Đua nhau cưới thêm vợ chỉ để lo việc gánh nước

Thứ Tư, 01/07/2015, 15:30
Đàn ông trong một ngôi làng chịu nạn hạn hán kỷ lục đang tìm cách cưới thêm vợ để đảm bảo có đủ nước sinh hoạt cho gia đình - hãng Reuters đưa tin.

Nước quyết định tới chuyện hôn nhân

Theo Reuters, dân làng Denganmal ở miền tây Ấn Độ lâu nay phải chịu nạn hạn hán hoành hành và tình trạng thiếu nước sinh hoạt khiến nhiều gia đình điêu đứng.

Đây chỉ là một trong rất nhiều làng ở bang Maharashtra, phải đối mặt với tình trạng thiếu nước uống trầm trọng. Năm ngoái, chính phủ Ấn Độ ước tính, người dân tại hơn 19.000 ngôi làng ở bang này thiếu nước uống.

Cả làng phải đi gánh nước ở hai giếng cách khá xa. Dù phải đi bộ xa khi trời nắng gắt, xung quanh những giếng nước này luôn có rất đông người và việc xếp hàng đến lượt lấy nước rất mất thời gian.

Nước ít, nhu cầu cao, nhiều khi xảy ra tranh giành giữa các "bà vợ nước".

Việc đảm bảo nước sinh hoạt khiến nhiều người đàn ông Ấn Độ - những người chủ gia đình "đau đầu". Đi lấy nước cho cả gia đình vốn được xem là công việc của phụ nữ trong làng trong khi đàn ông phải lao động để kiếm tiền nuôi cả gia đình.

Cuối cùng, phái mạnh ở đây cũng nghĩ ra giải pháp để không sợ thiếu nước uống và sinh hoạt - đó là lấy thêm vợ, người dân trong làng Denganmal tiết lộ với hãng Reuters.

Mặc dù chế độ đa thê bị cấm ở Ấn Độ, việc cưới thêm vợ được âm thầm thừa nhận ở làng Denganmal. "Những người vợ gánh nước" đã  trở thành một loại "lệ làng" ở đây khi người dân Denganmal phải đối mặt với nạn hạn hán.

Ông Sakharam Bhagat, 66 tuổi, ở Denganmal hiện có ba vợ cho biết, 2 trong số 3 người vợ mà ông cưới thêm chỉ để đảm bảo gia đình luôn có đầy đủ nước uống và nước sinh hoạt.

"Gia đình chúng tôi cần người đi gánh nước. Và cưới thêm vợ là giải pháp duy nhất" - ông Bhagat, người làm thuê trong một trang trại gần làng Denganmal, nơi ông sinh sống chia sẻ với hãng Reuters.

"Người vợ đầu tiên của tôi bận bịu tối ngày với việc chăm nom con cái. Chẳng còn cách nào, tôi phải lấy thêm vợ hai để có người đi gánh nước. Tuy nhiên, khi người vợ hai của tôi không may ngã bệnh và không thể đi lấy nước được nữa, tôi buộc phải cưới thêm bà vợ thứ 3" - ông Bhagat chia sẻ thêm.

Ông có 6 đứa con với người vợ cả, còn lại không sinh con với Sakhri (vợ hai) và Bhaagi (vợ ba). Trước đây, Sakhri có thể mang về nhà 100 lít nước mỗi ngày nhưng khi bà có tuổi, việc đi xa và gánh nặng đã trở nên khó khăn. Do đó, Bhagat đã lấy thêm Bhaagi, vốn là một góa phụ 26 tuổi, để tiếp tục đảm đương việc lấy nước cho gia đình đông người này.

Ông Bhagat chung sống hòa thuận với 3 bà vợ và các con của họ trong cùng một ngôi nhà. Tuy nhiên, mỗi người vợ của ông đều có một phòng riêng và nhà bếp riêng. Hai trong số các bà vợ được giao nhiệm vụ đi lấy nước hằng ngày trong khi đó, người vợ còn lại đảm nhiệm việc nấu nướng.

Về phần phụ nữ ở làng Denganmal, họ cũng không tỏ ra "phiền lòng" với lệ làng này. Thậm chí, nhiều phụ nữ góa chồng hoặc bị chồng bỏ ở đây còn sẵn sàng trở thành "người vợ gánh nước" và cảm thấy thoải mái với danh phận này, ông Bhagat cho hay.

Tranh giành nảy lửa giữa những bà vợ

Các bà vợ nhiều khi phải đi bộ hàng kilomet và đội trên đầu những thùng nước lớn mang về nhà. Đều đặn hằng ngày, một người "vợ nước" phải đội khoảng 100 lít nước. Họ phải đi lấy nước nhiều chuyến trong ngày, nếu trời quá nắng, họ sẽ đi lấy nước vào buổi tối. Hình ảnh những người phụ nữ đội thùng nước lớn trên đầu và đi dưới cái nắng hừng hực hơn 40 độ C không còn lạ lẫm tại đây.

Theo chu trình 5 ngày/lần, sẽ có một xe bồn chở nước tới một điểm cách Denganmal khoảng 3 km và lượng nước ít ỏi đó sẽ không chờ đợi người chậm chân. Vì ai lấy được nhiều nước hơn sẽ đỡ phải di chuyển nhiều lần nên xung quanh xe nước thường xảy ra cảnh tranh giành nảy lửa giữa những người vợ.

Tìm được một người phụ nữ sẵn sàng nhận gánh nặng trách nhiệm "vợ nước" không phải chuyện dễ. Ở Ấn Độ, không cha mẹ nào muốn gả con gái cho một người ở vùng bị khô hạn trầm trọng, nhất là khi họ đã quen sống ở nơi có nguồn nước dồi dào. Một người đàn ông sống ở vùng hạn chỉ có thể lấy vợ cùng sống trong cảnh thiếu nước giống anh ta, bởi lẽ, họ có thể thấu hiểu nỗi khổ sở này và sẽ cố gắng mang nước về cho gia đình. Thế nhưng, không phải cô gái trẻ nào cũng chấp nhận việc làm vợ lẽ mà lại bị ràng buộc về trách nhiệm nhiều như vậy. Thường thì chỉ những người bị chồng bỏ hoặc góa phụ mới chấp nhận cuộc đời làm "vợ nước": không có quyền như vợ cả, không được chia phần tài sản cũng như không được ngủ chung giường với chồng. Đổi lại, họ sẽ có một mái ấm thứ hai.

Hàng nghìn người Ấn Độ đã chết vì mất nước và đột quỵ trong những tuần gần đây do nắng nóng kỷ lục và thiếu nước.

Trường Minh (tổng hợp)
.
.
.