Dị nhân có 'dạ dày không đáy' ở đất Ba Vì

Thứ Hai, 22/06/2015, 14:00
Ở cái tuổi 75, sức ăn, sức làm của ông lão ấy có thể khiến thanh niên trai tráng chạy theo không kịp. Trước sự chứng kiến của nhiều người, nồi trứng vịt lộn 20 quả được ông "đánh" sạch banh trong vài phút. Chưa hết, sau khi ăn xong, ông lão còn chén thêm hai bát tô cơm có ngọn. Khi hỏi về ông, dân làng chỉ cười và bảo "trạng ăn làng tôi đấy"...
Cuộc đời "Trạng ăn"

Tên của "Trạng ăn" ấy là Phùng Văn Lự, người làng Tăng Cấu (xã Đồng Thái, huyện Ba Vì, Hà Nội). Trước khi gặp ông Lự, nghe cái tiếng... ăn khỏe của ông, chúng tôi nghĩ rằng ông phải là một người to cao, béo tốt, vậy mà khi gặp mặt, thật không khỏi bất ngờ vì ông Lự nhìn rất gầy gò, thấp bé, chỉ nặng có 45kg.

Theo lời kể của ông Lự, thời xưa nhà ông thuộc hàng hào phú trong làng. Cha ông là địa chủ lớn, có trong tay hơn 30 mẫu ruộng và hàng chục trâu, lợn nên không bao giờ phải lo lắng đến cái ăn, cái mặc. Do là con nhà giàu nên vào thời trẻ, ông Lự đã có xe đạp đi, được đi học Trường Tiểu học Phùng Hưng ở thị xã Sơn Tây do Pháp mở. Đi học xa nhà nên tiền ăn, tiền học được gia đình chu cấp đầy đủ mỗi tháng một lần nhưng tháng nào ông cũng phải về nhà xin thêm gạo cũng chỉ vì ăn khỏe.

Ông Lự kể: "Năm 14 tuổi, lúc đó tôi ăn khỏe lắm, ăn bao nhiêu cũng không thấy no. Tôi phải đổi từ loại bát nhỏ sang bát tô loại to để không phải lấy cơm nhiều lần. Thấy tôi ăn nhiều, mấy đứa bạn học cũng phát hoảng". Theo lời kể của ông Lự, có ngày ông ăn nhiều nhất phải đến 20 quả trứng, hơn 20 bát cơm và uống vài lít nước. Nhưng ông cho biết, đó vẫn chưa phải "đỉnh cao" vì ông chưa ăn hết cỡ của mình.

Ông Phùng Văn Lự.

Thời trai trẻ của ông Lự, phải tự tay bươn chải để kiếm sống phụ giúp gia đình. Đó cũng là khoảng thời gian vất vả với một người ăn khỏe như ông. "Những năm ấy, tôi cứ phải ăn dè xẻn, bụng chẳng bao giờ được no".

Năm 1960, như bao thanh niên thế hệ ấy, ông Lự viết đơn xin gia nhập quân ngũ và được phân vào quân khu Tây Bắc dưới quyền chỉ huy của tướng Chu Huy Mân. Thời đó chiến tranh khốc liệt, một chút quân lương cũng là đáng quý vì mọi thứ đều thiếu thốn.

Quân lương không được đầy đủ, người ăn khỏe như ông Lự lại càng thấy thiếu thốn hơn. Nếu cấp khẩu phần cho ông Lự đủ với nhu cầu thì phải gấp đôi, gấp ba một người lính bình thường. Theo tiêu chuẩn, mỗi người được 12kg lương thực mỗi tháng, sau này tăng lên 15kg rồi 21kg, nhưng tiêu chuẩn ấy vẫn không đáp ứng được cái dạ dày "không đáy" của ông Lự.

Ông Lự cho biết: "Những lúc đói quá tôi lại phải kiếm rau rừng, củ dại để mà ăn tạm, cũng chỉ là lót dạ nhưng vẫn hơn". Đến năm 1967, ông Lự xuất ngũ về quê nhà, năm 1971 thì bắt đầu cưới vợ, sinh con. Sau đó vài năm khi đất nước thống nhất, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, cũng như bao người, ông Lự cùng vợ phải chạy ngược chạy xuôi để lo miếng ăn cho gia đình. Hai vợ chồng làm việc quần quật từ sáng đến tối, phải ăn dè uống xẻn để dành cho con.

Bức ảnh của ông Lự thời trẻ khi còn làm quân báo.

Ông nói: "Mỗi ngày công hợp tác được 3 hoặc 5 lạng lúa, cả tháng hai vợ chồng được 3, 4 yến lúa, ăn làm sao đủ. Tôi phải chạy khắp Lào Cai, Yên Bái… để kiếm thêm việc, đâu cũng được, miễn là có miếng cơm". Nhớ lại những tháng ngày đó, ngoài sự vất vả cực nhọc ra thì đối với người đàn ông này, ám ảnh nhất vẫn là cái đói.

Ăn không biết no

Có một kỉ niệm mà ông Lự nhớ mãi, trong buổi liên hoan hợp tác xã năm 1995, chủ nhiệm hợp tác xã khi đó là ông Nguyễn Anh Duyên đã thách đố ông Lự... ăn kem. Ông Duyên đánh cược nếu ông Lự có thể ăn được 30 chiếc kem thì sẽ trả tiền cho ông.

Ông Lự gật đầu đồng ý luôn. "Trước mặt bao nhiêu anh em trong hợp tác xã, tôi ăn một lèo hết hơn 30 cái kem mà không cần nghỉ. Ông Duyên được một phen hết hồn, phải ngậm ngùi móc túi trả tiền kem. Sau đó khi vào mâm cỗ để liên hoan, tôi còn uống được chục lon bia rồi vẫn ăn cơm, uống rượu cho đến lúc tàn cuộc như bình thường. Mấy người có mặt ở đấy ai cũng phải sợ" - ông Lự cho biết.

