Khi những "cậu ấm" sa ngã vào "cái chết trắng"

Thứ Hai, 18/08/2014, 11:00

Tú, chơi ma túy khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Tiền, lao mình vào "thế giới đen" khi vừa cởi bỏ chiếc áo xanh mang đầy lửa của một cán bộ đoàn. Họ đều đổ lỗi cho tuổi trẻ bồng bột, không vượt qua được cám giỗ. Nên đốt cháy nó. Bước qua lằn ranh sáng, tối, giờ đây những thanh niên tôi gặp hôm nay đã không đủ can đảm để làm lại từ đầu, để tránh xa lạc thú…

Áo trắng học trò nhuộm đen ma túy

Thật đau lòng, khi cả tuổi trẻ, những Tiền, Tú,… đốt cháy cuộc đời đẹp nhất của mình vào làn khói chết chóc. Họ tự hủy hoại nhân phẩm và tự thu mình vào một thế giới riêng. Nếu có ai đó đổ lỗi cho xã hội thì đó là cách nghĩ sai lầm, những người tôi gặp gỡ hôm nay đều khẳng định. Bản thân không vượt qua được cám dỗ, lỡ mang thân con nghiện thì mãi mãi chịu vết nhơ bẩn. Họ không vượt qua được mặc cảm, thà chơi ma túy cho tàn phá thân thể, cho chết vùi dập ở xó xỉnh nào đó, khuất mặt thiên hạ.

Ngồi trước mặt tôi, Nguyễn Quốc Tú (29 tuổi, quê Hóc Môn, TP HCM, tên nhân vật đã được thay đổi) thẫn thờ, rũ rượi bởi sức tàn  phá của ma túy. 12 năm ngập ngụa trong cuộc chơi với "bột trắng", Tú biến mình từ một "cậu ấm" trở thành con ma ngày đêm điên cuồng trong những cơn phê ma túy. Khi ấy, Tú 17 tuổi, đang học lớp 11. Bao nhiêu hoài bão, hy vọng của gia đình đổ dồn lên đứa con trai độc nhất, tiền cha mẹ cho Tú bao nhiều vẫn không đủ.

Hơn 10 năm trước, ma túy tràn về vùng ngoại ô Sài Gòn. Để câu nhử, mồi kéo những thanh niên ham chơi, thích khám phá thì cái giá để thử một vài lần rẻ lắm. Tú bảo, chỉ 10 ngàn đồng là có ma túy để chơi. Nhưng khi dính vào, trở thành con nghiện thì phải chi bao nhiêu Tú cũng sẵn sàng. Tú sợ lên cơn sẽ bị gia đình phát hiện nên phải căn giờ để hút, hút thỏa thê rồi mới mò về nhà. Tú lén lút hút ma túy từ năm này qua năm khác. Tú vật vã học, cuối cùng cũng cầm được tấm bằng tú tài. Đám bạn của Tú đều bị ma túy vấy đen tấm áo trắng tinh khôi tuổi học trò. Vài năm sau, thằng thì chết, thằng vào tù.

Tú không dự thi vào trường đại học, cao đẳng mà xin đi làm tài xế. Nghề lái xe đã mở ra cho Tú một chân trời ăn chơi vô độ. Không phải lén lút, không phải lừa dối, mặc sức ăn chơi, hút chích. Làm được đồng nào, Tú ngốn sạch vào ma túy. Những cuộc chơi của Tú triền miên, Tú chẳng còn biết đường về nhà nữa. Rồi một ngày, ba mẹ ở quê gọi Tú về lấy vợ. Một cô gái gần nhà sống cam phận, đồng ý lấy Tú khi chưa hề biết bản thành tích dài đằng đẵng hút chích ma túy của chồng. Có vợ, Tú quyết tâm đi cai nghiện nhưng không thành công. Bởi ma lực của "bột trắng" quá mãnh liệt, Tú đã sống với nó nhiều năm trời. Tú không vượt qua được những cơn thèm điên cuồng. Tiền kiếm được mỗi cuốc taxi chẳng thấm vào đâu với liều lượng chơi ma túy ngày càng dày đặc của Tú.

Ma túy đã lấy đi của Tú tất cả, giờ đây Tú trắng tay để làm lại từ đầu.

 Đến một ngày, vợ phát hiện, cô ấy khóc ngặt nghẽo, khuyên Tú dừng lại. Sự ra đời của đứa con đã kéo giật lý trí và tình thương của Tú. Nhưng, Tú nhớ những cơn phê ma túy, Tú nghiện cảm giác đê mê. Tú rũ bỏ tất cả, đạp lên nỗi đau của cha mẹ già, nỗi tuyệt vọng của vợ trẻ, con thơ, tiếp tục lao vào ma túy. Hỏi Tú, sau khi phê ma túy thì làm gì? Tú trả lời, nhưng tôi không dám chắc là thật: "Vì ở ngoại thành hồi đó không có nhiều các quán bar, vũ trường nên chơi ma túy xong em nằm ngủ và tự phê".

