Thượng úy Mai Xuân Trường, Đội trưởng Đội 2, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Hòa Bình:

Đường đi đánh án của những người gió sương

Thứ Tư, 02/07/2014, 13:00

Cảm giác đầu tiên khi chúng tôi nói chuyện với Thượng úy Mai Xuân Trường đó là "cũng đáo để phết". Bỏ qua bước ngại ngần ban đầu, khi mấy anh em  nhập cuộc bằng những mẩu chuyện nhỏ về lính trinh sát, về nghề, về ma túy, về đồng đội, về gia đình,... anh bắt đầu bắt nhịp bằng sự lém lỉnh, tếu táo và cũng hết sức chân thành, cởi mở của mình.

Sinh năm 1983, ra trường 6 năm và có 8 năm kinh nghiệm trong nghề, Thượng úy Mai Xuân Trường, Đội trưởng Đội 2, Phong Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Hòa Bình không nhớ nổi mình đã tham gia bao nhiêu chuyên án. Mỗi chuyên án có một đặc thù, một câu chuyện, một số phận và một hành trình phá án khác nhau. Học về hình sự, nhưng anh lại chọn ma túy làm con đường đi; để rồi trong quãng đời trinh sát chưa phải là dài nhưng cũng không hề ngắn ấy, có biết bao chuyện vui buồn. Để rồi, khi nhìn lại, anh vẫn nghĩ con đường ấy đang đưa anh đi đúng hướng tâm của mình.

1. Cảm giác đầu tiên khi chúng tôi nói chuyện với Thượng úy Mai Xuân Trường đó là "cũng đáo để phết". Bỏ qua bước ngại ngần ban đầu, khi mấy anh em  nhập cuộc bằng những mẩu chuyện nhỏ về lính trinh sát, về nghề, về ma túy, về đồng đội, về gia đình,... anh bắt đầu bắt nhịp bằng sự lém lỉnh, tếu táo và cũng hết sức chân thành, cởi mở của mình.

Học về hình sự nhưng anh lại chọn ma túy để khởi nghiệp và gắn bó với nó từ lúc ra trường cho đến nay. 8 năm không phải là một quãng thời gian quá dài trong một đời người nhưng cũng không hề ngắn. 8 năm, không có chuyên án nào anh không có mặt và cũng không thể nào nhớ nổi mình đã tham gia bao nhiêu chuyên án. Có nhiều vụ bây giờ khi nhắc lại, anh cũng chỉ nhớ tình tiết, còn đối tượng đó tên gì, quê ở đâu thì anh cũng không nhớ chính xác nữa. Lâu quá và cũng nhiều quá, trong đầu lại chứa một loạt hành trình trinh sát mới, những đối tượng mới, những vụ án mới thì nhớ sao nổi.

Anh kể mình thuộc thành phần khó bảo, nghịch ngợm từ bé. Với tính cách đó, bố anh, vốn là một cán bộ công an phường đã rất lo lắng cho đứa con trai của mình. Hoặc là sẽ trở thành một tên tội phạm hoặc sẽ thành một trinh sát hình sự hoặc ma túy. Và cũng từ đó, ông đã hướng con trai của mình đi theo con đường giống mình.

Mặc dù trong trường học chuyên ngành về hình sự nhưng sau khi ra trường, anh lại chọn ma túy làm "nghiệp". Anh nói cảnh sát hình sự, cảnh sát giao thông,... ai cũng có sự vất vả của mình nhưng đặc thù ma túy nguy hiểm hơn rất nhiều. Nếu lính hình sự, đi theo vụ án đã xảy ra rồi thì lính đánh án ma túy lại phải tự mày mò tìm đầu mối, xâu chuỗi đối tượng, lập hành trình con đường đi, các quy tắc... của đối tượng. Vì thế mà, để theo một vụ án về ma túy, trinh sát mất nhiều công sức, thời gian và trí lực hơn. Anh bảo dù thế anh vẫn thích đánh ma túy, vẫn yêu công việc liên quan đến các vụ án về ma túy vì trong đó chứa đựng tính chiến đấu và yếu tố phiêu lưu và khám phá nhiều hơn. Cho tới bây giờ, mẹ anh thỉnh thoảng vẫn bảo anh tìm phòng khác mà xin chuyển sang. Những lúc thế, anh trả lời qua loa cho xong chuyện. Anh vẫn ham làm về ma túy lắm.

