Kết cục cay đắng của một cựu binh hám lời

Thứ Sáu, 26/02/2016, 16:46
Ở tuổi ngũ tuần, đáng ra đôi vợ chồng ấy phải là tấm gương để con cháu noi theo. Ấy vậy mà chỉ một phút hám lời, đôi vợ chồng già lóa mắt trước đồng tiền và lời đường mật của kẻ xấu để rồi phạm tội tày trời, gieo "cái chết trắng" cho xã hội. Một tấm gương sáng, một cựu chiến binh với hàng loạt tấm Huân chương cao quý bỗng chốc vụt tắt. Đôi vợ chồng ấy phải “hưởng” cuộc sống cuối đời trong tù. Còn cái kết nào cay đắng hơn thế.


Hình ảnh đôi vợ chồng già dìu nhau trước vành móng ngựa để chịu tội trước pháp luật khiến những người dự khán phiên tòa diễn ra vào trung tuần tháng 1/2016 không khỏi xót xa, oán trách. 

Ở tuổi ngũ tuần, đáng ra đôi vợ chồng ấy phải là tấm gương để con cháu noi theo. Ấy vậy mà chỉ một phút hám lời, đôi vợ chồng già lóa mắt trước đồng tiền và lời đường mật của kẻ xấu để rồi phạm tội tày trời, gieo "cái chết trắng" cho xã hội. Một tấm gương sáng, một cựu chiến binh với hàng loạt tấm Huân chương cao quý bỗng chốc vụt tắt. Đôi vợ chồng ấy phải  “hưởng” cuộc sống cuối đời trong tù. Còn cái kết nào cay đắng hơn thế.

Sinh ra và lớn lên tại xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ (Hà Nội), Hoàng Gia Công được cha mẹ cho ăn học với hy vọng sẽ giúp gia đình thoát nghèo, "mở mày mở mặt" với bà con xóm làng. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, gia đình lại đông con nên học hết năm lớp 7, Công phải bỏ dở việc học hành. Không được theo ước mơ bay xa, Công rất buồn. Cha mẹ gần gũi, động viên Công nỗ lực, vươn lên bởi học tập không phải con đường duy nhất để thoát nghèo. Quan trọng hơn là phải có nghị lực sống và ý chí vươn lên. 

Công dần ổn định tư tưởng, phụ giúp cha mẹ rất nhiều việc trong nhà. Với đức tính cần cù, chịu khó, Công được mọi người quý mến. Khi Công đến tuổi trưởng thành cũng là thời điểm chiến tranh chống Mỹ cứu nước diễn ra vô cùng quyết liệt tại chiến trường phía Nam. Trung ương Đảng kêu gọi chi viện chiến trường miền Nam đánh đuổi giặc Mỹ và bè lũ tay sai. Nghe lời hiệu triệu, Công thấy lòng mình nôn nao, háo hức, Công nói với cha mẹ được ra chiến trường, được chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. 

Mặc dù khá lo lắng bởi hàng trăm thanh niên trong làng hy sinh nơi chiến trận, song nhìn vào ánh mắt Công, cha mẹ đồng ý để anh ra chiến trận. Ngày chia tay khá bùi ngùi, mẹ Công giấu giọt nước mắt lăn dài chào từ biệt con đi đánh giặc. Công tự hứa sẽ cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà đơn vị giao phó. 

Công được biên chế đại đội chủ lực bảo vệ chiến trường Tây Nguyên. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt, ranh giới giữa sự sống, cái chết mong manh như "ngọn đèn trước gió", song không khuất phục được tinh thần, ý chí của Công và đồng đội. Công liên tục lập nhiều chiến công xuất sắc. Ghi nhận thành tích, chiến công của xuất sắc của Hoàng Gia Công, Chủ tịch nước ký quyết định tặng cho anh Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, Huân chương chiến sỹ giải phóng hạng Ba. Công trở thành điển hình thi đua, được nêu gương trong các đơn vị quân đội lúc bấy giờ học tập. 

Đôi vợ chồng già trước vành móng ngựa.

Đón nhận tin vui từ chiến trường, gia đình, bạn bè vô cùng tự hào về Công. Sau khi đất nước giải phóng, Công trở về địa phương trong tâm thế người chiến thắng. Công trở thành tấm gương về nghị lực vươn lên, là nhân chứng sống để người dân trong làng noi theo. Phát huy phẩm chất "bộ đội cụ Hồ", Công sống gương mẫu, chăm chỉ lao động và tích cực tham gia các phong trào của địa phương. Nhờ đức tính cần cù, chịu khó, Công lọt vào mắt xanh của nhiều cô gái trong làng. Trong đó có cô thôn nữ với cái tên giản dị Đào Thị Lan. Mối tình chớm nở và kết thúc bằng đám cưới đơn sơn, ấm cùng. Họ có với nhau 3 người con.

Mặc dù cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, 2 vợ chồng lao động quần quật chỉ để trang trải cuộc sống, song gia đình luôn tràn ngập tiếng cười. 3 người con ngày một khôn lớn, trưởng thành. Họ noi gương người cha, một cựu chiến binh mẫu mực, để sống có ích cho xã hội. Cuộc sống dần trôi, khi mà Công và Lan đã thành ông, thành bà, những tưởng ở cái tuổi ấy, họ sống an nhàn để tận hưởng giá trị cuộc sống thì biến cố ập đến. Một cựu binh ngoan cường nơi chiến trận, không run sợ trước kẻ địch lại ngục ngã trong thời bình.