Hơn 10 năm quần quật chơi ma túy, Tú trở thành con nghiện có tầm cỡ. Chính quyền địa phương bắt buộc Tú phải đi cai nghiện. Tú lững thững mang quần áo vào Trung tâm giáo dục dạy nghề và giải quyết việc làm Nhị Xuân (ấp 5, xã Xuân Thới Thượng - Hóc Môn - TP HCM, quyết tâm đoạn tuyệt ma túy. Những ngày đầu, vợ thường xuyên ôm con tới thăm. Nhưng mấy tháng nay, tự nhiên cô ấy bặt tin. Tú dò hỏi thì cô ấy nói vì bận việc. Một ngày không lâu sau đó, Tú nhận được giấy của tòa án triệu tập để giải quyết ly hôn do vợ đâm đơn. Tú chết đứng, mới ngày nào còn hứa với nhau cai nghiện xong sẽ trở về làm lại từ đầu. Tú hứa sẽ là người chồng, người cha tốt, sẽ không đi chạy xe nữa, sẽ ở nhà bán hàng để gần vợ gần con. Tú muối mặt ký vào đơn ly dị, bẽ bàng nhận ra tất cả đã chẳng còn gì nữa. Ma túy, thật khủng khiếp. Chỉ còn vài tháng nữa, Tú sẽ hoàn thành thời gian cai nghiện bắt buộc. Hỏi Tú bây giờ thấy ổn chưa? Còn thèm ma túy nữa không? Tú cười nhạt: "Không thèm nữa, vì ở đây thèm cũng chẳng có mà hút, chích. Chỉ sợ sau này ra ngoài, buồn ba,ä chán nản lại dính vào thôi".

Vậy thì ma túy vẫn cứ lởn vởn quanh đây thôi, Tú trở về khi không còn vợ con, khi cả thời tuổi trẻ hào nhoáng chôn vùi cho ma túy. Tú còn gì cho cuộc đời này nữa. Mà khi con người ta chán chường thì sẽ tìm đến thú vui bệnh hoạn, trong đó có ma túy. Tôi hỏi Tú có lời khuyên gì cho thế hệ thanh niên mới lớn không? Tú gục đầu xuống, ngượng nghịu trả lời: "Tuổi trẻ bồng bột, đua đòi, ham chơi, nếu các bạn không vượt qua được những thứ cám dỗ ấy thì sẽ giống tôi. Một thằng đàn ông vô dụng với cuộc đời. Xin đừng như tôi, các bạn hãy tỉnh táo và sống thật trong sáng".

Tú buồn lắm, nụ cười của Tú cũng nhăn nhó, méo xệch. Tú dặn tôi đừng viết tên thật của mình lên mặt báo và hãy xóa mặt đi. Bởi con trai của Tú nó nhận ra, nó lại khóc đòi đi thăm ba.

"Hãy cứ viết tên tôi lên mặt báo"

Trái hẳn với Tú, Phạm Huỳnh Tiền (31 tuổi, ngụ Củ Chi, TP HCM) lại hào phóng đồng ý, hãy cứ viết tên tôi lên mặt báo. Tiền bảo: "Cả xã đều biết tôi đi cai nghiện rồi, chẳng có gì phải giấu nữa. Tôi muốn lấy mình ra làm tấm gương cho các bạn trẻ sau này". Trông Tiền cũng không khá hơn Tú ở điểm nào, cũng mặt mũi bơ phờ, da dẻ tái xanh tái ngắt, hai mắt lờ đờ. Tiền lầm lũi đi theo giáo viên quản lý, hỏi gì trả lời đó. Điều này hoàn toàn trái ngược với phong cách hoạt bát, năng động của một cán bộ từng một thời làm công tác Đoàn thanh niên tại địa phương. Dường như, ma túy đã vặt cụt của Tiền cái đầu tàu của một thủ lĩnh đoàn. Tiền e dè, mặc cảm.