Đội anh làm là Đội hướng dẫn nghiệp vụ cơ bản (Đội 2) của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm của Công an tỉnh Hòa Bình nhưng chức trách, nhiệm vụ cũng giống như một đội trinh sát tuyến địa bàn. Công việc của các anh không phải là kiểu mặc đồng phục đóng thùng đi làm mà đúng kiểu bám đường bám bụi, sương gió, nắng mưa nhiều. Nhiều khi môi trường làm việc... không thể ngửi được.

Vì là lính trinh sát địa bàn nên mọi xó xỉnh, ngóc ngách, phương thức, thủ đoạn, con đường hoạt động và móc nối của các đối tượng phạm tội về ma túy các anh nắm trong lòng bàn tay. Anh là đội trưởng của đội trinh sát này thì địa bàn càng thông thuộc. Đội anh là đội địa bàn nhưng vai trò không hề nhỏ. Anh nói rằng vụ án có điều tra mở rộng được hay không thì do giai đoạn ban đầu. Sau khi xác định được quá trình này rồi, thì các đội khác mới vào cuộc.

2. Hòa Bình là cửa ngõ ma túy của miền núi rừng Tây Bắc. Với các mạch máu giao thông xuyên suốt nối liền nhiều tỉnh, các đối tượng ma túy thường chọn nơi đây làm nơi luân chuyển "hàng"; từ Sơn La, từ Lạng Sơn... chuyển về, rồi từ Hòa Bình phân tán đi Hà Nội và các tỉnh lân cận. Đây là con đường móc nối hoàn hảo mà những kẻ phạm tội về ma túy thường lựa chọn. Và con đường của những kẻ "bay đêm" ấy, đến thời điểm hiện tại đã đứt mạch đi nhiều.

Tang vật trong một vụ án về ma túy.

Thượng úy Mai Xuân Trường nói mỗi vụ án có một đặc thù, một câu chuyện, mỗi một đối tượng lại có một tâm tư, tình cảm và thủ đoạn khác nhau. Và đi cùng với đó là một hành trình phá án khác nhau, gay cấn, cam go, đầy thử thách và thỉnh thoảng cũng có những chuyên vui bên lề mà chỉ có lính trinh sát ma túy mới trải qua.

Khi nhắc đến điều này, anh kể rằng những đối tượng phạm tội về ma túy hầu hết đều là những kẻ cứng đầu, ngang ngược. Khi bị bắt, chẳng bao giờ chúng khai ra đồng bọn của mình. Nhất là các đối tượng phạm tội là nữ giới, lính trinh sát các anh không thể coi thường được, thậm chí những kẻ này còn tinh vi hơn các đối tượng phạm tội là nam giới và cũng chỉ có chúng mới có những "trò mèo", những phương thức tinh vi, khủng khiếp và vượt xa trí tưởng tượng của cánh trinh sát. Kể điều này xong, anh mới tếu táo, "đúng là không thể coi thường chị em được".

Anh còn nhớ một vụ án mà đối tượng nữ có biệt danh là Hương Rôm, nhà ở thành phố Hòa Bình, chuyên đi lấy hàng từ Mộc Châu (Sơn La) cung cấp cho các đầu mối, bán lẻ cho các con nghiện ở địa bàn thành phố. Mỗi lần đi "đánh hàng", Hương Rôm thường vận chuyển 5 - 6 cây. Đối tượng này có một biệt tài đó là móc túi rất nhanh. Sau khi nắm bắt được thời gian, địa điểm, phương tiện đi lại... cũng như biết chắc đối tượng đang giấu hàng trong người, anh em trinh sát ập lên xe khách bắt Hương Rôm và đưa về khám người. Lạ là, khi khám tất cả mọi chỗ trên người, chẳng thấy hàng đâu. Vì chỉ có trinh sát nữ mới khám đối tượng phạm tội nữ nên các anh trinh sát nam đành đứng chờ kết quả. Đưa sang một nơi nữa khám thì kết quả vẫn chẳng có gì khác nên đành thả đối tượng ra. Trước khi thả, đã có một lính của mình phục sẵn và theo dõi ở nhà của đối tượng. Khi Hương Rôm về, vừa bước chân vào đến cửa, cô ta mới móc hàng từ trong người ra. Thì ra, hàng để ở ngực, khi khám ngực, luồn qua nách, khi khám nách thì đối tượng rất tài luồn được ra sau lưng rồi giấu vào áo ngực...