Trong thời gian làm lái xe taxi ở khu vực thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hoàng Gia Công có quen một người đàn ông tên Trường, khoảng 40 tuổi ở Hải Phòng. Mặc dù không nắm rõ lai lịch, song giữa Công và Trường có mối quan hệ khá khăng khít. Bất kể có việc gì cần đi lại, Trường đều điện thoại để Công chở đi. 

Quá trình tiếp xúc, Trường thường tâm sự, kể về gia đình và những đứa con cũng như niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Là người thật thà, chất phát, Hoàng Gia Công bị cuốn vào câu chuyện của Trường và tin tưởng y tuyệt đối. Thậm trí, khi Trường nhờ công làm việc phi pháp, Công cũng nhận lời mà không hề biết trước  hậu quả khôn lường từ việc làm đó.

Vào đầu tháng 6 năm 2013, Công nhận điện của Trường thông báo cần vận chuyển ma túy từ Hòa Bình về Hà Nội. Ngay sau khi Trường đặt vấn đề, vốn là người hiền lành, chất phát, Công thoáng giật mình, tưởng rằng "chú Trường đùa". Thế nhưng, sau khi nghe lời "có cánh", nhất là khi Trường hứa sẽ trả công 15 triệu đồng, Công liền đồng ý mà không hề do dự. 

Trong thâm tâm, Công nghĩ, mình sống lương thiện chắc các anh Công an cũng không để ý. "Mà hàng ngày có biết bao chuyến hàng vận chuyển ấy thôi, có làm sao đâu".  Vậy là, người đàn ông ở tuổi lục tuần bông dưng dạo rực như hồi trai trẻ. Những năm tháng chiến đấu ở chiến trường, đánh đuổi giặc ngoại xâm không làm ông dao động, nay ông bị đánh gục bởi ma lực đồng tiền. Và rồi điều gì đến đã đến.

Như giao hẹn, Trường đề nghị Công đúng 19h, ngày 7/6/2013 có mặt tại khu vực đèo dốc cua đá trắng thuộc xã Phú Cường, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) để nhận 7 bánh hêrôin của người dân địa phương. Trường giao cho Công một bọc nilon màu đen, trong đó có 1,5 tỷ đồng. Sau khi thống nhất phương thức giao dịch, cả 2 ra về, hẹn ngày gặp lại. Tối hôm đó, Công trằn trọc, không ngủ được. Công vừa lo sợ kế hoạch bị bại lộ, sẽ ảnh hưởng tới danh dự và uy tín đã gây dựng trước đây. Công tặc lưỡi "chỉ làm một chuyến rồi nghỉ". Thế rồi, Công chìm trong giấc ngủ say.

Khoảng 14h, ngày 7/6/2013, Công mượn xe ô tô của người con trai là Hoàng Gia Long để vận chuyển hàng. Khi Long gặng hỏi thì Công cho biết là "đi thăm người ốm" ở Hòa Bình. Sau đó, Công cùng vợ là Đào Thị Lan vượt gần 100km có mặt tại khu vực dốc cua đá trắng thuộc xã Phú Cường, huyện Tân Lạc. Đúng theo kế hoạch, khoảng 15 phút sau, có người đàn ông lạ mặt đến giao cho Công một áo mưa, trong đó có 7 bánh hêrôin. 

Sau khi nhận hàng, Công để hêrôin dưới sàn xe, rồi ung dung điều khiển về Hà Nội. Tuy nhiên, "Vỏ quýt dày có móng tay nhọn", khi đến địa phận xóm Bái, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, Công bị lực lượng Cảnh sát phòng chống ma túy Công an Hòa Bình phát hiện, bắt giữ cùng tang vật. 

Lúc này, bầu trời như đổ sập, Công gục ngã. Tất cả những gì tốt đẹp nhất của người đàn ông từng là cựu chiến binh với nhiều phần thưởng cao quý trở nên tan biến. Khám xét nơi ở của Công, lực lượng Công an còn thu giữ 3,1g thuốc phiện "do một người Mông cho để chữa bệnh".

Với hành vi phạm tội nêu trên, Hoàng Gia Công và Đào Thị Lan đã bị truy tố về tội "Vận chuyển trái phép chất ma túy" theo điểm b, khoản 4, Điều 194 Bộ luật hình sự. Ngoài ra, với hành vi cất giấu 3,1 gram thuốc phiện, Hoàng Gia Công còn bị truy tố về tội "Tàng trữ trái phép chất ma túy" theo khoản 1, Điều 194 Bộ luật hình sự. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Hoàng Gia Công 2 năm tù về tội "tàng trữ trái phép chất ma túy", tù chung thân về tội "vận chuyển trái phép chất ma túy", tổng hình phạt cho cả 2 tội danh là Chung thân, tuyên phạt Đào Thị Lan 16 năm tù về tội "vận chuyển trái phép chất ma túy".

Phiên tòa khép lại, người người dự khán ái ngại cho số phận đôi vợ chồng già. Chỉ sau 1 thời gian tạm giam, Công và Lan suy sụp hoàn toàn, cơ thể tiều tụy. Chỉ vì một phút hám lời không làm chủ được bản thân, Công và Lan phải trả giá vì hành động tội lỗi của mình. Có lẽ trong thâm tâm, đôi vợ chồng già không thể ngờ lại có kết cục này. Các cụ xưa có câu "gieo gió thì gặp bão", vụ án trên là bài học để mỗi chúng ta hãy sống lương thiện, sống có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội. Có như vậy, những vụ việc đáng tiếc như trên không có tái diễn.

An Chi
.
.
.