Hà Lan đối mặt với nguy cơ tội phạm ma tuý lộng hành

Chủ Nhật, 22/12/2019, 19:27
Doanh thu của ma túy ở Hà Lan ước tính khoảng 3 tỷ euro mỗi năm. Nền kinh tế ma túy làm suy yếu mọi khía cạnh của xã hội và đe dọa nền kinh tế hợp pháp, đồng thời nó đe dọa các tiêu chuẩn, giá trị và an ninh Hà Lan.


Ridouan Taghi, nghi phạm bị truy nã gắt gao nhất Hà Lan và là thủ lĩnh một băng đảng buôn cocaine, vừa bị Cảnh sát Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), bắt giữ tại một ngôi nhà ở thành phố này. 

Taghi bị truy lùng từ hồi tháng 9, khi Derk Wiersum, luật sư biện hộ cho một nhân chứng trong vụ kiện chống lại y, bị bắn chết gần nhà riêng ở thành phố Amsterdam. 

Erik Akerboom, Giám đốc cơ quan Cảnh sát quốc gia Hà Lan, đánh giá vụ bắt Taghi "có tầm quan trọng vô cùng lớn" với nước này và đang làm các thủ tục ngoại giao để đưa Taghi về nước. Hà Lan vốn cởi mở với việc sử dụng cần sa, tuy nhiên, chính quyền thành phố Amsterdam gần đây cho biết, tình trạng buôn bán ma túy và tội phạm đã trở thành vấn đề nhức nhối.

Trùm ma tuý Ridouan Taghi vừa bị bắt tại UAE.

Tội phạm lộng hành

Sáng 18-9-2019, Derk Wiersum, luật sư bảo vệ một nhân chứng quan trọng chống lại trùm ma túy quốc tế Ridouan Taghi, đang đi bộ cùng vợ ra xe ở vùng ngoại ô yên tĩnh của Amsterdam thì bị bắn chết. Vụ sát hại luật sư 44 tuổi này không chỉ gây chấn động cho công chúng mà còn cho toàn bộ hệ thống Tư pháp. Lần đầu tiên trong lịch sử Hà Lan, băng đảng tội phạm đã sát hại một đại diện hợp pháp của Nhà nước.

Đây là Hà Lan năm 2019, không phải Sicily thời điểm năm 1992, nhưng vụ ám sát một công chức tận tụy như Wiersum chứng tỏ các băng đảng xã hội đen ở Amsterdam ngày càng hoành hành. Amsterdam - với dân số chưa đầy 1 triệu dân, vốn là một cộng đồng tương đối giàu có. 

Nhưng gần đây, trên những con đường lát đá cuội hẹp và dọc theo những con kênh nhỏ, đã xảy ra một số vụ giết người có chủ đích giữa ban ngày ở trên sân thượng quán cà phê, trong các nhà hàng hoặc các điểm du lịch trong trung tâm thành phố sầm uất. Trong 7 năm qua, đã có ít nhất 50 vụ giết người liên quan trực tiếp đến các mạng lưới tội phạm ở Amsterdam.

Ngay cả khi không có tiếng súng, các mối đe dọa cũng hiện hữu, đó là lựu đạn cầm tay để lại trước cửa khách sạn, hoặc treo trên tay nắm cửa của các quán bar hay nơi bán ma túy. Chỉ riêng trong năm nay, cảnh sát đã ghi nhận 15 vụ phát hiện lựu đạn cầm tay, gần như gấp 3 lần so với năm 2018.

Cảnh sát Hà Lan truy lùng tội phạm ma tuý.

Nguy cơ thành quốc gia ma tuý

Đầu tháng 11-2019, sau một cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng, Cảnh sát Australia và Cảnh sát Hà Lan đã bắt giữ khoảng 700kg MDMA - nguyên liệu quan trọng để sản xuất ma túy, tại cảng Rotterdam của Hà Lan.

