Peru – "ông trùm" lộ diện và sa lưới từ việc điều tra vụ đấu súng tại sân bay

Thứ Ba, 03/11/2015, 08:00
Gerald Oropeza là người đứng đằng sau điều hành toàn bộ hoạt động của một đường dây ma túy lớn tại Peru. Không chỉ bắt tay với mafia Ý, “ông trùm” này còn hợp tác với các tập đoàn buôn lậu ma túy ở Mexico để đưa lượng cocaine trị giá hàng trăm triệu USD vào thị trường châu Âu. Ngoài việc điều hành đường dây ma túy lớn, cảnh sát Peru còn nghi ngờ Gerald Oropeza được một chính trị gia tên tuổi của quốc gia này đỡ đầu.

Sa lưới

Jose Luis Perez Guadalupe, Bộ trưởng Nội vụ Peru cho biết Ecuador vừa dẫn độ Oropeza về Peru. Oropeza đã bỏ trốn 5 tháng trước khi cảnh sát bắt. Cảnh sát đã lần ra dấu vết của Gerald Oropeza và bị cáo buộc buôn lậu ma túy tới châu Âu khi y đang trên đường tới thành phố Salinas của Ecuador.

Sau gần 5 tháng truy lùng, lực lượng chức năng Peru phối hợp với đồng nghiệp ở Ecuador bắt Oropeza ngày 12/9 vừa qua khi y đang đi bộ trên bãi biển Salinas, tỉnh Santa Elena (Ecuador). Đi dép xỏ ngón, mặc quần soóc cùng chiếc áo phông nhàu nát, Gerald Oropeza, năm nay 32 tuổi, trông trái ngược hẳn với tiếng tăm của kẻ buôn ma túy bị truy nã gắt gao nhất Peru. Nhờ có hình xăm có chữ Gerald, cảnh sát Peru đã nhận ra được Gerald Oropeza - “ông trùm” của đường dây ma túy lớn nhất từ trước tới nay tại Peru.

Thân phận của “ông trùm” bắt đầu bại lộ từ một sự cố hồi tháng 4-2015. Vừa trở về sau chuyến làm ăn ở Cancun (Mexico), Oropeza lái xe ra khỏi sân bay Lima thì chiếc Porsche màu trắng mới tinh của gã bị lựu đạn và súng máy nã vào liên tiếp. Mặc dù hai vệ sỹ hộ tống trên xe bị thương nhưng may mắn Oropeza không hề hấn gì. Nguyên nhân được cho là băng đảng của Oropeza và các đối thủ thanh toán lẫn nhau để kiểm soát tuyến đường buôn lậu ở Callao - cảng chính của Peru đến châu Âu. Sau khi cuốn băng ghi lại cuộc điện thoại giữa Oropeza và một tên trùm mafia ở Italy lộ ra, “ông trùm” ma túy của Peru đã bỏ trốn.

Khi cảnh sát bắt đầu điều tra vụ việc, chứng cứ cho thấy đó là một cuộc thanh toán giữa các băng nhóm tội phạm địch thủ. Càng về sau, cuộc sống xa xỉ đáng ngờ của Oropeza càng được chú ý. Nhân vật này có cả một đội siêu xe, trong đó có một chiếc Ferrari mới được đặt hàng riêng nhập về Peru. Theo nhiều nguồn tin, Oropeza sống trong biệt thự xa hoa rộng 3.000m2 trước khi bị bắt. Nhà chức trách Peru cho hay Oropeza đang bị điều tra về các tội buôn lậu ma túy, giết người và rửa tiền.

Sự tàn bạo của mafia và thế giới ngầm

Theo Reuters, Oropeza bị nghi vận chuyển cocaine sang Italia và đang kết hợp làm ăn với băng đảng tội phạm Ndrangheta. Theo nhiều nguồn tin đáng tin cậy, mafia liên quan đến buôn bán ma túy có thể tìm kiếm sự im lặng - người đang bị giam giữ trong các nhà tù của Piedras Gordas trong Ancon và đã treo thưởng 100.000 USD cho cái đầu của Oropeza. 

Điều này đã được tiết lộ bởi một báo cáo tình báo của cảnh sát quốc gia Peru, trong đó có chữ ký của Đại tá Ricardo Sanchez Castillo, Giám đốc của Trung tâm hoạt động cảnh sát hình sự (Ceopol-DIRGEN).

Tài liệu này yêu cầu khẩn cấp về các biện pháp an ninh và sự cảnh giác cao độ trong trại giam nơi giam giữ Gerald Oropeza nhằm ngăn chặn việc mạng sống của Gerald Oropeza có thể bị cướp đi bất cứ lúc nào. Đó cũng là lý do tại sao Gerald Oropeza phải nhập viện trong tù một cách bí mật, mặc áo chống đạn và đội mũ bảo hiểm để tránh bị nhận ra bởi các tù nhân khác.

Cục Hình sự An ninh Peru có trách nhiệm tiến hành tuần tra và giám sát các thực phẩm Gerald Oropeza ăn trong những tháng cuối cùng của việc giam giữ trước khi xét xử. Các mối đe dọa cũng tác động rất lớn tới Gerald Oropeza. Y rất lo lắng cho cuộc sống của mình, y đã trải qua các triệu chứng nghiêm trọng của bệnh trầm cảm và lo lắng vì sợ bị đầu độc. Thậm chí đã nhiều lần y phản đối việc ăn uống các thức ăn do trại giam cung cấp.