Khi biết được "chiêu" của đối tượng rồi, theo dõi lần đi "hàng" tiếp theo của Hương Rôm, sau khi xin ý kiến của lãnh đạo, cánh trinh sát mới tiếp tục đưa về đồn. Tưởng thoát được như lần trước, đối tượng tỏ vẻ rất tự tin và vui vẻ hợp tác. Tuy nhiên, ván bài đã được lật ngửa. Và 5 năm bóc lịch là án dành cho đối tượng này. Khi kể về Hương Rôm, anh vẫn nhận xét sao nó tài thế. Anh cũng cho biết thêm bản thân gia đình Hương Rôm nghiện gần hết, chỉ còn bà mẹ già không nghiện, kể cả đứa con gái mới lớn của đối tượng cũng nghiện ngập và đi theo vết xe đổ của mẹ. Ma túy là thế, sự tàn phá của nó nằm ngoài sự kiểm soát của tất cả chúng ta.

Một vụ án nữa, cũng liên quan đến đối tượng phạm tội là "chị em" mà khi kể cho chúng tôi nghe, Thượng úy Mai Xuân Trường vẫn chưa hết bất ngờ. Vì trình độ ngụy trang, cách thức và phương thức vận chuyển hàng của hai đối tượng này là vô cùng xảo quyệt và có nằm mơ cũng không nghĩ đến.

Hai đối tượng này từ lấy hàng từ Mai Châu xuống, rồi từ đó "rải" hàng xuống Hà Nội, Bắc Giang rồi Lạng Sơn. Mỗi lần đi 1 bánh. Khi công an bắt, trên người cũng không thấy có gì. Cánh trinh sát theo dõi đối tượng này rất lâu thì mới biết được cách thức đi "hàng" rất điệu nghệ, chuyên nghiệp và cũng đầy kinh hoàng của 2 người này. Thì ra, chúng chia mỗi đứa một nửa bánh, tán nhỏ ra rồi quấn bằng bao cao su, giấu ở chỗ kín. Vậy nên mới có chuyện khi kiểm tra cũng không ra. Sau khi xác định được thủ đoạn của đối tượng và báo cáo với lãnh đạo, các trinh sát bắt ngay đối tượng ngay trên xe từ Mai Châu xuống TP Hòa Bình.

Ngoài việc đấu tranh vất vả với các thủ đoạn của tội phạm, lính trinh sát không ít lần "suýt" mất mạng vì đạn của kẻ địch, và cả vì chính cái thứ bột trắng mà các anh đang theo đuổi. Bản thân Thượng úy Mai Xuân Trường có mấy lần suýt bị đạn "ăn" vào thịt. Chúng tôi hỏi, lúc đó anh sợ không. Anh cười bảo nếu sợ thì đã không chọn cái công việc này rồi. Anh bảo lính đánh ma túy, không biết kể như thế nào cho hết, bao nhiêu cho vừa.

Rồi có lần anh và 2 đồng đội nữa của mình cũng phải đi phơi nhiễm HIV. Đó là thời gian cuối năm 2007 và đầu năm 2008, một đối tượng người ở phường Thịnh Lang, TP Hòa Bình, là một đối tượng bán lẻ ở đầu cầu. Vì mới chỉ khóa một tay của đối tượng nên trong quá trình tên này vùng vằng và vật lộn, còng số 8 cọ vào tay bị xước. 3 anh cũng không để ý tay mình bị rách, dính máu từ lúc nào. Sau đó, có lật lại hồ sơ, hỏi đối tượng bị "ết" lâu chưa. Tên này khai bị từ năm 2002, 2003. Lúc đó, các anh mới báo cáo lãnh đạo và đi phơi nhiễm

Anh kể lúc đó anh và vợ anh bây giờ đang trong giai đoạn tìm hiểu. Anh không cho chị biết chuyện này, cũng giấu luôn mẹ. Vì bố cũng trong ngành nên hiểu, thông cảm và động viên đi phơi nhiễm. Sau này, khi vợ sinh đứa con gái đầu lòng, anh mới dám khai thật với vợ.  

Và theo chân anh và các đồng chí của mình đi trinh sát một tụ điểm về buôn bán ma túy ở TP Hòa Bình ngay trong đêm và trong cơn mưa rừng xối xả, chúng tôi mới hiểu vì sao những con người này, khi kể về những vụ án cũ, không ai nhớ nổi tên tuổi đối tượng. Tất cả chỉ còn là ký ức đương thời về những ngày đi đánh án khó khăn, gian lao mà cũng đầy ngạo nghễ. Vì khi đó, trong ký ức ấy, đang hiện lên một thứ ký ức mới, gắn với những con người mới, những phương thức mới, những con đường đi mới. Đó là đường đi đánh án của những người trinh sát ma túy

Đậu Dung - Ngọc Trâm
.
.
.