Sơn La: Ma túy, nỗi đau chưa có hồi kết

Thứ Sáu, 08/05/2015, 13:00
Tỉnh Sơn La nói chung, huyện Mai Sơn nói riêng trong những năm gần đây do cơ chế thị trường phát triển đã tác động mạnh đến nền kinh tế của tỉnh, các dịch vụ như du lịch, khách sạn, nhà hàng phát triển nhanh, đời sống của nhân dân được nâng cao, toàn tỉnh không còn hộ đói. Nhưng mặt trái của cơ chế thị trường là các tệ nạn xã hội ngày một gia tăng trong đó nạn ma tuý đang là hiểm họa từng ngày từng giờ len lỏi vào các gia đình, nó đang lan rộng đến các làng bản vùng sâu, vùng xa và là con đường dẫn đến căn bệnh HIV/AIDS.

Cảnh đời và những nỗi đau

Cách trung tâm thành phố Sơn La hơn 30 km, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La là một thị trấn đông vui, tấp nập đang trên đà phát triển. Nhưng đằng sau dáng vẻ đông vui, tấp nập ấy, có rất nhiều ông bố, bà mẹ, những người vợ đang lầm lũi, lặng thầm cam chịu nỗi đau mất con, mất chồng do đại dịch HIV/AIDS tràn qua.

Trong ngôi nhà gỗ cũ kĩ ở tiểu khu 17, thị trấn Hát Lót, bà Lò Thị Thích năm nay hơn 60 tuổi, với dáng vẻ khắc khổ, gầy gò, đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ đang ngồi suy tư trước bàn thờ của người con trai cả còn rất trẻ mất cách đây 8 năm vì căn bệnh AIDS. Thật nghiệt ngã, sau cái chết của người con trai cả, người con trai thứ 2 cũng phát hiện bị lây nhiễm HIV vì tiêm chích ma tuý.

Bà kể về cuộc đời mình trong giọng nói nghẹn ngào, đứt đoạn, bởi nước mắt bà đã cạn khô trong thời gian qua: “Thấy con cái như thế này, tôi xót xa lắm. Có lẽ không bao giờ tôi khóc được nữa, hết nước mắt rồi. Chồng mất, con mất, mất tất cả rồi” - bà Thích tâm sự.

Từng chứng kiến cảnh lầm lạc của con gần 20 năm, phải chịu sự kỳ thị của mọi người xung quanh khi có con nhiễm HIV, bà Lò Thị Thích mong muốn không có bà mẹ nào phải gánh chịu nỗi đau mất con như bà. Bà cho biết, “bây giờ gia đình rất hoàn cảnh, chỉ còn một mình tôi với vợ chồng cháu út, chẳng ai có công ăn việc làm, rất vất vả. Tôi chỉ mong sao con cháu mình và lớp trẻ sau này hãy chí thú làm ăn, đừng ai chơi bời, mắc nghiện ma túy, HIV… khổ lắm”.

Ở thị trấn Hát Lót, chuyện nhà bà Thích chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện thương tâm về hậu quả của ma túy. Có những gia đình, chỉ trong vòng 1 tháng phải 2 lần đào huyệt chôn 2 người con trai tuổi đời còn rất trẻ. Lại có những gia đình, có từ 3 đến 4 người con trai nghiện ma tuý và đều bị “bão AIDS” cuốn đi.

Chị Đặng Thị Thanh, cùng trú tại tiểu khu 17, thị trấn Hát Lót đang phải sống trong căn nhà xiêu vẹo nằm quạnh quẽ, hiu hắt giữa cánh đồng. Tấm liếp mỏng, mục nát không còn che chắn được những cơn gió lạnh lùa vào khiến cho căn nhà chẳng có vật dụng gì đáng giá càng đìu hiu hơn. Sẽ chẳng có ai có thể nghèo hơn cảnh nghèo của chị Thanh được nữa.

Chồng chị vừa mất cách đây gần một tháng do không còn đủ sức chống chọi với căn bệnh HIV/AIDS. Nước mắt không ngừng rơi, chị cho biết: Anh chị sống với nhau hơn 20 năm, có 2 cậu con trai, thì cũng gần chừng ấy năm chị đau khổ vì phải chứng kiến cảnh chồng vật vờ làm bạn với ma túy. Khi mới sinh đứa con thứ 2 được 3 tháng thì biết tin chồng mắc HIV/AIDS, chị tưởng như gục ngã. Cậu bé bây giờ cũng đã học lớp 11. Thương con chị lại gắng gượng sống, hằng ngày kiếm việc làm thuê nuôi 2 đứa con và người chồng bệnh tật.

