Để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm về ma tuý ở TP HCM

Thứ Năm, 29/10/2020, 09:16
TP HCM đang phải hứng chịu một vấn nạn nhức nhối là ma túy. Trước kia, ma túy phổ biến là heroin, khái niệm ma túy đá chưa xuất hiện. Kẻ nghiện hầu hết là đối tượng hình sự, dân bụi đời, gái mại dâm… vốn bất cần đời vì đã nhiễm HIV/AIDS, căn bệnh được xem là “hết thuốc chữa” vào thời điểm đó.


Để có tiền hút, chích heroin, con nghiện gây ra hàng loạt vụ cướp bóc mà thủ đoạn chính là dùng kim tiêm dính máu nhiễm HIV khống chế nạn nhân. Tuy số lượng con nghiện vào thời điểm này không phải là ít nhưng các vụ mua bán ma túy bị cơ quan Công quan phát hiện với vài bánh heroin đã được xem là “khủng”, chứ không như bây giờ số lượng mỗi vụ có khi thu giữ đến hàng tạ ma túy đá. Mà người sử dụng hàng đá còn gây nguy hại về nhiều mặt gấp nhiều lần so với heroin…

Những con số biết nói

Năm 2010 được xem là bắt đầu thời kỳ “lên ngôi” của ma túy đá. Theo thống kê của Công an TP HCM, từ năm 2011 đến 6 tháng đầu năm 2020, Công an thành phố đã phát hiện, điều tra khám phá 15.553 vụ, bắt 32.487 đối tượng, khởi tố 15.847 bị can, thu giữ 592,943kg heroin; hơn 2.788kg ma túy tổng hợp; 154,784kg cần sa... Cũng trong giai đoạn này, Công an TP HCM đã thu giữ 188 khẩu súng và hơn 2.500 viên đạn các loại liên quan đến tội phạm ma túy, cao gấp 5 lần so với 10 năm trước đó. Trong 5 năm gần đây, lượng ma túy tổng hợp mà Công an TP HCM thu giữ tăng bình quân hằng năm hơn 100%. Riêng trong năm 2019, số lượng ma túy phát hiện, thu giữ vận chuyển qua địa bàn thành phố tăng đột biến. Những tháng đầu năm 2020, Công an TP HCM cũng liên tiếp khám phá nhiều đường dây ma túy lớn. Đáng kể nhất phối hợp với Cục CSĐT tội phạm về ma túy (Bộ Công an) và Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP. Hồ Chí Minh đã triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với 7 đối tượng bị bắt giữ cùng hơn 10kg ma túy các loại, 1 súng bắn đạn cao su, 6 viên đạn cao su; Phòng CSĐT tội phạm về ma túy (Công an TP HCM) phối hợp với Bộ Công an cũng đã triệt phá đường dây vận chuyển, tiêu thụ trái phép chất ma túy từ Campuchia đưa về TP HCM với 3 đối tượng, tang vật thu giữ 30 kg ma túy đá, 9,2kg ketamine, 15 bánh heroin (5,27kg) và 20.000 viên thuốc lắc...

Gần đây nhất, qua 2 tháng (từ ngày 15-7 đến 14-9-2020), Công an thành phố đã phát hiện, xử lý 374 vụ, bắt 1.181 tên tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy; thu giữ 12,76kg Heroin, 190,583kg ma túy tổng hợp, 6,533kg cần sa, 03 khẩu súng, 63 viên đạn cùng nhiều công cụ, phương tiện hoạt động phạm tội.

Diện mạo của con nghiện thời ma túy đá cũng đổi khác hơn xưa, không còn phải vật vã nơi công cộng mà thoải mái sử dụng tại những nơi kinh doanh dịch vụ nhạy cảm như quán bar, vũ trường, karaoke, khách sạn, nhà nghỉ… “Với 924 quán bar, vũ trường, beer club, karaoke; 3.561 khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ trên địa bàn TP HCM đều có thể trở thành tụ điểm sử dụng trái phép chất ma túy”, Thiếu tướng Đinh Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Công an TP HCM nêu ra trong Hội nghị về nâng cao hiệu quả công tác phòng chống, kiểm soát ma túy do UBND TP HCM tổ chức ngày 9-9-2020.

