Trung Quốc:

Làn sóng người trẻ tìm đến ma túy vì áp lực cuộc sống

Thứ Hai, 14/03/2016, 11:06
Trung Quốc đang phải đối đầu với cuộc chiến chống ma túy vô cùng khó khăn bất chấp những nỗ lực của Bắc Kinh để giải quyết vấn đề này. Một báo cáo mới được công bố cho thấy, lạm dụng ma túy bất hợp pháp đang gia tăng trong giới trẻ Trung Quốc.


Gia tăng số người sử dụng ma túy bất hợp pháp dưới 35 tuổi

"Cuộc chiến với ma túy ở Trung Quốc vẫn còn diễn biến phức tạp. Số lượng người sử dụng gia tăng, xuất hiện thêm nhiều chất ma túy mới. Các cơ quan thực thi pháp luật phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong một thời gian dài nữa", Liu Yuejin, thành viên của Ủy ban Kiểm soát ma túy quốc gia (NNCC) nói với các phóng viên trong cuộc họp công bố bản báo cáo mới nhất về tình hình ma túy ở Trung Quốc hồi cuối tháng 2 vừa qua.

Sự bất bình đẳng trong thu nhập, cạnh tranh công việc khốc liệt khiến nhiều người Trung Quốc tìm đến ma túy để giảm stress.

Bản báo cáo cho hay, trong năm 2015, có sự gia tăng đáng kể số lượng người sử dụng ma túy bất hợp pháp ở độ tuổi dưới 35. Phần lớn người sử dụng ma túy đã chuyển từ heroin sang ma túy tổng hợp. Trong số 531.000 người sử dụng ma túy mới được ghi nhận, hơn 80% sử dụng methamphetamine (meth), thuốc lắc và ketamine. Những nhóm thanh niên thường sử dụng các loại ma túy tổng hợp trong các câu lạc bộ đêm và quán karaoke.

Một báo cáo năm 2015 của Viện Brookings tại Washington cho biết, số lượng ma tuý được sản xuất tại Trung Quốc bị thu giữ có sự gia tăng ổn định trong những năm qua. Giáo sư Sheldon Zhang, khoa Xã hội học của Đại học San Diego nhận định: "Ma túy tổng hợp đã được sản xuất ở Trung Quốc. Có nguồn cung cấp dồi dào các nguyên vật liệu sử dụng để sản xuất ma túy tổng hợp. Nguồn nguyên liệu này cho phép sản xuất ma túy tổng hợp với số lượng lớn, nhanh hơn nhiều lần so với cây trồng hữu cơ coca hoặc cây thuốc phiện", ông nói với phóng viên tờ DW (Đức).

Trong thực tế, báo cáo NNCC cũng cho thấy bằng chứng về nhiều loại ma túy tổng hợp sản xuất tại Trung Quốc. Năm ngoái, 77% trên tổng số 102,5 tấn ma túy bị bắt giữ được sản xuất trong nước, bao gồm cả meth và ketamine.

Mặt trái nền kinh tế và thời bùng nổ công nghệ

Tingting Chen, Giám đốc một tổ chức phi chính phủ nghiên cứu về các nhóm yếu thế trong xã hội như đối tượng sử dụng ma túy và mại dâm cho rằng, cơ sở hạ tầng Internet tốt cùng với việc sử dụng rộng rãi điện thoại thông minh khiến việc mua ma túy trực tuyến ở Trung Quốc trở nên dễ dàng.

Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế cũng đã góp phần làm gia tăng nhu cầu sử dụng ma túy của thanh niên Trung Quốc. "Thu nhập cao hơn trong khi sự kiểm soát xã hội nới lỏng đã cho phép những người trẻ tuổi có thêm thời gian, nguồn lực và sự tự do để khám phá những điều mới lạ", ông Shen nói.

Giáo sư Zhang nhận định, "chất kích thích được nhiều người dân thành thị ưa thích chứng tỏ sự sành điệu của mình. Họ thường sử dụng ma túy trong các câu lạc bộ đêm". Giáo sư Zhang cũng tin rằng, mặt trái của sự tăng trưởng kinh tế đã khiến nhiều người Trung Quốc tìm đến ma túy để giảm stress. "Bất bình đẳng thu nhập, cạnh tranh công việc gay gắt, điều kiện sống đô thị hỗn loạn đã khiến nhiều người cảm thấy bế tắc. Họ tìm đến ma túy như một giải pháp để vượt qua áp lực về thành công hay tồn tại", Giáo sư Zhang nói.

Giáo sư Zhang cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác chống ma túy, Trung Quốc phải thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó, cần chú trọng việc hỗ trợ tâm lý cho người nghiện. Các mô hình cai nghiện bắt buộc được áp dụng tại Trung Quốc trong những thập kỷ qua bị đánh giá là thiếu sự hỗ trợ tâm lý thích hợp.

"Nhiều người được gửi đến các trung tâm cai nghiện mà không được kiểm tra y tế hoặc tâm lý thích hợp. Họ cũng không được đánh giá và chẩn đoán mức độ sử dụng ma túy. Cai nghiện thường không mang lại hiệu quả nếu người sử dụng ma túy không tự nguyện", Giáo sư Zhang nói.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, thời gian gần đây, chính quyền Bắc Kinh đã dần dần thay đổi cách tiếp cận trong công tác phòng chống ma túy. Điểm khác biệt rõ nhất là chuyển dần trọng tâm từ "trừng phạt khắc nghiệt" với tội phạm ma túy sang "giảm tác hại" của ma túy, nhấn mạnh phục hồi chức năng và khả năng tự điều chỉnh của người nghiện. Đến cuối năm 2014, Trung Quốc đã có tổng số 767 phòng khám tại 28 tỉnh trên khắp cả nước, cung cấp các sản phẩm thay thế và điều trị cho người sử dụng heroin. 

P. Tường (Tổng hợp)
.
.
.