gốm sứ và giấy... "Mực in" này sẽ tạo ra hình ảnh ba chiều chân thực. 

"Đôi khi thi thể người chết được đưa đến nhà tang lễ không còn nguyên vẹn vì lý do nào đó. Công nghệ in 3D có thể được sử dụng để tái tạo ra chân, tay, tóc hoặc các bộ phận trên khuôn mặt bị biến dạng trong khoảng thời gian một tuần sau khi đặt hàng", CRIenglish.com đưa tin. 

Được biết, một số nhà tang lễ ở Mỹ và châu Âu cũng đã sử dụng công nghệ in 3D nhưng không phải để tái tạo các bộ phận bị phá hủy của người quá cố. Các công ty này chủ yếu dùng công nghệ in 3D để in hình ảnh lên bình đựng tro cốt hoặc in tượng bán thân.

Dịch vụ không dành cho người thu nhập thấp

Mặc dù được cho là sẽ tạo ra bước đột phá trong dịch vụ tang lễ ở Trung Quốc, nhưng không ít người dân nói rằng, mức giá dịch vụ không dành cho người có thu nhập thấp. Theo bảng giá dịch vụ được đưa ra, phục hồi khuôn mặt sẽ dao động từ 4.000 - 5.000 NDT (từ 620 - 775 USD). Giá của dịch vụ "tút" nhan sắc cho người quá cố thì thấp hơn một chút.

Theo nhận định của các phương tiện truyền thông, dịch vụ tang lễ ở Trung Quốc khá phát triển trong những năm trở lại đây. Chỉ tính riêng ở thành phố Thượng Hải trong năm 2015, 129.000 người đã chết và con số này có thể sẽ tăng lên trong những năm tiếp theo. Điều này có nghĩa là, nghĩa trang sẽ thiếu hụt trầm trọng không gian cho người quá cố. 

Mới đây, một số công ty đã đưa ra giải pháp "biến" tro cốt của người chết thành đồ trang sức với mức chi phí vào khoảng 17.900 NDT (2.770 USD). Trong khi những người trẻ lên tiếng ủng hộ giải pháp này thì nhiều người lớn tuổi lại cho rằng, lễ tang theo kiểu truyền thống vẫn dễ chấp nhận hơn. 

"Đó là một khái niệm mới đối với tôi và cha mẹ tôi, chôn cất theo kiểu truyền thống vẫn dễ chấp nhận hơn", Chen Hong, một phụ nữ khoảng 50 tuổi nói.

Một báo cáo mới công bố của International Data Corp, một công ty chuyên nghiên cứu, phân tích thị trường cho biết, công nghệ in 3D đang bùng nổ ở Trung Quốc và ngày càng nhiều công ty nước ngoài cung cấp dịch vụ in 3D tìm đến thị trường này. Công nghệ in 3D đang mở ra hy vọng phát triển trong nhiều lĩnh vực, nhất là y tế, xây dựng. Năm 2015, một công ty ở Trung Quốc cho biết đang tiến hành xây dựng tòa nhà cao nhất thế giới ở Tô Châu bằng công nghệ in 3D.
T. Phạm (tổng hợp)
.
.
.