Cơ quan kiểm soát ma túy và chất uống có cồn Israel

Thứ Tư, 07/01/2015, 20:30
Cơ quan kiểm soát ma túy và chất uống có cồn Israel (IADA) được thành lập năm 1988, thuộc Văn phòng Thủ tướng. Tới năm 2009, IADA được chuyển giao trực thuộc Bộ Công an Israel với nhiệm vụ chủ trì các đề án và chiến lược phòng chống ma túy, chống nghiện chất uống có cồn, phát triển chính sách quốc gia và hợp tác quốc tế trong công tác này.

Dưới sự điều phối của IADA, các bộ, ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ và tổ chức tôn giáo cùng phối hợp trong hoạt động và nâng cao hiệu quả, phạm vi phòng chống ma túy, kiểm soát chất uống có cồn trong tất cả các lĩnh vực như phòng, chống; trị liệu, cai nghiện; thi hành pháp luật. Hiện nay, IADA (với chỉ hơn 200 nhân viên) đã vươn tầm hoạt động tới tất cả các khu vực của đất nước, trong đó có cả những địa điểm phức tạp về xung đột vũ trang, nhạy cảm về tôn giáo và chính trị. Với mục tiêu và tôn chỉ hoạt động rõ ràng, vì lợi ích chung của đất nước và cộng đồng, dù ở đâu IADA cũng nhận được sự hưởng ứng và cộng tác của các cơ quan, tổ chức và người dân địa phương. 

Các thành viên cơ quan kiểm soát ma túy và chất uống có cồn Israel với nhiều hoạt động thiết thực.

Trong những năm gần đây, IADA hướng trọng tâm hoạt động tới nhóm dân số là binh sỹ và thanh thiếu niên. IADA thực hiện các chiến dịch tuyên truyền về tác hại của ma túy và việc lạm dụng chất uống có cồn. Thúc đẩy công tác xây dựng pháp luật nhằm kiểm soát đồ uống có cồn và ma túy, đặc biệt tập trung vào ma túy hướng thần; thực thi các chương trình hành động quốc gia nhằm phòng chống nghiện chất uống có cồn, giảm tiêu thụ rượu bia trong giới trẻ cũng như những tác hại có liên quan. Thực hiện những chương trình đặc biệt về phòng, chống ma túy và lạm dụng chất uống có cồn trong cộng đồng, tập trung vào nhóm dân số có nguy cơ cao (thanh thiếu niên, người thất nghiệp, người sống gần các khu vực phức tạp về ma túy…).

Trong nghiên cứu, IADA tiến hành các nghiên cứu khoa học và điều tra xã hội học về việc sử dụng và tác hại của ma túy đối với các nhóm so sánh (Đến nay, IADA đã tiến hành trên 200 nghiên cứu lớn và hiện nay IADA đang phát triển Trung tâm đánh giá quốc gia về ma túy và chất uống có cồn, nơi sẽ cung cấp dữ liệu quốc gia và giúp so sánh dữ liệu với các quốc gia khác trên thế giới về những khía cạnh có liên quan đến lĩnh vực này). IADA (trong đó Cục trị liệu và cải tạo làm nòng cốt) chịu trách nhiệm thiết lập các chính sách mới và cải tiến, hợp tác với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức trong công tác trị liệu và cải tạo người nghiện ma túy và nghiện rượu.

Về đào tạo, IADA phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng toàn diện nhằm đào tạo đội ngũ những người làm công tác phòng, chống ma túy hoặc phòng, chống lạm dụng chất uống có cồn và các tình nguyện viên. Tổ chức các hội thảo và khóa đào tạo dành cho nhiều đối tượng khác nhau về công tác này. IADA chủ trì các chương trình hợp tác quốc tế nhằm nâng cao vai trò của Israel trong cuộc chiến chống ma túy toàn cầu. Trong những năm qua, IADA đã tham mưu cho Chính phủ Israel ký kết các chương trình hợp tác phòng, chống ma túy song phương và đa phương với nhiều nước và các tổ chức quốc tế (như Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc, UNODC, Tổ chức Thương mại quốc tế, WHO…), đồng thời tổ chức các chương trình đào tạo, trao đổi kinh nghiệm quốc tế dành cho cán bộ phòng, chống ma túy của các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam).

Vận động thanh niên nghiện ma túy tham gia các hoạt động cộng đồng.

Căn cứ trên những nghiên cứu khoa học, tình hình thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới, IADA đã tham mưu cho Quốc hội và Chính phủ ban hành nhiều quy định pháp quy liên quan đến kiểm soát ma túy và chống nghiện chất uống có cồn. Riêng trong kiểm soát chất uống có cồn, luật Israel nghiêm cấm việc mua bán và sử dụng đồ uống có cồn với người chưa đủ 18 tuổi, cấm bán chất uống có cồn từ 23h – 6h sáng (trong đó cấm bán tại nơi công cộng từ 21 giờ - 6 giờ sáng), tăng mạnh thuế đánh vào đồ uống có cồn (tương đương thuế suất gần 33 USD/1 lít cồn trong đồ uống chứa cồn). Đối với ma túy, IADA phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm soát ma túy tổng hợp, thắt chặt kiểm soát ma túy tại các cửa khẩu quốc tế (tại các cảng biển và sân bay quốc tế lớn như cảng Haifa, sân bay quốc tế Ben Guiron…), chống việc buôn bán tiền chất hoặc đưa ma túy tổng hợp theo các lao động phổ thông đến từ Trung Quốc, Thái Lan…

Phạm Oanh
.
.
.