Bi hài xin lộc “giếng thần” ngày đầu năm:

Vẫn còn những phong tục mù quáng

Thứ Hai, 24/02/2014, 08:00

Chùa Bửu Phong (Khu phố 5, phường Bửu Long, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) vốn được rất nhiều người biết đến không chỉ bởi phong cảnh hữu tình mà nơi đây đang hiện hữu giếng nước "thần" trị được bách bệnh, kể cả những bệnh nan y. Những tín đồ theo "đạo tâm linh" đã ví von nước giếng là "Chiếc phao niềm tin cho các sinh mạng trong cơn tuyệt vọng". Những ngày đầu năm, lượng "con tin" đổ về chùa xin "lộc nước" đông như trẩy hội, làm náo loạn chốn thiền môn thanh tịnh.

"Bà về trút nước cứu dân"

Tại Chánh điện, 30 "tín đồ" đang quỳ rạp dưới chân tượng Phật Bà Quan Âm, miệng lầm rầm cầu khẩn. Nhiều người khác lại đến gần chân tượng, vái lạy rồi đưa chén nước trên bệ thờ lên uống ừng ực. Một vài người đàn ông thì dùng nước rửa mặt, xoa lên đầu và khắp cơ thể… Khung cảnh chốn linh thiêng trở nên tấp nập, nhộn nhịp như họp chợ.

Những ngày đầu năm mới, người từ khắp nơi đổ xô về chùa để xin lộc… nước giếng "thần". Theo lời truyền khẩu từ đời này sang đời khác, thì: Vùng Bửu Long là nơi trước kia vua Gia Long đến lánh nạn, nhưng trúng mùa hạn hán nên không có nước dùng. Nhà vua hướng lên ngọn núi khấn nguyện thần linh gia hộ và dùng thanh gươm chỉ xuống đất. Ngay lúc ấy bất ngờ có mạch nước vọt lên, trong vắt, mát lạnh. Tất cả tùy tùng của vua Gia Long vục nước uống và thoát khỏi nạn chết khát.

Lời truyền khẩu thứ hai là vào 12 giờ đêm ngày 19 tháng 09 năm Quý Mão (1963), thầy Yết Ma Thiện Giáo (trụ trì) và phật tử trong chùa thấy một vòng tròn như trái châu, đường kính khoảng 60 cm, màu đỏ, sáng rực từ trên không rơi xuống trước sảnh ngôi chùa. Thấy sự lạ nên thầy Yết Ma và đại chúng đốt đuốc xuống xem. Còn dân địa phương khi thấy ánh sáng lạ rơi xuống trước chùa cũng hiếu kỳ đến xem. Cả hai bên gặp nhau tại cái giếng bỏ hoang, khô nước đã nhiều năm.

Giếng cổ của chùa luôn được bảo vệ cẩn thận.

Tự nhiên lúc ấy, giếng lại đầy nước. Tin lạ lan truyền ngay trong đêm, 3 giờ sáng, phật tử khắp nơi kéo về chùa xin nước giếng uống đông như trẩy hội. Mọi người đồng loạt kể lại, họ đã mơ thấy Phật Bà Quán Thế Âm gọi: "Ai có bệnh lên chùa núi Bửu Phong xin nước về uống sẽ khỏi bệnh". Sau một tháng linh thiêng đó, thầy Yết Ma đã xây tượng Quan Thế Âm và đặt một tấm bia kỷ niệm.

Ngày nay, tấm bia hiện đang đặt bên cạnh giếng nước, trên mặt bia đá khắc những dòng chữ màu vàng: Bửu Phong Cổ Tự nguyện đề/ Nhằm năm Quý Mão Bà về cứu dân/ Mười chín tháng chín khởi lần/ Dương lịch thì nhằm 1963/ Người ta vô số hằng hà/ Tật nguyền đuôi điếc hiểm nguy thiếu gì/ Trước chùa giếng nước Cam Lồ/ Uống vô hết bệnh, phun vào tật yên/ Nên nay kỷ niệm lưu truyền/ Xây đài tượng cốt Bà lên nơi này/ Đặn đời ghi nhớ công dầy/ Yết Ma Thiện Giáo bút ghi để đời.

Nước giếng "thần" trị bách bệnh?

