Buôn bán lá khat: Lĩnh vực kinh doanh triệu đô ở Ethiopia

Thứ Sáu, 19/07/2019, 09:19
Buôn bán lá khat (một loại lá mà nhiều quốc gia đưa vào danh sách ma túy nguy hiểm) là lĩnh vực kinh doanh phát triển mạnh ở Ethiopia.

Ethiopia là nước xuất khẩu loại lá này lớn nhất thế giới. Mặc dù có những cảnh báo rủi ro về sức khỏe nhưng hoạt động thương mại vẫn hết sức sôi động do khoản lợi nhuận lớn mà lá khat mang lại.

Sôi động chợ lá khat ở Awoday

Jarra Teklay Yohannes, 50 tuổi, một người chuyên mua bán lá khat ngồi trong căn phòng nhỏ với đồ đạc bừa bãi ở Awoday. "Đồng nghiệp của tôi có mặt ở khắp mọi nơi. Không có niềm tin, bạn không thể điều hành doanh nghiệp buôn bán khat. Đây là lĩnh vực kinh doanh có giá trị hàng triệu đô la ở vùng cao nguyên phía đông Ethiopia", Jarra nói trong khi mắt vẫn tập trung vào tính toán thu nhập của ngày hôm nay.

Nằm cách thành phố Harar Hồi giáo linh thiêng vài km, Awoday là thị trường lớn nhất thế giới của loại lá giống như amphetamine, một chất kích thích được cho là giúp tăng cường sự tập trung và giảm mệt mỏi, có khả năng tạo ra hưng phấn. Chợ hoạt động 24 giờ một ngày với sự hối hả của xe tải, thương nhân và những người phụ nữ bán hàng nhỏ lẻ bên lề đường. Trong các tòa nhà, từng đội thanh niên hối hả cắt, làm sạch và đóng gói lá khat.

Đỉnh điểm của hoạt động mua bán lá khat bắt đầu sau khi mặt trời lặn. "Ánh nắng mặt trời thiêu đốt lá khat, vì vậy những chiếc xe tải chuyển hàng phải đi vào sáng sớm", ông Jarra giải thích. Ông Jarra thường làm việc từ khoảng 7 giờ tối cho đến sáng sớm hôm sau. "Vào thời kỳ bận rộn, tôi ở văn phòng cả tháng. Thời gian thực sự là tiền ở Awoday. Khat phải được tiêu thụ trong vòng 48 giờ sau khi thu hoạch, sau thời điểm đó, chất lượng chỉ ở mức tối thiểu", ông Jarra nói thêm.

Ông Jarra là một trong hàng trăm thương nhân làm việc trong ngành kinh doanh đang bùng nổ này. Họ xuất khẩu lá khat sang Djibouti hoặc Somaliland. Một số cũng được chuyển đến các thành phố khác của Ethiopia như như thủ đô Addis Ababa, cách Awoday 500km về phía tây.

Jarra tự hào là một trong sáu nhà xuất khẩu lá khat thành công nhất với bảy xe tải chuyển hàng mỗi ngày đến Somaliland. "Hoạt động kinh doanh sinh lời không chỉ tốt cho các thương nhân mà còn tốt cho chính phủ. Đêm qua, tôi đã nộp 1.420 USD cho hải quan. Đối với những nhà xuất khẩu lớn nhất, số tiền này có thể lên tới vài chục nghìn USD một ngày nhưng đó chỉ là tỷ lệ nhỏ trong tổng thu nhập", ông Jarra nói.

Nhiều người cho rằng, chính phủ kiếm được nhiều tiền từ các doanh nghiệp bán lá khat hơn so với cà phê - sản phẩm xuất khẩu đầu tiên của đất nước. Tuy nhiên, con số thực tế không bao giờ được công bố vì một số quốc gia coi lá khat là một loại ma túy.

Hoạt động mua bán lá khat diễn ra sôi động vào ban đêm.

Sử dụng lá khat nguy hiểm và gây hậu quả không tốt cho sức khỏe

Nhiều quốc gia cấm tiêu thụ lá khat mặc dù không có biện pháp kiểm soát quốc tế nào được thực thi. Ở Ethiopia, đặc biệt là khu vực xung quanh thành phố Harar, nhai lá khat diễn ra phổ biến. "Đó là một phần văn hóa và cuộc sống của chúng tôi. Nếu muốn làm hòa với ai đó, hãy nhai lá khat và trò chuyện. Đến một đám cưới hoặc bạn muốn hỏi cưới con tôi, hãy mang theo khat", ông Jarra nói.

Tiêu thụ khat có thể được bắt nguồn từ "Sufism", một nhánh của đạo Hồi xuất hiện ở Harar kể từ thế kỷ thứ 11. Việc sử dụng lá gây nghiện được cho là một trong những nguyên nhân khiến số lượng lớn thanh niên ở Ethiopia thất nghiệp. Người ta thường thấy những chàng trai trẻ ngồi bên lề đường, nhai những chiếc lá màu đỏ xanh. Ước tính, ở Ethiopia, mỗi người tiêu thụ trung bình khoảng 400 gram lá khat mỗi ngày, đôi khi cao hơn.

Ephrem Engidawork, Giáo sư dược học tại Đại học Addis Ababa nói rằng. "Khoảng 20% trong số tất cả người dân Ethiopia nhai nhiều lá khat đến mức có thể gây hậu quả tiêu cực cho sức khỏe. Phổ biến nhất là ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch. Nguy hiểm nhất là khi nhai lá khát trong một thời gian dài có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim. Nó cũng ảnh hưởng không tốt đến gan, răng cũng như tinh thần. Sử dụng lá khat kéo dài có thể gây tâm thần phân liệt".

Giáo sư Ephrem Engidawork nói thêm, vấn đề sức khỏe cộng đồng không được chính phủ coi là ưu tiên hàng đầu. Ông từng đề nghị thành lập một chương trình nghiên cứu về lá khat để giải quyết những vấn đề đặt ra nhưng ý tưởng đó "rơi vào quên lãng" vì không ai quan tâm. Hiện tại, khoảng 70% đất nông nghiệp ở vùng Harari được sử dụng để trồng loại cây này. 

Tường Phạm (tổng hợp)
.
.
.