Nhọc nhằn cuộc chiến chống ma túy ở Thái Lan

Thứ Tư, 13/02/2019, 22:00
Theo Hayeedermee, kratom bắt đầu trở thành vấn đề nghiêm trọng đối với chính quyền Thái Lan từ năm 2012 với 90% dân các làng ở Pattani thường xuyên chìm đắm trong cơn say ma túy mà phần đông còn ở tuổi thiếu niên.

Những hậu quả đau lòng từ ma túy

Trong căn nhà gỗ nhỏ nằm giữa khu đồn điền cao su tỉnh Narathiwat miền nam Thái Lan, chàng trai 28 tuổi tên là Fadel cùng với đám bạn thường hay sử dụng loại ma túy gọi là "hỗn hợp nước kratom". Một bộ kratom - dạng ma túy phổ biến nhất ở Thái Lan - được bán với giá khoảng 100 baht (2.90 USD). 

Fadel cho biết: "Trong quá khứ, chúng tôi tự xử lý lá cây kratom nhưng bây giờ đã có bán sẵn thức uống gây nghiện này". Fadel sử dụng ma túy đều đặn từ hơn chục năm qua. Anh cũng sử dụng methamphetamine dạng tinh thể (còn gọi là ma túy đá) và ya ba - hỗn hợp methamphetamine và caffeine được bán với giá khoảng 100 baht/viên. Hiện nay, Fadel dùng 1 viên ya ba vào mỗi 2 ngày kèm với uống kratom 3 lần trong tuần khi cảm thấy mệt mỏi do lao động trong đồn điền cao su. 

Fadel nằm trong số khoảng 80.000 đến 100.000 người nghiện ma túy tại khu vực người Hồi giáo (chiếm khoảng 5% dân số) ở cực nam Thái Lan. Phần lớn những con nghiện này trong độ tuổi giữa 14 và 30. Theo thông tin từ quân đội Thái Lan, 3 tỉnh có tỷ lệ nghiện ma túy cao nhất nước là Pattani, Yala và Narathiwat. 

Theo cuộc điều tra gần đây, hơn 80% dân số đang sống trong những tỉnh này cho rằng ma túy chính là vấn đề nhức nhối cần được chính quyền quan tâm giải quyết rốt ráo. Chính tỷ lệ nghiện ma túy đã làm phát sinh nạn trộm cắp tràn lan và ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ trong cộng đồng. 

Ma túy cũng làm gia tăng số vụ ly hôn trong cộng đồng người Hồi giáo tỉnh Pattani miền nam Thái Lan. Ahama Hayeedermee, thư ký Hội đồng Hồi giáo tỉnh Pattani, cho biết: "Hiện nay, trước khi đám cưới con gái diễn ra, câu hỏi đầu tiên của người cha là chú rể tương lai có sử dụng ma túy hay không?". 

Năm 2016, Hội đồng Hồi giáo nhận được 525 đơn xin ly hôn mà trong đó 80% vụ xuất phát từ việc nghiện ma túy. Hội đồng cố gắng hòa giải song cuối cùng những cuộc ly hôn vẫn diễn ra khi mà phần đông người chồng không tham dự cuộc họp. 

Tại một ngôi làng trong khu Marue Botok tỉnh Narathiwat, một người đàn ông tên là Ismail thú nhận người con trai tên là Zabar bị vợ ly hôn chỉ sau đám cưới mới 4 tháng. Lý do là mẹ vợ bất ngờ phát hiện Zabar là con nghiện ma túy.

 Zabar bắt đầu hít dung môi pha sơn công nghiệp từ lúc lên 9 tuổi trước khi nghiện cần sa và kế đến là ya ba. Lúc 16 tuổi, Zabar phải bỏ học giữa chừng để đi cai nghiện bắt buộc trong thời hạn 2 năm tại một trung tâm cải tạo dành cho thiếu niên. 

Theo Hayeedermee, kratom bắt đầu trở thành vấn đề nghiêm trọng đối với chính quyền Thái Lan từ năm 2012 với 90% dân các làng ở Pattani thường xuyên chìm đắm trong cơn say ma túy mà phần đông còn ở tuổi thiếu niên. 

