Thầy giáo sa ngã trong đường dây ma túy khủng và bức tâm thư gửi mẹ xúc động

Thứ Năm, 26/02/2015, 11:00
Bản thân từng là giáo viên, tương lai xán lạn đang mở ra khi có vợ đẹp, hai đứa con ngoan, nhưng lóa mắt trước những đồng tiền bất chính nên đã lập bập đi buôn ma túy và trở thành người vận chuyển trong đường dây ma túy “khủng” từ Lào về Việt Nam.

Mang trên mình bản án chung thân, đường về xa ngút tầm mắt, nhưng gã vẫn may mắn khi có người vợ thủy chung đợi chờ, người mẹ già hết lòng vì con trông ngóng. 8 năm trong trại giam, gã đã phục thiện thực sự và đang trở thành thầy giáo của những trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật đang chấp hành án phạt tù tại đây.

“Mẹ ơi! Đã hơn 7 năm rồi kể từ ngày con phải xa mẹ, xa gia đình. Cũng ngần ấy thời gian, cứ sáng trưa chiều rồi lại tối, con luôn khao khát có được những giây phút bên mẹ, để được mẹ dạy bảo và bị mẹ mắng khi con sai. Những lúc như thế con mới thấy mình thật nhỏ bé trước mỗi bước đi của cuộc đời”. Đó là những lời mở đầu trong lá thư có tựa đề “Thư gửi mẹ” của phạm nhân Nguyễn Chính Biên, hiện đang thụ án chung thân tội mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy tại Đội 45, Phân trại số 1, Trại giam số 6, viết gửi mẹ hưởng ứng phong trào viết thư với chủ đề “Gửi lời xin lỗi” do Tổng cục VIII phát động. Bức thư đã làm lay động nhiều người và được Ban giám thị Trại giam số 6 khen thưởng.

Từ lời giới thiệu của Ban giám thị về trường hợp phạm nhân đặc biệt thường xuyên được khen thưởng trong phân trại này, tôi đã quyết định gặp Nguyễn Chính Biên để nghe phạm nhân này trải lòng về sự sa ngã của đời mình.

Bước chân lầm lỡ của một thầy giáo trẻ

Nguyễn Chính Biên (SN 1975), trú thôn Phú Xuân, xã Phú Hòa, huyện Lương Tài (Bắc Ninh), sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có 3 anh em. Bản thân được bố mẹ cho ăn học, thoát ly và trở thành cử nhân quản lý giáo dục và làm công tác giảng dạy tại một trường tiểu học trên địa bàn. Trước thời điểm phạm tội, Biên đã có vợ là đồng nghiệp giảng dạy cùng trường và hai đứa con trai ngoan ngoãn, mạnh khỏe.

Kể về bước ngã cuộc đời mình, Nguyễn Chính Biên cho biết, do công tác trong ngành giáo dục nên Biên có quen biết với nhiều người trong ngành, trong đó có Trần Đình Phi, lúc bấy giờ đang là kế toán tại một trường học trên địa bàn huyện Quế Phong (tỉnh Nghệ An). Trong những lần ra Bắc “công tác”, Phi thấy cuộc sống của vợ chồng Biên còn khó khăn nên đã rủ rê tham gia đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy từ Lào về Việt Nam rồi đưa ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ.

Lóa mắt trước những đồng tiền bất chính, Biên đã nhắm mắt đưa chân mà không hề biết rằng, lúc bấy giờ Phi đã là “ông trùm” ma túy, thiết lập được đường dây liên tỉnh cỡ bự. Mỗi lần xách ma túy từ Nghệ An về Bắc Ninh, Biên được trả công từ 15 đến 20 triệu đồng, là số tiền quá lớn so với thu nhập công chức lúc bấy giờ nên đã không thể cưỡng lại được sự cám dỗ của đồng tiền.

Đến chuyến hàng thứ 3 vào ngày 6/11/2006 thì Nguyễn Chính Biên bị bắt quả tang với 12 bánh heroin. Cùng với 21 bị cáo khác trong đường dây đã bị tuyên án vì vận chuyển 59 bánh heroin, Biên nhận mức án chung thân. Sau ngày tuyên án, Phạm Chính Biên được chuyển đến Trại giam số 6 vào ngày 8/8/2008, thụ án và cải tạo lao động tại Phân trại số 1, lao động trong nhà xưởng với ngành nghề là làm mi mắt giả.

Biên tâm sự, đã 8 năm kể từ ngày bị bắt và kết án, nỗi nhớ gia đình, vợ con ngày nào cũng thôi thúc. Ngày anh lên xe thùng vào trại giam, vợ đang mang thai đứa thứ hai, đến nay, đứa lớn đã học lớp 4 trường làng. Hằng năm, vào dịp lễ Tết, vợ con vẫn thường vào thăm nuôi, động viên để Biên gắng cải tạo tốt, sớm trở về sum họp gia đình. So với nhiều phạm nhân khác, Biên vẫn còn may mắn khi người vợ rất mực thủy chung, đã ở vậy nuôi con, chờ chồng và chăm sóc mẹ chồng năm nay ngoài 70 tuổi.

Phạm nhân Phạm Chính Biên - Thư xin lỗi ở trại giam.

Biên cho biết, thời kỳ đầu khi mới vào Trại giam, tư tưởng chán nản và tuyệt vọng lắm. Khi được Ban giám thị và cán bộ quản giáo phân tích, động viên, Biên đã tỉnh ngộ và quyết tâm cải tạo tốt. Đến nay, Nguyễn Chính Biên đã trở thành phạm nhân điển hình của Phân trại số 1, tham gia đầy đủ và thường xuyên các hoạt động do trại giam tổ chức. Ngoài việc được khen thưởng trong cuộc thi viết thư “Gửi lời xin lỗi”, trong năm vừa qua, Biên cũng đã đoạt giải trong cuộc thi học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do trại giam tổ chức.

