Lĩnh án tử hình vì nghe lời đường mật và coi thường luật pháp

Thứ Tư, 16/09/2015, 16:00
Chỉ vì hám lời, nghe bạn bè rủ rê, Đặng Văn Phượng, SN 1972, trú tại thôn 4, xã Cư Ni, huyện Eakar (Đắk Lắk) thử buôn "hàng trắng" với hy vọng đổi đời, có cuộc sống giàu sang. Thế nhưng, sự việc bị phát giác, Phượng phải đối mặt với mức án cao nhất: tử hình.

Khi cái chết cận kề, hắn thật sự ăn năn sám hối, tự vấn lương tâm. Nhưng tất cả đã quá muộn. Hắn đâu biết rằng, khi chuyến hàng trót lọt chỉ bản thân hắn được sung sướng vì kiếm bộn tiền, còn biết bao thanh niên sẽ trở nên thân tàn ma dại. Gieo gió ắt phải gặt bão, cái chết của người này cũng làm thức tỉnh biết bao con người, biết bao số phận đang có ý định làm giàu bất chính.

Coi thường pháp luật

Sinh ra và lớn lên tại miền quê nghèo tại huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, Đặng Văn Phượng là con thứ hai trong gia đình có 3 anh em. Đầu những năm 80 thế kỷ trước, Phượng theo gia đình di cư vào vùng đất Tây Nguyên đầy nắng gió để sinh sống. Mặc dù, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, song cha mẹ cố gắng để con cái được ăn học đầy đủ. Thế nhưng, do ham chơi, đua đòi, học đến lớn 9 thì Phượng bỏ học. 

Năm 1994, Phượng lập gia đình với người con gái cùng quê, sau đó lần lượt sinh hạ 2 người con bé bỏng. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn song gia đình Phượng luôn tràn ngập tiếng cười. Thời gian đầu mới lập gia đình, 2 vợ chồng chăm chỉ lao động, vun vén cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Chứng kiến cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ, cha mẹ và người thân của Phượng hết sức vui mừng, phấn khởi. 

Thế nhưng, môi trường sống cùng với những tác động tiêu cực từ xã hội đã khiến Đặng Văn Phượng bị tha hóa. Chán nản với cuộc sống đời thường, Phượng ấp ủ cuộc sống giàu sang, phú quý mà không phải lao động vất vả, khổ cực. Quá trình sinh sống tại địa phương, Phượng thường xuyên tiếp xúc với đám bạn xấu, những đối tượng giang hồ, cộm cán xã hội, bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội. 

Đáng chú ý, thông qua nhóm bạn này, Phượng biết đến một thế giới khác hẳn với nguồn lợi vô cùng lớn do ma túy mang lại. Hoạt động mua bán ma túy diễn ra tấp nập với nhiều thành phần, đối tượng tham gia. Phượng nhận thấy, việc mua bán ma túy có thể giúp hắn đổi đời mà không phải lao động cực nhọc. Nghĩ là làm, Phượng lân la tiếp xúc với các phần tử xấu ở địa phương để tìm "hàng trắng", hoặc hắn sẵn sàng xách thuê ma túy để lấy tiền.

Đặng Văn Phượng.

Trong số các quan hệ ở địa phương, Phượng quen một người phụ nữ tên là Bé. Cả 2 nhiều lần uống cà phê, đàm đạo chuyện trò với nhau. Khi đã tin tưởng, Bé đặt vấn đề thuê Phượng vận chuyển ma túy, hứa trả công thỏa đáng. Thậm chí, Bé còn hào phóng dành riêng một khoản để Phượng mua xe máy phục vụ cho việc vận chuyển ma túy. Phượng như mở cờ trong bụng, khấp khởi vì tìm được mối làm ăn khấm khá, hắn hy vọng sẽ hợp tác lâu dài với người phụ nữ tên Bé để đổi đời.

Vào giữa tháng 11/2014, Phượng quyết định Bắc tiến để tìm hiểu địa bàn, nắm lộ trình vận chuyển ma túy. Hắn đáp máy bay từ thành phố Buôn Ma Thuột ra Hà Nội. Sau đó mua một chiếc xe máy để thuận tiện cho việc đi lại. Khi phương tiện sẵn sàng, Phượng ngược lên vùng núi phía Tây Bắc, tìm đến khu vực giáp ranh giữa tỉnh Hòa Bình và tỉnh Sơn La để mua ma túy. Khi lấy được ma túy, hắn được giao phải vận chuyển ma túy đến khu vực huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Mặc dù quãng đường vận chuyển xa xôi, đi lại khó khăn, bên núi, bên vực, song với bản tính của kẻ liều lĩnh, Phượng không mấy khó khăn để tìm địa bàn và tin rằng việc vận chuyển sẽ trót lọt. Sau quá trình thực địa, Phượng về nhà ở Eakar chờ thông tin từ Bé.

Đến khoảng 17h ngày 23/11/2014, Phượng nhận điện thoại từ Bé thông báo cần vận chuyển ma túy từ Sơn La về huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Ngay sau đó, Phượng đáp máy bay ra Hà Nội, rồi điều khiển xe máy tới khu vực km 156, quốc lộ 6 (giáp ranh giữa tỉnh Hòa Bình và tỉnh Sơn La). Đến nơi, Phượng phát hiện có một người đàn ông lạ mặt đứng ven đường. Sau khi người đàn ông phát ám hiệu "đi uống càfê nhé" mà cả 2 thống nhất từ trước, Phượng đổi xe cho người đàn ông lạ mặt. 

