Nghi án nghe trộm điện thoại của cơ quan phòng, chống ma túy Mỹ

Thứ Sáu, 03/07/2015, 14:00
Cơ quan phòng chống ma túy Mỹ (DEA) là đơn vị phòng chống ma túy lớn và nổi tiếng nhất thế giới với bề dày thành tích đáng tự hào. Cơ quan này sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ đa dạng và thiết bị hiện đại để thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, mới đây, tờ nhật báo nổi tiếng của Mỹ USA TODAY vừa tiết lộ kết quả điều tra cho thấy, trong hơn 20 năm qua, DEA đã nghe lén hàng trăm triệu cuộc điện thoại từ Mỹ đến 116 quốc gia trên thế giới để phục vụ công tác phòng chống ma túy.
Ngoài ra, các điều tra viên của cơ quan này còn sử dụng các lịch sử cuộc gọi để lần theo dấu vết của các băng đảng tội phạm ma túy trong nội địa nước Mỹ, cho phép các đặc vụ phát hiện mạng lưới buôn bán ma túy và rửa tiền mà trước kia chưa bị phát hiện. Các cuộc gọi còn được sử dụng để DEA tiến hành hàng ngàn cuộc điều tra mở rộng đối với mối liên hệ của các đối tượng ở nước ngoài đã hoặc đang âm mưu tiến hành các hoạt động chống lại nước Mỹ.
DEA nghe lén hàng trăm triệu cuộc điện thoại.

Nếu chỉ phục vụ hoạt động phòng chống ma túy đơn thuần thì có thể hiểu được, nhưng có nhiều nghi ngờ cho rằng DEA đã lạm quyền để nghe trộm hàng triệu cuộc điện thoại của các công dân Mỹ không có nghi vấn nào liên quan đến tội phạm. Trong đó, có nhiều hành vi xâm phạm nghiêm trọng quyền riêng tư của công dân và không loại trừ một số đặc vụ Mỹ đã nghe lén để phục vụ mục đích cá nhân. 

DEA đã sử dụng dữ liệu thu thập được một cách khá tùy tiện và không đảm bảo tính bảo mật, theo cách thức đã bị cấm. Trong một số vụ, các đặc vụ đã truy cập dữ liệu lịch sử cuộc gọi mà không được phê duyệt của tòa án hoặc nghe lén một người với số lần trong ngày bằng số lần theo dõi thông thường cả năm của một cơ quan tình báo với một đối tượng. Nhiều cuộc điện thoại của các cá nhân từ nước ngoài gọi tới cho công dân Mỹ cũng nằm trong danh sách bị nghe lén.

Các phóng viên của USA TODAY cũng thu thập được nhiều bằng chứng cho thấy, trong số hàng trăm triệu lần nghe lén của DEA có tỷ lệ phần trăm không nhỏ là những cuộc nghe vô bổ, không nhằm mục đích nào rõ rệt. Trong nhiều vụ việc, các đặc vụ hoàn toàn có thể sử dụng các biện pháp nghiệp vụ khác để thu thập có hiệu quả các chứng cứ hoặc thông tin cần thiết về đối tượng nhưng họ vẫn cố tình lạm dụng việc nghe lén.

Chi phí về nhân lực và tài chính cho những cuộc nghe lén không phục vụ hữu ích mục đích công việc là rất lớn, gây nên sự lãng phí cho ngân sách nhà nước. Nhiều ý kiến cũng tỏ ra lo lắng trước việc DEA nghe lén không đúng quy định và thông tin thu thập không được bảo mật tốt có thể bị rò rỉ đã gây ra những thiệt hại vô hình lớn cho công dân Mỹ.

Nghi án này ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của DEA.

Mặc dù các quan chức đứng đầu cơ quan này đã ngay lập tức lên tiếng biện minh, nhưng việc DEA dính đến nghi án nghe trộm điện thoại lại càng làm dấy lên làn sóng phản đối trong lòng nước Mỹ sau khi nhiều cơ quan tình báo của nước này bị phát giác đã nghe lén điện thoại của công dân Mỹ trong nhiều năm.

Đây cũng là vấn đề gây tranh cãi gay gắt giữa một bên bảo hộ quyền được tiến hành biện pháp nghiệp vụ bí mật của các cơ quan hành pháp và một bên bảo vệ quyền riêng tư của công dân trong đời sống. Điều này đòi hỏi chính quyền Mỹ cần có những quy định chặt chẽ hơn nữa về việc sử dụng các biện pháp nghiệp vụ trong hoạt động thi hành công vụ của các cơ quan hành pháp để không tiếp tục gây nên những vụ scandal chấn động dư luận và ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của chính các cơ quan này.

Hoàng Đoàn
.
.
.