Colombia:

Băng đảng ma túy tranh lãnh địa với ELN

Thứ Hai, 29/01/2018, 11:28
Việc tranh giành lãnh địa giữa băng đảng ma túy Gulf Clan với nhóm nổi dậy Quân đội giải phóng dân tộc Colombia (ELN) đang khiến dư luận Colombia tranh luận. Bởi vừa có 7 người chết sau khi các tay súng không rõ danh tính tấn công vào một quán bar tại đô thị Yarumal của tỉnh Antioquia hôm 21-1.

"Năm người có vũ trang  bước vào và nổ súng vào các khách hàng quen và làm 7 người thiệt mạng", ông Carlos Mauricio Sierra, chỉ huy lực lượng cảnh sát của tỉnh Antioquia trả lời phóng viên khi được hỏi về vụ nổ súng diễn ra ở đô thị Yarumal. Hãng Reuters cũng vừa dẫn thông báo của Chính quyền tỉnh Antioquia về việc hàng trăm người dân của thành phố Caceres buộc phải rời bỏ nhà cửa để tránh cuộc chiến giữa các nhóm vũ trang bất hợp pháp với nhau.

Theo giới truyền thông, cả ELN và Clan Gulf (băng đảng tội phạm hàng đầu ở Colombia) đều đang chống lại việc sản xuất ma túy từng bị kiểm soát bởi Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC - hiện là một lực lượng chính trị ở Colombia). Và ELN còn bị cáo buộc cùng các băng đảng tội phạm tham gia vào việc khai thác vàng lậu, tống tiền và nhiều tội ác khác.

Động thái kể trên diễn ra sau khi người của ELN bất ngờ tấn công nhằm vào hệ thống đường dẫn khí đốt nối với trạm dầu mỏ lớn thứ hai ở Colombia hôm 10-1, gây hư hại 2 đoạn đường ống tại tỉnh Arauca và Boyaca. Và vụ việc xảy ra sau khi thỏa thuận ngừng bắn giữa ELN với Chính phủ vừa hết hiệu lực hôm 10-1 và các bên đang chuẩn bị bước vào vòng đàm phán tiếp theo.
Số ma túy bị tịch thu.

Điều đáng nói là trong khi Chính phủ Colombia tiến hành các cuộc đàm phán với ELN (thành lập năm 1964 với khoảng 2.000 tay súng), nhưng Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vẫn coi ELN là một tổ chức khủng bố. Ngày 21-1, Tổng thống Juan Manuel Santos đã ra lệnh cho Trưởng đoàn hòa đàm của Chính phủ Gustavo Bell trở lại Thủ đô Quito của Ecuador để xem xét khả năng nối lại đàm phán với ELN.

Theo giới truyền thông, từ đầu năm đến nay, Tổng thống Juan Manuel Santos luôn khẳng định cam kết thực thi thỏa thuận hòa bình đã đạt được với FARC (được ký cuối năm 2016), cũng như nối lại đàm phán với ELN. Bộ trưởng Quốc phòng Luis Carlos Villegas tuy hối thúc ELN gia hạn thỏa thuận ngừng bắn, nhưng cũng cảnh báo, cảnh sát và quân đội đã chuẩn bị sẵn sàng để đối phó trong trường hợp thỏa thuận ngừng bắn song phương được ký hồi tháng 9-2017 và vừa hết hạn hôm 10-1.

Thủ lĩnh ELN Nicolas Rodriguez tuyên bố, sẵn sàng tiếp tục đối thoại với Chính phủ và tiến trình hòa đàm không thể bị ngắt quãng trong nỗ lực đạt được hòa bình. Thủ lĩnh FARC Rodrigo Londono cũng kêu gọi Chính phủ và ELN hòa đàm và ngừng bắn.

Theo nhiều nguồn tin vừa tiết lộ, đứng trước nguy cơ bị cạnh tranh và tiêu diệt, người của Clan Gulf đã nhiều lần muốn đạt được một thỏa thuận đầu hàng với Chính phủ Colombia, nhưng đều bất thành bởi đại diện chính quyền khẳng định, không đàm phán với các băng nhóm tội phạm.

Hơn 2 tháng trước (8-11-2017), cảnh sát đã bắt 4 nghi phạm và tịch thu hơn 12 tấn cocaine của Gulf Clan, được chôn tại 4 trang trại trong khu vực trồng chuối ở phía Tây Bắc tỉnh Antioquia, gần biên giới với Panama. Đây là số lượng cocaine bị tịch thu trong một vụ án ma túy lớn nhất từ trước đến nay.

"Chưa bao giờ, kể từ khi bắt đầu đấu tranh chống ma túy hơn 40 năm qua, chúng tôi tịch thu số cocaine lớn như thế", Tổng thống Juan Manuel Santos nói với các phóng viên và ước tính số cocaine bị tịch thu có giá khoảng 360 triệu USD.

Gulf Clan do Daio Antonio Usuga (còn gọi là Otoniel) cầm đầu, ngoài buôn lậu ma túy, băng đảng này còn khai thác mỏ bất hợp pháp và có khoảng 1.500 thành viên từng phục vụ trong các nhóm bán quân sự theo cánh hữu. Theo đánh giá của giới truyền thông, Gulf Clan là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia kể từ khi thỏa thuận hòa bình được ký vào năm 2016 với FARC. Chính phủ Mỹ từng treo số tiền thưởng 5 triệu USD cho thông tin để bắt hoặc tiêu diệt Otoniel.

Gần 1 năm trước (2-4-2017), cảnh sát đã phát hiện và thu giữ 6,1 tấn cocaine trong một tàu chở sắt thép phế liệu tại thành phố cảng Barranquilla và đó là vụ thu giữ ma túy lớn thứ 3 trong lịch sử Colombia. Khi đó Bộ trưởng Quốc phòng Luis Carlos Villegas cho biết, số cocaine bị thu giữ có giá chợ đen lên tới 200 triệu euro, được xác định là của Gulf Clan.

Theo thống kê, trong 5 năm qua, các lực lượng chức năng Colombia đã bắt khoảng 6.700 đối tượng buôn bán ma túy và cảnh sát chống ma túy đã tịch thu 362 tấn cocaine trong năm 2017. Nhưng bất chấp những nỗ lực của Chính phủ trong cuộc chiến chống ma túy, Colombia vẫn là một trong những quốc gia sản xuất cocaine hàng đầu thế giới, với sản lượng khoảng 910 tấn/năm (theo đánh giá của Cơ quan phòng chống buôn lậu ma túy Mỹ).

Tuệ Sỹ
.
.
.