Đến bây giờ khi chỉ còn lại ba mẹ con, chị cũng chẳng có nổi miếng đất cắm dùi. Chỗ ở hiện tại này cũng do người dân trong tiểu khu thương tình cho thuê lại với giá 2 tạ ngô hạt mỗi năm, chủ đất cũng đang muốn đòi lại. Chị lo lắng bởi tương lai mù mịt của các con. Chị Thanh chia sẻ: "Cũng chẳng biết là sẽ thế nào vì trong tay mình kinh tế không có, nương rẫy cũng không có, nhà thì đi làm thuê, chỉ biết trông chờ vào đồng tiền đi làm thuê thôi, làm thuê ngày nào thì biết ngày đấy, còn không đi làm thuê thì ngày đó không có tiền”.

Bà Trương Thị Huệ, cán bộ Trạm y tế thị trấn Hát Lót, cộng tác viên chương trình HIV cho biết: "Cả thị trấn hiện còn hơn 300 người nhiễm HIV/AIDS sống rải rác ở tất cả 22 tiểu khu, trong đó có gần 50 người bệnh đang ở giai đoạn cuối phải chăm sóc, tư vấn tại nhà. Mặc dù, người nhiễm HIV/AIDS đã được dùng thuốc, biết cách chăm sóc, hạn chế lây lan bệnh nhưng năm nào ở thị trấn cũng có người chết vì căn bệnh này”.

Cơn bão HIV/AIDS tràn qua thị trấn nhỏ này khiến bao gia đình phải tan nát, bao người mẹ, người vợ đã khóc hết nước mắt vì mất người thân. Có lẽ, chẳng có cán bộ y tế nào muốn nhắc tới những con số buồn của địa phương mình. Tuy 3 năm trở lại đây, số ca nhiễm mới không nhiều, như trong năm 2014, chỉ có 5 người phát hiện mới. Nhưng đó mới chỉ là con số có hồ sơ quản lý, chứ con số thực thì không kiểm soát hết được do nhiều người có nguy cơ mắc HIV/AIDS chưa đến xét nghiệm.

Chị Trương Thị Huệ cho biết: "Nhà ai mà có 1 người nghiện thì cho vợ, cho con hoặc cho người thân đi xét nghiệm để loại trừ, nhưng không phải nhà ai có người nghiện cũng đi xét nghiệm, trừ trường hợp người ta thấy có một cái bệnh gì đấy nghi ngờ đi khám, được tư vấn là đi xét nghiệm HIV thì người ta mới đi xét nghiệm thôi. Cho nên để nhận định chiều hướng HIV ở thị trấn hiện nay tăng hay giảm thì cũng rất là khó".

Heo hắt xã nghèo vì AIDS

Cơn lốc HIV/AIDS không chỉ dừng lại ở thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, bởi hiện nay, Sơn La vẫn thuộc danh sách các tỉnh, thành phố có tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS cao nhất cả nước.

Trước đây, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La là một trong những tụ điểm lớn về ma túy. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể, tình trạng sử dụng ma túy trên địa bàn đã giảm đi đáng kể.

Theo ông Nguyễn Duy Cường, Trưởng Công an xã Cò Nòi thì số người nghiện đã giảm nhưng lại xuất hiện một số thanh niên trẻ dùng ma túy đá, gây nhiều khó khăn cho công tác phát hiện và cai nghiện tại địa phương. Thanh niên độ tuổi từ 18-30 sử dụng hồng phiến, ma túy đá là nỗi lo của chính quyền địa phương. Nguyên nhân là thanh niên đua đòi, hiện nay số lượng nghiện trong hồ sơ quản lý là 114 đối tượng. Hiện nay trên địa bàn xã có những gia đình có tới 3-4 con nghiện.

Tại xã Cò Nòi, gia đình bà Lò Thị Hoài có hoàn cảnh vô cùng thương tâm. Những đứa con đang sức dài, vai rộng bỗng chốc phá sạch của cải trong nhà và nhận lấy hậu quả phải trả bằng tính mạng. "Nếu chúng đi làm ăn đâu xa bị cám dỗ, rủ rê không làm chủ đã đành, đằng này chỉ quanh quẩn ở nhà với vài sào ruộng, nuôi con lợn, con gà thế mà nghiện lúc nào không hay" - bà Hoài nói.

