Mỹ đau đầu với tàu ngầm chở ma túy

Thứ Hai, 29/10/2018, 16:02
Tháng 9 vừa qua, Hải quân Colombia đã bắt được 14 "tàu ngầm ma túy" trên bờ biển Thái Bình Dương của nước này, trong khi cả năm 2017 chỉ bắt được 4 tàu - là một dấu hiệu khác cho thấy buôn lậu ma túy đang phát triển mạnh.


Nhưng không chỉ ở Colombia, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ cho biết vào tháng 9-2017 họ đã nhìn thấy một "sự hồi sinh" của các tàu ngầm, loại phổ biến nhất của "tàu ngầm ma túy", và đã bắt giữ được 7 chiếc như vậy kể từ tháng 6 năm ngoái.

'Kỷ nguyên thử nghiệm'

"Chúng tôi ngày càng thấy nhiều hơn các tàu ngầm đơn giản, dài hơn 40 feet (12,2m), nổi một phần trên bề mặt... nó có nhiều động cơ phía ngoài, di chuyển 18, 22 hải lý... và chúng có thể mang nhiều hàng lậu", Đô đốc Bảo vệ Bờ biển Karl Schultz nói với Business Insider trong một cuộc phỏng vấn gần đây.

Các loại tàu ngầm đơn giản là tàu ngầm ma túy loại tàu bán ngầm tự hành, sử dụng chấn lưu để chạy dưới bề mặt nước, trong khi tàu ngầm thực sự (có thể đi ngầm hoàn toàn dưới mặt nước), là loại hiếm nhất. Chúng xuất hiện vào đầu những năm 1990, khi bọn buôn lậu gặp nhiều trở ngại hơn trong việc vận chuyển ma túy vào Mỹ - như George Jung và các thành viên của băng đảng Medellin của Pablo Escobar.

Tàu USS Zephyr cứu hỏa cho một chiếc tàu nghi ngờ buôn lậu ở phía đông Thái Bình Dương, ngày 7-4-2018.

"Vào những năm 80 thế kỷ trước, bọn buôn bán ma túy sử dụng thuyền cao tốc, cả máy bay hai động cơ, và chúng dễ bị phát hiện bởi hệ thống radar mà chúng tôi có, đặc biệt ở vùng Caribê và miền Đông Nam nước Mỹ, ông Mike Vigil, cựu Giám đốc hoạt động quốc tế của Cục Quản lý thực thi dược phẩm Mỹ, cho biết. "Vì vậy, họ đóng những chiếc tàu ngầm hoặc bán ngầm, bởi chúng khó bị phát hiện hơn. Chúng được làm từ gỗ, sợi thủy tinh, có lớp lót chì làm giảm phản ứng hồng ngoại", Vigil nói thêm.

Đầu những năm 90 là "thời kỳ thử nghiệm" của tàu ngầm ma túy Colombia. Theo ông Vigil thì nó không phải là tàu ngầm đúng nghĩa bởi có thể nhìn thấy các bộ phận nhô lên, hệ thống định vị nghèo nàn và hệ thống thông tin liên lạc kém.

Có những số liệu khác nhau về số lượng tàu ngầm ma túy đã bị bắt trong những năm qua: Tàu đầu tiên đã được cơ quan thực thi pháp luật Mỹ bắt giữ vào năm 2006 ngoài khơi bờ biển Thái Bình Dương của Costa Rica, chở theo 3 tấn cocaine. Mùa hè năm 2011, một chiếc chở 14.000 pound cocain bị bắt giữ ở Caribê.