Nói về sự linh thiêng của giếng cổ, bà Nguyễn Thị Chín (83 tuổi), bán nhang ở cổng chùa cho biết: "Bà về năm 1963 là đúng, không bàn cãi gì nữa. Người người kéo lên chùa đông nghịt, cả nghìn người xin nước, mà nước giếng đâu có nhiều, người ta còn múc cả nước bùn sình lên rồi chắt lọc, cúng vái Bà sau đó đem bán cho khách đến chùa. Dân buôn bán từ các nơi thì kéo về đây chật kín, nhiều người còn sắm cả nhà lầu xe hơi nhờ vào tiền bán nước "thánh".

“Nước giếng linh thiêng lắm, lở loét, ung bướu, kể cả bệnh hiểm nghèo không còn thuốc chữa, bệnh viện trả về cũng cứu được. Nhiều người đến đây xin nước giếng để uống rồi thoa ngay tại chỗ, thậm chí còn đem theo can 10 lít, 20 lít chở về nhà dùng. Chút nữa cháu cứ xin nhà chùa một chai nước giếng rồi đến thắp nhang bên tượng Bà. Sau đó đem về mà uống, đầu óc thông thái, rửa mặt thì mắt sáng hơn"- bà Chín thủ thỉ mách.

Chen chúc giữa dòng người vái lạy, chị Nguyễn Thị Thu Hà (quê Hậu Giang) mồ hôi nhễ nhại, tay vục nước đổ vào chai nhựa, miệng liếng thoắng: "Tôi đến chùa Bửu Phong nhiều lần rồi, mỗi lần đi như vậy đều xin chút nước ở giếng Bà để về nhà tắm rửa cho các con, tôi nghe nói giếng cổ này thiêng lắm".

"Giếng thần" được xem là chiếc phao niềm tin cho các sinh mạng trong cơn tuyệt vọng.

Từ chân bậc thang lên Chánh điện, khu vực xung quanh "giếng thần", người ra kẻ vào, người lạy kẻ khấn ngột ngạt, bức bối. Anh Phan Đình Long, làm nghề bán nước dưới chân núi đã thở dài khi nói về "giếng thần": "Nói chung là dân ở đây và nhiều người nơi khác nữa đều biết đến chuyện Bà về vào đêm khuya năm 1963, nhưng ai là người tận mắt thấy thì đến nay vẫn chưa rõ.  Tui bị cận lên xin nước giếng để rửa cho sáng mắt, rửa hoài cũng vậy, đến giờ thì mắt cũng đã sáng ra rồi, nhưng nhờ mấy chục triệu tiền mổ. Linh thiêng chốn cửa Phật thì tôi không bàn nhưng từ khi chùa có chuyện Bà về thì tui bán nước được nhiều lắm. Nhiều hôm cả trăm người vào quán uống nước, tôi bán không kịp".

Gửi niềm tin mụ mị vào "thần linh"

Thực hư những câu chuyện nhuốm màu tâm linh về "giếng thần", chúng tôi xin trích ý kiến của người dân sống lâu năm tại khu vực chùa Bửu Phong, là"thổ địa thổ công" của vùng như lời cảnh tỉnh đến những "tín đồ" đang gửi niềm tin mụ mị vào thần linh.

Vì giếng nằm trên đỉnh núi nên mùa khô cạn thì giếng hoàn toàn không có nước, khi vào mùa mưa, giếng mới bắt đầu có nước lại. Nên chuyện giếng khô bỗng dưng có nước là không đúng sự thật. Xét ở thời điểm 19 tháng 9 năm 1963 thì lúc này giếng đã có nước rất nhiều rồi vì tháng này giếng vẫn còn nước mưa, chỉ tháng 2,3,4 âm lịch mới không có nước, nếu ai cũng phân tích kỹ như vậy thì sẽ biết rõ đó chỉ là một câu chuyện hoang đường".

Bàn về chuyện nước giếng trị được bách bệnh, ông Sơn cho biết thêm: "Năm 1970, nghĩa là 7 năm sau ngày Bà về, tôi và đám bạn của mình vẫn còn tắm ở giếng này. Ngày ấy, trẻ con ai cũng bị ghẻ lở đầy mình. Bản thân tôi cũng thế nhưng chúng tôi tắm hoài mà đâu có đứa nào hết ghẻ lở đâu. Một loại ghẻ thông thường như vậy mà còn không hết thì đừng bàn gì đến chuyện ung thư.

