"Cuộc chiến chống ma túy" ở Philippines vẫn tiếp diễn giữa đại dịch

Thứ Tư, 08/04/2020, 15:39
Cuộc chiến chống lại "ma túy bất hợp pháp" do Tổng thống Rodrigo Duterte khởi xướng, một cuộc chiến không ngừng nghỉ đã giết chết hàng ngàn sinh mạng kể từ giữa năm 2016 đến nay.


Hình ảnh u ám này đã trở nên quá quen thuộc ở những khu ổ chuột của Philippines: một người đàn ông chân trần, ngực trần ngồi dựa lưng vào tường với dòng máu đang chảy ra từ vết thương bị đạn bắn trên đầu, nạn nhân tiếp theo trong cuộc chiến chống lại "ma túy bất hợp pháp" do Tổng thống Rodrigo Duterte khởi xướng, một cuộc chiến không ngừng nghỉ đã giết chết hàng ngàn sinh mạng kể từ giữa năm 2016 đến nay.

Những vụ đọ súng trong mùa đại dịch

Vào sáng Chủ nhật, ngày 22/3, cảnh sát và các nhân viên chống ma tuý của thành phố Cebu đã tiến hành cuộc tập kích vào một "tội phạm có tầm cỡ". Vụ tập kích đã dẫn đến "một cuộc đọ súng" và cái chết của nghi phạm- Buen Chiong. Cảnh sát tỉnh Cebu cho biết Chiong nằm trong danh sách theo dõi các "tội phạm cấp tỉnh" của họ.

DYSS, đài phát thanh Cebu đã dẫn lời các nhà chức trách nói rằng nghi phạm có liên quan đến "hoạt động buôn bán ma túy và trộm cắp". Phóng viên hãng tin Al Jazeera cũng cho biết một khẩu súng lục cỡ 45 ly đã được thu hồi từ hiện trường vụ đọ súng / chi tiết bị thiếu trong báo cáo của cảnh sát. Cái chết của Chiong đã được lưu vào số theo dõi của cảnh sát bằng dãy số 20002-032020-0502.

Các nhóm đấu tranh nhân quyền đã kêu gọi Tổng thống Duterte chấm dứt ngay "cuộc chiến chống ma túy".

"Tình trạng khẩn cấp quốc gia" được ban bố do đại dịch COVID-19 gây ra cũng không thể ngăn cản Tổng thống Duterte tiếp tục đẩy mạnh "cuộc chiến chống ma túy" mà ông đã khởi xướng. Những người đấu tranh bảo vệ nhân quyền ở nước này đã cảnh báo rằng việc bùng phát của dịch COVID-19 và tình trạng phong tỏa hiện nay sẽ làm "gia tăng sự bất bình đẳng trong xã hội" và làm tăng thêm những vụ vi phạm quyền con người. 

Các nhóm đấu tranh nhân quyền đã kêu gọi ông Duterte chấm dứt ngay "cuộc chiến chống ma túy" và tập trung các nỗ lực của chính phủ để đảm bảo rằng các biện pháp ngăn chặn dịch COVID-19 được thực thi và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn do Liên Hợp Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới yêu cầu .

Kể từ lúc ông Duterte ban bố lệnh phong tỏa một phần, chỉ riêng tại tỉnh Cebu đã có 8 người trong đó có hai sĩ quan cảnh sát bị sát hại bởi những kẻ lạ mặt. Một trong những nạn nhân trước đây đã từng ngồi tù trong một vụ án về ma túy. 

Theo báo cáo công bố vào giữa tháng 12/2019, đã có 5.552 người bị giết trong các chiến dịch trấn áp của cảnh sát kể từ khi Tổng thống Duterte lên nắm quyền vào ngày 30/6/2016. Nhưng các tổ chức nhân quyền thì tin rằng số người chết trên thực tế đã lên tới 27.000 người, tính cả những nạn nhân bị sát hại bởi những kẻ không rõ danh tính.

Bản thân Tổng thống Duterte đã nhiều lần nhắc lại lời hứa rằng "cuộc chiến chống ma túy" của ông sẽ còn kéo dài đến tận ngày cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Đám tang của Kian Loyd Delos Santos, một thiếu niên bị cảnh sát bắn chết đã biến thành một cuộc biểu tình.

Những vụ trấn áp công khai

Đại dịch COVID-19 đã bùng phát ở Philippines. Giờ đây trọng tâm chú ý của đất nước đã chuyển sang cuộc chiến chống coronavirus. Toàn bộ hòn đảo Luzon ở phía Bắc, với dân số 57 triệu người đã bị phong tỏa. Các tỉnh và thành phố khác cũng đã áp dụng các biện pháp tương tự, gần như toàn bộ đất nước 104 triệu dân này đang sống trong tình trạng bị phong tỏa ngặt nghèo.

Marit Stinus Cabugon, một nhà báo sinh sống tại Cebu, người giữ chuyên mục cho một tờ báo hàng đầu của Philippines, nói rằng các chiến dịch trấn áp của cảnh sát chống ma túy với những hoạt động "nằm ngoài khuôn khổ pháp luật" của họ đã diễn ra từ lâu ở địa phương này. 

Điều gây ngạc nhiên là sự tự tin đến mức lạnh lùng của những người tiến hành các chiến dịch mới đây nhất khi mà toàn bộ đất nước đang ở tình trạng bị phong tỏa và các biện pháp an ninh được thắt chặt ở khắp mọi nơi.

