Đánh án ma túy ở thành Nam

Thứ Hai, 02/01/2017, 15:09
Nhắc tới Nam Định, người ta nhớ tới một tình đồng bằng Bắc Bộ nặng phù sa, nhưng đây cũng từng là “thủ phủ” của tội phạm ma túy khuynh đảo.


Năm 2016 có 16 chuyên án lớn, 11 đường dây mua bán vận chuyển trái phép chất ma túy, ổ nhóm hoạt động theo kiểu “boong ke” bị triệt phá, là kết quả của biết bao mồ hôi, công sức của cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy (PC49), đưa cuộc chiến chống ma túy ở thành Nam trở thành mũi nhọn trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ trật tự an toàn xã hội của Công an tỉnh Nam Định.

Không giống tuyến Tây Bắc, tội phạm ma túy hoạt động ở Nam Định lại là những người dân bản địa đi tứ xứ làm ăn, mang “cái chết trắng” về gieo rắc cho đồng loại. Chúng thu mua ma túy từ các tỉnh biên giới về tiêu thụ, trung chuyển trái phép đi các nơi khác và sang Trung Quốc. 

Ngược lại, những đối tượng người Nam Định làm ăn ở cửa khẩu đã mang ma túy tổng hợp từ nước ngoài về nội địa, hình thành những đường dây ma túy khép kín, móc nối với đối tượng ngoại tỉnh để kiếm lời. Chính vì thế, Nam Định trở thành địa bàn tiêu thụ và trung chuyển trái phép các chất ma túy nhức nhối nhất ở các tỉnh đồng bằng phía Bắc.

Săn “chim trắng”

Trung tá Nguyễn Thành Trung, Phó trưởng Phòng PC49 cho biết, cuối năm 2015, anh nhận được nguồn tin có một đường dây ma túy liên tỉnh với số lượng lớn từ Thanh Hóa về Nam Định tiêu thụ. Đường dây này hoạt động khép kín, nhiều mắt xích quan trọng, hoạt động có tổ chức, rất chặt chẽ. 

Sau 3 tháng xác minh nguồn tin, được sự nhất trí của Ban Giám đốc Công an tỉnh, chuyên án đấu tranh với đường dây ma túy này được xác lập. Làm thế nào để đấu tranh triệt phá, bóc gỡ toàn bộ đường dây này đòi hỏi các trinh sát của Đội 2 (Phòng PC47) ngoài chịu đựng vất vả, hy sinh, còn phải có những kế hoạch sắc bén thể hiện bản lĩnh và trí tuệ nghề nghiệp.

Cán bộ Phòng PC47 đang hỏi cung đối tượng phạm tội ma túy

Cầm đầu đường dây là Phan Văn Sự, SN 1974, trú tại xã Giao Tân, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Sự vốn là thợ mộc, cách đây chục năm hắn làm nghề vận chuyển và khai thác gỗ ở các khu vực giáp biên giới Việt – Lào thuộc tỉnh Thanh Hóa và Sơn La. Bỗng nhiên, Sự không đi làm ăn xa nữa mà về địa phương làm ruộng. Nhưng ở Giao Tân ngoài làm nông thì không còn nghề gì khác, thế nhưng Sự lại giàu lên nhanh chóng. 

Những bất minh về kinh tế của hắn đã khiến các trinh sát đặt vào “tầm ngắm”. Sự di chuyển liên tục, thoắt ẩn thoắt hiện càng làm dấy lên mối nghi ngờ hắn dính líu tới “hàng trắng”. Qua theo dõi, các trinh sát phát hiện, Sự là đối tượng cộm cán ở địa phương, chuyên cung cấp ma túy cho các đối tượng bán buôn ở Giao Thủy và các tỉnh, thành khác. Vậy Sự lấy hàng ở đâu? Đó là câu hỏi cần phải có lời giải nhanh chóng. 

Kỳ công nghiên cứu quy luật của đối tượng, các trinh sát đã nắm được thông tin, hắn trực tiếp lên huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) vào các bản giáp biên lân la dò hỏi tìm mua ma túy. Do thoắt ẩn thoắt hiện nên Sự được mệnh danh là “chim trắng” ở Giao Thủy. 

Trải qua nhiều ngày kỳ công trinh sát, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, các anh đã phát hiện trong quá trình đi lại làm ăn từ ngày còn là thợ mộc, Sự đã cấu kết, móc nối với một số đối tượng mua bán ma túy là người dân tộc thiểu số, trong đó có Sung Di Lênh, ở bản Xía Nọi, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa để mua bán ma túy. Sự trực tiếp lái xe cùng Lênh vận chuyển ma túy về các tỉnh miền xuôi tiêu thụ.