Đến khoảng 11h ngày 25/11/2014, người đàn ông lạ mặt quay trở lại với bọc hàng đựng sẵn trong cốp xe. Sau khi nhận hàng, Phượng khá lo lắng bởi lần đầu tiên vận chuyển ma túy, lo sợ bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ. Ném lao thì phải theo lao, Phượng tự nhủ rồi hy vọng lần đầu vận chuyển sẽ trót lọt. 

Thế nhưng, thật không may cho hắn, khi điều khiển xe đến địa phận xã Tân Sơn, huyện Mai Châu (Hòa Bình), Phượng bị lực lượng phòng chống ma túy Công an huyện Mai Châu phát hiện và bắt giữ cùng tang vật là 7 bánh heroin. Lúc này, Đặng Văn Phượng sụp đổ hoàn toàn. Chỉ vì hám lời nghe theo kẻ xấu vận chuyển ma túy mà Phượng phải trả giá quá đắt.

Trả giá

Cái ngày Đặng Văn Phượng ra trước vành móng ngựa, trời nắng rát. Phượng lầm lũi tiến vào phòng xử án trước ánh mắt nghi ngại của mọi người. Người nông dân hiền lành, chất phác ngày nào giờ đây trở thành kẻ gieo rắc “cái chết trắng” cho xã hội. Mức án tử hình mà toà tuyên là hoàn toàn xác đáng vì những gì Đặng Văn Phượng gây ra cho xã hội. Song chắc hẳn nhiều người luyến tiếc, xót xa bởi Phượng khá hiền lành, có phần nhút nhát, chỉ vì hám lời đã phải trả giá đắt.

Từ khi bị bắt, đến khi tòa tuyên án tử, Đặng Văn Phượng hoàn toàn suy sụp. Hắn bàng hoàng khiếp sợ, chẳng thiết ăn uống, đêm nào cũng trằn trọc nhìn ra khoảng không mịt mùng qua khe cửa buồng giam suy nghĩ miên man. Ngày ngủ, đêm thức, thoắt vui rồi lại buồn, nếp ấy đến giờ vẫn chưa thay đổi. Cơ thể hắn suy sụp, bạc nhược một cách ghê gớm. Bằng giọng lơ lớ, hắn rền rĩ chì chiết "Đằng nào cũng chết thà chết luôn cho xong. Sống mà biết trước cái chết thì có ích gì". Ðã có lúc, hắn định phó thác cho số phận nhưng rồi khát khao được sống lại thôi thúc.

Ngắt quãng trong tiếng nấc nghẹn, Phượng ân hận thú nhận: "Em tự làm khổ bản thân, có tội với gia đình. Ðúng lúc các con rất cần bố, vậy mà...", rồi gục mặt xuống bàn day dứt. Phượng cho biết, hắn có 2 người con, cháu lớn 20 tuổi, cháu thứ hai đã 15 tuổi rồi. Cả 2 con học hành giỏi giang, ngoan ngoãn. Trước đây, Phượng thường dạy các con phải chăm ngoan, học giỏi, tránh xa các thói hư tật xấu để hướng tới tương lai tốt đẹp. Ấy vậy mà hắn lại đi ngược lại những gì hắn đã dạy các con. 

Khi gương bị vẩn đục thì các con hắn sẽ sống ra sao, biết nương tựa vào ai đây? Nghĩ tới điều đó, những giọt nước mắt ứa ra từ khóe mắt Phượng. Hắn giày vò, chì chiết bản thân. Hắn tâm sự với cán bộ quản giáo, “bố mẹ nuôi em khôn lớn, dành biết bao hy vọng, đến khi bố mất, vẫn tin rằng em là người tốt. Em có tội với bố mẹ, với gia đình rất nhiều. Tới đây, về gặp các cụ ở dưới suối vàng, có lẽ em không dám nhìn mặt mọi người. Nếu còn cơ hội được sống, em sẽ sống tốt để làm gương cho con". Giọt nước mắt của kẻ tử tù lăn dài, tính bản thiện được thức tỉnh. Dù muộn vẫn hơn không.

Thiếu tá Bùi Văn Quý, Phó Đội trưởng Đội Quản giáo - Trại tạm giam Công an Hòa Bình cho biết: Đặng Văn Phượng là một trong số không nhiều tử tù xác định tư tưởng, ngày đêm sám hối để đón nhận cái chết. Sau khi được cán bộ quản giáo động viên, giáo dục, hắn hòa nhã với mọi người, chấp hành mọi quy định của trại, không có biểu hiện tiêu cực, bất mãn. 

Những lúc hắn bị đau ốm, mệt mỏi đều được cán bộ quản giáo có mặt động viên, chăm sóc tận tình, giúp hắn ổn định tư tưởng. Cơ thể dần hồi phục, bệnh tình thuyên giảm, hắn trở nên gần gũi, cởi mở hơn với các phạm nhân khác, chấp hành tốt hơn các nội quy của trại. Những biểu hiện chống đối cũng giảm dần. Trong cơn bĩ cực, giọng nói ú ớ, hắn nói lời cảm ơn cán bộ, cảm ơn Nhà nước.

Thu Hà
.
.
.