Băng đảng ma túy rửa tiền núp bóng kinh doanh thời trang

Thứ Ba, 07/10/2014, 08:00

Cuối tuần trước, gần 1.000 nhân viên thực thi pháp luật của Mỹ đã "đổ bộ" vào Downtown, phố thời trang ở Los Angeles bắt giữ 10 người và thu giữ 65 triệu USD. Đây là một phần của cuộc điều tra kéo dài nhằm triệt phá hoạt động của các băng đảng ma túy Mexico rửa tiền trên đất Mỹ.

Chiến dịch "Operation Fashion Police"

Theo tài liệu của Tòa án, các doanh nghiệp dệt may bị cáo buộc hỗ trợ các băng đảng ma túy đưa tiền buôn bán ma túy ở Mỹ trở lại Mexico. Trong đó, chủ sở hữu một hãng thời trang bị cáo buộc rửa tiền bằng cách thanh toán tiền chuộc người họ hàng bị băng đảng ma túy Sinaloa giữ làm con tin và tra tấn tại một trang trại ở Mexico. "Sau khi các nhà chức trách Mỹ thu giữ 100kg cocaine vào tháng 10/2012, những kẻ buôn ma túy đã bị chính ông chủ của mình ở băng đảng Sinaloa bắt giữ.

Những kẻ buôn bán ma túy đã bị đánh đập và tra tấn tại một trang trại ở Mexico. Gia đình của người đàn ông ở Mỹ cho biết, họ có thể "mua" lại tự do cho người thân bằng cách cung cấp 140.000 USD tiền mặt đến một địa chỉ ở Los Angeles, qua hãng thời trang QT. Các doanh nghiệp dệt may ở Los Angeles bị cáo buộc đã chấp nhận tiền mặt từ băng đảng ma túy ở Mỹ và thanh toán trở lại thông qua các nhà môi giới sau khi bán quần áo cho các doanh nghiệp dệt may ở Mexico.

Quá trình đó "làm sạch tiền" cho các băng đảng ma túy. Los Angeles đã trở thành tâm điểm để rửa tiền, trên phố thường xuyên xuất hiện những người mang túi vải thô và vali đầy tiền mặt", ông Robert Dugdale, luật sư ở California cho biết.

65 triệu USD đã bị thu giữ trong cuộc đột kích.

Thông tin được đăng tải trên tờ Independent (Anh) cho hay, trong chiến dịch mang tên "Operation Fashion Police", cảnh sát đã tấn công vào hơn 40 địa điểm, trong đó có 19 cửa hàng, 6 nhà kho và một số ngôi nhà trong khu vực. Khám xét tại khu vực Bel Air, cảnh sát phát hiện 10 triệu USD nhét trong túi vải thô. Ba người có liên quan đến cửa hàng thời trang QT bị bắt giữ cùng một người phụ trách cửa hàng may mặc khác ở Los Angeles.

Những người này bị cáo buộc nhận tiền từ băng đảng Sinaloa và sau đó trả lại Sinaloa thông qua 17 doanh nghiệp khác ở Mexico. Hai thành viên của doanh nghiệp kinh doanh đồ lót Yili và đồ lót Gayima cũng đã bị bắt giữ. Hai người này bị cáo buộc nhận tiền từ một nhân viên bí mật vào vai kẻ buôn ma túy. Bốn người trong doanh nghiệp Pacific Eurotex Corp bị bắt giữ vì cáo buộc âm mưu rửa tiền bất hợp pháp. Luật sư của Jose Isabel Gomez Arreoloa, người bị bắt vì cáo buộc rửa tiền và kinh doanh không có giấy phép cho biết, thân chủ của ông "sẽ không nhận tội và chống lại những lời buộc tội".

Gia tăng hoạt động rửa tiền núp bóng kinh doanh thời trang

Bộ Ngoại giao Mỹ đã ước tính, khoảng 29 tỷ USD được chuyển từ Mỹ đến Mexico mỗi năm, phần lớn qua "rửa tiền thương mại". Năm 2013, trong 1.510 báo cáo của các ngân hàng Mỹ về hoạt động "đáng ngờ" thì hơn một nửa ở California.

Để chuyển tiền từ Mỹ cho băng đảng ma túy ở Mexico, các nhà môi giới trung gian thường sử dụng qua kinh doanh hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước. Một doanh nghiệp Mexico gửi tiền đến cho một đối tác ở Los Angeles, sau đó công ty ở Mỹ sẽ gửi lại hàng hóa. Các doanh nghiệp ở Mexico bán hàng hoá và chuyển lợi nhuận cho các nhà môi giới và băng đảng ma túy.

Trong thập kỷ qua, các ngân hàng ở Mỹ và Mexico đã thắt chặt yêu cầu báo cáo tài chính nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố và dòng chảy của lượng tiền mặt bất hợp pháp qua biên giới. "Các băng đảng ma túy cố gắng chuyển tiền có được từ buôn lậu ma túy qua biên giới bằng cách giấu trong xe, nhưng các nhà điều tra liên bang đã tăng cường các biện pháp thực thi pháp luật. Chính điều này buộc các băng đảng ma túy phải tìm cách khác để chuyển tiền trở lại Mexico", ông Claude Arnold, nhân viên đặc biệt phụ trách di trú và hải quan thuộc lực lượng điều tra an ninh nội địa ở Los Angeles cho hay.

Các băng đảng đã sử dụng công ty may mặc và đồ chơi ở Los Angeles để rửa tiền và hiện nay "phạm vi hoạt động và mức độ ảnh hưởng của các băng đảng lớn chưa từng có. Trong khi đại đa số các công ty thuộc ngành công nghiệp may mặc ở Los Angeles trị giá 18 tỷ USD là hợp pháp, cuộc truy quét hôm thứ tư báo hiệu một xu hướng thực sự đáng lo ngại", ông Arnold nói

Mạnh Tường (tổng hợp)
.
.
.