Nơi dị nhân Lự sinh sống.

Trong một buổi liên hoan lại mặt sau lễ thành hôn con gái một người bạn xóm bên, khi thấy ông Lự ăn hết 6 bát cơm đầy lại gắp thức ăn liên hồi, cánh hậu bối liền thách đố rằng: "Bác ăn thêm được đĩa xôi dở trên mâm và ăn thêm một đĩa nữa, mỗi người biếu bác 50.000 đồng". Nghe lời thách đố, ông Lự vừa cười vừa gọi xin chủ nhà mang thêm hai đĩa xôi khác ra và ăn hết. Đám người thách đố hoảng hốt can ngăn vì sợ ông… bội thực.

Một kỷ niệm khác: "Vào ngày cưới con gái, tôi vào miền Nam gặp gia đình họ nhà trai. Thanh niên trong buổi tiệc cứ đến chúc rượu. Thấy họ nài nỉ nhiều quá nên tôi cũng uống cho họ biết. Cứ một hơi hết một chén, loáng cái đã đi hết một vòng cả chục người. Kết thúc buổi tiệc, tôi rót một bát rượu thật lớn, bố cáo rồi uống một hơi hết sạch".

Vốn là người ít ăn cơm bụi mà chỉ ăn cơm nhà, trong một lần xuống Hà Nội chơi, miễn cưỡng lắm ông mới vào một quán cơm bình dân ven đường. Chứng kiến ông lão nhà quê đi xe đạp một mình ăn hết 4 suất cơm và uống 9 cốc rượu, chủ quán và khách hàng cứ đứng nhìn không chớp mắt.

Sức khỏe hơn người

Có lẽ vì ăn khỏe như vậy nên sức khỏe của ông cũng hơn người. Ở cái tuổi 75, dáng người nhỏ con, nhưng thực ra sức ông còn hơn cả thanh niên trong làng. Thời thanh niên, nhiều năm liền ông là quán quân vật làng Tăng Cấu, nổi tiếng khỏe trong hàng tổng. Hồi ở trong quân ngũ, nhờ khỏe mạnh, ông được đưa vào trường đào tạo võ thuật 9 tháng. Khi bế giảng lớp đào tạo, quân khu tổ chức buổi thi đấu, ông lên đài "thách đấu" với cả thủ trưởng.

Một mình ông Lự có thể chặt hết đống củi trong chốc lát.

Như để minh chứng cho sức khỏe của mình, ông Lự kéo chúng tôi ra vườn nơi hằng ngày ông vẫn bổ củi. Cầm trên tay chiếc rìu nặng trịch, chỉ trong một chốc lát, hàng chục gốc củi to đã được ông lão 75 tuổi này bổ nhỏ. Quay vào đến nhà, chỉ vào chiếc sập to, ông Lự cho biết, năm 1996, người ta mở rộng quốc lộ 32, phải chặt một cây xà cừ lớn rồi cưa thành 4 khúc, mỗi khúc dài 2m. Thấy 3 công nhân làm đường mới khênh được một khúc có đường kính 55cm nên ông Lự vào giúp một tay.

Khi ấy ông Đức là người phụ trách thi công thách đố: "Ông vác được khúc gỗ về nhà (quãng đường hơn 2km) mà không để rơi thì tôi cho ông luôn". Ông Lự nhờ 2 người khênh khúc gỗ đặt lên vai cho cân, rồi vác phăm phăm về đến nhà.

Hiện tại, ngôi nhà rộng vài trăm mét vuông chỉ có hai vợ chồng và đứa cháu ở, các con của ông Lự thì đang làm việc ở trong miền Nam. Mỗi sáng sớm, ông Lự lại dậy để làm việc nhà, 9 sào ruộng ở nhà một tay ông đánh trâu, tự cày, tự cấy. Ngoài ra, còn có hai ao cá to một tay ông chăm sóc, khi nào thích ăn cá thì lại tự đi bắt.

Ông chia sẻ: "Tôi hầu như không phải đi chợ mấy vì lúa, gà, lợn, cá, rau... cái gì cũng có cả. Để có sức khỏe như ngày hôm nay, một phần cũng vì tôi ăn uống cẩn thận, chỉ ăn đồ sạch của nhà làm được chứ hiếm khi phải ăn ngoài hàng quán. Không biết bao nhiêu năm rồi tôi không phải đi khám bệnh dù bệnh xá cách có vài bước chân, cơ thể vẫn rất khỏe mạnh".

Và như để kết thúc câu chuyện của mình, ông Lự vừa cười vừa nói: "Giờ có tuổi rồi, sức khỏe chắc chắn không được như ngày nào nên tôi phải điều chỉnh chế độ ăn cho mình, mỗi bữa tôi không còn ăn nhiều như trước nữa, chỉ khoảng... chục bát cơm".

Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đồng Thái, bác sĩ Niên cho biết: "Cho tới nay chưa bao giờ tôi thấy ông Lự ra khám bệnh ở Trạm Y tế. Việc ông ấy ăn được nhiều như vậy từ xưa đến nay mà không xảy ra vấn đề gì, chứng tỏ cơ thể vẫn khỏe mạnh có thể dung nạp được. Nhưng ăn nhiều như vậy mà cơ thể vẫn gầy gò, không béo thì có thể do ông Lự làm việc nhiều hoặc cơ thể không hấp thụ chất dinh dưỡng".

Lê Phong - Ngọc Trâm
.
.
.