Cuộc săn “chim trắng” được lập kế hoạch. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của chuyên án là đối tượng rất liều lĩnh, luôn có vũ khí nóng để chống trả khi bị phát hiện. Đặc biệt, quá trình giao dịch, mua bán, vận chuyển ma túy, chúng luôn có sự phân công vai trò, công đoạn vận chuyển và tiêu thụ. Khi thì chúng thay người vận chuyển, lúc cải trang dung mạo cho khác, thường xuyên thay phương tiện, tuyến đường đi, sử dụng nhiều sim điện thoại rác và tiếng “lóng” để cảnh giác, đối phó và tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng. 

Trong đường dây có nhiều đối tượng tham gia, phạm vi hoạt động rộng, liên quan đến nhiều địa bàn, thành phố, đến các xã giáp biên giới Việt – Lào. Đặc biệt, để tìm hiểu về tên Lênh, đồng chí Trung cùng với tổ công tác đã đi bộ một ngày đường mới tới nơi. 

Do đường đi lại khó khăn, địa hình hiểm trở, đã gây vất vả cho lực lượng trinh sát trong quá trình phá án. Vượt lên mọi trở ngại đó, kế hoạch phá án được tính toán kỹ lưỡng, tỉ mỉ và vô cùng cẩn trọng khi biết “chim trắng” chuẩn bị vận chuyển một khối lượng ma túy lớn về Nam Định.

Cuộc săn “chim trắng” bắt đầu. Kế hoạch bắt chúng được tính toán ở trạm thu phí để bảo đảm an toàn cho lực lượng. Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với Cục C47 và lực lượng phòng chống ma túy Cảnh sát biển, khi Sự và Lênh ung dung chở 15 bánh hêrôin trên xe ô tô từ giáp biên về Nam Định, đến trạm thu phí km 286+397 thuộc thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa thì bị 3 mũi tấn công bao vây bắt giữ.

Chiến công đổi bằng máu và nước mắt  

Tròn 19 năm thành lập, ngần ấy thời gian, có biết bao nhiêu gian khổ, vinh quang thấm đẫm máu và nước mắt của nhiều thế hệ CBCS Phòng PC47. Đánh án ma túy phải có bàn tay sạch, trái tim nóng và cái đầu lạnh. Mang tiêu chí này nên mỗi lần tham gia vào một chuyên án, anh em trong đơn vị đều tâm niệm một nguyên tắc bất di bất dịch này. 

Ở mỗi chuyên án dù lớn hay nhỏ, khó khăn hay gian khổ, chỉ huy của đơn vị luôn nhắc nhở anh em, phải dùng “bàn tay sạch” để làm hết sức mình. Chính vì vậy mà từ khi thành lập đến nay, Phòng PC49 luôn là đơn vị đoàn kết, Chi bộ trong sạch, vững mạnh, không có CBCS nào vi phạm kỷ luật. Đó là điều tiên quyết nhất để làm lên những chiến công, xây dựng thương hiệu của Cảnh sát phòng chống ma túy thành Nam.

Nhận nhiệm vụ Trưởng phòng PC49 mấy tháng nay, nhưng Trung tá Nguyễn Đức Tiến đã trực tiếp lăn lộn cùng với anh em tham gia vào chuyên án lớn. Khi chúng tôi gặp anh vào một ngày đầu đông, dù trải qua 4 đêm không ngủ cùng các trinh sát phá chuyên án ma túy lớn Nam Định – Sơn La, bước đầu thu giữ 5 bánh hêrôin, nhưng Trung tá Tiến vẫn nhiệt tình tiếp chuyện chúng tôi. 

Anh kể, năm 2016 đơn vị phá thành công nhiều chuyên án ma túy lớn, đáng kể nhất phải nói tới chuyên án bắt giữ đường dây ma túy liên tỉnh Điện Biên về Nam Định. Đây là chuyên án thể hiện sự kỳ công của lực lượng trinh sát cùng sự mưu trí của công tác chỉ huy, chỉ đạo…

Từ đầu năm 2016, Phòng PC47 đã phát hiện đường dây đưa ma túy lớn từ Điện Biên về Nam Định tiêu thụ. Nhưng đối tượng là ai, hoạt động như thế nào thì đều là ẩn số. Chính vì vậy mà công tác xác minh, điều tra để lần ra dấu vết, thủ đoạn hoạt động của đối tượng là cả một sự kỳ công tính bằng máu và nước mắt. 