Các đối tượng trong đường dây ma túy bị Công an quận 12 bắt giữ.

Vẫn còn đó nhưng ông “trùm” giấu mặt

Giai đoạn từ năm 2010 trở về trước, các trùm buôn ma túy vào Việt Nam hầu hết là người châu Phi. Trước khi thực hiện hành vi phạm tội, các đối tựơng lên kế hoạch khá công phu là sang Việt Nam cưới vợ. Sau một thời gian mặn nồng tình nghĩa vợ chồng chúng bắt đầu sử dụng chính người vợ của mình để vận chuyển ma túy. Ngoài ra, trong vai những doanh nhân thành đạt, chúng có thể tuyển dụng các đối tượng (hầu hết là nữ giới) người Việt Nam để làm việc cho công ty của mình. Sau đó, với rất nhiều thủ đoạn tinh vi, chúng cử những nhân viên này sang Ấn Độ, Pakistan để nhận hàng mẫu (của đối tác đặt hàng cho công ty sản xuất) mang về Việt Nam cho “ông chủ” xem… nhưng thực chất bên trong những chiếc hộp đựng hàng mẫu đó là ma túy. Đến khi bị phát hiện và bắt giữ những nhân viên này mới hay mình đã bị sập bẫy thì đã muộn, còn kẻ chủ mưu thật sự thì đã “cao chạy xa bay” Đến khi có quá nhiều bài học cảnh giác về cạm bẫy này, các đối tượng người châu Phi đã không còn tìm ra “đối tác”, từ đó tội phạm người châu Phi cầm đầu các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy giảm hẳn.

Tuy nhiên không lâu sau đó, giai đoạn từ năm 2012-2016, các đường dây, tổ chức vận chuyển trái phép ma túy với số lượng lớn xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài qua cửa khẩu hàng không Tân Sơn Nhất sang Trung Quốc, Úc bắt đầu hoạt động trở lại và kẻ cầm đầu vẫn là các đối tượng người Nigeria nhưng có khác là chúng điều hành từ bên ngoài Việt Nam. Và những người bị dụ dỗ, lôi kéo vào đường dây này cũng khác hơn so với trước là chúng thuê phụ nữ ở các nước lân cận Việt Nam để vận chuyển ma túy vào Việt Nam, sau đó, thuê người Việt Nam vận chuyển sang nước thứ 3. Các đối tượng này thông qua điện thoại, Internet để điều hành toàn bộ đường dây tội phạm. Người vận chuyển hoàn toàn không rõ ai thuê mình, cũng không rõ lộ trình vận chuyển mà thụ động theo sự sắp đặt của kẻ cầm đầu. Vì vậy mà các đường dây ma túy bị triệt phá chỉ bắt được người làm thuê còn kẻ chủ mưu vẫn là một ẩn số.

5 năm trở lại đây, từ các đường dây ma túy “khủng” bị phát hiện cho thấy, nguồn ma túy chủ yếu là từ vùng “Tam giác vàng” đưa qua các tỉnh biên giới phía Bắc, bắc miền Trung và Tây Nam, sau đó vận chuyển bằng ôtô đến các tỉnh, thành trong cả nước. Một hình thức khác là các đối tượng buôn ma túy vận chuyển qua đường hàng không nhưng dưới hình thức quà biếu phi mậu dịch. Kẻ giấu mặt ở nước ngoài thông qua mạng xã hội làm quen với người ở Việt Nam. Sau đó, kẻ này xin địa chỉ để gửi quà tặng làm quen và tiện thể nhờ gửi ít quà cho một người khác. Nếu thông quan trót lọt, khi hàng đến nhà người nhận sẽ có người trong đường dây đến lấy kiện hàng có ma túy mang đi tiêu thụ. Còn nếu vận chuyển sang nước thứ 3, các đối tượng sử dụng chứng minh nhân dân giả gửi hàng hoặc thông qua dịch vụ đại lý khai thuê làm thủ tục hải quan đối với bưu phẩm, bưu kiện xuất nhập khẩu để né tránh trách nhiệm khi bị phát hiện.