Trong chiến dịch trên, cảnh sát đã thu giữ 200 triệu USD chất MDMA - nguyên liệu quan trọng để sản xuất ma túy, tại Hà Lan và Bỉ, đồng thời truy tố 11 người, trong đó có một phụ nữ Australia.

Cảnh sát Hà Lan sau đó đã lục soát 15 địa điểm ở nước này và tại Bỉ trong ngày 5-11, phát hiện hai phòng thí nghiệm kín, cất giấu MDMA và 50 tấn tiền chất hóa học. Trợ lý Giám đốc Đơn vị điều tra hình sự quốc gia Hà Lan Andy Kraag cho biết: "Đây là một mạng lưới hình sự, có thể sản xuất hàng tấn MDMA, tương đương với hàng chục triệu viên ma túy đá, phần lớn số này đã được lên kế hoạch chuyển đến Australia". Ông Kraag cho biết, số MDMA bị thu giữ "có thể dùng để sản xuất hơn 10 triệu viên thuốc hướng thần".

Theo số liệu của Cơ quan phòng chống ma túy Mỹ, nguồn cung cấp các chất gây nghiện nặng vào Mỹ đến từ các băng đảng người Nga, người Israel, Đông Nam Á nhưng Hà Lan là một điểm trung chuyển chất gây nghiện cực lớn vào Mỹ. Còn theo báo cáo "Thế giới ngầm của Amsterdam", do Thị trưởng Femke Halsema chỉ đạo thực hiện, thành phố này là trung tâm tài chính nơi thế giới tội phạm đan xen với các tổ chức thương mại và doanh nghiệp hợp pháp. 

"Chính quyền Hà Lan đã hoàn toàn bỏ lỡ quá trình chuyển đổi từ một quốc gia sử dụng sang sản xuất ma túy", nhà báo Jan Tromp, một trong những tác giả báo cáo trên nhận định. 

"Doanh thu của ma túy ở Hà Lan ước tính khoảng 3 tỷ euro mỗi năm. Nền kinh tế ma túy làm suy yếu mọi khía cạnh của xã hội và đe dọa nền kinh tế hợp pháp, đồng thời nó đe dọa các tiêu chuẩn, giá trị và an ninh Hà Lan. 

Chỉ vì một vài nghìn euro, có những công dân Hà Lan trẻ tuổi sẵn sàng giơ vũ khí nhắm vào đối thủ, sĩ quan cảnh sát và những người ngoài cuộc vô tội. Đó là chưa kể những tác hại nghiêm trọng khác mà thuốc gây nghiện gây ra", Bộ trưởng Bộ Tư pháp và An ninh Hà Lan Ferdinand Grapperhaus nói.

Trước đó, vào tháng 6- 2019, Cảnh sát Hà Lan đã thu giữ 2,5 tấn ma túy đá (methamphetamine), được cho là lượng ma túy lớn nhất bị thu giữ từ trước đến nay tại châu Âu. Số ma túy này được cất giấu trong một nhà kho ở thành phố Rotterdam của Hà Lan. 

Cảnh sát phát hiện trên tầng hai của nhà kho này có một căn phòng kín dùng để cất giấu lượng ma túy lớn kỷ lục nói trên. Cuộc điều tra cũng giúp cảnh sát tìm thấy một nhà kho khác ở thành phố Utrecht. Tại đây, họ tìm thấy 17.500 lít hóa chất được sử dụng để sản xuất ma túy tổng hợp.

Giá bất động sản tại Amsterdam tăng vọt có thể là do tác động của tội phạm đầu tư vào thị trường bất động sản của thành phố.

Các băng nhóm Hà Lan được cho là ngày càng chuyển sang sản xuất ma túy đá, mặc dù hành vi này trước đây không phổ biến ở nước này. Theo số liệu chính thức, ước tính Amsterdam cho "ra lò" một lượng thuốc lắc trị giá 18,8 tỷ Euro mỗi năm. 

