Sa ngã vì ma túy, tự đóng cửa tương lai đời mình

Thứ Năm, 28/01/2016, 14:00
Từng là một đảng viên, một cán bộ trẻ cốt cán của địa phương, song do hám lời Giàng A Chứ bỏ mặc tất cả danh dự, nhân phẩm, truyền thống gia đình để tham gia buôn "hàng trắng". Điều gì đến phải đến, ngày hắn bị bắt rồi bị Tòa tuyên tử hình, cả bầu trời như sập xuống.


Hắn sực tỉnh, ăn năn, hối hận bởi những gì đã gây ra cho gia đình, người thân và cộng đồng xã hội. Nhưng tất cả đã quá muộn. Cái chết của hắn có lẽ làm thức tỉnh những người khác đang hoặc có ý định phạm tội. 

Mường Lý là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Con đường vào xã Mường Lý một bên là vách núi, một bên là vực sâu và những ổ gà, ổ voi, ngày nắng thì bụi, ngày mưa thì lầy lội. Không có đường giao thông thuận lợi nên việc giao thương, trao đổi hàng hóa của người dân cũng không phát triển. Để bán một sản phẩm do mình làm ra, bà con phải chở bằng xe máy ra đến đường cái của xã; muốn mua thực phẩm hằng ngày, cũng phải chờ các thương lái chở hàng vào bản. 

Mường Lý là xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn, nằm biệt lập so với các xã khác trên địa bàn huyện Mường Lát. Là con thứ 5 trong gia đình có 9 anh chị em ở bản Mông Xi Lô, xã Mường Lý, tuổi thơ của Giàng A Chứ chênh vênh như chính cuộc sống người dân nơi đây. 

Với người Mông, việc tiếp xúc với con chữ là đã khó, nói gì chuyện học hết lớp 12 là chuyện khá xa vời. Là địa phương vùng sâu, vùng xa và tập trung đông người dân tộc Mông sinh sống, nơi đây vẫn tồn tại nhiều thủ tục cổ hủ, lạc hậu. Chính điều đó kìm hãm sự phát triển và ước mơ bay xa của các em nhỏ, Chứ không phải ngoại lệ. 

Học đến lớp 12, Chứ kết hôn với cô gái người Mông tên là Hờ Thị Vãng. Tưởng rằng, việc lập gia đình sớm sẽ khiến Chứ từ bỏ giấc mơ học tập như bao thanh niên khác. Nhưng Chứ quyết tâm theo đuổi ước mơ trở thành bác sỹ, khám chữa bệnh cho dân nghèo, được cảm nhận nụ cười, niềm vui lan tỏa từ các em nhỏ. Ước mơ đến từ một cậu học trò nghèo người Mông thật đáng trân trọng biết mấy.

Giàng A Chứ (bên phải) trước vành móng ngựa.

 Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Giàng A Chứ trúng tuyển Trường Trung cấp Y tỉnh Thanh Hóa. Ước mơ thuở nhỏ trở thành hiện thực, Giàng A Chứ thầm hứa sẽ cố gắng học tập, tích lũy kinh nghiệm để mai này cống hiến cho quê hương. Ngày Chứ nhập học cũng là lần đầu Chứ rời mảnh đất quê hương, được thấy cuộc sống bên ngoài khác xa vùng quê nghèo khó của em. Chàng trai Mông hiền lành, chất phác bắt nhịp nhanh với cuộc sống chốn đô thị. Trong quá trình học tập, Chứ thấu hiểu lời Bác Hồ dạy "lương y như từ mẫu", bác sỹ phải thương yêu, kính trọng bệnh nhân như người thân của mình. Đồng cảm với hoàn cảnh người bệnh, có như vậy bác sỹ mới hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Chứ còn tích cực tham gia hoạt động do nhà trường tổ chức, được thầy cô  tin yêu, bạn bè quý mến. Sau 3 năm học tập, Chứ tích lũy được vốn kiến thức cơ bản, kết hợp với thực tiễn công tác, Chứ háo hức bắt tay ngay vào công việc đầy tính nhân văn tại chính quê hương mình.

