Malaysia bắt vụ ma túy "khủng"

Thứ Năm, 20/09/2018, 15:21
Phát biểu với báo giới hôm 14-9, Giám đốc Cục điều tra Tội phạm Ma túy trực thuộc Cảnh sát Hoàng gia Malaysia Mohmad Salleh cho biết, nhân viên của ông vừa thu giữ một lượng ma túy lớn kỷ lục, có tổng giá trị lên tới 72,5 triệu ringgit (khoảng 17,5 triệu USD).


Theo ông Mohmad Salleh, đây là số ma túy lớn nhất bị thu giữ kể từ năm 1996 ở Malaysia và việc này diễn ra sau khi cảnh sát phát hiện ra một nhà máy chế biến ma túy trong khu vực công nghiệp Bukit Tengah. Hãng Bernama dẫn lời đại diện cảnh sát Malaysia cho biết, vụ bắt giữ và thu giữ số ma túy kể trên được tiến hành tại khu công nghiệp Bukit Tengah, quận Seberang Perai, bang Penang hôm 12-9. 

Điều đáng nói là đầu mối của vụ việc bắt đầu từ vụ bắt giữ 2 người đàn ông và 1 phụ nữ tại khu vực Pengkalan Hulu, bang Perak hôm 10-9. Và từ lời khai của các đối tượng kể trên, cảnh sát đã lần ra nhà máy chế biến ma túy trá hình nằm trong khu công nghiệp Bukit Tengah. 

Và khi đột nhập vào nơi này, cảnh sát đã phát hiện 15 chiếc máy đang thực hiện chế biến ma túy cùng nhiều loại nguyên vật liệu và nhiều lô ma túy thành phẩm các loại. Theo ông Mohmad Salleh, băng nhóm sản xuất ma túy này do 1 đối tượng người Malaysia tại địa bàn cầm đầu và có liên hệ với các băng nhóm nước ngoài, trong đó có Thái Lan và Trung Quốc.

Số ma túy vừa bị cảnh sát Malaysia thu giữ.

Vụ thu giữ số ma túy "khủng" kể trên diễn ra sau khi lực lượng Hải quan nước này cũng thu giữ được 1 lượng ma túy đá lớn nhất kể từ trước tới nay. Khi trả lời báo giới tại cuộc họp báo hôm 28-5, Tổng Cục trưởng Hải quan Subromaniam Tholasy cho biết, lực lượng chức năng đã thu giữ 1.187kg ma túy đá, trị giá 71 triệu ringgit hôm 22-5 vừa qua. Và đây là vụ thu giữ ma túy đá lớn nhất trong lịch sử Malaysia xét cả về trị giá cũng như số lượng. 

Ngoài số ma túy đá này, Hải quan còn thu giữ 1 lượng nhỏ heroin và khoảng 1 triệu bao thuốc lá lậu. Giới chức Malaysia đã bắt giữ 6 nghi phạm (3 người Myanmar và 3 người Malaysia) liên quan tới vụ án này. Được biết, số ma túy đá này được giấu trong những túi trà và được vận chuyển từ Myanmar. 

Theo ông Subromaniam Tholasy, số ma túy đá kể trên được khai báo là hàng thực phẩm và được vận chuyển trong một container từ thành phố Yangon, Myanmar đến cảng Klang, dự kiến chuyển cho 1 công ty thương mại Malaysia có trụ sở ở ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur. Vụ vận chuyển gần 1,2 tấn ma túy đá bị phát giác diễn ra trong bối cảnh thị trường ma túy đá đang mở rộng ở mức báo động tại châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. 

Trong khi 2 vụ ma túy lớn kể trên được triệt phá, ông trùm ma túy người Malaysia Tun Hung Seong, 65 tuổi, cùng 1 phụ nữ Thái Lan cũng mới bị Tòa án Bangkok tuyên án tử hình hôm 16-8. 

Theo hồ sơ tại Tòa án Bangkok, Tun Hung Seong là kẻ điều hành mạng lưới buôn ma túy lớn nhất từ Malaysia tới Thái Lan và hắn bị bắt từ tháng 4-2017, sau khi cảnh sát Thái Lan nhận được tin mật báo về chuyến hàng gần 300 kg ma túy đá, chuyển qua biên giới giữa Malaysia và Thái Lan. Giới truyền thông cho biết, Tun Hung Seong đã hợp pháp hóa lợi nhuận từ buôn bán ma túy qua các quán karaoke, nhà hàng, khách sạn và quán bar. 

Nhiều người cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng buôn bán ma túy ở nước này không giảm bởi được 1 số "cớm bẩn" chống lưng. Hơn 1 năm trước (20-5-2017), Phó Tổng thanh tra Cảnh sát Malaysia, ông Noor Rashid Ibrahim từng thông báo, có 21 sĩ quan và nhân viên cảnh sát bị bắt theo Luật Tội phạm An ninh 2012. Và họ bị bắt trong chiến dịch có tên gọi "Ops Kabaddi". Trong số 21 người kể trên có 16 sĩ quan thuộc Cục điều tra Tội phạm Ma túy - họ bị cáo buộc bảo kê cho những băng nhóm buôn bán ma túy. Và sau vụ bắt giữ kể trên, một cuộc cải tổ lớn trong Cục điều tra Tội phạm Ma túy đã diễn ra.

Theo thống kê, Malaysia có tỷ lệ tương đối cao về số người sử dụng heroin và các loại ma túy tổng hợp, trong đó có ma túy đá. Một trong những nguyên nhân khiến số người sử dụng ma túy gia tăng bởi theo Luật Quản lý, Điều trị và Phục hồi chức năng cho người nghiện ma túy được ban hành năm 1983, họ không bị bắt giam, chỉ phải đi cai nghiện bắt buộc 2 năm tại các trung tâm cai nghiện phục hồi (gọi là PUSPEN) hoặc bị quản lý 2 năm tại cộng đồng. Được biết, Malaysia có 28 trung tâm cai nghiện của nhà nước và 66 trung tâm phục hồi tư nhân. Nhưng tỷ lệ tái nghiện sau khi rời các trung tâm kể trên của bệnh nhân chiếm từ 70 đến 90%. Do đó Malaysia đã lên kế hoạch tổng thể để khắc phục tình trạng này. Cơ quan phòng chống ma túy quốc gia Malaysia (AADK) cũng từng điểm danh đối với 2.000 trường học ở nước này có nguy cơ cao về việc học sinh sử dụng ma túy.
Anh Phương
.
.
.