Những thủ đoạn vận chuyển ma túy qua đường hàng không

Thứ Ba, 29/12/2015, 11:17
TP HCM có SBQT Tân Sơn Nhất được đánh giá nằm ở vị trí tâm điểm của khu vực Đông Nam Á, là cửa ngõ đối ngoại, giao lưu kinh tế quan trọng vào bậc nhất của cả nước. Vì thế, các tổ chức tội phạm về ma túy từ các khu vực lân cận, thậm chí cả nguồn ma túy khổng lồ ở châu Mỹ La-tinh cũng từng lợi dụng các chuyến bay đi và đến SBQT Tân Sơn Nhất để trung chuyển ma túy sang các nước khác, đồng thời thẩm lậu vào nội địa tiêu thụ mỗi khi có cơ hội...

Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47), Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an, trong hai năm 2014-2015, tình hình tội phạm ma túy nói chung và tình hình buôn bán, vận chuyển ma túy qua đường hàng không nói riêng vẫn diễn biến hết sức phức tạp, có chiều hướng gia tăng và tiềm ẩn nhiều yếu tố mới. Trong đó, sân bay quốc tế (SBQT) Tân Sơn Nhất là một trong những địa bàn trọng điểm.

Điều đáng nói, các đối tượng vận chuyển đã nghĩ ra không ít chiêu thức "lạ và độc" cất giấu, ngụy trang ma túy trong hành lý và trong một số vật dụng bình thường hòng qua mặt lực lượng an ninh sân bay…

Ma túy "vi vu" qua nhiều nước trước khi bị phát hiện tại Việt Nam

TP Hồ Chí Minh có SBQT Tân Sơn Nhất được đánh giá nằm ở vị trí tâm điểm của khu vực Đông Nam Á, là cửa ngõ đối ngoại, giao lưu kinh tế quan trọng vào bậc nhất của cả nước. Vì thế, các tổ chức tội phạm về ma túy từ các khu vực lân cận, thậm chí cả nguồn ma túy khổng lồ ở châu Mỹ La-tinh cũng từng lợi dụng các chuyến bay đi và đến SBQT Tân Sơn Nhất để trung chuyển ma túy sang các nước khác, đồng thời thẩm lậu vào nội địa tiêu thụ mỗi khi có cơ hội.

Từ cuối năm 2014 đến nay, nhiều vụ vận chuyển ma túy trái phép qua đường hàng không với số lượng lớn đã được khám phá. Mới đây, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã công bố cáo trạng truy tố hai bị can Phạm Ngọc Lâm (45 tuổi, quốc tịch Canada) và Đặng Tuấn Vinh (40 tuổi, quê Hải Dương) về tội Vận chuyển trái phép chất ma túy.

Các cán bộ Hải quan hiện đang phải chịu nhiều áp lực trong việc chống thẩm lậu ma túy qua đường hàng không. (Hình minh họa).

Trước đó, vào trung tuần tháng 12-2014, trong quá trình kiểm tra, soi chiếu hành lý hành khách, Hải quan SBQT Tân Sơn Nhất đã phát hiện hai valy trong có 25 túi ma túy tổng hợp, trọng lượng lên tới 14,8kg.

Kết quả điều tra cho thấy số ma túy này do Phạm Ngọc Lâm mang từ Toronto, Canada về Việt Nam quá cảnh tại Hồng Kông (Trung Quốc). Lâm đã chỉ đạo em trai mình là Phạm Ngọc Ngôn móc nối với Đặng Tuấn Vinh đưa về Việt Nam. Nếu số ma túy trên được vận chuyển trót lọt về Việt Nam, Vinh sẽ bố trí cho Trần Quốc Huấn (là người thường xuyên ra vào sân bay nhận hàng và có quen biết với lực lượng Hải quan) nhận thay rồi chuyển cho Vinh ở bên ngoài.

Khi nhận thấy hai valy ma túy bị bắt giữ, Huân đã bỏ trốn, còn Ngôn sau đó đã xuất cảnh ra nước ngoài nên bị cơ quan điều tra Bộ Công an phát lệnh truy nã.

Sau một thời gian bỏ trốn, Huân đã đến cơ quan Công an đầu thú và làm rõ hành vi phạm tội của Lâm và Vinh. Ngoài ra, cơ quan Công an cũng đã làm rõ trách nhiệm của một số cán bộ đã để cho Huân vào sân bay và rời khỏi hiện trường khi phát hiện ra lô hàng có ma túy. Những người này đã bị cơ quan Công an đề nghị cơ quan hữu quan kỉ luật theo quy định.