Từ xa xưa, người Mông quê Chứ tin vào đức chúa trời, họ quan niệm bệnh tật là do "con ma đói" gây nên. Do vậy, khi bị bệnh chỉ cần kiên trì cúng bái, thuê thầy cúng là bệnh tật sẽ khỏi. Chính vì vậy, ở quê Chứ số người chết do mắc phải căn bệnh đơn giản khá nhiều. Để thay đổi quan niệm lạc hậu trên không thể là việc một sớm, một chiều. 

Chứ không chỉ là cán bộ y tế, hắn còn là tuyên truyền viên để thay đổi nếp nghĩ tồn tại từ bao đời nay. Bị bệnh  thì phải đến cơ sở y tế khám, kê đơn, bốc thuốc thì bệnh mới khỏi. Chứ cùng với cán bộ kiên trì xuống các gia đình tuyên truyền, vận động người Mông tránh xa các thủ tục lạc hậu, đối với các trường hợp bị bệnh phải đưa đến cơ sở y tế điều trị. Thế rồi, người dân dần hiểu ra và nghe theo lời y tá Giàng A Chứ. 

Chỉ sau thời gian ngắn công tác, Chứ vinh dự được kết nạp vào Đảng. Với gia đình, Chứ là niềm tự hào, với người dân địa phương, Chứ là chỗ dựa tin cậy, là tấm gương để các em nhỏ noi theo.

Cuộc sống cứ thế trôi đi, Giàng A Chứ sẽ trở thành cán bộ cốt cán của địa phương nếu không có lúc hắn hám lời và tin lời kẻ xấu. Do địa hình hiểm trở, núi non trùng điệp, tiếp giáp với biên giới Việt - Lào và khu vực "Tam giác vàng", người Mông ở Mường Lát có quan hệ thân thuộc với người Mông ở Lào. Từ xa xưa, dân tộc Mông có tập quán hút thuốc phiện, họ coi đó là văn hóa, là tín ngưỡng tâm linh trong đời sống tinh thần. Vì lẽ đó, thuốc phiện, ma túy đã ăn sâu vào tiềm thức người dân từ khi vừa sinh ra. 

Sau khi có chủ trương của Đảng, Nhà nước về loại bỏ cây hoa anh túc, thay vào đó là cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Do bị tác động, lôi kéo từ kẻ xấu, trình độ dân trí thấp, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, bị cô lập với bên ngoài, đó là nguyên nhân căn bản dẫn tới tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy có dấu hiệu gia tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây. 

Cũng bởi giá trị ma túy "siêu lợi nhuận", nhiều người dân bất chấp pháp luật, vẫn ngang nhiên hoạt động, thậm chí lôi kéo người thân, bạn bè tham gia buôn bán, hình thành các đường dây ma túy lớn. Ma túy khiến nhiều gia đình tan nát, vợ không chồng, con không cha, những xóm bản vắng bóng đàn ông.

Từ xa xưa, người Mông ở quê Chứ có truyền thống trồng cây anh túc, một loài hoa đẹp đặc trưng của Tây Bắc. Thế nhưng, đằng sau vẻ đẹp lỗng lẫy ấy là thứ ma lực kỳ quái, làm tê liệt thần kinh những người sử dụng, tăng cảm giác hưng phấn. Các già làng, trưởng bản xưa đều dùng thuốc phiện như thần dược để chữa bệnh, duy trì cuộc sống. Cho đến năm 1991, loại cây độc ấy mới được triệt phá và thay thế bằng cây trồng có giá trị kinh tế cao. Thế nhưng, thuốc phiện, ma túy ăn sâu vào tiềm thức người Mông nơi đây.

Từ quê hắn đến biên giới Việt - Lào và khu vực "Tam giác vàng" đi bộ, băng rừng chỉ mất nửa ngày. Chính vì giá trị siêu lợi nhuận khiến cho người Mông lười lao động, muốn hưởng cuộc sống giàu sang, phú quý. Nhận thấy nhiều người đổi đời vì mua bán ma túy, Giàng A Chứ ấp ủ tư tưởng làm giàu. Mặc dù biết trước kết cục, song theo hắn kể thì "vì cuộc sống quá  khó khăn, nếu không đi buôn "hàng trắng" thì vợ con hắn không no cái bụng. Lúc đó, mọi người coi hắn là kẻ bất tài, vô dụng. Mà hắn chỉ buôn một đến hai lần, rồi làm ăn chân chính". Hình như, đó là lời chối tội của những kẻ mua bán ma túy chuyên nghiệp mà tôi không ít lần được nghe.