Tâm thư gửi đến mẹ già

Chia sẻ về việc chọn mẹ già để gửi thư chứ không gửi cho người vợ đang chịu nhiều thiệt thòi ở quê của mình, phạm nhân Nguyễn Chính Biên cho biết, bản thân được bố mẹ nuôi ăn học, đến lúc vừa trưởng thành đã vướng vào lao lý, thấy tội lỗi với đấng sinh thành nhiều lắm. Mẹ của Biên, bà Vũ Thị Sen năm nay đã ngoài 70 tuổi, cuộc đời chịu quá nhiều thiệt thòi và mất mát khi chồng mất cách đây hơn 10 năm, mọi gánh nặng phận người đều đè nặng lên đôi vai gầy.

“Tình cảm vợ chồng cũng rất đáng quý, nhưng lần này muốn dành lời xin lỗi để gửi mẹ. Nếu có lần thứ hai được phép viết thư, sẽ viết thư cho vợ, người đàn bà thứ hai trong đời mình vướng nặng nợ trần gian”, phạm nhân Biên chia sẻ.

Lá thư được kiểm duyệt và gửi về Bắc Ninh theo dấu bưu điện. Khi gọi vào, mẹ của Biên có thắc mắc, bình thường vẫn nhận được thư con nhưng không thấy có dấu đỏ của Trại giam như lần này. Khi nghe con trai giải thích, bà Sen đã ứa nước mắt nghẹn ngào: “Làm cha, làm mẹ bao giờ cũng mong điều tốt đẹp nhất cho con cái. Con sa ngã, mẹ rất giận nhưng lúc nào mẹ cũng mở rộng lòng thương đón con trở về…”, lời nói ấy của mẹ, lúc nào cũng văng vẳng bên tai, trở thành động lực để Biên tự răn mình cải tạo tốt hơn mỗi ngày.

Được sự đồng ý của Ban giám thị Trại giam số 6 và của phạm nhân Nguyễn Chính Biên, tôi xin trích một đoạn trong bức thư lay động lòng người của phạm nhân này viết gửi mẹ. Thư có đoạn: “Thật may mắn khi 8 năm qua con được chấp hành án tại Trại giam số 6. Ở đây, chúng con luôn nhận được sự quan tâm, chỉ dạy tận tình của Ban giám thị, Hội đồng cán bộ nên con đã nhận rõ những sai lầm, những việc làm đã gây ra biết bao mất mát, đau khổ cho gia đình, người thân, gây ảnh hưởng xấu tới an ninh trật tự và an toàn xã hội. Tác hại từ ma túy là rất nghiêm trọng cho cuộc sống cộng đồng.

Mẹ ơi, con đã sai thật rồi. Ngàn lời con xin mẹ tha thứ, mong mẹ hãy tha thứ cho những lỗi lầm mà con đã gây ra. Chưa bao giờ con thấy thấm đau, thấm khổ, thấm lỗi như bây giờ. Mẹ già ngày đêm thổn thức, mẹ hiền con nhỏ bơ vơ. Nước mắt con giàn giụa trong những đêm dài không ngủ. Rồi con lại nghĩ đến lời khuyên dạy của mẹ. Cuộc sống của con bây giờ chỉ có một thứ có thể gột rửa hết lỗi lầm, đó là mồ hôi công sức, là nước mắt sự phục thiện của bản thân qua từng ngày tu dưỡng và rèn luyện nơi đây. Chính tình thương yêu và sự bao dung nơi mẹ đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho con trên bước đường trở về nẻo thiện. Ngày hôm nay con của mẹ đang bước trên con đường ấy, con đường của ngày trở về.

Thưa mẹ kính mến! Tuy con đã phạm sai lầm, nhưng chuyện đó đã là quá khứ. Con đã thực sự hối hận, đã nhìn rõ lỗi lầm và sẽ quyết tâm sửa chữa lỗi lầm, quyết tâm làm lại cuộc đời vì ngày mai tươi đẹp hơn. Con sẽ làm lại ngay từ bây giờ và ngay từ ngày hôm nay”.

Thời gian gần đây, do đạt được những thành tích xuất sắc trong quá trình thụ án nên Nguyễn Chính Biên đã được chuyển từ Đội 33 về Đội 45, là đội có 33 trẻ vị thành niên đang chấp hành án phạt tù để lao động, trực tiếp làm gương cho các cháu noi theo theo chính sách giáo dục của Ban giám thị. Bên cạnh việc hướng dẫn các cháu lao động đúng cách, Biên còn tham gia dạy bảo, giúp đỡ các em bằng văn hóa để các em cải tạo tốt hơn, rút ngắn ngày về lại với xã hội.

Biên cho biết, bản thân còn có một số “tài lẻ” như viết, vẽ và tết năm nào cũng tham gia gói bánh chưng cho phân trại. Nhắc đến Tết, bản thân Biên lại xao xuyến bồi hồi, mong đợi ngày này hơn bao giờ hết. Bởi xuân đến, tết về là lúc Biên lại được gặp gỡ vợ con, được tham vấn sức khỏe của mẹ già ở quê, từ đó tạo động lực để tu tâm cải tạo tốt, mong ngày về với xã hội ngắn lại.

Quỳnh Thuận
.
.
.