Stinus Cabugon là người đã kiên trì thống kê và đưa lên mạng danh sách các vụ giết người từ năm 2018 ở Cebu. Từ khi bắt tay vào việc theo dõi và lập danh sách vào tháng 6/2018, chỉ riêng tại Cabu và các vùng phụ cận, Stinus Cabugon đã ghi nhận được 159 cái chết trong những chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy của cảnh sát, 339 vụ giết người ngoài khuôn khổ luật pháp có liên quan đến ma túy và 114 vụ án mạng chưa rõ nguyên nhân.

Stinus Cabugon, một cộng tác viên của Tổ chức Lao động Quốc tế, nói rằng: "Tôi đã sống nhiều năm ở Cebu và chưa từng chứng kiến những điều tương tự như thế này". Vụ việc gần đây nhất mà cô đã ghi lại là vụ giết hại Bobby Badajos vào ngày 21/3. Tài xế 45 tuổi lái chiếc ô tô điện chở khách đã bị bắn chết bởi bốn sát thủ không không rõ danh tính đi trên hai chiếc xe máy. 

Gerard Ace Pelare, người đứng đầu lực lượng cảnh sát tại khu vực mà Badajos bị sát hại, cho rằng nhiều khả năng vụ giết người này liên quan đến ma túy, tuy nhiên người thân của nạn nhân đã khẳng định với phóng viên báo The Freeman, một tờ báo ở Cebu, rằng Badajos đã không còn liên quan đến buôn bán ma túy sau khi anh ta được ra tù năm ngoái theo một thỏa thuận làm chứng chống lại các tội phạm trong một đường dây buôn lậu ma túy.

Hai giờ sau cái chết của Badajos, một cảnh sát tên là Marlon Belleres cũng bị giết bởi một tay súng không rõ danh tính trong cùng khu phố đó. Trong vòng bảy ngày qua, Belleres là sĩ quan thứ hai bị giết. Vào đầu giờ chiều ngày 15/3, Reyes Arboladura trung sĩ cảnh sát khu Vincent Delos cũng đã bị bắn chết trên đường về nhà…

Carlos Condé của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền ở Philippines tuyên bố rằng "thật mỉa mai khi chính phủ tuyên bố sẽ làm mọi biện pháp để cứu mạng người dân trước sự tấn công của coronavirus thì các vụ giết người tàn bạo vẫn liên tục diễn ra".

Condé cũng cho các phóng viên báo Al Jazeera biết rằng: "Ngay trước khi nổ ra đại dịch COVID-19, cường độ các vụ giết người ở Cebu đã ở tình trạng báo động. Condé cũng nhận thấy rằng "Các vụ giết người ở Cebu xảy ra theo những sơ đồ tương tự như ở Manila, các nạn nhân được chọn thuộc cùng một loại- chủ yếu là những người sống trong khu ổ chuột bẩn thỉu".

 Ông cho rằng "chính phủ nên chấm dứt "cuộc chiến chống ma túy", đặc biệt là khi mà toàn xã hội này đang bị đại dịch COVID-19 đe dọa. Với tình trạng khẩn cấp được ban bố như hiện nay, chính phủ càng có thêm quyền lực để thực hiện những gì họ muốn và những vụ lạm dụng quyền lực càng có nguy cơ tăng cao". 

Hai giờ sau cái chết của Badajos, một cảnh sát tên là Marlon Belleres cũng bị giết bởi một tay súng không rõ danh tính trong cùng khu phố đó.

"Sẽ phải có công lý"

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài phát thanh DZMM có trụ sở tại Manila, Trung tướng Guillermo Eleazar, chỉ huy của lực lượng cảnh sát đặc nhiệm tham gia vào chiến dịch chống dịch COVID-19 cho biết kể từ khi tuyên bố phong tỏa, số lượng các vụ phạm tội đã giảm 52% trên toàn quốc. 

Ông cũng cảnh báo những người vi phạm lệnh giới nghiêm trong thời gian phong tỏa rằng họ sẽ bị trừng phạt thích đáng, đồng thời hứa rằng cảnh sát "sẽ không lạm dụng thẩm quyền của họ" trong việc duy trì luật pháp.

Về phần mình, Stinus Cabugon thừa nhận rằng trong giai đoạn Philippines đang bị phong tỏa để chống chọi với dịch bệnh như hiện nay, việc thu thập thông tin và viết báo cáo về các vụ giết người liên quan đến ma túy sẽ càng thêm khó khăn hơn. 

Bị cách ly do phong tỏa, rất nhiều người dân ở Cebu đang phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế vì thế họ sẽ chỉ tập trung lo cho cuộc sống hàng ngày nhiều hơn là để ý đến các vụ xâm phạm nhân quyền. Nhưng Stinus Cabugon cũng hứa rằng cô sẽ không bỏ cuộc và tiếp tục theo dõi để lập hồ sơ về "cuộc chiến chống ma túy " chết chóc này.

"Tôi mong ước rằng không còn tên nạn nhân nào nữa để bổ sung vào danh sách. Tôi tin rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ đi đến được tận cùng của sự việc, công lý sẽ xuất hiện và kẻ chủ mưu cho những vụ giết chóc này sẽ phải nhận những trừng phạt thích đáng", cô nói thêm với phóng viên của Al Jazeera.

Dương Quốc Bảo (tổng hợp)
.
.
.