Một viên sản xuất ra chỉ tốn 17 xu nhưng được bán với giá 15 - 25 USD, vì vậy tỷ suất lợi nhuận là rất lớn, giao dịch cũng rất lớn và gần như toàn cầu hóa ngay lập tức. Trong báo cáo "Thế giới ngầm của Amsterdam", "thủ phủ" ma túy ở Hà Lan bắt nguồn từ các thị trấn phía Nam, gần biên giới với Bỉ. 

Đó là một khu vực mà chính quyền ít để ý đến nên việc sản xuất cần sa nhanh chóng trở thành cơ hội kinh doanh, đặc biệt là với người nghèo. Họ đã phát hiện ra cần sa có thể mang lại lợi nhuận khủng khiếp như thế nào. Người ta dễ dàng thuê kho, lắp đặt đèn nhiệt và gieo hạt cần sa. Quá trình này dần dần được chuyên nghiệp hóa mà không mất nhiều thời gian.

Hiện giờ nhắc đến ma túy, Hà Lan đứng số 1 thế giới về sản xuất thuốc lắc. Vị trí, cơ sở hạ tầng, ưu thế giao dịch cùng với hệ thống chính trị và pháp lý làm cho Hà Lan trở thành một điểm đến lý tưởng cho ngành thương mại bất hợp pháp này. 

Các đồn điền "trồng cỏ" và phòng thí nghiệm hóa học xuất hiện ở khắp mọi nơi xung quanh vùng nông thôn và chính quyền sợ rằng đây là một vấn đề quá lớn để giải quyết. Các đường dây buôn lậu ma túy đi qua Amsterdam dễ dàng bởi đây là một trung tâm cho các giao dịch môi giới và phân phối cần sa, thuốc lắc, cocaine. 

Từ Hà Lan, các loại ma túy được phân phối trên khắp châu Âu. Nhưng trên thực tế, hầu hết lượng cocaine thậm chí không bao giờ "đặt chân" tới Amsterdam vì chúng chỉ dừng ở cảng Antwerp, một thành phố của Bỉ ngay biên giới hoặc Rotterdam và được vận chuyển đến điểm đến cuối cùng.

Năm ngoái, cảng Rotterdam đã phát hiện khoảng 21 tấn cocaine. Năm nay, con số này đã lên tới khoảng 31 tấn. Tình hình nghiêm trọng tới nỗi Thị trưởng Rotterdam gần đây đã tới Colombia để xem liệu việc ngăn chặn ở điểm khởi hành có thể thực hiện một cách hiệu quả hơn không, nhưng điều đó cũng vô cùng khó khăn.

Trong khi đó, các trùm băng đảng trở thành doanh nhân, đầu tư vào bất động sản, mở các doanh nghiệp khác nhau và kinh doanh khách sạn. Với những khoản đầu tư đó, hoạt động của bọn họ được hợp pháp hóa và ngày càng mở rộng. Do đó, Bộ trưởng Grapperhaus thừa nhận rằng ông không còn có thể phủ nhận mức độ nghiêm trọng của vấn đề và Hà Lan đang trên con đường trở thành một "quốc gia ma túy".

Để luân chuyển tiền bẩn cho các trùm ma tuý, Amsterdam ngày nay nở rộ hình thức ngân hàng Hawala - một hệ thống chuyển tiền không chính thức phổ biến ở Trung Đông và Nam Á, trong đó lượng tiền mặt được chuyển từ người này sang người khác theo cách gần như không để lại dấu vết. 

Với những khoản tiền có thể theo dõi được, 1/3 số trường hợp hoạt động tài chính bất thường ở Hà Lan diễn ra tại Amsterdam. Ngay cả giá bất động sản Amsterdam tăng vọt cũng có thể là do tác động của tội phạm đầu tư vào thị trường bất động sản của thành phố. 

Đức Quý (Tổng hợp)
.
.
.