Trong năm 2015, vụ vận chuyển ma túy lớn nhất qua cửa khẩu SBQT Tân Sơn Nhất được phát hiện và bắt giữ vào giữa tháng 11 vừa qua. Theo đó, vào đêm 15-11-2015, Đội Kiểm soát phòng chống ma túy (Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh) phối hợp với Đội Thủ tục hành lý nhập khẩu - Chi cục Hải quan cửa khẩu SBQT Tân Sơn Nhất đã phát hiện 13 tấm mút tẩm cocaine với trọng lượng 6,42kg trong hành lý của một hành khách là một nam sinh viên, quốc tịch Nga, 25 tuổi, nhập cảnh trên chuyến bay từ Dubai (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập) về Tân Sơn Nhất.

Điều đáng nói, trong vụ việc này, hành khách vận chuyển đã mang theo một túi xách tay, một ba lô hành lý ký gửi. Và ma túy đã được cất giấu với thủ đoạn đặc biệt khi được tẩm trong các miếng lót của chăn, áo khoác và túi xách. Để phát hiện được số ma túy này, bằng các biện pháp nghiệp vụ, các cán bộ hải quan đã theo dõi, phát hiện đối tượng có nhiều biểu hiện bất thường nên đã yêu cầu vào phòng kiểm tra trọng điểm Đội Thủ tục hành lý nhập khẩu để thực hiện việc kiểm tra thủ công theo quy định.

Sau khi mở toàn bộ hành lý của hành khách trên, tổ công tác đã phát hiện và thu giữ 13 miếng mút lót, trọng lượng 6,42kg. Kết quả kiểm tra và giám định của cơ quan chức năng cho thấy toàn bộ các miếng mút lót đều có chứa cocaine.

Theo khai nhận ban đầu với cơ quan Hải quan, đối tượng mang thuê cho một người không rõ danh tính với thù lao 1.000 USD. Đối tượng nhận hàng từ Chile, vận chuyển lòng vòng qua nhiều nước và chỉ bị bắt giữ khi về đến SBQT Tân Sơn Nhất, với hành trình từ Nga - Dubai - Sao Paulo (Brazil) - Santiago (Chile) - Dubai - Tân Sơn Nhất.

Trước đó vào đêm 3-11, Đội Kiểm soát phòng chống ma túy - Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cũng đã phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu SBQT Tân Sơn Nhất phát hiện và ngăn chặn vụ vận chuyển trái phép 5,39kg cocain trong hành lý vận chuyển. 

Theo đó, qua công tác thu thập thông tin, nắm tình hình, bám sát các chuyến bay trọng điểm, khi phát hiện nữ hành khách tên Kaur Gurcharan Singh Manpal, 44 tuổi, quốc tịch Malaysia, nhập cảnh từ Dubai về TP. Hồ Chí Minh qua cửa khẩu SBQT Tân Sơn Nhất mang theo một valy và một túi xách có biểu hiện nghi vấn, lực lượng hải quan đã tiến hành kiểm tra và phát hiện số cocain trên được cất giấu tinh vi trong hành lý xách tay.

Bằng thủ đoạn giấu ma túy trong 16 gói giấy bạc, sau đó cất giấu trong lớp vải lót của túi xách, ví đựng tiền, bìa sổ tay, cặp táp, chỉ may, giấy cuộn… đối tượng này đã lọt qua cửa kiểm soát tại nhiều sân bay theo lịch trình Malaysia - Columbia - Panama - Sao Paulo - Dubai và chỉ bị bắt giữ khi về đến Tân Sơn Nhất.

Thủ đoạn tinh vi

Theo ông Lê Tuấn Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu SBQT Tân Sơn Nhất, thủ đoạn các đối tượng vận chuyển trái phép ma túy thường sử dụng là ngụy trang, bọc ma túy qua nhiều lớp giấy, băng keo giấu trong lớp vải lót của túi xách, vali hai đáy, ba lô, ví đựng tiền, bìa sổ tay, cặp táp, chỉ may, giấy cuộn, trong thực phẩm, thiết bị điện tử… Hoặc pha ma túy thành các chất lỏng, chất sệt rồi thấm vào các lớp lót vali, khăn tắm… để tránh sự kiểm tra, phát hiện của cơ quan chức năng.

5,39kg cocain cất giấu trong chỉ may, giấy cuộn.

