Indonesia mạnh tay với tội phạm ma túy

Thứ Năm, 15/12/2016, 09:31
Tổng thống Joko Widodo tuyên bố, ma túy là mối đe dọa nghiêm trọng không kém gì khủng bố vì nó đang giết chết ít nhất 40 người mỗi ngày tại Indonesia.


"Mỗi năm có 15.000 thanh niên Indonesia chết vì ma túy. Thử hỏi có bao nhiêu kẻ buôn lậu ma túy chết mỗi năm. Đây là bằng chứng rõ ràng nhất để chúng ta lại một lần nữa phải tuyên chiến với ma túy", Tổng thống Joko Widodo đã tuyên bố như vậy khi xuất hiện tại buổi thiêu hủy nửa tấn ma túy đá, 190.000 viên thuốc lắc và 420kg cần sa mới đây.

Ông Joko Widodo cũng nhấn mạnh, sẽ tiếp tục có các biện pháp mạnh mẽ chống lại hoạt động buôn bán ma túy. Bởi ông từng tuyên bố, ma túy là mối đe dọa nghiêm trọng không kém gì khủng bố vì nó đang giết chết ít nhất 40 người mỗi ngày tại Indonesia, và Jakarta đã bị quốc tế phản ứng vì mạnh tay với tội phạm ma túy.

Nhưng chống buôn bán ma túy được Tổng thống Joko Widodo coi là một trong những ưu tiên hàng đầu kể từ khi ông nhậm chức hồi cuối năm 2014. 

Cảnh sát Indonesia thu giữ ma túy.

Theo giới chuyên môn, Indonesia đã mạnh tay xử tử tội phạm ma túy và đang muốn trấn áp các nghi phạm liên quan tới ma túy. Bởi trong năm 2014, chỉ có 1% số người nghiện ma túy tại Indonesia được điều trị để tránh tái nghiện. Và Indonesia đã trở thành quốc gia tiếp sau Philippines ở Đông Nam Á quyết định mạnh tay với vấn nạn ma túy. 

Theo giới chuyên môn, loại ma túy hiện đang được sử dụng và buôn lậu nhiều nhất tại châu Á là methamphetamine do giá thành rẻ. Theo thống kê của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc, năm 2009, cảnh sát Đông Á và Đông Nam Á thu khoảng 11 tấn methamphetamine và con số này đã tăng gấp 4 lần trong năm 2013, lên 42 tấn, cùng doanh số lợi nhuận đạt 15 tỷ USD. 

Còn theo Cơ quan chống ma túy quốc gia Indonesia, chỉ trong năm 2016, nước này đã thu giữ gần 1 tấn ma túy đá, 3 tấn cần sa và gần 600.000 viên thuốc lắc. Và chính quyền Jakarta đang tăng cường xử tử tội phạm có liên quan tới "cái chết trắng".

4 tháng trước (12-8), Tổng thống Joko Widodo đã ra lệnh điều tra xung quanh cáo buộc quan chức cảnh sát và quân đội cấp cao nước này có liên quan tới hoạt động buôn ma túy trái phép. 

Ông Joko Widodo đưa ra tuyên bố kể trên sau khi nhận được tin từ nhà hoạt động nhân quyền Haris Azhar cho rằng, một số quan chức cấp cao trong cảnh sát và quân đội từng nhận tiền từ Freddy Budiman, một trong những trùm buôn bán ma túy (đã bị tử hình năm 2014). 

Điều đáng nói là tử tù Freddy Budiman đã tiết lộ bí mật kể trên với nhà hoạt động nhân quyền Haris Azhar trước khi hắn bị hành quyết, nhưng việc này cho tới nay mới được thông báo. 

Tuy chỉ trích ông Haris Azhar giữ bí mật này quá lâu, nhưng Tổng thống Joko Widodo vẫn yêu cầu người đứng đầu lực lượng cảnh sát quốc gia điều tra, làm rõ tính xác thực của cáo buộc kể trên. Bởi tiết lộ của nhà hoạt động nhân quyền Haris Azhar đã dấy lên những tranh cãi trong bối cảnh Chính phủ của Tổng thống Joko Widodo tuyên chiến với ma túy hơn 2 năm trước (từ tháng 10-2014) và luôn cam kết thẳng tay trừng trị những kẻ bị kết tội buôn lậu ma túy. 

Theo tiết lộ của Freddy Budiman, hắn đã phải nộp tiền cho nhân viên cảnh sát, quân đội và lực lượng chống ma túy để bảo vệ hoạt động kinh doanh của mình. Gần 5 tháng trước (27-7), cảnh sát Indonesia tổ chức họp báo tại thủ đô Jakarta để thông báo về vụ thu giữ 60kg methamphetamine từ Cameroon. 

Trước đó, cảnh sát đã bắt Wong Chi Ping, trùm buôn bán ma túy tổng hợp methamphetamine xuyên quốc gia, cùng thuộc hạ của hắn, và thu 800kg ma túy với giá trị lên tới 182 triệu USD. Theo luật pháp Indonesia, Wong Chi Ping bị kết án tử hình.

Cảnh sát Indonesia họp báo tại Jakarta sau khi bắt 60 kg methamphetamine từ Cameroon.

Giới truyền thông cho biết, Cơ quan chống ma túy quốc gia Indonesia (BNN) đã được trang bị thêm vũ khí, công nghệ và chó nghiệp vụ để tăng tính quyết liệt của chiến dịch chống ma túy, sau khi đã tăng cường xử tử tội phạm ma túy. 

Giám đốc BNN Budi Waseso tiết lộ, họ có kế hoạch bổ sung nhân sự, mua thêm vũ khí và trang bị các thiết bị công nghệ hiện đại cho lực lượng chống ma túy. "Nếu chính sách kiểu Philippines được thực hiện tại Indonesia, chúng tôi tin rằng số người buôn bán ma túy cũng như nghiện ma túy ở nước này sẽ giảm đáng kể", ông Budi Waseso nói. 

Ông Budi Waseso cũng cho biết, vấn nạn ma túy tại Indonesia cũng tồi tệ như ở Philippines. "Sinh mạng của kẻ buôn bán ma túy là vô nghĩa vì hắn giết người hàng loạt. Vậy thì cần gì phải lưu tâm?". Ông Budi Waseso nhấn mạnh. 

Ngay sau tuyên bố của Giám đốc Budi Waseso, người phát ngôn của BNN, ông Slamet Pribadi đã phải đính chính, theo đó việc trừng phạt tội phạm ma túy phải phù hợp với pháp luật, cùng các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. BNN từng cảnh báo tình trạng sử dụng ma túy ở Indonesia đã tới mức báo động, khi có khoảng 4,2 triệu người nghiện. 

Bộ trưởng Các vấn đề xã hội Khofifah Indar Parawansa cho rằng, vì nhiều người nghiện là nạn nhân nên chính quyền đưa họ vào trại cai nghiện thay vì nhà tù. 

Tuệ Sỹ
.
.
.