Khi cảnh sát Peru bắt đầu điều tra các hoạt động của Gerald Oropeza, một trong những người thân cận của Oropeza đã bị bắn, có vẻ như người này bị nghi ngờ gây ra vụ tấn công chiếc Porsche ở sân bay. Tên của y là David Hidalgo Sandoval, bí danh "El Ciego David" và là một người đóng vai trò quan trọng trong đường dây của Oropeza Gerald Lopez nhưng y đã thoát chết một cách kỳ diệu khi bị nhóm sát thủ bắn xối xả. 

Nhưng chỉ một tuần sau đó, Hidalgo đã bị chặn lại bởi một nhóm các tay súng và nhận được sáu vết đạn trên cơ thể. Các viên đạn găm vào bụng, đùi và chân của y. Hiện với mức độ nghiêm trọng của chấn thương, Hidalgo, 38 tuổi, vẫn còn trong bệnh viện Dos de Mayo dưới sự canh phòng cẩn mật của cảnh sát. 

Cảnh sát điều tra cho rằng David Hidalgo đã có liên lạc với nhóm sát thủ ra tay với Gerald Oropeza nhằm tranh giành quyền kiểm soát cảng Callao - cửa ngõ của đường dây buôn lậu từ Peru đi châu Âu.

Nghi ngờ liên quan tới giới chính trị gia

Sau vụ việc này, giới truyền thông của Peru cũng đã khai thác mọi chi tiết quanh thân phận “ông trùm” Oropeza. Gã từng là thành viên một đảng chính trị của cựu Tổng thống Alan Garcia, sau đó bị khai trừ vì vi phạm pháp luật. Đáng chú ý, Oropeza từng sống trong một khu dinh thự rộng gần 3.000m2 vốn là tài sản công. 

Có lẽ đáng kinh ngạc nhất là chi tiết Oropeza cùng gia đình mình vận hành 3 công ty và giành được hàng chục hợp đồng với nhà nước. Trong đó chỉ riêng việc cung cấp dịch vụ vệ sinh tại Văn phòng công tố quốc gia Peru cũng đã thu về 149 triệu Sol (46 triệu USD). 

Công việc làm ăn của gia đình “ông trùm” phát đạt nhất là từ năm 2006-2011, dưới thời Tổng thống Alan Garcia, người đang lên kế hoạch tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ 3 vào năm sau. 

"Đừng lo lắng về bất cứ điều gì, chúng tôi có những người ủng hộ. Bạn có nhớ chú tôi Alan? Ông sẵn sàng giúp chúng tôi bất cứ điều gì nhỏ nhất. Chúng tôi có những người như vậy ở khắp mọi nơi". 

Theo báo chí Peru thì đó là giọng nói của Oropeza Gerald Lopez trong một cuộc trò chuyện được ghi lại trên điện thoại di động của mình và bây giờ đang nằm trong tay của cảnh sát quốc gia để phân tích. Câu hỏi được đặt ra là liệu Oropeza Gerald Lopez có đang đề cập đến Alan Garcia Perez, lãnh đạo của Đảng Aprista hay không?

Cựu Tổng thống Alan Garcia đã bác bỏ mọi nghi ngờ trong cuốn băng ghi âm bị "rò rỉ" tới các phương tiện truyền thông. Ông nói: “Tôi yêu cầu một cuộc điều tra kỹ lưỡng của Bộ Tư pháp và khẳng định không bao giờ có bất kỳ mối quan hệ với người trong cuốn băng ghi âm đã nhắc đến Alan”.

Trong các bản ghi âm, một số trong đó tương ứng với đầu tháng 9 năm nay, Gerald Oropeza Lopez nói về những chiến lược mà y sẽ thoát khỏi án tù nếu y bị bắt. Y nói chuyện với ít nhất ba nhân vật không rõ danh tính, một trong số đó có biệt danh là 'El Flaco'. Biệt danh này không khác so với biệt danh thời thơ ấu của ông Carlos Sulca - một chính trị gia nổi tiếng của Peru. 

Sau khi Oropeza được dẫn độ về Peru hồi trung tuần tháng 9, một câu hỏi đang được đặt ra là liệu nhân vật này có hé lộ về mối quan hệ của mình với các quan chức chính phủ cũ? Chính tham nhũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nạn buôn lậu ma túy hoành hành ở Peru những năm gần đây, nhất là khi nhu cầu về ma túy ở châu Âu tăng nhanh bên cạnh một thị trường rộng lớn như Hoa Kỳ.

Trong cuộc thẩm vấn đầu tiên kể từ khi được đưa về Peru, Oropeza khẳng định mình là một doanh nhân luôn tuân thủ luật pháp và bị rơi vào bẫy của bọn tội phạm. “Tôi không có mối quan hệ nào với mafia. Có người muốn hãm hại tôi và tôi tin rằng tất cả mọi thứ đều là do tôi bị cài bẫy”, tờ La Republicanewspaper trích lời khai của Oropeza. Nếu bị kết tội, “ông trùm” này phải đối mặt với ít nhất là 25 năm tù về các tội danh rửa tiền và buôn lậu ma túy.

Lê Xuân Thành
.
.
.