Qua thực tiễn, lực lượng hải quan thường tập trung vào những đặc điểm đáng chú ý như mục đích chuyến đi, hành trình, hành vi để phát hiện những hành khách trong diện nghi vấn. Nếu ma túy xuất cảnh theo hành khách thì thường trên chuyến bay đi Úc, Trung Quốc; còn lại ma túy nhập cảnh thì chủ yếu từ các nước khối Ả Rập về Việt Nam…

Đáng lo hơn, các đối tượng vận chuyển ma túy còn thường xuyên thay đổi quy luật hoạt động. Chúng thường không trực tiếp vận chuyển ma túy mà thường thuê những người (chủ yếu là phụ nữ) có hoàn cảnh khó khăn vận chuyển thay. Gần đây nổi lên các đối tượng ở Nam Mỹ lợi dụng mối quan hệ với người có hoàn cảnh khó khăn ở Malaysia, Nga… rủ rê dụ dỗ họ sang các nước Nam Mỹ rồi vận chuyển cocain qua Dubai về Việt Nam và đi nước khác tiêu thụ (như hai vụ phát hiện và bắt giữ vào tháng 11-2015 nói trên).

Theo lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu SBQT Tân Sơn Nhất, mỗi ngày lưu lượng hơn 200 chuyến bay, 27.000 lượt hành khách đi lại qua SBQT Tân Sơn Nhất, nhưng quân số của Chi cục còn khá hạn chế nên các cán bộ công chức đều phải chịu nhiều áp lực. Nhất là khi hành khách thường đến làm thủ tục sát giờ bay, gây khó khăn cho hoạt động kiểm tra, kiểm soát hải quan. Bởi nếu kiểm tra mà không phát hiện vi phạm, dẫn đến trễ giờ bay thì đơn vị phải bồi thường thiệt hại cho khách, trong khi hiện vẫn còn khúc mắc về quy định cụ thể của việc này.

Bên cạnh đó, trang thiết bị cũng như cơ sở vật chất còn hạn chế... Ở một khía cạnh khác, tại SBQT Tân Sơn Nhất, tính chất hàng hóa xuất nhập cảnh rất đa dạng nhưng khối lượng kiện hàng nhỏ lẻ; trong khi đó theo yêu cầu phải giải phóng hàng nhanh, cùng với xu thế hội nhập, tạo điều kiện thông thoáng… Đồng thời việc áp dụng quản lý rủi ro của ngành hải quan cũng đưa ra mức kiểm tra thực tế hàng hóa giai đoạn 2015-2020 phải đạt tỉ lệ dưới 7%, đồng nghĩa với việc miễn kiểm tra thực tế trên 93%...

Tất cả những điều này đã ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động của Chi cục trong việc chống thẩm lậu ma túy qua địa bàn. 

Tuy vậy, được sự chỉ đạo kịp thời của cấp trên và các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là sự phối hợp tốt với Bộ Công an và các tổ chức phòng chống tội phạm ma túy quốc tế, Chi cục Hải quan cửa khẩu SBQT Tân Sơn Nhất đã vượt qua khó khăn, lập được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Cụ thể là trong 5 năm gần đây, Chi cục Hải quan cửa khẩu SBQT Tân Sơn Nhất đã kiểm tra, lập biên bản tổng số 2.282 vụ vi phạm, trị giá hơn 700 tỷ đồng.

Riêng về ma túy, Chi cục đã kiểm tra và phát hiện 43 vụ vận chuyển trái phép, bắt giữ 40 đối tượng, thu giữ hơn 104 kg ma túy các loại, 30.000 viên thuốc gây nghiện và 51.574 viên ma túy tổng hợp. Các vụ việc đều được tiếp tục phối hợp với lực lượng Cảnh sát mở rộng điều tra và bắt giữ thêm nhiều đối tượng khác.

Tại hội nghị sơ kết quy chế phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm vận chuyển ma túy qua đường hàng không giữa Cục C47, Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an và Cục Hàng không Việt Nam tổ chức chiều 4-12 tại Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục C47 cho rằng hiện nay không chỉ các cảng hàng không quốc tế mà tại các cảng hàng không nội địa, tội phạm cũng đã lợi dụng để vận chuyển ma túy. Vì vậy bên cạnh tăng cường kiểm soát ở các cảng hàng không quốc tế thì cũng phải chú ý đến cảng hàng không nội địa.

Đặc biệt, cần tăng cường tổ chức các lớp tập huấn cho không chỉ lực lượng kiểm soát an ninh hàng không mà còn các nhân viên làm nhiệm vụ tại sân bay về kỹ năng nhận biết, phương thức, thủ đoạn vận chuyển ma túy bằng đường hàng không.

Phú Lữ
.
.
.