Cuối cùng, đối tượng chính trong đường dây và là người trực tiếp giao dịch mua bán, vận chuyển ma túy từ Điện Biên về Nam Định tiêu thụ đã được xác định. Hắn là Nguyễn Mạnh Thùy, SN 1972, trú tại bản Huổi Pha, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. 

Thùy từng có tiền án về ma túy, ra tù tháng 12-2015, bản thân nghiện ma túy, nhưng vừa ra trại hắn đã móc nối, cấu kết với các đối tượng là người dân tộc thiểu số ở khu vực giáp biên giới Việt – Lào ở Điện Biên để mua bán ma túy. Thùy không thuê người vận chuyển mà mỗi khi có hàng, hắn trực tiếp mang về dưới xuôi như Hà Nội, Nam Định, Thái Bình tiêu thụ.

Để tránh bị phát hiện, các đối tượng trong đường dây có mối liên hệ chặt chẽ để hoạt động hết sức tinh vi, mang tính tổ chức, có sự phân công vai trò, công đoạn vận chuyển tiêu thụ ma túy khép kín, cảnh giác cao. Ví như trong một chuyến hàng, đối tượng nào được phân công vận chuyển ở khu vực nào thì chúng chỉ biết công việc của mình, Thùy không hé lộ cho kẻ thứ 3. Chính vì vậy, nếu bị bắt thì hắn ít khi bị lộ hoặc đối tượng đó cũng không biết hắn mà khai ra. 

Hắn có một nhược điểm là khá mê tín, hôm nay đi tuyến đường này trót lọt, mai hắn không đi nữa mà chuyến hướng khác. Hoặc hắn xem ngày, chọn giờ mới đi, ngày giờ hắc đạo thì dù có kẻ mua lớn hắn cũng từ chối. Tưởng mình bố trí như thế là đủ thông minh, là chặt chẽ nên Thùy ung dung vận chuyển hàng với số lượng lớn. 

Hắn lấy hàng đều nợ, đợi khi người mua giao tiền thì mới mang về trả. Có chuyến, trừ công xá, hắn lãi tới cả trăm triệu. Nhưng “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, hắn không ngờ thủ đoạn và kế hoạch của mình lại nằm trong tầm ngắm của lực lượng Công an.

Nhận được mối làm ăn lớn, Thùy cải trang như người đi du lịch, hắn để 10 bánh hêrôin trong túi xách, ung dung bắt xe khách từ Điện Biên xuống Nam Định. Trên đường đi, hắn luôn quan sát xem có ai theo dõi không. Tuy nhiên, mọi hành động của hắn đều không qua con mắt tinh tường của trinh sát. 

Kế hoạch đón lõng đối tượng trước đó đã được Ban chuyên án tính toán kỹ lưỡng. Đợi xe vào bến xã Lộc Hòa, TP Nam Định, các trinh sát vẫn chưa bắt. Nhưng khi hắn xách túi ra tới cổng bến thì 3 mũi trinh sát tạo thành 3 gọng kìm ập đến tóm gọn tên tội phạm cùng tang vật là 10 bánh hêrôin.

Thùy rất gan lì, không hợp tác, quanh co, chối tội, nhất định không hé răng khai ra các đối tượng khác trong đường dây. Chỉ khi cán bộ điều tra đưa ra các chứng cứ không thể chối cãi, hắn mới hé lộ 2 mắt xích quan trọng khác. 

Mở rộng điều tra, Ban chuyên án chỉ đạo một tổ trinh sát lên Điện Biên. Sau gần 2 tháng xác minh, 3 tổ trinh sát được giao nhiệm vụ bám sát và đón lõng đối tượng đã đã tiến hành bắt giữ được Lò Văn Tiên, SN 1988 và Lò Văn Cương, SN 1983 (là chú cháu) cùng trú tại bản Nà Hốc, xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên đang tàng trữ, vận chuyển 2 bánh hêrôin khi chúng đang đến địa điểm giao hàng tại xã Xuân Vinh, huyện Xuân Trường, Nam Định.

130 vụ án ma túy với 145 đối tượng bị bắt giữ, thu giữ 36 bánh hêrôin, 4kg ma túy tổng hợp, 423 viên ma túy tổng hợp, 2 khẩu súng, 6 viên đạn; phá 11 chuyên án, triệt xóa 11 đường dây mua bán vận chuyển trái phép chất ma túy với khối lượng lớn từ Nghệ An, Điện Biên, Hà Giang, Lạng Sơn, Sơn La, Quảng Ninh, Hải Phong đưa về Nam Định tiêu thụ… là thành tích của Phòng PC47 trong năm 2016.
Trần Hằng - Nguyễn Hương
.
.
.