Nhưng các nhóm tội phạm ở Colombia tiếp tục tung ra các tàu ngầm tự chế - 100 chiếc mỗi năm. Theo ông Vigil, chúng được đóng ở trong bờ và sử dụng mạng lưới sông rộng lớn của quốc gia sau đó đưa ra biển. Công nghệ đóng tàu ngầm của bọn tội phạm đã tiến bộ, và các nhóm tội phạm rủng rỉnh tiền bạc thu được từ việc sản xuất cocaine đang bùng nổ ở Colombia đã có thể hạ thủy các tàu tinh vi hơn để chạy trốn tới Trung Mỹ và Mexico, nơi tập kết ma túy để đưa sang Mỹ. Các tuyến đường cũng phát triển nhiều hơn, có khả năng tránh bị phát hiện trên biển.

Một tàu ngầm bị bắt giữ trong khu vực rừng nhiệt đới La Loma ở Ecuador, ngày 3-7-2010.

Công nghệ tốt hơn "đã tăng cường trò chơi đuổi bắt" giữa tội phạm và quân đội và thực thi pháp luật, ông Vigil nói.

'Một giọt nước trong xô'

Sự gia tăng gần đây của các tàu ngầm ma túy bị chặn lại bởi các nhà chức trách cho thấy những kẻ buôn lậu sẽ điều chỉnh chiến thuật của họ. "Chắc chắn có một sự tăng vọt, nơi các tàu bán ngầm đang được sử dụng khá thường xuyên, và sau đó chúng tôi đã có rất nhiều thành công chống lại họ", Trung úy Devon Brennan, người đứng đầu Nhóm an toàn và An ninh hàng hải của Cảnh sát Biển tại New York, cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên tàu Sitkanik.

"Các tổ chức buôn bán ma túy giờ chuyên nghiệp, vì vậy họ cố gắng quay trở lại", Brennan nói. "Vì lý do này hay lý do khác, họ nghĩ rằng tàu bán ngầm có thể là một lựa chọn tốt hơn, vì vậy chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng của chúng".

Đô đốc Schultz nói: “Thứ này được gọi là tàu ngầm đơn giản, đó là sự tiến hóa. Bọn tội phạm sẽ liên tục thay đổi chiến thuật của họ để cố ngăn chặn những thành công của chúng tôi. Sự gia tăng phản ánh khả năng thích ứng, tính dễ dãi" của những kẻ buôn lậu”.

Cấu tạo bên trong của một tàu ngầm buôn ma túy.

Schultz và Brennan đều nhấn mạnh rằng lực lượng Cảnh sát Biển đang thành công trong việc bắt giữ các tàu ngầm. Và các quan chức Colombia nói rằng việc ngăn chặn các tàu ngầm trên biển - cùng với việc bắt giữ những kẻ buôn lậu trên đất liền - là một cú đánh nặng nề cho các tổ chức tội phạm. Tuy nhiên, ông Vigil hoài nghi về tác động thực sự, nói rằng DEA ước tính ít nhất 30-40% ma túy đến Mỹ được vận chuyển bằng tàu ngầm, nhưng chính quyền chỉ có thể chặn 5% số tàu đó.

Ông Vigil cũng lưu ý rằng bài toán chi phí dường như có lợi cho những kẻ buôn lậu. "Các tàu ngầm có giá 1 triệu hoặc 2 triệu USD... tùy thuộc vào hệ thống thông tin liên lạc, động cơ, vật liệu được sử dụng để đóng, các hệ thống định vị", Vigil nói. Mặc dù nhiều chiếc có thể chỉ được sử dụng một lần  nhưng chúng hoàn toàn không có ảnh hưởng về kinh tế của các tổ chức tội phạm.

Mỗi kilôgram cocaine trị giá vài nghìn đôla ở Colombia, nhưng các lô hàng đa năng mà các tàu ngầm có thể mang theo trị giá hàng trăm triệu đô la một khi chúng vận chuyển trót lọt  sang Mỹ hoặc châu Âu. Chi phí để  đóng mới một tàu ngầm ma túy chỉ là "một giọt nước trong xô so với lơi nhuận từ ma túy mà chúng thu được", Vigil nói. "Vì vậy, 1- 2 triệu đô la thì không là gì đối với họ".

Hồn Rồng
.
.
.