Giả làm du khách để tuồn ma túy vào châu Âu

Thứ Năm, 04/04/2019, 07:20
Ở Peru, cocaine được vận chuyển mà hầu như không gặp sự cản trở nào và trên thực tế chỉ có khoảng 10% lượng hàng cấm bị chính quyền bắt giữ.


La Devida, quan chức chống ma tuý ở Peru, chỉ ra nguyên nhân: "Việc triệt hạ những đồn điền trồng coca ở Colombia và sự ra đời của chính sách trấn áp ma tuý được Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tài trợ đã dời chuyển hoạt động sản xuất sang Peru". Các chuyên gia gọi đó là hiện tượng "Colombia hoá" Peru đang bùng nổ. 

Theo đánh giá của La Devida, mỗi năm Peru tuồn khoảng 400 tấn cocaine ra thị trường thế giới. Con số cho thấy Peru sản xuất cocaine nhiều hơn Colombia (nơi sản lượng giảm từng năm, tức 18% một năm) 50 tấn. Được coi là nhà sản xuất hàng đầu lá coca, do đó Peru đang trở thành nhà cung cấp cocaine hàng đầu thế giới là điều đương nhiên. 

Trong vòng chưa đến một thập niên, cuộc lùng bắt những đối tượng "mule" - cách gọi những người giả làm du khách để vận chuyển ma tuý từ Peru sang châu Âu - của cảnh sát sân bay thủ đô Lima của Peru đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết. 

Nhà tù Sarita Colonia chứa đến 1.400 "mule" mang 60 quốc tịch trên thế giới. Bọn họ có nguyên tắc là "không biết gì hết", bởi vì trong nhà tù luôn có tai mắt của các cartel ma tuý. Tất cả bọn họ cũng đều có cùng một lời khai: Thất nghiệp, lời đề nghị từ "bạn của một người bạn", một tấm vé máy bay được trả tiền qua Internet v.v… 

Jean-Pierre - một "mule" người Pháp vận chuyển cocaine vào châu Âu - bị giam trong nhà tù Callao ở Lima.

Theo số liệu thống kê của cảnh sát Lima, mỗi năm có khoảng hơn 4.000 "mule"   tuyệt đại đa số là người châu Âu - được tuyển chọn giả làm du khách để vận chuyển cocaine theo đường bay dân sự từ Peru đến Cựu lục địa. Một con số được coi gần như kỷ lục thế giới dù không sánh nổi lượng ma tuý vận chuyển theo đường biển hay đường bộ vào châu Âu. 

Một "mule" chuyên nghiệp người Pháp tên là Rémi cho biết một chuyến hành trình vận chuyển ma tuý được cartel ma tuý Mexico trả từ 5.000 đến 8.000 euro. Sau khi đến thủ đô Lima của Peru, Rémi sẽ gọi vào một số điện thoại sẽ có người lo mọi thứ và Rémi bắt đầu du lịch khắp đất nước Peru như một du khách thực thụ khó mà nghi ngờ. Rémi có hộ chiếu châu Âu nên dễ dàng vận chuyển ma tuý vào lục địa này. 

Còn người Pháp Jean-Pierre, 62 tuổi, được tuyển bởi "nhóm người châu Phi nói tiếng Bồ Đào Nha" trong một trung tâm dành cho người di cư. Jean-Pierre là người vô gia cư đã sống nhiều năm trên đường phố. 

Trong một trường hợp khác, ma tuý được giấu rất khéo trong chiếc vali và bọc bằng giấy carbon khiến máy móc không dò ra được. Những người nước ngoài vận chuyển ma tuý theo đường du lịch cũng bị giam tại Lurigancho, một trong những nhà tù khắc nghiệt nhất ở Lima.

Quillambamba, khu vực nằm cách thủ đô Lima của Peu chừng chục giờ đường ôtô, luôn nằm trong tình trạng khẩn cấp vì nơi này có sự hiện diện của các cartel ma tuý địa phương và nước ngoài. Quillambamba xinh đẹp, nằm ở độ cao 1.000 mét thường xuyên tắm ánh nắng mặt trời, cũng là vùng sản xuất lá coca hàng đầu Peru. Những cánh đồng coca nhìm ngút mắt trên những sườn đồi ở Quillambamba. 

Theo đánh giá của Cơ quan chống ma tuý và tội phạm của Liên hiệp quốc (UNODC), Peru có 61.000ha đất trồng coca. Và nếu như lá coca được sử dụng hợp pháp trong chế biến thực phẩm thì 99% sản phẩm biến thành cocaine.

Nhân viên một sân bay ở châu Âu kiểm tra tìm ma tuý.

Ở Peru, trồng trọt coca được coi là hợp pháp nhưng ngược lại những chủ đồn điền phải bán sản phẩm cho một doanh nghiệp nhà nước đặc biệt gọi là Inalco. Nhưng quan chức Inalco tham nhũng đến mức hạ thấp chất lượng lá coca thu mua để kiếm lợi nhuận cao, do đó mà giới chủ đồn điền thường tìm cách bán sản phẩm của họ ở "những nơi khác" - nghĩa là cartel ma tuý. 

Các cartel ma tuý lợi dụng dân làng để thu mua lá coca với giá thương lượng song rất cao (gấp 3 hay 4 lần giá thu mua của Inalco). Sau khi thu hoạch xong, cartel ma tuý cho xe tải đến mua tại chỗ và trả bằng tiền mặt, giới chủ đồn điền cho biết. Cách đây vài năm lá coca đem lại lợi nhuận cao nhưng bây giờ giá cả đã sụt xuống bởi vì bọn tội phạm ma tuý luôn đòi hỏi chất lượng không ngừng. 

Theo La Devida, sau khi xử lý lá coca, 1kg cocaine có giá đến 1.200 USD! Và khi đến "điểm xuất hàng" (các sân bay, cảng chính thức hay bí mật, vùng biên giới trên đất liền), giá đội lên đến 1.500 USD. Nhưng khi vào đến châu Âu, 1kg cocaine được bán giá 10.000 USD! 

Theo đánh giá từ UNODC, thị trường cocaine của Peru trị giá 2,5 tỷ USD - nhưng các chuyên gia cho rằng đó cũng chỉ là một con số chưa được đánh giá đúng mức. Mỗi ngày, hàng ngàn phòng thí nghiệm bí mật mới mọc lên trong rừng rậm Peru. Nằm núp dưới những thân cây rậm rạp nên những phòng thí nghiệm dã chiến của cartel ma tuý khó bị vệ tinh phát hiện ra. 

Một công nhân đồn điền coca của Peru nhận xét: "Gốc rễ vấn đề là người châu Âu. Chừng nào có người tiêu thụ sẵn sàng trả tiền thì người nghèo ở thế giới thứ 3 sẵn sàng sản xuất và bọn buôn lậu ma tuý tha hồ kiếm tiền". 

Trang Thuần
.
.
.