Cách đây 10 năm, Tiền bỏ dở lớp 12 để chạy theo những thú vui bên ngoài. Chơi chán, Tiền quay đầu vào bờ, tu chí làm lại từ đầu. Tiền được bầu làm thủ lĩnh thanh niên, chuyên đi phát động các phong trào và giáo dục thanh, thiếu niên. Chỉ vì tính tình bộc trực quá, không chịu luồn cúi trước lãnh đạo mà Tiền tự hủy hoại tương lai. Sau một trận cãi nhau té lửa với cấp trên, Tiền tuyên bố nghỉ làm, chẳng cần gì nữa. Tiền làm bạn với ma men, suốt ngày đàn đúm rượu chè phè phỡn với đám bợm nhậu gần nhà. Trong những lần ngà ngà hơi men, đám bạn rủ Tiền thử ma túy cho quên đời đi.

Các học viên cai nghiện sau khi hòa nhập cộng đồng, họ đều có chung mối mặc cảm về nhân phẩm.

Bởi, trước đó 2 năm, Tiền cũng từng chơi ma túy nên hiểu rõ tác dụng của nó. Chẳng cần suy nghĩ nhiều, Tiền lao vào phủ phê với ma túy. Những ngày cởi bỏ chiếc áo xanh thủ lĩnh đoàn, Tiền chìm đắm trong rượu và ma túy. Không bao lâu, Tiền trở thành con nghiện chính hiệu. Gặp cô gái cùng ấp, Tiền đem lòng yêu, nhưng rồi phải thú thật với cô ấy rằng mình đang nghiện. Tiền hứa sẽ đi cai và được người yêu chấp nhận, bỏ qua quá khứ. Đi cai được ít hôm, Tiền không thể từ bỏ được. Nhưng vì yêu quá nên cô gái đã chấp nhận làm vợ Tiền. Tiền mở tiệm sửa xe, còn vợ làm công nhân. Những đồng tiền kiếm được mỗi ngày, Tiền nướng sạch vào ma túy. Nhiều khi muốn bỏ mà đám bạn rủ rê, Tiền không đi thì họ mang đến tận nơi mời mọc, khêu gợi. Ma lực của "cái chết trắng" khiến Tiền không thể cưỡng lại được. Giai đoạn nặng, Tiền chuyển sang chích xì ke. Tiền cố gắng giải thích: "Ngày đó bơm kim tiêm mua rất dễ nên tôi cố gắng không dùng chung để tránh lây nhiễm HIV. Những thằng bạn trong nhóm nghiện cùng tôi nay có thằng chết vì "ết", có thằng đi tù vì buôn bán, có thằng đang vật vã ở giai đoạn cuối. Tôi may mắn chưa bị nhiễm HIV nên cảm thấy mình vô cùng hạnh phúc. Vợ và con của tôi cũng phần nào an tâm".

Tiền là đối tượng bị địa phương bắt buộc đi cai nghiện 24 tháng. Vài ngày nữa, Tiền được trở về với gia đình. Nhưng Tiền không vui, tôi thấy ánh mắt Tiền buồn rười rượi. Tiền lo sợ, mặc cảm thân phận sẽ lôi mình trở lại với ma túy. Những ngày ở trung tâm, khi tâm hồn thanh thản, có thể những người nghiện như Tiền sẽ quên ma túy và cảm thấy trân trọng cuộc sống hơn. Nhưng, đa số những người nghiện tôi tiếp xúc đều bỏ ngỏ câu trả lời: "Liệu có tái nghiện không?". Họ không điều khiển được tâm trí của mình, không làm chủ được bản thân bởi sức mạnh nghiệt ngã của ma túy. Bức tường ngăn cách lớn nhất của những thanh niên chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng chính là sự mặc cảm. Họ đều thừa nhận với người viết rằng, ma túy có thể từ bỏ được sau 24 tháng cai nghiện. Nhưng, mặc cảm thân phận và cái nhìn kỳ thị của xã hội sẽ khiến họ không thể ngẩng cao đầu, suốt đời lầm lũi cho thiên hạ dè bỉu: "Đồ con nghiện". Đó là một thảm kịch có sức lây lan chóng mặt đối với những người sau cai nghiện, con đường quay lại với ma túy của họ thật khó cưỡng lại.

Bà Nguyễn Thị Hiền - Trưởng phòng Giáo dục - Tư vấn - Trung tâm giáo dục dạy nghề và giải quyết việc làm Nhị Xuân (lực lượng thanh niên xung phong TP HCM): "Trước khi tái hòa nhập cộng đồng, các học viên đều được học qua lớp chế ngự mặc cảm, làm thế nào để vượt qua được chính mình. Ngoài ra, họ còn được trau dồi kỹ năng dự phòng tái nghiện. Tuy nhiên, các em học ở Trung tâm là một chuyện, còn khi ra xã hội thì không phải ai cũng như ai. Họ có làm lại được cuộc đời hay không hoàn toàn phụ thuộc vào bản lĩnh của họ".

Ngọc Thiện
.
.
.