Chuyện là có mấy người bị cảm sốt, uống thuốc tây nhiều lắm nhưng vẫn chưa khỏe vì vậy họ ra xin nước giếng uống vào thì thấy khỏi bệnh. Làm sao không khỏi khi thuốc đã ngấm vào người cộng thêm niềm tin mãnh liệt là mình đã hết bệnh nhờ nước thần. Về nguồn gốc của cái giếng, nhà chùa cho rằng "Truyền thuyết vua Gia Long đào được cái giếng này là do hướng thanh gươm lên trời mà khấn nguyện thần linh" nhưng tôi thì lại đọc được một quyển sách nói rằng "Khi Gia Long chạy nạn vào vùng đất này, trong đoàn tùy tùng có thầy địa lý rất giỏi, dù là đỉnh núi đá cheo leo nhưng ông vẫn tìm ra được long mạch và biết được nguồn nước trên đỉnh núi. Giếng nước hình thành là do nguyên nhân này".

Cùng chung ý kiến phản bác về nguồn nước ở "giếng thần", bác sỹ Vân Thị Bích Huyền - Trưởng trạm y tế phường Bửu Long phân tích: "Tôi cũng nghe qua chuyện giếng được Bà về cho nước cứu dân từ rất lâu rồi nhưng bản thân cảm thấy chuyện này rất huyễn hoặc. Có chăng, người dân hết bệnh chỉ vì niềm tin mãnh liệt vào tâm linh. Bởi khi tinh thần chúng ta được thoải mái thì đã giảm được 70% bệnh tật.

Hàng chục người chen chúc trước tượng Phật Bà Quan Âm để thắp hương trước khi xin "lộc nước".

Khi bệnh nhân đến trạm xá chữa bệnh, chúng tôi đều khuyên nên để tâm hồn thư thái, tập thể dục hoặc đến chùa chiền cho tâm an lành. Dạo gần đây, tôi cũng được biết người dân lại xôn xao và kéo đến chùa để xin nước nhiều hơn và vì phần lớn đều là khách thập phương nên rất khó để khuyên can họ. Mỗi loại bệnh, bệnh nhân sẽ có một phác đồ điều trị tương ứng với từng đơn thuốc khác nhau, chưa ai dùng thuốc bôi ngoài da để trị đau bụng hay bệnh tật bên trong cơ thể cả. Vậy thật vô lý khi một loại nước lã không biết chứa hợp chất gì mà có thể chữa được bách bệnh như vậy.

Vừa qua, trong cuộc họp tại UBND phường Bửu Long, chúng tôi cũng đã đưa vấn đề này ra bàn bạc với nhau và trong thời gian tới, phường sẽ kết hợp cùng chúng tôi đến chùa Bửu Phong để xin được khảo nghiệm giếng nước. Thú thật, tôi cảm thấy mọi người thật can đảm khi dám uống một loại nước không rõ nguồn gốc như vậy. Tôi nói thế không phải rằng nghĩ là nước giếng độc hại mà thông thường, các giếng cổ có tuổi thọ vài trăm năm thường lẫn nhiều tạp chất, qua thời gian tính chất nước sẽ biến đổi, việc không xem xét kỹ mà chỉ nghe những lời đồn đoán trị bách bệnh rồi uống vào thì rất nguy hiểm cho sức khỏe".

Sư thầy Thiện Ngộ - Chùa Bửu Phong:

"Tập lịch sử Bửu Phong Cổ Tự có ghi lại: Căn cứ vào hàng chữ Hán khắc trên gỗ ở cột giữa giảng đường thì chùa Bửu Phong được xây dựng từ năm 1616 và đại trùng tu vào năm Minh Mạng thứ IX (1829). Giếng nước trong chùa có từ xa xưa, nhưng cũng bình thường như những cái giếng khác, không có gì khác biệt. Tuy nhiên, nhiều người tin rằng giếng cổ của chùa có thể chữa được nhiều loại bệnh nên tìm về rất đông. Nhà chùa luôn khuyên mọi người không nên phó mặc sức khỏe của mình vào giếng nước".

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Tổ trưởng Tổ 32 (khu phố 5, phường Bửu Long, TP Biên Hòa): "Làm gì có chuyện giếng thần trị được bách bệnh, hoàn toàn hoang đường. Tôi cũng nghe chuyện Bà về vào năm 1963, lúc đó rất đông người dân kéo tới nhưng bản thân tôi thì không lên được núi vì không còn chỗ để chen chân. Cho mãi đến hôm nay, đã 51 năm trôi qua nhưng lượng người đến đây xin nước về trị bệnh vẫn khá đông, đa phần là người lạ. Tuy nhiên, tôi cũng nói thật là không có chuyện nước giếng chữa được bệnh. Thử nghĩ xem, nước lã thì làm sao trị ung thư, bệnh nan y, ung bướu.

Ngọc Thiện - Hải Yến
.
.
.