Trung Quốc:

Đổ xô phẫu thuật chỉnh giọng nói để gây ấn tượng với người khác giới

Thứ Hai, 19/10/2015, 09:25
Trang Xinhua ngày 17/9 cho biết, Lu Xiang, 23 tuổi, người đã quyết định phẫu thuật chỉnh giọng cho hay, anh đã lên kế hoạch cho việc thay đổi giọng nói do bị bạn bè chế giễu là có giọng yếu ớt như phụ nữ.
Muốn thể hiện phẩm chất của giới tính

"Các bạn cùng lớp và đồng nghiệp hay trêu tôi nói giọng ẻo lả như đàn bà. Cho đến nay, tôi vẫn chưa có người yêu và các cô gái không cho tôi là đàn ông đích thực. Tất cả chỉ vì giọng nói của tôi" -Lu buồn bã chia sẻ. Lu làm việc ở một trung tâm tư vấn, nên không ít lần khách hàng nhầm anh là phụ nữ. Có người còn nghĩ anh là đồng tính nam khi nói chuyện với anh.

Cuộc phẫu thuật của Lu liên quan đến việc cắt một mẩu sụn trong thanh quản và sau đó bác sĩ sẽ tiêm Botox vào dây thanh âm. Bác sĩ Alasdair Mace, một chuyên gia phẫu thuật tai mũi họng tại Bệnh viện Charing Cross, London, cho hay, Botox sẽ giúp dây thanh co lại ngắn hơn, chùng hơn, giúp giọng nói trở lên trầm hơn. Chuyên gia Mace, người thực hiện khoảng hai cuộc phẫu thuật giọng nói mỗi tháng, chủ yếu là với bệnh nhân muốn chuyển giới và các bệnh nhân mắc khiếm khuyết trong giọng nói bẩm sinh hay bị chấn thương.

Theo Mace, trường hợp của Lu tương đối hiếm gặp vì thông thường phụ nữ muốn chuyển giới đều muốn có giọng nói mạnh và trầm hơn và các bác sĩ sẽ sử dụng liệu pháp kích thích tố sinh dục nam (testosterone ) với họ. Nhưng Lu là nam giới nên phải phẫu thuật.

Giải thích về nguyên lý phẫu thuật chỉnh giọng, bác sĩ Mace cho biết, dây thanh âm gắn với sụn tuyến giáp. Khi một phần sụn được cắt, nó sẽ ngắn đi, khiến dây thanh âm cứng hơn làm giọng nói trầm hơn. Dưới tác dụng của Botox, dây thanh âm sẽ được làm ngắn, chùng và mềm hơn, giúp giọng nói trầm hơn và ngược lại. Tuy nhiên, tác dụng của Botox chỉ là tạm thời vì nó làm tê liệt các cơ bắp và chỉ có tác dụng từ 3-6 tháng. Nếu bệnh nhân muốn duy trì tác dụng, họ phải tiếp tục tiêm Botox, điều này có thể dẫn tới nguy cơ mất giọng và ảnh hưởng tới phổi.

Có thể gây ra một số rủi ro

Bác sĩ Huang Yideng của Bệnh viện Quân đội Trung Quốc 118 cho biết, ông đã phẫu thuật chỉnh giọng cho 200 trường hợp trong 4 năm qua. Hầu hết bệnh nhân tìm đến ông đều là nam giới và có chất giọng cao, nhẹ giống phụ nữ như Lu. Zhou Meiling, quản lý tại Trung tâm Tiếng nói Yeson tại Hàn Quốc cho hay, năm 2014, trung tâm đã tiếp nhận 100 bệnh nhân người Trung Quốc đến phẫu thuật chỉnh giọng, tăng mạnh so với con số 20 trường hợp của bốn năm trước. Nhiều người muốn thay đổi giọng cho phù hợp với giới tính để tăng khả năng cạnh tranh khi tham gia tuyển dụng, dễ ghi điểm với cấp trên, nhà quản lý và người khác giới. Đối với trường hợp nữ giới có chất giọng trầm, thấp giống nam giới, các bác sĩ sẽ chèn những tấm titan vào giữa các cơ ở cổ họng để giúp dây thanh âm dài hơn, giọng sẽ cao hơn, nữ tính hơn. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể rạch hay đốt bớt một phần dây thanh âm bằng tia laser để chỉnh giọng cho bệnh nhân.

Nhiều người chỉnh giọng nói để thể hiện giới tính.

Theo báo chí Trung Quốc, phẫu thuật chỉnh giọng nói là kỹ thuật mới nhất đang rộ lên trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ tại nước này. Các bác sĩ cho biết, nhu cầu về phẫu thuật giọng nói đang gia tăng trong những năm gần đây dù điều này có thể gây ra một số rủi ro nhất định, đặc biệt là làm cho bệnh nhân mất hẳn giọng, cũng như bị viêm phổi.

Nhiều chuyên gia cho rằng, phẫu thuật thẩm mỹ là cách làm đẹp phù phiếm và tăng nguy cơ rủi ro tới tính mạng, thậm chí tạo ra những điều không tốt cho xã hội khi rộ lên thành phong trào. "Nhiều người đi phẫu thuật chỉnh giọng là do áp lực từ những quan niệm cứng nhắc về giới tính của Trung Quốc: đàn ông phải hành động theo những tư tưởng định kiến về phái nam và phụ nữ phải cư xử phù hợp với quan niệm truyền thống về phái nữ"- Chen Yaya, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải nhận định. 

Phẫu thuật cổ họng để giữ giọng ‘thanh xuân’

Có những người tốn 15.000 USD để phẫu thuật thẩm mỹ khuôn mặt, nhưng mỗi khi cất tiếng nói thì giọng của họ vẫn rất già. Hiện các chuyên gia giải phẫu thẩm mỹ đã có cách giúp trẻ hoá giọng nói. Cách thức chữa trị được thực hiện theo 2 cách. Bệnh nhân có thể được cấy một dụng cụ vào cổ để kéo các cơ trong hệ thống phát âm lại gần nhau hơn, hoặc người ta sẽ cấy chất béo vào cổ họng để kéo giãn các dây thanh quản, phục hồi lại sự linh hoạt của chúng.

Một bệnh nhân 75 tuổi tên Robert Anzidei, được chữa trị theo phương pháp này cách đây vài năm cho biết, trước đây nếu trong một ngày mà ông nói hoặc la hét thì thể nào vào cuối ngày ông cũng mệt lử. Nhưng giờ đây ông có thể nói cả ngày mà không bị khản giọng nữa. Đây sẽ là một giải pháp cho những người dùng tiếng nói của mình làm kế sinh nhai như ca sĩ, chính trị gia, giáo viên khi họ đã về già. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng thường không theo ý muốn do người ta chỉ có thể làm giọng nói trẻ hơn chứ chưa thể điều chỉnh âm điệu của giọng nói.

Cơ quan chuyên giải phẫu thẩm mỹ Hoa Kỳ cho biết, trong năm vừa qua, có khoảng 8,7 triệu ca giải phẫu nhưng những người giải phẫu để có được một giọng nói trẻ trung hơn thì rất ít.

Lai - Linh (tổng hợp)
.
.
.