 Qua các đường dây ma túy khủng bị triệt phá cho thấy, cơ quan chức năng cũng chỉ bắt giữ được kẻ cầm đầu đường dây ở Việt Nam chứ chưa “đụng” các đầu nậu ma túy thật sự ở phía bên kia biên giới mà cũng phần lớn là người Việt Nam. Khi cái gốc vẫn còn đó thì các đường dây ma túy bị chặt đứt chẳng qua chỉ là vài chiếc vòi của con bạch tuột khổng lồ. Bởi quy luật cung-cầu ngàn năm vẫn vậy, có kẻ hút, chích ắt có người bán. Vậy làm gì để hạn chế “cầu”?

Tang vật trong các vụ án ma túy “khủng”.

Chính sách quản lý cần thay đổi phù hợp với thực tiễn

Theo thống kê của cơ quan chức năng, đến tháng 9-2020, TP HCM có 13.237 người nghiện đang cai nghiện tại cơ sở cai nghiện thuộc Sở LĐ-TB-XH và lực lượng Thanh niên xung phong; 11.502 người nghiện sinh sống tại cộng đồng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, con số sinh sống tại cộng đồng có thể chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” vì có rất nhiều người đã nghiện nhưng chưa bị phát hiện.

Với số lượng người nghiện nhiều như vậy, tất nhiên, nhu cầu sử dụng ma túy rất cao. Đặc biệt khi sử dụng ma túy đá trong thời gian dài thì con nghiện có thể trở nên trầm cảm, hoang tưởng (tin vào những điều không có thật), ảo giác (nghe thấy hoặc nhìn thấy những điều không có thật). Nhiều người còn có hành vi tự hủy hoại bản thân, tự tử hay trở nên cực kỳ nguy hiểm và gây ra những hành vi bạo lực; những vụ án tàn bạo, dã man…Việc hơn 11.000 người nghiện sinh sống trong cộng đồng thật sự là một vấn đề nhức nhối rất cần thay đổi chính sách quản lý hiệu quả hơn so với hiện nay. Đây cũng là điều mà từ rất lâu, chính quyền các cấp ở TP HCM và nhiều địa phương khác đã liên tục có kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ nhưng chưa được xem xét thay đổi. 

Cụ thể, Nghị quyết số 16/2003 của Quốc hội “Về việc thực hiện thí điểm tổ chức dạy nghề cho người sau cai nghiện ma túy ở TP HCM và một số tỉnh, thành khác trực thuộc Trung ương” cho phép TP HCM và một số tỉnh, thành đưa người nghiện đi cai tập trung, không phân biệt là có nơi cư trú ổn định hay không. Từ đó đến năm 2007, TP HCM đã đưa được hơn 30.000 người nghiện đi cai nghiện bắt buộc, nhờ đó an ninh trật tự được ổn định, cướp giật giảm đáng kể.

Đến năm 2008, khi thời điểm thí điểm đã hết, Quốc hội đánh giá khá tốt về thí điểm này nhưng sau đó lại không được cụ thể hóa bằng luật. Và khi hàng chục ngàn người nghiện ma túy được “thả” về cũng là thời điểm an ninh trật tự ở TP HCM phức tạp trở lại. Khi tình hình trở nên đặc biệt nghiêm trọng, cuối năm 2014 Quốc hội mới có Nghị quyết 77 cho phép TP HCM triển khai đề án đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc trở lại nhưng cũng chỉ giới hạn đối tượng người không có nơi ở ổn định. Tiếp đến, Nghị định 221/2013/NĐ-CP ngày 30-12-2013 quy định, không đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện có nơi cư trú ổn định, đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại phường, xã, thị trấn (thời hạn từ 6-12 tháng) mà vẫn còn nghiện.

Với hơn 11.000 người nghiện sinh sống tại cộng đồng, nếu 30% trong số này gây án thôi cũng đủ để thấy an ninh trật tự phức tạp đến độ nào. Cho nên, rất nhiều ý kiến từ các chuyên gia, lãnh đạo chính quyền địa phương, người làm trong các cơ quan tố tụng…cho rằng, nếu chính sách quản lý người nghiện cho phép chính quyền địa phương đưa đi cai nghiện bắt buộc đối bất kỳ ai bị phát hiện nghiện ma túy thì chắc chắn sẽ giải quyết được cơ bản về vấn nạn này.

Mã Hải
.
.
.