Quá trình sinh sống tại địa phương, Giàng A Chứ có quan hệ với Giàng A Sềnh, một kẻ chuyên cung cấp ma túy. Sềnh thuê Chứ vận chuyển 8 bánh hêrôin với giá 80 triệu đồng. Lóa mắt trước số tiền công quá lớn, bằng cả tiền lương mà Chứ dành dụm, tích lũy trong nhiều năm. Nhận thấy việc mua bán ma túy khá dễ dàng mà mang lại lợi nhuận kếch xù, hắn hý hửng sẽ thành công ở ngay lần đầu tham gia. Mặc dù lường trước việc có thể lĩnh án tử, song hắn nhắm mắt làm liều. 

"Mình sống lương thiện thì chắc các anh Công an không phát hiện ra" - hắn tự nhủ. Sau khi thảo thuận về hình thức giao nhận "hàng trắng", Giàng A Sềnh gọi điện cho Lý A Tráng cùng vận chuyển ma túy với Giàng A Chứ. Khoảng 17h ngày 12-11-2014, sau khi nhận "hàng" từ người đàn ông lạ mặt, Giàng A Chứ để bọc nilon màu đen ở giá hàng giữa xe máy, rồi cùng Lý A Tráng vận chuyển ma  túy lên Lào Cai. Để tránh bị bại lộ, người đàn ông căn dặn khá kỹ lưỡng, tỷ mỷ cũng như ám hiệu giao nhận hàng. Mặc dù lần đầu vận chuyển ma túy song Giàng A Chứ tự tin sẽ thành công và dễ dàng qua mắt cơ quan Công an.

Thế nhưng, "vỏ quýt dày có móng tay nhọn", khi đi đến địa phận xóm Nhuối, xã Tòng Đậu, huyện Mai Châu (Hòa Bình) thì gặp lực lượng Công an làm nhiệm vụ ở đó. Do chưa có kinh nghiệm đối phó, Giàng A Chứ tỏ rõ sự non nớt kinh nghiệm, nhất là khi các chiến sỹ Công an dừng xe để kiểm tra hành chính. Với kinh nghiệm trong nghề, tổ công tác Công an huyện Mai Châu tiến hành kiểm tra chiếc xe và phát hiện 8 bánh heroin để trong bọc nilon màu đen. Sự việc bị phát giác, bầu trời như sụp xuống trước mặt Chứ. Tất cả hy vọng về cuộc sống giàu sang, phú quý vụt tắt.

Người dân bản Xi Lô bàng hoàng khi hay tin người y tá "đáng kính" Giàng A Chứ bị bắt vì liên quan đến ma túy. Mọi người cảm thấy hụt hẫng, đau đớn khi niềm tin bị tổn thương. Hình ảnh người cán bộ gương mẫu, ngày nào bị vẩn đục. Chỉ vì hám lời, Giàng A Chứ tự đóng sập cánh cửa tương lai của mình.

Phiên tòa khép lại, Giàng A Chứ lĩnh mức án tử hình. Chứ cúi gằm mặt, lầm lũi lê bước trong những lời oán trách, thở dài của người người dự khán phiên toà. "Gieo gió thì gặt bão", Chứ phải trả giá cho những gì đã gây ra cho xã hội. Giá như Chứ có bản lĩnh, đứng vững trước cám dỗ đời thường thì giờ đây, có lẽ Chứ vẫn đang làm nhiệm vụ cứu người đầy tính nhân văn, tuyên truyền, vận động nhân dân bài trừ hủ tục lạc hậu, tệ nạn ma túy ở địa phương. Thật đáng tiếc cho sự lầm lỗi không thể làm lại của một cán bộ trẻ.

An Chi
.
.
.