Từ năm 2007 - 2013, nhà bà Hoài liên tiếp có 4 đám tang của chồng và 3 con trai ra đi vì ma túy. Bà gắng gượng cùng 2 cô con gái và 1 con trai lo tang cho chồng, con và cuộc sống gia đình. Khi 4 người bị “lưỡi hái tử thần” ma túy cướp đi thì nhà bà Hoài chẳng còn thứ gì đáng giá, làm được bữa nào thì rau cháo bữa ấy.  

Chung sức ngăn "bão"

Thực tế tình hình tội phạm ma túy tại Sơn La phức tạp một phần cũng vì phía bên kia biên giới, các bản làng của nước bạn Lào gần như đều có các hoạt động 100% liên quan đến ma túy. Trong khi đó, Đại tá Phùng Tiến Triển, Phó giám đốc Công an tỉnh Sơn La cho biết: Gần như lực lượng phòng chống ma túy của Lào rất mỏng và yếu, vì vậy công tác phòng ngừa đều do phía Sơn La hỗ trợ.

Thực tế trên khiến tình hình buôn bán ma túy tại vùng biên giống như chuyện “chiếc bờ nhỏ và con lũ lớn”. Nếu như không đấu tranh quyết liệt, nó sẵn sàng bị “vỡ” bất cứ lúc nào.

Theo lời kể của Đại tá Phùng Tiến Triển, từ nhiều năm nay, đồng bào dân tộc thiểu số tại Sơn La đều sống với mức sống dưới trung bình. Lợi dụng điều đó, các đối tượng “trùm” ma túy đã rủ rê, lôi kéo bà con làm nghề “phu” ma túy. Với số tiền “không tưởng” là 100 USD (tương đương hơn 2 triệu đồng) để mang 1 bánh heroin (khoảng 350 gam) vì thế nên nhiều người đã bất chấp để làm giàu, mặc dù vẫn biết đó là làm giàu bất chính.

Cứ như thế, đời cha lại truyền cho đời con và tạo ra những “phu” ma túy “truyền kiếp”. Và khi những “phu” ma túy trở nên giàu có thì chính họ lại trở thành những tay buôn ma túy khét tiếng. Và cũng từ đây, cuộc chiến chống ma túy vùng biên lại chồng chất thêm những khó khăn.

Theo Trung úy Nguyễn Mạnh Cường, Đồn phó Đồn Công an Nà Ớt, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La: “Trong thời gian qua, Đồn Công an Nà Ớt đã triệt phá thành công một tụ điểm bán lẻ ma túy tại bản Pắng Sẳng A, xã Chiềng Kheo. Do tính chất gia đình phạm tội nên gây khó khăn cho lực lượng chúng tôi trong việc nắm bắt tình hình, theo dõi di biến động của đối tượng. Bằng các biện pháp nghiệp vụ phối hợp với chính quyền địa phương cùng với sự giúp đỡ của quần chúng nhân dân, Đồn Công an Nà Ớt đã tiến hành xây dựng kế hoạch đấu tranh, triệt phá thành công tụ điểm này góp phần ổn định tình hình ANTT tại địa bàn”.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Sơn La đã phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 847 vụ, 1.223 đối tượng. Tang vật thu giữ: 156,3kg heroin, 5,2kg thuốc phiện,  trên 96.000 viên ma túy tổng hợp; 563 triệu VND, 10 ôtô, 304 xe máy, 457 ĐTDĐ, 25 khẩu súng, 355 viên đạn các loại và nhiều tang vật khác.  

Thiếu tá Phạm Quang Huy, Đội trưởng, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy Công an tỉnh Sơn La nói: "Mỗi chúng tôi đều xác định lập trường tư tưởng cũng như tinh thần kiên quyết đấu tranh tội phạm, đã khắc phục mọi hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm để cùng các cấp, các ngành đấu tranh có hiệu quả với tội phạm ma túy, ngăn chặn các toán, tốp, những đường dây tổ chức mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy lớn, góp phần đảm bảo ANTT tại địa bàn tỉnh Sơn La".

Lan Hương - Nguyên Tâm
.
.
.