"Giải cứu" cha con "người rừng" tại Tây Trà, Quảng Ngãi:

Xem xét chế độ chính sách bệnh binh cho “người rừng”

Thứ Năm, 29/08/2013, 11:23

Câu chuyện về cha con "người rừng" Hồ Văn Thanh (82 tuổi) và Hồ Văn Lang (41 tuổi, dân tộc Cor, ở xã Trà Xinh, huyện Tây Trà, Quảng Ngãi) hiện đang là tâm điểm chú ý của dư luận và truyền thông suốt những ngày qua. Nhưng điều đặc biệt và ít ai ngờ, những kỷ vật như quần áo bộ đội, chiếc áo con trai mặc lúc 1 tuổi, nút áo vẫn được "người rừng" Hồ Văn Thanh gìn giữ còn nguyên vẹn trong suốt hơn 40 năm mọi sinh hoạt đều như thời kỳ nguyên thủy…

Hiện tại, cha con người rừng sức khỏe đã ổn định và dần thích nghi với cuộc sống hiện đại mới. Vào ngày 9/8, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi đã cho biết, đang tiến hành các thủ tục hồ sơ, truy tìm các tài liệu, hồ sơ cũ để nhanh chóng giải quyết chế độ chính sách cho cựu binh, "người rừng" Hồ Văn Thanh.

Vào rừng sống sau trận bom

Ngay sau thông tin "cha con người rừng" được giải cứu, ngày 9/8 PV CSTC đã có cuộc tiếp xúc với cha con ông Hồ Văn Thanh, người đang được mệnh danh là "Tarzan" trong suốt mấy ngày qua. Sức khỏe ông Thanh đã khá hơn so với ngày 7/8 lúc ông được giải cứu, phải nằm trên cán võng để đưa về Bệnh viện Đa khoa huyện Tây Trà điều trị. Gặp chúng tôi, con trai ông Thanh, anh Hồ Văn Lang vẫn còn nhìn với ánh mắt cảnh giác nhưng không bỏ chạy khi thấy người lạ như trước đó. Do sống quá lâu trong rừng sâu, anh Lang cũng không thể nói được tiếng Việt mà chỉ ú ớ được vài tiếng Cor. Cuộc trò chuyện của  chúng tôi với cha con "người rừng" cũng phải thông qua một "phiên dịch" là anh Hồ Văn Tâm (con chú bác họ với ông Hồ Văn Thanh).

Theo lời kể của anh Tâm, một ngày vào năm 1972, một tiếng bom nổ lớn mà Mỹ thả xuống phát lên từ nhà ông Hồ Văn Thanh. Khi đó ông Thanh đi bộ đội đóng quân gần nhà nghe tiếng bom liền chạy về thì phát hiện nhà mình bị bom đánh sập tan tành, chỉ còn lại đống đổ nát. Vợ và hai con trai lớn của ông Thanh cũng bị bom nổ vùi lấp. Quá đau xót trước cảnh mất vợ và hai con cùng một lúc, ông Thanh liền bồng anh Lang (khi đó mới 1 tuổi) rời làng ở xã Trà Khê trốn vào rừng sâu. Khi ra đi, ông Thanh mang theo 1 con heo nái, 2 con gà, một ít lúa giống, 1 cái xà gạc, 2 bộ đồ cho mình và 2 bộ đồ cho con. "Từ sau hôm nhà chú tôi bị bom đánh sập tan tành, mọi người không ai thấy chú và em tôi sống ở làng nữa. Có lẽ chứng kiến nỗi đau ám ảnh nên chú tôi quyết định vào rừng sâu để sống…

Anh Tâm kể tiếp, cách đây khoảng 10-12 năm sau khi lần đầu tiên đi theo cha vào rừng sâu thăm chú và em, ông Tâm thấy đường đi rất hiểm trở và khó khăn, xung quanh cây cối rậm rạp, thú rừng gầm rú khắp nơi. Hai cha con anh Tâm phải đi bộ hơn một ngày đường mới tới nơi ở của cha con ông Thanh. Điều kỳ diệu mà anh Tâm không thể ngờ tới là để tồn tại và sống sót giữa rừng sâu, chống chọi với nhiều thú giữ, ông Thanh đã làm một cái nhà (như một cái chòi) rộng khoảng 3m, dài 4m, cách mặt đất khoảng 10m gần cạnh một cây rừng to lớn.