Hayeedermee thú nhận: "Chúng tôi không biết tại sao lại như vậy, song số người nghiện cứ tăng lên mãi. Tôi hỏi binh sĩ tại sao có quá nhiều ma túy ở Pattani và làm sao mà món hàng độc hại như thế lại dễ dàng thoát khỏi các chốt kiểm soát của quân đội. Nhưng, họ không có câu trả lời".

Lá kratom

Loài cây nhiệt đới krarom được tìm thấy nhiều ở Thái Lan và Malaysia. Lá cây kratom có chứa chất kích thích nhẹ và nông dân Thái Lan thường nhai nó để chữa đau dạ dày hay tiêu chảy, trong khi số người khác nhai nó để làm dịu cơn thèm thuốc phiện. Năm 2011 có khoảng 1,23 triệu người Thái Lan sử dụng kratom - so với 1,08 triệu năm 2008. Số người dùng kratom cao nhất ở miền nam Thái Lan. 

Năm 2012, cảnh sát nước này bắt giữ được 33 tấn kratom được chế biến thành chất ma túy. Không giống như ya ba, quá trình chế biến rất đơn giản mà không đòi hỏi kiến thức về dược phẩm. Tuy nhiên, nếu xử lý không đúng công thức có thể gây nổ. Công thức chế biến hỗn hợp gây nghiện là 30 lá cây kratom còn tươi, nước sôi, sirô ho và 2 lon Coca-cola. 

Từ năm 1943, luật pháp Thái Lan coi kratom là loại cây bất hợp pháp. Nhưng, Văn phòng chống Ma túy và Tội phạm Liên Hiệp Quốc (UNODC) không xếp kratom vào loại ma túy mà coi đó là cây chứa "chất tác động đến tâm thần". Năm 2013, Bộ Tư pháp Thái Lan muốn hợp pháp hóa kratom để giúp cai nghiện các loại ma túy nặng (bao gồm meth) song đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ người dân.

Lá kratom.

Giáo dục và hợp tác chống ma túy

Được khởi động từ năm 2007, Yalannanbaru là dự án giáo dục tuổi trẻ về mối nguy hiểm chết người của ma túy. Năm 2105, những tình nguyện viên đi đến từng ngôi làng để tuyên truyền. Hiện dự án thu hút được 2.512 tình nguyện viên tại 352 ngôi làng miền nam Thái Lan và con số tăng hơn chục ngàn năm 2018 ở 2.075 ngôi làng.

 Ladda Ningoh, nữ chuyên gia tổ chức phi chính phủ Ozone Foundation, nhận thấy chính quyền Thái Lan cũng có kế hoạch giải quyết cơn bão ma túy bằng cách tạo ra nhiều công ăn việc làm cho giới trẻ. Năm 2016, Chính quyền Thái Lan và Cảnh sát liên bang Australia (AFP) hợp tác thành lập một lực lượng phối hợp mới - gọi là "Đặc nhiệm Bão táp" - để tập trung giải quyết vấn nạn ma túy. 

Cùng với tội phạm băng nhóm trên toàn cầu, heroin và methamphetamine được sản xuất tại Myanmar và sau đó buôn lậu qua Thái Lan đến Australia. Hồi tháng 12-2015, Wayne Rodney Schneider - cựu thành viên người câu lạc bộ mô tô Hells Angels liên quan đến thế giới ngầm ma túy - bị giết chết gần thành phố du lịch Pattaya của Thái Lan. 

Sau đó, cảnh sát Campuchia bắt giữ một người Australia tên là Antonio Bagnato vì nghi ngờ là thủ lĩnh nhóm 5 thành viên giết chết cựu thành viên Hells Angels. An ninh biên giới lỏng lẻo khiến cho vùng Tam giác Vàng ở miền bắc Thái Lan, Lào và Myanmar trở thành điểm nóng sản xuất ma túy.

Di An
.
.
.