Ngôi nhà được ông Thanh làm bằng thân cây nứa, mái lợp bằng lá mây và dứa, sàn nhà làm bằng cây gỗ nhỏ. Hàng ngày, để có lương thực nuôi sống bản thân và con trai, ông Thanh một mình phát cây rừng làm rẫy và lấy một số hạt lúa giống mang theo gieo lên và trồng thêm sắn (mì). Đặc biệt, ông Thanh còn đi săn thêm thú rừng để làm thịt cho bữa ăn. Để có dụng cụ săn bắn, sinh hoạt và sản xuất, ông Thanh dùng một số vỏ nhôm, sắt trong khi đi phát rẫy nhặt được để chế tạo ra dao, rựa, chén… và cắt tóc, chải đầu cho con và mình. Riêng quần áo của hai cha con thì được ông Thanh "thiết kế" bằng lá chuối để bện thành khố; dùng vỏ cây tếch dính thành tấm để mặc. Ngoài ra, ông Thanh còn làm cả áo mưa bằng vỏ cây rừng. Vào mùa đông giá rét, ông Thanh ủ lửa trong nhà và hút thuốc lá để ấm cơ thể.

Những vật dụng tự chế trong 40 năm sống như thời nguyên thủy của cha con người rừng Hồ Văn Thanh.

Điều lạ là những vật dụng mà cha con anh Tâm mỗi lần vào thăm mang vào cho ông Thanh thì ông Thanh không dùng với lý do là "đồ vật của làng cũ, còn tao ở làng mới rồi nên không dùng". "Khi nào đi theo cha vào thăm chú và em, tôi cũng thấy nhà chú Thanh cũng đầy thóc, mì khô. Riêng muối, thì có lần thấy ông Thanh đốt tranh để lấy. Thấy cảnh cha con sống nơi xa xôi, hiểm trở, còn thằng Lang đã lớn nên nhiều lần vào thăm, tôi nói 2 cha con nên về lại làng.

Thế nhưng lần nào cũng nhận được cái lắc đầu dứt khoát từ ông Thanh. Thậm chí, mỗi lần thấy người lạ, ông Thanh và con trốn vào rừng không bao giờ tiếp xúc. Cứ thế, năm này qua năm khác, hai cha con ông Thanh sống một cuộc sống hoang dã, biệt lập với thế giới bên ngoài. Điều kỳ diệu là sống trong rừng hơn 40 năm nhưng cha con ông Thanh không bao giờ bị đau ốm, sức khỏe vẫn bình thường…

Xem xét chế độ chính sách bệnh binh cho "người rừng"

Hôm chúng tôi đến thăm cha con người rừng Hồ Văn Thanh cũng tình cờ gặp được ông Hồ Văn Ban (ngụ xã Trà Phong, huyện Tây Trà), đồng đội chiến đấu chung chiến hào năm xưa với người rừng Thanh. Ông Ban cho biết: "Trong những năm 1971-1972, tôi và anh Thanh cùng xóm, cùng chiến đấu tại khu vực miền Tây của tỉnh Quảng Ngãi. Sau giải phóng, đồng đội chúng tôi không biết anh Thanh sống ở đâu. Nay anh trở về như thế này thật chua xót. Trong những ngày tới, tôi sẽ thường xuyên đến trò chuyện cùng anh như tình đồng đội ngày xưa". Sống giữa rừng sâu âm u, lạnh buốt nhưng ông Thanh vẫn gói quân phục bộ đội ngày ấy và cất giữ cẩn thận kỷ vật thiêng liêng của người lính. Trên bộ đồ người lính, tất cả còn mới, không bị rách hoặc hư hỏng gì, chỉ có vài cúc áo rơi ra ngoài bởi đường chỉ đã già yếu theo thời gian 40 năm trong rừng.

Đến thăm và kiểm tra bộ đồ quân ngũ, Trung tá Nguyễn Tấn Hoa - Chính trị viên Cơ quan quân sự huyện Tây Trà cho biết: "Bộ đồ quân đội được ông Hồ Văn Thanh gìn giữ còn nguyên vẹn, dường như 40 năm qua ông chưa lấy ra mặc vì độ mới tinh và đường chỉ thể hiện điều đó. Bộ đồ người lính này có từ thời trước lúc giải phóng. Thông qua các đồng đội, chúng tôi khẳng định ông Thanh từng tham gia bộ đội trước năm 1975". Qua thẩm tra từ các nguồn lưu trữ, nhân chứng và kỷ vật, cơ quan quân sự xác định ông Hồ Văn Thanh tham gia bộ đội chính quy thuộc Quân khu 5, trong những năm chiến đấu chống Mỹ, ông Thanh nhận nhiệm vụ đóng quân ở khu vực miền Tây của tỉnh Quảng Ngãi (huyện Trà Bồng, năm 2003 tách ra thành 2 huyện Trà Bồng và Tây Trà).

Con trai người rừng Hồ Văn Lang đã vui vẻ bắt đầu hòa nhập với cuộc sống mới.

Với căn cứ tham gia bộ đội trước năm 1975, ông Thanh xứng đáng hưởng chế độ chính sách bệnh binh theo Công văn 6572 của Bộ Quốc phòng, về việc giải quyết chế độ đối với quân nhân là người dân tộc thiểu số thuộc địa bàn Quân khu 5 tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và về địa phương trước ngày 10/1/1982. Trao đổi với PV, ông Hoàng Anh Ngọc - Chủ tịch UBND huyện Tây Trà khẳng định: "Trước mắt, địa phương thường xuyên hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết để hai cha con ông Thanh sớm hòa nhập với cộng đồng. Đối với ông Thanh, sau khi xác minh đầy đủ thông tin về việc tham gia bộ đội, địa phương khẩn trương làm hồ sơ chế độ bệnh binh cho ông theo Công văn 6572".

"Người rừng" Hồ Văn Thanh được chăm sóc đặc biệt để chống suy nhược cơ thể.

Trong ngày 9/8, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi cũng đã đến thăm ông Hồ Văn Thanh tại bệnh viện và con trai Hồ Văn Lang. Bên cạnh đó, hỗ trợ 5 triệu đồng tiền mặt cùng nhu yếu phẩm (10kg gạo, muối, bột nêm, mắm, bột ngọt, đường,…). Tuy nhiên, do sống quá lâu trong rừng nên cha con ông Thanh quen với cuộc sống hoang dã. Khi được đưa về hòa nhập lại với cộng đồng là một thử thách lớn đối với hai cha con "người rừng". Từ cách đi lại, ăn uống, giao tiếp, sinh hoạt… tất cả mọi thứ đều "lạ lẫm" với cha con ông Thanh. Việc vận động Lang về ở nhà gia đình người cháu họ là ông Hồ Văn Tâm cũng rất khó khăn. Phải thủ thỉ, nhẹ nhàng ông Thanh, anh Lang mới chịu đi. Vì thế, làm sao cho hai cha con "người rừng" nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, không còn tư tưởng bỏ làng vào rừng sâu nữa là bài toán khó đối với ngành chức năng nơi đây.

"Hiện cha con Lang rất khó khăn khi trở về hòa nhập với cuộc sống đời thường cùng mọi người nên rất mong sự quan tâm giúp đỡ, chia sẻ của các ngành chức năng và người dân", ông Tâm cho biết.

Ông Hoàng Anh Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Tây Trà: Biết tin hai cha con "người rừng" trở về, chúng tôi đã vào thăm hỏi, động viên hai cha con cũng như người thân của họ, tặng quà và hỗ trợ 2 triệu đồng. Tôi cũng chỉ đạo UBND xã Trà Phong cử người trông chừng để tránh trường hợp anh Lang bỏ về lại rừng. Ngoài ra, huyện sẽ làm thủ tục cấp đất để làm nhà, cử cán bộ ở Trung tâm y tế huyện chăm sóc sức khỏe cho cha con "người rừng".

Trung tâm y tế huyện Tây Trà cho biết, do ăn uống thiếu thốn nên ông Hồ Văn Thanh chỉ bị suy nhược cơ thể chứ không hề bị bệnh gì. Hiện sau khi ông Thanh được truyền nước và uống sữa bồi bổ, sức khỏe ông Thanh đã dần ổn định trở lại.

Vương Trần
.
.
.